Trọng Thành - RFI
Đăng ngày: 12/02/2020 - 14:05
Dịch virus corona mới (COVID-19) trở
thành đại dịch đe dọa toàn cầu, chỉ ba tuần lễ sau khi Trung Quốc thông báo
với WHO về sự xuất hiện virus gây viêm phổi cấp tính bí ẩn tại Vũ Hán. Vì sao virus corona mới thành đại
dịch ? Phải chăng việc Bắc Kinh che giấu thông tin là nguyên nhân chính
dẫn đến dịch bệnh bùng phát nhanh chóng vượt tầm kiểm soát ?
Cuối tháng Giêng 2020, chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh
thừa nhận dịch virus corona mới, tỉnh Hồ Bắc, với hơn 50 triệu dân, đột ngột bị
phong tỏa. Vũ Hán, một đô thị sầm suất 10 triệu dân biến thành thành phố
''ma''. Hơn 1.000 người chết từ đó đến nay, hơn 40.000 người nhiễm virus, theo
con số chính thức của chính quyền Trung Quốc. Theo một thông tin do ứng dụng của
Tencent (một tập đoàn tin học Nhà nước Trung Quốc), công bố hai lần trên mạng,
ngày 01/02/2020, (trước khi bị xóa bỏ) số lượng người nhiễm cao gấp 10 lần con
số do chính quyền công bố, số người chết gấp 80 lần (Chloé Froissart, ''Le
coronavirus révèle la matrice totalitaire du régime chinois'', Le Monde,
ngày 11/02/2020). Nhà dịch tễ học Adam Kucharski, London School of Hygiene
& Tropical Medicine, trong bài trả lời hãng tin Bloomberg, đăng tải
08/02/2020, ước tính riêng tại Vũ Hán có khoảng 500.000 người nhiễm bệnh. Tổng
thư ký Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cũng khẳng định số lượng người nhiễm virus
chính thức công bố có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Một người đàn ông nằm bất động suốt hơn hai tiếng
trên vỉa hè mới có đội ngũ y tế đến chở đi. Ảnh chụp ngày 30/01/2020 tại Vũ Hán..
Hector RETAMAL / AFP
Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc khẳng định đã
minh bạch thông tin, và mở cửa cho sự hợp tác quốc tế trong việc đối phó với dịch
bệnh. Ngày 31/12/2019,
chính quyền Trung Quốc đã thông báo với WHO về sự xuất hiện của một loại
virus lạ gây viêm phổi cấp tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc.
Ngay sau khi Bắc Kinh công bố dịch, phong tỏa Vũ Hán, tổng thống Mỹ Donald
Trump đã nhiệt liệt ca ngợi ''sự minh bạch'' của chính quyền Trung Quốc, đã có
các hành động hiệu quả nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Trung Quốc cũng khẳng định đã
cung cấp cho quốc tế nhiều thông tin về chuỗi gien của virus corona mới, giúp
cho giới khoa học quốc tế hiểu rõ hơn về loài virus lạ. Nhiều nhà khoa học thừa nhận trong đợt dịch này,
giới y học Trung Quốc đã phản ứng nhanh chóng hơn hẳn, minh bạch hơn hẳn so với
đợt dịch SARS năm 2002 - 2003.
Thời
gian từ khi WHO được thông báo có virus gây viêm phổi cấp tính mới cho đến khi
Trung Quốc chính thức công bố dịch là 3 tuần. Ba tuần lễ
phải chăng là vừa đủ cho việc xem xét và công bố dịch bệnh thông thường, và nếu
có sai lầm, phải chăng chính quyền Bắc Kinh chỉ phạm lỗi đã phản ứng chậm trễ,
không hình dung hết tầm mức nguy hiểm của loài virus corona mới ?
