Không bức tường nào sập. Không có bức tường nào của
nhà ông Lê Đình Kình bị công an nổ mìn đánh sập cả. Ngôi nhà gần như nguyên vẹn,
trừ các vết đạn. Có một lối đi thông giữa nhà ông Kình với nhà con trai Lê Đình
Chức, do ai đó đã đập vỡ một phần tường ngăn cách, bà Dư Thị Thành nói người
nhà tự làm, khi chúng tôi thắc mắc.
Cũng không có hầm chông nào. Đảng viên trung kiên Lê
Đình Kình, người đã kinh qua hai cuộc chiến tranh lẫy lừng do Cộng sản chỉ đạo,
kinh qua quan trường, kinh qua đấu tranh với quân đội – công an, trí tuệ còn
minh mẫn, không phải anh du kích không biết viết biết đọc mặc khố ăn lá cây giữa
rừng năm xưa. Làng Đồng Tâm gần như phố thị, nhà nối nhà cửa hiệu nối cửa hiệu,
bê tông cốt thép ngạo nghễ mọc trên gốc hồn làng.
Nhà ông Kình rất nhỏ. Tôi đoán ông đã chia mảnh đất
làm ba để chia cho hai người con trai, như hàng triệu người cha Việt Nam đã
làm, cưới vợ dựng nhà chăm cháu cho con. Nhà ông Kình nghèo. Bàn ghế, giường
chiếu, bếp núc đơn sơ, lạc hậu. Chiếc tủ sắt trong phòng ông Kình, ngăn trên đựng
quần áo ngăn dưới đựng giấy tờ mà bà Kình nói cảnh sát đã phá khóa lấy hết những
tài liệu quan trọng liên quan đến đất Đồng Sênh, nó nhỏ cũ và mang hơi hướng
quân đội làm tôi nghĩ mình đang đứng trong phòng làm việc của tòa án quân sự thập
niên năm mươi. Cũng không lạ, ông Kình là cựu chiến binh đánh Mỹ, cựu trưởng
công an xã Đồng Tâm.
Nhưng lạ, trước câu hỏi tại sao ông nghèo thế, khi
mà công an, báo đài, dư luận viên luôn khẳng định ông Kình và nhóm Đồng Thuận
nhận rất nhiều tiền của các tổ chức phản động. Tại sao ông Kình không dùng những
tờ tiền xanh ám màu dân chủ ướt nhẹp âm mưu ấy tậu bàn gỗ lim ghế gỗ táu chạm rồng
khắc phượng mà ngự lên cho ngang tầm thủ lĩnh như ai kia? Sao ông không cho đúc
tượng mình rồi đặt trên kệ cho thiên hạ ngước nhìn, dù sao ông cũng được người
đời tôn vinh ca ngợi anh hùng, nổi tiếng chẳng kém ai. Có lẽ đã đến lúc chính
quyền nên ngừng chơi trò mượn gió bẻ măng, mượn Việt Tân nhổ gai bưởi dám đâm
trái hồng. Chơi vài lần đầu, thắng, không nhiều người thắc mắc, cứ chơi đi chơi
lại mãi, Việt Tân thành quen thuộc với dân, thành tiếng lóng dân sử dụng, không
còn cái xấu xa, nguy hiểm, phản động mà người ta muốn dân bĩu môi vằn mắt nghiến
răng căm thù khi nghe hai tiếng du dương.
Có thể Việt Tân hay ông A bà C gửi tiền cho nhóm Đồng
Thuận thật, tiền đó đã được tính trong lượng kiều hối tỷ tỷ đô la chiếm nhiều
nhiều phần trong sự hóa rồng hóa hổ của đất nước hôm nay. Vài đồng tiền đó
không quyết định được sự thay đổi tư tưởng của đảng viên Lê Đình Kình, không bắt
ép được thành viên nhóm Đồng Thuận cầm vũ khí đứng lên, bởi họ đã thành người
Việt mới bên trong trước cả người Việt cũ bên ngoài.
