Sunday, 16 February 2020

ĐỂ NỐI LIỀN "XA LỘ" GIỮA VIỆT NAM & THẾ GIỚI PHÁT TRIỂN (Hoàng Tư Giang)




Hoàng Tư Giang  (tường thuật)

Ngày 29/4/2014, ông Trương Đình Tuyển có một bài phát biểu hiếm có ở Hạ Long. Ông vừa bay về HN từ phiên đàm phán TPP ở Washingon, nghỉ vỏn vẹn 1 ngày rồi đi ngay tới Hạ Long chỉ để nói vài phút về một vấn đề rất hệ trọng tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân của UBKT của QH, nơi có nhiều đại biểu và trí thức tham dự.

Ông nói: “Tôi suy đoán, chúng ta kỵ cụm từ xã hội dân sự cũng giống như chúng ta đã từng kỵ cụm từ thể chế kinh tế thị trường, coi đó là một sản phẩm của kinh tế tư bản. Và bây giờ, chúng ta cũng đang coi xã hội dân sự như là cấu trúc chính trị của chủ nghĩa tư bản".

Ông giải thích, thể chế thị trường hiện đại bao gồm ba trụ cột là thị trường, Nhà nước và các tổ chức xã hội dân sự, trong đó thị trường đảm bảo các yếu tố quyết định phân bổ hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo dịch chuyển nguồn lực; Nhà nước xử lý những thất bại của thị trường, dùng chính sách để điều tiết; và các tổ chức xã hội dân sự đóng vai trò phản biện, xây dựng chính sách, và giám sát thực thi chính sách.

Ông nói, ông lo ngại thể chế chính trị của Việt Nam hiện nay “không tương thích” với TPP”. Ông giải thích: “Ví dụ, trong TPP đề cao vai trò của xã hội dân sự, đề cao sự tự do thành lập các hiệp hội. Đây là vấn đề rất nhạy cảm về chính trị với chúng ta”.

Ông Tuyển chỉ nói nội dung này khoảng 5 phút, và tất nhiên ông có lý do để nói ra vấn đề húy kỵ trên… Lúc đó, dù đã về hưu nhiều năm, ông được TTg Nguyễn Tấn Dũng bổ nhiệm là đặc phái viên của TTg về vấn đề hội nhập và đã tham gia nhiều phiên đàm phán. Xã hội dân sự và tổ chức đại diện cho người lao động là những vấn đề mà nhiều đối tác trong các FTA thế hệ mới đặc biệt quan tâm, đòi hỏi ở VN. “VN không bao giờ chấp nhận điều đó”, ông nói khi bị ép trên bàn đàm phán… (vv)

… (vv) Ông Tuyển chỉ là một trong rất nhiều người Việt Nam thúc đẩy các FTAs thế hệ mới. Ngày 13/10 năm 2014, TTg Nguyễn Tấn Dũng đã gặp Chủ tịch EC Manuel Barroso. Trong cuộc gặp đó, ông đề nghị EU ký EVFTA “vào thời gian sớm nhất” và đề nghị EU công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam vào thời điểm hai bên kết thúc đàm phán. Đó chỉ là một trong nhiều chuyến công du/gặp gỡ con thoi của ông Dũng để thúc đẩy EVFTA.

Ngày 2/12/2015, tại Brussels (Bỉ), ông Dũng và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker đã chứng kiến ông Vũ Huy Hoàng (đã bị truất chức BT) và Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstrom ký Tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán EVFTA.

Với kết quả này, Việt Nam và EU đã đạt được một bước tiến trọng yếu trong lộ trình tăng cường quan hệ đối tác chính trị toàn diện và sâu sắc giữa Việt Nam và EU, đặc biệt là quan hệ thương mại-đầu tư.

Ngày 9/3/2018, Việt Nam và 10 quốc gia khác đã ký CPTPP không có Mỹ, để đến ngày 12/11/2018 hiệp định này được QH Việt Nam phê chuẩn. EVFTA đã được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn vừa rồi, và dự kiến sẽ được QH Việt Nam phê chuẩn trong kỳ họp tới đây. Tất nhiên, một số vấn đề gai góc mà ông Tuyển nêu đã được xử lý với ân hạn 5 năm trong các FTA.

Như vậy, qua nhiều sóng gió và thách thức (...) CPTPP và EVFTA đã được phê duyệt, điều rất đáng mừng cho đất nước, cho dân tộc.

Những điều ông Tuyển băn khoăn cũng đã dần được gỡ bỏ, dù chỉ một phần nào đó, khi QH đã thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi với thay đổi quan trọng nhất là khả năng người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee nhận xét: “Tự do hiệp hội là một quyền cơ bản được nêu trong Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động năm 1998 của ILO. Tự do hiệp hội giúp cải thiện quá trình thương lượng tập thể, cho phép người lao động được hưởng lợi ích công bằng hơn và cho phép doanh nghiệp thỏa thuận những cải thiện năng suất cần thiết”.

