Thursday, 20 February 2020

EU & VN ĐỐI THOẠI NHÂN QUYỀN THƯỜNG NIÊN 2020 (VOA Tiếng Việt)




NỘI DUNG :

.
Bùi Văn Phú
.
.
==============================================

20/02/2020

Tại cuộc gặp với cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Nam California hôm 19/2, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cam kết rằng vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo tiếp tục là “ưu tiên trọng tâm” trong mối quan hệ với Việt Nam, đồng thời hứa rằng sẽ cố gắng đưa công dân Hoa Kỳ Michael Nguyễn, người đang bị cầm tù ở Việt Nam, sớm về nước.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink phát biểu trong buổi tiếp xúc với cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Nam California, ngày 19/02/2020. Photo Chụp từ YouTube Người Việt.

“Cá nhân tôi xin cam kết với quý vị với tư cách là đại diện cho Phái bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, cho Chính quyền của Tổng thống Donald Trump, rằng nhân quyền và tự do tôn giáo tiếp tục và sẽ tiếp tục là ưu tiên trọng tâm, là cốt lõi trong mối quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam”, Đại sứ Kritenbrink nói trong bài phát biểu được văn phòng của Dân biểu Harley Rouda tường thuật trực tiếp trên Facebook hôm 19/2.

Nhà ngoại giao Hoa Kỳ nhận định rằng việc chính quyền Việt Nam gia tăng bắt bớ, xử phạt trong bốn năm qua đối với các nhà hoạt động ôn hòa là “một điều đáng quan tâm” mà hầu như mỗi ngày ông đều nêu vấn đề này với phía Việt Nam.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink (thứ hai, từ trái) và các dân biểu tại cuộc gặp với cộng đồng gốc Việt ở Nam California, sáng ngày 19/02/2020. Photo Twitter Sergio Contreras

Đại sứ Kritenbrink nhấn mạnh:
“Chúng tôi đương nhiên sẽ bảo vệ lợi ích của công dân Hoa Kỳ sinh sống tại Việt Nam, bao gồm cả trường hợp của công dân Mỹ Michael Nguyễn, hiện đang bị cầm tù. Tôi sẽ cố gắng hết sức mình để đưa ông Michael Nguyễn về nước”.


Trước đó, hôm 18/2, ông Kritenbrink đã gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của cộng đồng người Việt tại thành phố San Jose. Cuộc gặp được các dân biểu liên bang tổ chức.

Bà Jane Do Bui, người tham dự cuộc tiếp xúc với Đại sứ Kritenbrink, cho VOA biết chi tiết:
“Có rất nhiều người lên đặt câu hỏi và trọng tâm của họ là xoay quanh vấn đề nhân quyền, cũng như các vấn đề về thương mại, Biển Đông, bệnh dịch corona…”
“Có nhiều người đặt vấn đề về vụ Đồng Tâm. Trong phát biểu của nhà ngoại giao thì họ không cho biết chi tiết về những việc làm của họ nhưng nói rằng họ theo dõi sát sao vụ Đồng Tâm và hy vọng là sẽ có những cuộc nói chuyện trong ôn hòa”.
“Có hai người nói về tình hình tôn giáo của người thiểu số. Họ nói về tình hình đàn áp tôn giáo và người thiểu số H’Mong hiện đang sống ở Việt Nam bị bức hại, gần như không được công nhận quyền công dân”.
“Cũng có một người trong Hội Nhà báo Độc lập nêu trường hợp của nhà báo Phạm Chí Dũng vừa bị bắt”.
“Về riêng tôi, tôi có đưa một danh sách tám tù nhân tôn giáo cho ông Đại sứ và Dân biểu Zoe Lofgren để họ can thiệp vì những người này chỉ đơn thuần hoạt động cho tôn giáo, đặc biệt là trường hợp ông Nguyễn Bắc Truyển”.

Đại sứ Daniel Kritenbrink trao đổi với người dân ở San Jose, California, ngày 18/02/2020. Photo Jane JB

Bà Jane Do Bui nhận định rằng ông Kritenbrink thật sự quan tâm đến vấn đề nhân quyền Việt Nam hơn hẳn những người tiền nhiệm:
“Qua nhiều cuộc gặp gỡ với nhiều vị đại sứ Mỹ tại Việt Nam trước đây, tôi có nhận xét rằng ông Daniel Kritebrink cởi mở và có nhiều chú tâm đặc biệt về vấn đề nhân quyền hơn những người tiền nhiệm của ông”.