Quay trở lại Đồng Tâm năm 2017. Từ lúc dân Đồng Tâm
bắt giữ 38 cán bộ, cho đến nay, sau khi cảnh sát quay lại Đồng Tâm bắn chết thủ
lĩnh nhóm Đồng Thuận, tôi vẫn cho rằng cơ quan tư pháp đã nên làm triệt để
trong vụ án hình sự bắt giữ 38 cán bộ này, không vì lời hứa vờ trong lúc rối loạn
của ông chủ tịch Nguyễn Đức Chung – người không có quyền hạn trong việc truy tố
– xét xử mà chỉ khởi tố vụ án như là hình thức rồi cho qua. Vẫn biết tức nước vỡ
bờ, vẫn biết nền tư pháp đã thối nát đã bị thao túng đến mức chỉ còn là bộ quần
áo của kẻ ăn mày trong mắt dân và bộ quần áo của hoàng đế trong mắt kẻ quyền thế,
nhưng chúng ta không thể biện minh cho việc lấy bạo lực đè lên luật pháp.
Tôi đã xem một phụ nữ Đồng Tâm kể lại cách thức bắt
giữ 38 cảnh sát – cán bộ thế nào, trong đó nhấn mạnh câu chuyện vào lúc hỗn loạn,
chị ấy gặp cháu cảnh sát cơ động bơ phờ vì đi lạc, cảnh sát này hỏi thăm đường,
chị bảo lên xe đi cô chở ra đường lớn, rồi chị phóng xe máy chở cháu cảnh sát
thơ ngây đến nhà văn hóa thôn Hoành cho cháu nhập hội cùng các đồng đội của
mình đã bị bắt giữ bằng những cách thức khác. Có thể nhiều người thán phục sự
mưu trí của chị phụ nữ này, nhưng tôi thì không. Cũng như tôi không xem ông
Kình là anh hùng, ông chỉ là một chứng nhân của lịch sử hiện đại.
Đáng ra chị phụ nữ Đồng Tâm đấy không nên kể lại chiến
công của mình trước công luận mà nên giấu nhẹm. Đáng ra đừng nên dân túy nửa vời,
mà làm đúng trình tự tố tụng hình sự, chiếc búa của quan tòa thực sự đại diện
cho cán cân công lý chứ không phải đập lên dập xuống theo bàn tay ám dấu của cấp
ủy này chi bộ nọ ủy viên kia, vụ án xử đúng người đúng tội, biết đâu người Đồng
Tâm đã biết sợ, đã nghĩ đến con đường đấu tranh khác ôn hòa hơn.
Nhưng, cái nhưng này là điểm hệ trọng, mấu chốt: Trước
khi khởi tố vụ án bắt giữ 38 cán bộ ở Đồng Tâm, cơ quan tư pháp phải khởi tố vụ
án ông Lê Đình Kình bị đánh gãy chân ở Đồng Sênh, thay vì một đại diện nào đó của
Sở công an ra tuyên bố rằng không có việc công an Hà Nội đánh gẫy chân ông
Kình, rằng do giằng co mà ông Kình bị gãy chân. Có lẽ tôi quá lạc quan khi nghĩ
nếu viên công an đánh ông Kình đã phải nhận một bản án đích đáng, địa danh Đồng
Tâm sẽ không sáng lên trên bản đồ Việt Nam hai năm sau, những vệt sáng chiếu bằng
máu đỏ.
Máu đỏ. Máu ai chẳng đỏ, ai chết cũng là người Việt.
Biết thế, mà đỏ cũng nhiều kiểu đỏ. Bốn người chết ở Đồng Tâm sáng ngày 9 tháng
1 đều mang dòng máu đỏ tươi nhức nhối, đều đã được mặt trời chân lý chói qua
tim. Cầu thang dẫn lên gác hai nhà ông Kình, chỗ dễ nhìn thấy nhất treo huy hiệu
55 tuổi đảng cùng nhiều huân huy chương do chính quyền khen tặng. Không kịp hỏi
bà Kình, bảng hiệu và huân huy chương ấy ông Kình đã treo lên từ trước hay sau
ngày Rằm tháng Chạp – ngày ông bị tổ chức bắn chết, người nhà mới bày ra? Tôi đồ
chúng đã có ở đó từ trước, từ lâu, bởi ngay trước lúc bị bắn không lâu, ông
Kình vẫn tin đảng sẽ xử lý các nhóm lợi ích để đất Đồng Tâm vẫn thuộc về dân Đồng
Tâm, vẫn tin và ca ngợi người đốt lò vĩ đại Nguyễn Phú Trọng.