Đi ngược quy trình đối phó dịch tễ thông thường
Để tìm lời giải cho băn khoăn này, RFI Tiếng Việt đặt
câu hỏi trước hết với bác sĩ Trần Tuấn, Tiến sĩ y tế cộng đồng, người có nhiều
năm nghiên cứu về hệ thống phòng chống dịch Việt Nam, một quốc gia có nhiều điểm
tương đồng với Trung Quốc (theo ghi nhận của TS Trần Tuấn). Tiến sĩ Trần Tuấn
nhận xét :
''Điểm
thứ nhất chúng tôi nhận thấy là dường như hệ thống phòng chống
dịch của Trung Quốc đã không được khởi động đúng của khoa học về dịch tễ học,
điều tra về vụ dịch. Bằng chứng là sự can thiệp của cảnh sát đối với trường hợp
bác sĩ Lý Văn Lượng. Khi các bác sĩ trao đổi chuyên môn về sự xuất hiện của một
loại dịch bệnh, mang tính chất lây nhiễm tương tự như SARS, cần phải phòng chống,
thì thay vì coi đấy là những đầu mối để khởi động một cuộc điều tra dịch tễ học,
hình thành giả thuyết về khả năng xuất hiện của loại dịch bệnh mới hay không, để
tiến hành điều tra theo các bước đã được nêu trong ngành dịch tễ học.
Quan
sát thứ hai của chúng tôi là cho đến nay thông tin toàn bộ về số
mất, số chết, cũng như toàn bộ cụ thể nguồn lây, cũng như tiến trình thời gian
xuất hiện hoàn toàn phụ thuộc vào báo cáo của Trung Quốc. Nhìn vào hệ thống
này, chúng ta thấy là dường như các thông tin được giải phóng cho một mục tiêu
làm giảm nhẹ mức độ thực tế của bệnh, hơn là đưa ra cho công luận biết mà ngăn
ngừa. Bằng chứng là giải phóng thông tin ban đầu cho rằng dịch xuất phát từ một
chợ hải sản, buôn bán động vật sống, rồi ngay cả khi khẳng định virus thuộc
nhóm corona, thì họ cũng vẫn cho rằng đường lan truyền chỉ giới hạn từ động vật
sang người, không có từ người sang người. Do đấy mức độ lây lan được coi là hạn
chế rất nhiều.
Điểm
thứ ba là sự can thiệp của chính quyền không tuân thủ theo
khoa học dịch tễ học. Bằng chứng là sau khi thực hiện việc đóng cửa chợ hải sản
(ngày 01/01/2020), thì lý do của việc đóng cửa chợ cũng không nói với dân là do
nghi ngờ là tâm điểm ổ dịch phát tán, mà do sửa chữa chợ. Như thế có thể nói là
họ đã không khởi động hệ thống cảnh báo và xem xét vấn đề dịch bệnh.
Từ đó, điều này sẽ giải thích việc khởi động bộ máy
phòng chống dịch chậm, cùng với sự lúng túng của bệnh viện trong việc đáp ứng
được các điều trị khi dịch nổ ra và bệnh nhân đổ dồn đến (cả trường hợp mắc bệnh
và trường hợp nghi ngờ đến xét nghiệm). Và từ đó dẫn đến cái mà chúng tôi gọi
là sự khủng hoảng nguồn lực y tế đáp ứng tình hình dịch''.
Phương tiện hùng hậu, nhưng bộ máy xơ cứng
Hiện tại chính quyền Trung Quốc tỏ ra minh bạch
trong việc hàng ngày cung cấp số lượng người mới bị nhiễm và số người chết do
virus COVID-19. Toàn bộ hệ thống chính quyền khẳng định dốc toàn lực vào cuộc
chiến chống virus. Có một sự tương phản vô cùng lớn giữa cuộc chiến chống virus
COVID-19, đầy quyết tâm, đầy khí thế của lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, với tình
trạng chậm trễ, bị động trong giai đoạn trước khi chính quyền thừa nhận dịch.
Vì sao hệ thống y tế Trung Quốc đã phản ứng bị động như vậy ? Tiến sĩ Trần Tuấn
giải thích:
''Hệ thống này, phòng dịch hay y tế nói chung, là thụ
động, vận hành theo mục tiêu của chính quyền, vận hành theo cách mà chúng tôi gọi
là vì mục tiêu ''ổn định chính trị'', hơn là mục tiêu phòng chống dịch bảo vệ sức
khỏe cộng đồng. Vì thế toàn bộ tiến trình điều tra vụ dịch đã không đáp ứng được
đúng theo yêu cầu thời gian, cũng như là cho kế hoạch chuẩn bị đối phó với dịch
của ngành y tế Vũ Hán, bị động, bị chậm''.