-----------------------------------------------------------
.
Bùi Văn Phú
Gửi đến BBC từ San Jose California
20 tháng 2 2020

"Nhân quyền là căn bản và là một thành tố quan trọng trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ," Đại sứ Daniel Kritenbrink phát biểu trong buổi gặp gỡ người Việt vùng San Jose chiều thứ Ba 18/2 vừa qua.

Đại sứ Daniel Kritenbrink.  BUIVANPHU

Đại sứ Kritenbrink nói ông rất quan tâm đến tù nhân lương tâm và trong túi ông luôn có danh sách một số tù nhân đáng quan tâm, tuy ông không tiết lộ họ là những ai.
Nhưng khi một người đại diện cho Câu lạc bộ Nhà báo Độc lập tại Việt Nam nêu trường hợp nhà báo Phạm Chí Dũng đã bị chính quyền Hà Nội bắt giam từ mấy tháng qua, ông đại sứ dường như không biết ông Dũng là ai và đã yêu cầu người nêu câu hỏi cung cấp cho vị phụ tá thêm chi tiết về trường hợp nhà báo Phạm Chí Dũng.

Liên quan đến tình hình nhân quyền tại Việt Nam xấu đi trong bốn năm qua, đại diện văn phòng Dân biểu Ro Khanna, ông Nguyễn Hiệp đặt vấn đề là Hoa Kỳ cần phải có những hành động cụ thể để buộc Hà Nội chấm dứt vi phạm các quyền tự do căn bản của dân, Đại sứ Mỹ trả lời: "qua những đối thoại cởi mở và thẳng thắn sẽ giúp giải quyết được những khó khăn này".

Trong ba năm qua ông Đại sứ đã gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người trong giới hoạt động xã hội dân sự và lắng nghe những quan điểm của họ. Ông tin vào một tương lai phồn thịnh và phát triển cho Việt Nam.

Khoảng 70 người đã có mặt tại phòng họp của Quận hạt Santa Clara để nghe Đại sứ Daniel Kritenbrink nói về hiện tình quan hệ Mỹ-Việt 25 năm sau khi hai nước nối lại bang giao. Buổi gặp gỡ do văn phòng của các Dân biểu Zoe Lofgren và Anna Eshoo đứng ra tổ chức.

Dân biểu Lofgren là người đứng đầu của nhóm dân cử quan tâm đến Việt Nam, với danh xưng Vietnam Caucus, tại Hạ viện Hoa Kỳ.

Trong phát biểu mở đầu, bà nhắc lại là bà luôn quan tâm đến các quyền tự do căn bản, tự do dân sự của người Việt Nam và hôm đầu tháng bà đã cùng đồng viện trong Vietnam Caucus gửi một lá thư đến Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Hà Nội chấm dứt việc đàn áp những nhà hoạt động và thả hết các tù nhân lương tâm. Bà cũng đã yêu cầu Chủ tịch Trọng cho mở điều tra liên quan đến tranh chấp đất đai gần đây ở Việt Nam.

Bà Lofgren cho biết trước những vi phạm về tự do tôn giáo của Hà Nội nên Ủy hội Quốc tế về Tôn giáo đã khuyến cáo bộ ngoại giao đưa Việt Nam trở lại vào danh sách những quốc gia đặc biệt quan tâm.

Dân biểu Anna Eshoo nhắc đến những tiến triển trong quan hệ hai nước kể từ ngày cuộc chiến kết thúc vào năm 1975. Từ quan hệ thương mại đến những vấn đề còn tồn đọng như bom mìn trong lòng đất đã làm nhiều người dân vô tội thiệt mạng hay bị thương vong. Quốc hội Hoa Kỳ đã chi ra 132 triệu đô la cho việc gỡ bom mìn trong gần hai thập niên qua.

Từ trái: Dân biểu Anna Eshoo, Đại sứ Daniel Kritenbrink, Dân biểu Zoe Lofgren.  BUIVANPHU

Đại sứ Kritenbrink cũng nhắc đến thành quả này, nhất là công tác tại khu vực tỉnh Quảng Trị. Ông cho biết trong năm qua đã không có ai bị chết hay bị thương tích do bom mìn còn sót lại.

