Monday, 3 February 2020

KHI VƯƠNG QUỐC ANH CHÍNH THỨC RỜI LIÊN HIỆP CHÂU ÂU (Lê Phan)




Lê Phan
February 3, 2020

Vương Quốc Thống Nhất Anh, sau gần nửa thế kỷ, đã cắt đứt liên hệ với lục địa Âu Châu và các nước láng giềng của mình vào lúc 11 giờ đêm 31 Tháng Giêng, 2020 (giờ Luân Đôn, tức 12 giờ, giờ Brussels). Nhưng sự chia tay không được đánh dấu bằng tiếng bong của tiếng chuông đồng hồ Big Ben (không may cho những người Brexit, đang phải sửa chữa) mà với hầu như lặng lẽ, trong khi đất nước lo âu đi vào một chương sử mới, đầy sóng gió.

Dưới bầu trời xám xịt của một mùa Đông ảm đạm, những người Brexit đã tụ tập ở quảng trường quốc hội ở trung tâm thủ đô Luân Đôn để ăn mừng với lá cờ của Liên Hiệp Vương Quốc vào cái ngày mà họ bảo là Anh Quốc sẽ một lần nữa trở thành “một quốc gia độc lập,” không còn bị ràng buộc bởi liên hệ với Brussels nữa.

Nhưng ở những nơi khác, bầu không khí lặng lẽ khi đồng hồ từ từ điểm 11 giờ đêm hôm Thứ Sáu, thời điểm chia tay.

Cũng phải nói là nhiều người chủ trương Brexit tôn trọng sự đau buồn của gần một nửa những công dân Anh khác vốn đã bỏ phiếu ở lại với Âu Châu trong cuộc trưng cầu dân ý về Liên Hiệp Âu Châu năm 2016.

Ông Steve Baker, lãnh tụ của khối dân biểu ủng hộ Brexit, mang cái tên Nhóm Nghiên Cứu Âu Châu của các dân biểu Bảo Thủ, đã ấn định thái độ tuần này khi ông nói với các vị đồng viện, “Tôi sẽ ăn mừng. Tôi sẽ cho tôi được một nụ cười, tôi sẽ cho tôi một ly champagne, tôi sẽ rất vui sướng. Nhưng tôi sẽ ăn mừng một cách kín đáo, và tôi sẽ ăn mừng theo một cách tôn trọng sự đau buồn của những người đang cảm thấy trong cùng thời điểm đó.”

Thủ Tướng Boris Johnson đã tổ chức một bữa tiệc rượu gần như âm thầm ở số 10 đường Downing, mời khách rượu “champagne” Ăng-lê và một thực đơn gồm roast beef, cheese từ Shropshire và một bữa cơm trưa kiểu người đi cầy, một thực đơn có vẻ như để nhớ lại cái thời mà khẩu vị của người Anh chưa lập thành một liên hiệp với phần còn lại của Âu Châu. Người Anh ngày nay có triển vọng đi ăn cơm Ý, cơm Tây, cơm Tây Ban Nha, hơn là cơm Anh.

Những tòa nhà của khu Whitehall, khu công thự của chính phủ, được thắp sáng, nhưng các viên chức của phủ thủ tướng nói party sẽ kết thúc và đèn tắt ngay sau khi Brexit hoàn tất.

Sau những ồn ào và đầy kịch tính của ba năm qua, Vương Quốc Thống Nhất Anh đã lặng lẽ rời Âu Châu và lịch sự đóng nhẹ cánh cửa lại khi mình đi ra.

Trong chính ngày Brexit, Thủ Tướng Johnson đã cầm đầu một khóa họp nội các ở Sunderland, vốn là thành phố đầu tiên đã bỏ phiếu rời Liên Hiệp Âu Châu khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được tuyên bố.

Sunderland cũng là địa điểm mà Tập Đoàn Xe Hơi Nissan lựa chọn thời thập niên 1980 cho một khu kỹ nghệ để làm xe Nissan cho toàn thị trường Liên Hiệp Âu Châu rộng lớn, lợi dụng biên giới không có trở ngại giữa Anh Quốc và phần còn lại của khối kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhưng chính phát ngôn nhân của Thủ Tướng Johnson cũng phải công nhận là “những tiến trình” mà những công ty như Nissan – với một dây chuyền cung cấp phức tạp rải ra khắp Âu Châu – sẽ phải đối diện ở biên giới tương lai của Liên Hiệp Âu Châu và Liên Hiệp Vương Quốc, nếu thủ tướng đạt được hứa hẹn lâu nay của ông là “một thỏa thuận mậu dịch kiểu Canada” với khối. Một thỏa thuận mậu dịch tự do kiểu Canada không phải là một thành viên của một khối mậu dịch và vẫn có cản trở.