Trải nghiệm của bác sĩ Bành Chí Dũng (Peng Zhiyong),
một bệnh viện ở Vũ Hán, về thái độ quan liêu của giới quan chức y tế trung
ương, cho thấy việc thừa nhận dịch bệnh đã bị chậm đi một nhịp, vào một thời điểm
bước ngoặt ngày 12/01, sau khi có trường hợp đầu tiên tử vong vì COVID-19.
''Vào ngày 12 tháng 1, cơ quan y tế trung ương đã
cử một nhóm gồm ba chuyên gia đến bệnh viện Trung Nam để điều tra. Các chuyên
gia nói rằng các triệu chứng lâm sàng thực sự giống với SARS, nhưng họ vẫn nói
về các tiêu chuẩn chẩn đoán… Chúng tôi trả lời rằng những tiêu chuẩn đó nghiêm
ngặt quá mức. Trên thực tế, theo tiêu chuẩn như vậy, rất ít người có thể được
kiểm tra virus''.
Một trung tâm triển lãm được cấp tốc chuyển thành bệnh
viện dã chiến, với quy mô 400 giường để nhận người bị nhiễm virus COVID-19, tại
Vũ Hán, ngày 4/2/2020. STR / AFP
Cũng vào thời điểm này, một nghiên cứu dịch tễ học
quốc tế đã chỉ ra mức độ lây nhiễm virus COVID-19 tại Vũ Hán có thể đã lên đến
hơn 1.700 người (so với đánh giá của Trung Quốc chỉ có vài chục người). Đã phát
hiện người nhiễm virus ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Viện Pasteur Pháp, ngay từ ngày 10/01, đã chuẩn bị
các bộ xét nghiệm nhanh, để chẩn đoán virus COVID-19, sẵn sàng đối phó với
bệnh dịch dự đoán sẽ khó lường. Vẫn theo bác sĩ Bành Chí Dũng, chỉ cho đến ngày
18/01, các chuyên gia cấp cao của Ủy Ban Y Tế Quốc Gia khi đến Vũ Hán lần nữa mới
chấp nhận sửa đổi các tiêu chí đánh giá bệnh. Số lượng bệnh nhân được chẩn đoán
nhiễm virus COVID-19 tăng vọt. (''Reporter's Notebook: Life and death in a
Wuhan coronavirus ICU'' / Sống chết tại khoa chăm sóc đặc biệt người nhiễm
virus corona ở Vũ Hán, Straits Times, 06/02/2020).
Trận dịch phơi trần ''bản chất'' chế độ
Tiến sĩ Trần Tuấn nhấn mạnh đến tính chất hùng hậu về
phương tiện của hệ thống y tế Trung Quốc hoàn toàn tương phản với phản ứng rất
kém hiệu quả với dịch bệnh của chính hệ thống này:
''Có thể nhìn thấy các yếu tố mang tính hệ thống đặc
trưng của Trung Quốc khiến cho dịch đã phát tán lan truyền, và khả năng kiểm
soát dịch không được hiệu quả. Yếu tố đầu tiên chúng ta nhận thấy là Trung Quốc
có một hệ thống bệnh viện trang thiết bị tốt, về tài chính hoàn toàn có khả
năng kiểm soát một vụ dịch, nhưng mà hệ thống này là bị động trong việc điều
tra, phòng chống. Sự bị động
này là do hệ thống quản lý xã hội của Trung Quốc đã đặt mục tiêu an ninh lên
trên mục tiêu sức khỏe cộng đồng. Chúng ta thấy là khi hệ thống đã vận
hành mà không được ưu tiên dẫn đường bởi khoa học, mà là ưu tiên vì mục tiêu
chính trị, thì phải nói rằng là tiến trình này đã xảy ra trong một thời gian
dài, tạo thành một nếp làm việc quen trong hệ thống cán bộ, và như thế nó dẫn đến
tình trạng mảng điều tra và khống chế dịch sẽ bị hạn chế, điều hành bởi phần
chính trị nhiều hơn là các phần chuyên môn… Có thể thấy Trung Quốc thực sự có một
mâu thuẫn là, hệ thống y tế, hệ thống xét nghiệm, hệ thống nghiên cứu y sinh học,
phát hiện virus trong phòng thí nghiệm là mạnh. Bằng chứng là chỉ 10 ngày sau
khi thông báo với WHO về virus mới, Trung Quốc đã phân lập được virus corona
này. Trong phòng xét nghiệm, và về mặt khoa học cơ bản, Trung Quốc đáp ứng tốt,
nhưng vận dụng cái đó cho mục tiêu sức khỏe cộng đồng thì lại yếu, vì có sự
can thiệp của chính trị trong việc triển khai các hoạt động truyền thông cộng đồng,
phòng chống dịch. Ở đây có thể thấy là từ đặc tính của Trung Quốc, khi luôn
luôn đặt mục tiêu chính trị lên cao, chúng tôi nhận thấy báo cáo về sức khỏe
cộng đồng thường rơi vào tình trạng tốt đẹp đưa ra, còn những gì là dịch bệnh,
những gì có xu hướng xấu thì lại che đậy''.