Bởi ngay khi chúng tôi bước vào ngôi nhà nhỏ, trước
bàn thờ lạnh buồn của ông Kình, bà Thành cùng người hàng xóm đã khóc khóc mếu mếu
mà rằng các bác ơi, cả một đời ông theo đảng, phục vụ nhà nước, đấu tranh chống
tham nhũng mà bị chết như thế, các bác giúp với. Bởi trên chiếc bàn nhựa cũ kỹ
đặt ngoài sân, giữa đám cốc chén nhỏ vô danh, nổi bật chiếc ấm pha trà cỡ vừa
màu trắng in chữ xanh: Đại hội đảng bộ xã Đồng Tâm nhiệm kỳ 2015 – 2020 kính tặng.
Tôi rất muốn hỏi bí thư chị bộ xã Đồng Tâm, sao chưa
khai trừ đảng viên Lê Đình Kình khỏi tổ chức, khi ông là “đối tượng chống đối
nguy hiểm” như vậy? Tôi tự hỏi mình, loạt loạt đạn đã bắn vào nhà ông Kình, thủng
tường, thủng cửa, thủng tủ, thủng tim, sao không thủng bảng hiệu 55 năm tuổi đảng.
Nếu đạn trúng tấm vinh danh ấy, nó sẽ thành hiện vật lịch sử, một hiện vật bi
hài.
Đứng bên bờ chiếc giếng trời “huyền thoại”, giữa hai
ngôi nhà của hai con trai ông Kình, những người bị bắt đi, người nhà chưa nhận
được tin tức gì, không biết sống chết ra sao, tôi cứ băn khoăn mãi. Giếng hẹp
nhỏ tới mức tôi không thể tin cả ba cảnh sát cùng ngã xuống một lúc, Từ bậu cửa
sổ nhà này nhảy qua giếng để sang sân thượng nhà kia, một cậu bé tiểu học cũng
có thể dễ dàng nhảy qua, làm sao một người ngã, người thứ hai, lại tiếp thứ ba?
Tôi đã kéo bạn nhà văn nặng chưa đến 40kg đứng sát cạnh mình, vẫn quá chật cho
chiếc hố nhỏ. Rồi chúng ta sẽ biết họ chết thế nào trong kết luận điều tra,
trong bản cáo trạng dựa trên lời kể của công an chứ không phải chứng cứ từ hiện
trường.
Người thân của ba cảnh sát thiệt mạng, liệu họ có
hoài nghi, có căm thù người ra lệnh tiến quân vào Đồng Tâm? Nếu tôi là họ, thay
vì nhận những huân chương bằng khen sáo rỗng vô hồn, tôi sẽ đấu tranh để tìm sự
thật cái chết của con mình. Nhưng đời có nhiều điều không tưởng vẫn xảy ra,
chúng ta không đủ chứng cứ, không có chứng cứ nào ngoài lời khai của các bị can
trên tòa án VTV, những lời khai phát ra từ đôi môi, từ cổ họng, từ tinh thần bị
tra tấn bầm dập.
Tra tấn. Tôi tin những lời kể của bà Thành về việc
mình bị đánh, con mình bị đánh. Chính mắt tôi đã chứng kiến công an phường đánh
cậu công nhân bị nghi ăn trộm máy bơm trong công trình xây dựng khi đang ngồi
khai giấy tờ tạm trú tại trụ sở công an một phường không xa mấy Ba Đình. Tát rồi
đấm, rồi dùi cui điện nổ tanh tách trên người cậu công nhân. Chỉ là ăn trộm máy
bơm, huống hồ đồng đội mình bị chết, huống hồ chống trả bằng vũ khí. Bản chất
công an Việt Nam, không đánh mới lạ, nhưng đánh đến mức thân tài ma dại như
trên tòa VTV thì có lẽ cần khởi tố vụ án hình sự.
Tôi tin những lời kể của bà Thành, nhưng tôi nghĩ đó
chỉ là năm mươi phần trăm sự thật của tổng thể vụ việc. Cũng dễ hiểu. Năm mươi
phần trăm còn lại bà không nhìn thấy hoặc bất lợi cho con cháu bà, bà làm sao kể.
Bà bị lôi đi trước lúc cảnh sát lao vào phòng ông Kình, bà làm sao biết ai bắn
ông, người ta bắn ông thế nào, tay ông cầm lựu đạn hay không. Bà ở tầng dưới,
làm sao biết tầng trên con cháu bà có phóng dao, ném bom xăng thiêu chết ai
không.