Xử lí chất độc dioxin cũng nằm trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Theo lời Đại sứ Mỹ, khu vực quanh phi trường Đà Nẵng đã được tẩy rửa hết độc tố da cam vào năm 2018 và công tác đang được tiến hành trong khu vực phi trường Biên Hoà.
Phát biểu trong buổi tiếp xúc, Đại sứ Kritenbrink nhắc đến những thành tựu trong quan hệ hai nước sau 25 năm, từ trao đổi thương mại vào năm 1995 gần như con số không lên đến 78 tỉ đôla hiện nay, đến giáo dục với gần 30 nghìn sinh viên từ Việt Nam đang theo học tại Hoa Kỳ, họ là những đại sứ thiện chí và sẽ đóng góp cho Việt Nam sau này. Chương trình học bổng VEF (Vietnam Education Foundation) tuy đã chấm dứt nhưng hàng trăm thạc sĩ, tiến sĩ đã tốt nghiệp từ các đại học Mỹ và sẽ giúp Việt Nam phát triển. Đại học Fulbright tại Việt Nam cũng là dấu chỉ Hoa Kỳ giúp Việt Nam về giáo dục nhân văn vì đại học này có quỹ từ bộ ngoại giao Hoa Kỳ, từ USAID và trong tương lai sẽ vận động nguồn tài trợ từ tư nhân.

Hoa Kỳ và Việt Nam đã hợp tác với nhau trong các lãnh vực giáo dục, y tế, năng lượng, giao thông, an ninh biển. Tuy nhiên vấn đề nhân quyền là những khó khăn trong quan hệ giữa hai nước. Ông Đại sứ và Dân biểu Lofgren nhắc đến luật an ninh mạng mà Hoa Kỳ rất chú ý đến và nêu vấn đề với lãnh đạo Hà Nội vì nó giới hạn quyền tự do biểu đạt của người dân.

Trả lời câu hỏi về chương trình đưa tình nguyện viên Peace Corps vào Việt Nam để huấn luyện giáo viên dạy tiếng Anh đã được hai bên ký kết trong chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng thống Barack Obama năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện, Đại sứ Mỹ nói còn một số chi tiết mà hai bên cần thảo luận trước khi thi hành thoả thuận. Ông hy vọng không bao lâu nữa sẽ có tình nguyện viên Peace Corps đến Việt Nam.

Trong các câu hỏi đặt ra cho ông đại sứ, nhiều người quan tâm đến biến cố Đồng Tâm hồi đầu năm nay. Đại sứ Kritenbrink nói Hoa Kỳ không chỉ đứng ngoài quan sát nhưng có nhiều quan tâm đến vụ việc, tuy nhiên thật khó biết được sự thật về những gì đã xảy ra tại đó. Ông tiếc là đã có những người chết trong sự kiện và mong hai bên sẽ giải quyết vấn đề một cách ôn hoà và trong tinh thần pháp trị.

Vấn đề tự do tôn giáo cũng được nêu lên khi người Hmong và người dân Tây Nguyên bị ép buộc chối bỏ đạo của họ, nếu không thì bị chính quyền đàn áp khiến hàng nghìn người chạy trốn qua Thái Lan, hoặc còn ở lại thì không được cấp hộ khẩu nên không thể làm ăn, sinh sống, con cái không được đến trường. Đại sứ Mỹ lắng nghe và ghi nhận.

Một người đã sống tại địa phương 38 năm nêu vấn đề có thể bị trục xuất về Việt Nam do chính sách của Tổng thống Trump, vì ông có phạm pháp trong quá khứ nhưng nay đã hối cải và đang là một cư dân tốt, ông lo sợ bị trục xuất, phải chia cách với hai người con.

Đại sứ giải thích là theo những gì đã ký kết với Việt Nam thì không trả về những ai qua Mỹ trước ngày hai nước bang giao vào tháng 7-1995. Nhưng ông nói thoả ước cũng không nói là cấm không trao trả những ai đến Mỹ trước đó.

Dân biểu Anna Eshoo nói chúng ta sống trong một đất nước dân chủ, có quyền bầu chọn, vì thế bầu cho một tổng thống khác thì chính sách sẽ thay đổi. Bà ngạc nhiên khi biết người bị trục xuất chỉ phạm lỗi nhỏ. Bà nói các chính sách di dân của Tổng thống Donald Trump là tàn ác, bất công và rất sai trái.

Dân biểu Lofgren nói những chính sách di dân hiện nay không có lợi cho người Việt, như không còn chương trình tị nạn, việc trao trả về Việt Nam những người có tiền án gây nhiều bất an.

Trả lời câu hỏi về an ninh lãnh hải, Đại sứ Mỹ cho biết Hoa Kỳ đã chuyển giao nhiều tầu tuần duyên để giúp Việt Nam tuần tra trên biển. Về xung đột Biển Đông, ông mong các bên liên quan sẽ giải quyết tranh chấp theo tinh thần luật pháp quốc tế.