Còn rất nhiều những vấn đề mang tính cơ cấu và húy kỵ ở VN sẽ được đề cập và xử lý để thực hiện các FTA thế hệ mới, để nối liền “xa lộ” giữa VN và thế giới phát triển. Song, ít nhất những vấn đề ông Tuyển nêu lên từ thủa nào đã được đề cập và xử lý (tôi không thể kể hết, nếu ai muốn xem thì tham khảo bài Mồi lửa và đống củi). Đó là nỗ lực của các nhà lãnh đạo trong các thời kỳ, nhất là TTg Nguyễn Tấn Dũng, và của rất nhiều người khác. Thành công không bao giờ là nỗ lực của một cá nhân.

(Tôi mới chỉ viết một phần về chủ đề này thôi vì tự kiểm duyệt và vì ... chán quá, Valentine chả biết làm gì !)


---------------------------------------------

XEM THÊM

29/04/2014 12:23

Quan điểm của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển về cải cách thể chế...

Ông Trương Đình Tuyển phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa xuân - Ảnh: CK.

“Tôi nghĩ, đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự. Bản chất của nhà nước mang tính quan liêu, và để khắc phục quan liêu thì cần phát huy vai trò của xã hội dân sự”.

Rất ngắn gọn, song ý kiến phát biểu của nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển nhận được nhiều tiếng vỗ tay hưởng ứng tại ngày làm việc thứ hai (29/4) của Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2014, diễn ra tại Hạ Long (Quảng Ninh), với nội dung chính là bàn thảo về cải cách thể chế.

Theo ông Tuyển, thể chế kinh tế thị trường hiện đại phải bao gồm thị trường, nhà nước và xã hội dân sự.

“Hiện nay ta đang cấm kỵ dùng cụm từ xã hội dân sự, tôi đồ rằng chúng ta kỵ cụm từ này cũng như từng kỵ thể chế kinh tế thị trường vì coi đó là cấu trúc kinh tế của kinh tế tư bản. Và bây giờ mình đang coi xã hội dân sự là sản phẩm của nền chính trị tư sản. Đã đến lúc phải thấy xã hội dân sự là sản phẩm của sự phát triển dân chủ, mà sự phát triển dân chủ có tính quy luật”, ông Tuyển nói.

Vẫn theo nguyên Bộ trưởng, thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã đề cập dân chủ là xu thế khách quan trong sự phát triển của loài người. Mà đã thừa nhận là xu thế khách quan thì phải mở rộng dân chủ và đương nhiên phải tôn trọng vai trò của xã hội dân sự.

“Nếu xã hội dân sự có thể tham gia xây dựng chính sách, phản biện chính sách và giám sát quá trình thực hiện thì nó sẽ hỗ trợ khắc phục những hạn chế của thị trường và sự quan liêu của nhà nước”, ông Tuyển khẳng định sự cần thiết thừa nhận xã hội dân sự.

Kiến nghị các giải pháp đẩy nhanh cải cách thể chế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Lê Xuân Bá đề nghị nhanh chóng ban hành luật về biểu tình và ban hành luật về xã hội dân sự, bởi theo ông, đó là quyền của dân, không có gì phải e ngại.

Cũng đề cập đến vai trò của xã hội dân sự trong phát biểu của ông Tuyển, chuyên gia Phạm Chi Lan đề nghị Quốc hội cần có cơ chế để lắng nghe tiếng nói thực sự của dân.

“Đại biểu tiếp xúc cử tri còn hình thức lắm, tôi 72 tuổi mà chưa một lần được đi tiếp xúc với đại biểu tôi bầu với tư cách là cử tri bình thường. Trong số các vị do chính mình bầu ra đến nay tôi cũng chỉ nhớ tên một vị, còn các vị khác hoàn toàn không nhớ gì cả”, bà Lan nói.

Bên lề Diễn đàn, một số ý kiến cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm của ông Trương Đình Tuyển.

Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng xã hội dân sự Việt Nam đã phát triển và cần phải chấp nhận nó. Các tổ chức xã hội cần được trao quyền tham gia xây dựng, phản biện, giám sát thực thi chính sách và cho họ cả cái quyền được tham gia tố tụng tại tòa án. “Nếu được trao quyền và có khung khổ pháp luật thì tự họ phải hoạt động nghiêm túc”, ông Doanh nhìn nhận.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, một xã hội kém phát triển như Việt Nam thì sự tham gia của xã hội dân sự vào cải cách thể chế là chưa thực sự phù hợp.





No comments:

Post a Comment

View My Stats