Tôi nghĩ nhóm Đồng Thuận có chuẩn bị vũ khí. Không
chỉ vì cái clip ông Hiểu ngồi bên cạnh ông Kình cười cười tuyên bố trước máy
quay: Gần đây có nhà máy sản xuất thuốc nổ muốn mua bao nhiêu cũng được. Cái
clip mà tôi xem rồi băn khoăn mãi tại sao công an không triệu tập người trong
clip lên làm việc, không điều tra, thậm chí khởi tố vụ án. Đe dọa không chỉ là
ngây thơ, thiếu hiểu biết, khuếch trương lực lượng, đe dọa rất nhiều phen cấu
thành tội phạm. Tôi nghĩ thế do logic. Tôi xem cuộc mít tinh của dân Đồng Tâm
do nhóm Đồng Thuận chủ trì kỷ niệm hai năm sự kiện dân Đồng Tâm “bắt sống 38
cán bộ”, sân khấu phông màn đỏ, khẩu hiệu “chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại” treo
trang trọng trên phông màn cùng lời dạy của ông: “đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết,
thành công thành công đại thành công”, có người điều phối chương trình, ông Hiểu
tường thuật lại sự kiện, ông Kình động viên úy lạo dân chúng như một thủ lĩnh
thực thụ, người dân rưng rung ủng hộ…
Tôi xem clip sinh hoạt thường kỳ của nhóm Đồng Thuận
như họp chi bộ đảng, công khai hơn họp chi bộ đảng. Tôi nghe họ hô hào chiến đấu
đến hơi thở cuối cùng. Họ hoạt động như một bộ máy, họ tất nhiên chuẩn bị vũ
khí. Chỉ là số vũ khí đó có kịp mang ra chiến đấu hay không, chiến đấu như thế
nào, có phải nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của ba cảnh sát hay không
thì chúng ta chưa biết. Cũng như chúng ta chưa biết ai ra lệnh bắn ông Kình, ai
bắn ông Kình, ai ra lệnh mổ bụng ông Kình.
Một điều khác tôi rất muốn biết mà chưa kịp tìm hiểu.
Trong số người bị bắt, ngoài con cháu ông Kình, còn khá nhiều dân khác. Những
người đó họ bị bắt ở đâu, trong ba căn nhà bố con ông Kình hay ở ngoài đường
hay dưới mái nhà họ? Theo tôi, chi tiết này quan trọng. Với lực lượng chính quy
hùng hậu, không khó để ban ngày ban mặt, giữa thanh thiên bạch nhật, mấy trăm
quân cầm lệnh bắt lệnh khám tiến vào Đồng Tâm bắt giữ nhóm Đồng Thuận. Nhưng
người ta đã không làm thế.
Mọi suy luận lúc này phần nhiều dựa vào trực giác.
Chúng ta có quyền đòi hỏi một ủy ban điều tra độc lập vụ việc Đồng Tâm. Vì
chúng ta đã thấy Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc mang về lại lên truyền hình tự đầu
thú, chúng ta đã nghe trước tòa, Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng bỏ qua vị quan
tòa bù nhìn mà ngân lên thống thiết lời xin lỗi chú Nguyễn Phú Trọng.
Và ngay lúc này, người bị bắt cần có luật sư, phải
có luật sư. Những ngôi nhà lúc này chỉ còn đàn bà và con trẻ, họ có quyền được
biết chồng cha con mình sống chết ra sao. Đó là quyền con người tối thiểu mà
chú Nguyễn Phú Trọng hay bất cứ ai cũng không được phép cướp mất.
Khi chúng tôi đứng trên sân thượng nhà con trai ông
Kình để xem xét chiếc giếng trời huyền thoại, nhìn sang ngôi nhà bên kia, tôi
thấy một cô gái trẻ đang ngồi xem bộ phim “Hạ cánh nơi anh”, bộ phim Hàn Quốc kể
về mối tình giữa chàng trai Bắc Hàn và cô gái Nam Hàn nổi đình nổi đám. Tôi chợt
nghĩ tình hình nhóm Đồng Thuận và chính quyền đã căng thẳng như Bắc Hàn với Nam
Hàn. Cô gái Nam Hàn trong phim hạ cánh ở Bắc Hàn để gặp chàng trai trong mộng.
Đồng Thuận và chính quyền nắm tay nhau hạ cánh xuống vùng tăm tối nguyên sơ.
------------------------------
XEM THÊM
Hoàng Xuân Phú (11.02.2020)
No comments:
Post a Comment