Đại sứ Daniel Kritenbrink vui vẻ nhận quà kỷ niệm là giây đeo có hình ảnh cờ Mỹ và cờ Vàng và chụp ảnh chung với một số khách tham dự buổi gặp gỡ

Một người hỏi về tình trạng song tịch, Đại sứ khuyên là khi đến Việt Nam nếu có cả hai hộ chiếu Hoa Kỳ và Việt Nam thì nên dùng hộ chiếu Mỹ.

Về hoà giải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cũng như giữa người Việt với nhau, Đại sứ cho biết đã hai lần đến thăm Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà cũ, cũng như ông đã đi thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Ông mới gặp ông Nguyễn Đạc Thành và tán thành công việc trùng tu Nghĩa trang Biên Hoà của tổ chức của ông Thành.

Một người phát biểu đưa đề nghị chuyến đi Mỹ trong tương lai của thủ tướng Việt Nam, lãnh đạo Hà Nội nên có chuyến thăm viếng Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Thủ đô Washington.

Đại sứ Daniel Kritenbrink nhận chức tại Hà Nội từ năm 2017 và đây là lần đầu tiên ông có buổi tiếp xúc với người Mỹ gốc Việt vùng San Jose. Ông là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp với 26 năm trong ngành và hầu hết thời gian phục vụ tại châu Á.

Sau ba năm làm đại diện nước Mỹ tại Việt Nam, Đại sứ Kritenbrink nói rằng hiện nay 96% người Việt có cái nhìn thiện cảm với Hoa Kỳ.

Sau buổi gặp gỡ, ông Đại sứ Kritenbrink được cô Đỗ Minh Ngọc tặng dây đeo với cờ Mỹ và cờ Việt Nam Cộng hoà và đứng chụp hình kỷ niệm với một số khách tham dự.

***
Bài viết phản ánh văn phong và quan điểm riêng của tác giả là một nhà báo tự do từ San Jose, California, Hoa Kỳ.

----------------------------------
.
20/02/2020

Ngày 19/2, tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã tiến hành Đối thoại thường niên về nhân quyền.

“Hai bên nhấn mạnh cam kết bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền tại Việt Nam và EU và vượt qua những thách thức trong lĩnh vực này vì cuộc sống tốt đẹp hơn của người dân và toàn xã hội. Việt Nam và EU trao đổi về cách tiếp cận, nỗ lực và thành tựu của mỗi bên trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền kể từ Vòng Đối thoại trước,” EU cho biết trong một thông cáo hôm 20/2.

Hai bên cũng chia sẻ quan điểm và quan tâm về các vấn đề Nhà nước pháp quyền, thúc đẩy quyền kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của người lao động, quyền sử dụng đất, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương.


Hai bên bày tỏ hài lòng về các hoạt động hợp tác gần đây, như dự án tăng cường tư pháp và pháp luật tại Việt Nam (EU JULE), các dự án về thực hiện các công ước ILO trong bối cảnh có Hiệp định Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA).

“EU hoan nghênh những tiến bộ của Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, việc thông qua Bộ luật lao động sửa đổi gần đây, các biện pháp nhằm thực thi hiệu quả Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế mà Việt Nam mới phê chuẩn, và các bước hướng tới phê chuẩn 2 Công ước 105 và 87”, thông cáo có đoạn viết.


Phía EU nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy và bảo vệ hiệu quả các quyền dân sự, chính trị, quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp.

Hai bên khẳng định các quyền con người có tính phổ quát, quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời và nên được xem xét một cách cân bằng. Hai bên nêu quan tâm chung về vấn đề bình đẳng giới, quyền trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình, quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới, phòng chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân mua bán người.

Hai bên ghi nhận vai trò quan trọng của truyền thông, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các bên liên quan trong việc đóng góp tích cực cho xã hội, kể cả trong bối cảnh thực hiện Hiệp định Hợp tác và đối tác toàn diện (PCA) và EVFTA.

EU nhắc lại quan điểm về án tử hình, trong đó khuyến khích tiếp tục giảm các tội danh có thể chịu án tử hình và đề nghị tiếp tục trao đổi thêm thông tin về vấn đề này.

“Đối thoại cũng đề cập vấn đề quyền con người tại các diễn đàn đa phương và khả năng hợp tác về quyền con người, trong đó có thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người, đặc biệt là việc thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UPR) và các nghĩa vụ theo các công ước mà Việt Nam và các nước EU là thành viên”, theo thông cáo của phía Việt Nam trên trang Baoquocte.

Hôm 18/2, một ngày trước khi diễn ra phiên Đối thoại Nhân quyền EU - Việt Nam, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) kêu gọi EU gây sức ép để Việt Nam chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống và phóng thích các tù nhân chính trị đang bị giam cầm.







No comments:

Post a Comment

View My Stats