Với còn nhiều bất định trong tương lai, Đức Tổng Giám Mục Canterbury Justin Welby, vốn đứng đầu trong hàng giáo phẩm của Giáo Hội Anh Giáo, tức vị lãnh tụ tinh thần của giáo hội, nói với đài BBC là Liên Hiệp Vương Quốc “phải đoàn kết trong một viễn ảnh chung cho đất nước chúng ta, mặc dầu cho đã có khác biệt lớn trong việc đạt được viễn ảnh đó.”

Nhưng Lãnh Tụ Đảng Brexit Nigel Farage thì vênh vang và không tỏ chút nào hòa giải “Sau cùng ngày đã đến khi chúng ta giành tự do. Một chiến thắng vĩ đại của nhân dân chống lại giới cầm quyền.”

Ở Brussels, tư cách hội viên của Anh Quốc đã lịm dần trong một buổi chiều ẩm ướt, đánh dấu bởi một sự hiểu biết thật sâu xa bên trong những định chế khổng lồ của khối về cuộc sống sẽ khác đến mức nào khi không có người Anh.

Nhân viên của Hội Đồng Âu Châu, cơ quan đầy quyền hành vốn đoàn kết các chính phủ quốc gia, đã khuyến cáo qua những email nghiêm nghị bởi các vị cầm đầu chính phủ Âu Châu để bảo đảm là các nhà ngoại giao Anh sẽ bị cắt đứt khỏi công việc của khối. Thông điệp yêu cầu nhân viên “đặc biệt cẩn thận về danh sách email mà quý vị dùng sau ngày rút lui” lỡ trong trường hợp “vô tình bao gồm những địa chỉ email của Anh.” Email này nói “Quý vị không được chia sẻ thông tin và văn kiện với phái đoàn hay đại diện của Vương Quốc Thống Nhất.” Và kết luận “Nếu quý vị cần mời những đại diện Anh Quốc vào trong các tòa nhà của chúng ta thì nó sẽ là khách từ quốc gia thứ ba.”

Khu văn phòng dành cho Liên Hiệp Vương Quốc Anh ở hội đồng Âu Châu đã trống trơn từ hôm thứ sáu, khi các nhà ngoại giao đã dọn ra trong mấy tuần này. Lá cờ liên hiệp đã được hạ xuống khỏi mọi định chế của Âu Châu vào chiều hôm thứ sáu, với một lá cờ được nói sẽ được đưa vào một viện bảo tàng.
Một nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu diễn tả bầu không khí ở Brussels là “chấp nhận, nghiêm chỉnh, bất định.” Ông ta thêm: “Không phải là lúc ăn mừng. Không có bình minh mới. Chỉ có thực tế là Liên Hiệp Vương Quốc đã chọn rời một động cơ chính ở lục địa này cho các nhà nước làm việc với nhau.”

Các lãnh tụ Âu Châu đã đánh dấu ngày này với những cuộc họp báo đầy thách thức mà thông điệp chính là khối đã tiến tới. Đặc Sứ Michel Barnier, nhà điều đình chính của Liên Hiệp Âu Châu về Brexit, đã dành ý kiến của ông cho một tweet “Nó là một ngày xúc động… công việc của chúng ta tiếp tục.”

Ở tổng hành dinh của Liên Hiệp Âu Châu ở Brussels, các viên chức và gia đình là trong số những người tụ tập dự một thánh lễ đánh dấu ngày Brexit ở Nhà Nguyện cho Âu Châu. Những người đến dự đông chật nhà thờ diễn tả một thánh lễ đầy xúc động, với một số người đến dự bật khóc, khi họ cầu nguyện cho sự tiếp tục tinh thần hợp tác và hòa hợp giữa Liên Hiệp Âu Châu và Liên Hiệp Vương Quốc.

Ngày Brexit là ngày chính thức hoàn tất một sự rút lui từ từ của Anh Quốc, với nước Anh đã trải qua nhiều tháng là một quan khách bị động ở Hội Đồng Âu Châu. Cao ủy cuối cùng cho Âu Châu, tức đại sứ Anh tại liên hiệp, ông Julian King, đã rời khỏi chức vụ từ cuối Tháng Mười Một.

Liên hiệp Vương quốc nay bắt đầu một tiến trình điều đình một thỏa thuận mậu dịch với Liên Hiệp Âu Châu bên ngoài phòng họp, một sự thay đổi lớn khác với cuộc điều đình thỏa thuận rút lui mà ông Johnson đã đạt được bên trong liên hiệp với tư cách hội viên.

Khi được hỏi ở một cuộc họp báo hôm Thứ Sáu liệu ông có điên thoại chúc mừng cho ông Johnson không, Thủ Tướng Hòa Lan Mark Rutte nói “Không, có gì để ăn mừng đâu.”
“So long, Adieu, auf wiedersehen, adios” nhưng chắc chắn không phải là “au revoir.” (Lê Phan)







No comments:

Post a Comment

View My Stats