Về phần mình, nhà Trung Quốc học Chloé Froissart,
giảng viên chính trị học (Đại học Rennes 2), nhấn mạnh đến sự tương phản cao độ
giữa các thông tin về dịch bệnh lưu hành trong giới chuyên môn Trung Quốc,
thông tin của chính quyền Trung Quốc với các đối tác bên ngoài và thông tin của
chính quyền với người dân trong nước, người dân tại Vũ Hán.
Trong lúc Bắc
Kinh thông báo bệnh dịch với WHO ngay từ ngày 31/12/2019, thì tuyệt đại đa số
dân chúng tại địa phương hoàn toàn không hay biết là có dịch, trước khi dịch
được chính thức công bố ngày 20/01. Trong vòng nhiều
ngày, chính quyền Trung Quốc đã hạn chế cung cấp thông tin về dịch bệnh virus mới,
trong lúc một cuộc họp quan trọng của đảng Cộng Sản được tổ chức tại thành phố
Vũ Hán. Ngày 18/01, đúng vào lúc dịch đang bùng phát, một đại tiệc mừng Tết
nguyên đán đã được chính quyền tổ chức, với sự tham gia của 40.000 gia đình. Rất
nhiều người đã bị nhiễm virus trong dịp này.
Bộ mặt tươi đẹp của
chế độ và hiểm họa virus
Hệ thống y tế Trung Quốc hoàn toàn xơ cứng không đủ
khả năng đối mặt với dịch bệnh mới. Thông tin cần thiết cho phát hiện dịch bị
ngăn chặn từ mọi phía. Trong bối cảnh được đánh giá là hết sức nhạy cảm, với cuộc
chiến thương mại với Hoa Kỳ, phong trào đòi dân chủ dâng cao tại Hồng Kông, thắng
lợi vang dội của phe đòi độc lập với Trung Quốc tại Đài Loan trong bầu cử, đối
với chính quyền Bắc Kinh cũng như với chính quyền địa phương các cấp, mục tiêu bảo vệ bộ mặt tươi đẹp
của chế độ được đặt lên trước hết, hiểm họa virus kinh hoàng đã bị toàn
bộ hệ thống chính trị Trung Quốc nhắm mắt làm ngơ, cho đến khi không còn đường
lùi.
Trả giá nặng nề nhất cho sự che giấu, chối bỏ, thờ ơ
này trước hết là người dân Vũ Hán, người dân Hồ Bắc, mà tổn thất về nhân mạng
chưa biết ra sao (việc Vũ Hán, và nhiều địa phương khác, bị cô lập đột ngột,
trong tình trạng thiếu chuẩn bị, cũng bị nhiều người lên án, cho là nguyên nhân
khiến tình hình dịch bệnh tại các khu vực này thêm tồi tệ hơn). Việc trở lại
tìm hiểu những nguyên nhân chính nào đã dẫn đến việc Trung Quốc thất bại trong
việc kiểm soát dịch ắt hẳn cũng có thể mang lại những bài học có ích cho việc
nhận dạng dịch bệnh, kiềm chế dịch bệnh vốn đang diễn biến hết sức khó lường
trong hiện tại. Những bài học rất có thể sẽ đặc biệt bổ ích cho các quốc gia có
nhiều điểm tương đồng với chế độ Trung Quốc về hệ thống y tế, về quan hệ giữa
chính quyền với y tế, như trường hợp Việt Nam.
*
Các
nội dung liên quan
No comments:
Post a Comment