Monday, 10 February 2020

CHUYỆN TỪ THÔN HOÀNH : CHÂN DUNG CỦA NHỮNG NÔNG DÂN BỊ KHỞI TỐ TỘI GIẾT NGƯỜI (Nguyễn Ngọc Nam Phong)





Đồng Tâm đầy tháng! Những giọt nước mắt vẫn chưa vơi. Biết bao câu hỏi vẫn chưa có câu trả lời:

Tại sao lại tấn công thôn Hoành ban đêm lúc người dân còn đang say giấc ngủ?

Tại sao nhà nước của dân, do dân và vì dân lại giết dân?

Ai đã giết cụ Kình?

Đâu là nguyên nhân thực gây nên cái chết của ba viên sĩ quan công an?

Những người dân thôn Hoành đã bị bắt và hiện nay họ ở đâu?

Hàng trăm câu hỏi, nhưng không có câu trả lời, bởi cho tới lúc này, mọi thông tin định hướng dư luận từ các báo nhà nước đều được cung cấp bởi lực lượng công an, những người chủ chốt trong cuộc tập kích thôn hoành?

Ngày vào thôn Hoành, chúng tôi thực sự bất ngờ về sự đơn sơ, đến độ “ngây thơ chính trị” của những người chúng tôi gặp, ngay cả những gia đình có thân nhân bị bắt. Người dân thôn Hoành, cho đến hôm nay, vẫn không hiểu được, tại sao họ bị tấn công? Tại sao thân nhân họ bị ghép tội giết người, trong khi họ luôn tin vào pháp luật và công cuộc chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, nhất là, họ tin vào tờ cam kết của ông Nguyễn Đức Chung ngày ông vào thôn Hoành giải cứu những cảnh sát cơ động bị dân tạm giữ trước đó?

Bản cam kết của ông Nguyễn Đức Chung. Ảnh: internet

Theo người dân thôn Hoành kể lại, trong số những người bị bắt và được đưa lên tivi với màn “nhận tội” quen thuộc vào những ngày sau đó, có anh nông dân Nguyễn Văn Tuyển. Anh được nhà cầm quyền coi là những thành phần chủ chốt và được chọn đưa lên tivi nhận “cái tội mà tòa án chưa tuyên”. Nhìn khuôn mặt anh khắc khổ, có phần cứng cỏi trên tivi, làm cho nhiều người lầm tưởng anh là một người dữ tợn, nhưng thực tế không phải vậy. Ngày còn nhỏ, do nghịch pháo, anh đã bị mất một cánh tay và một đôi mắt không còn thị lực. Mỗi khi đi đâu anh phải có người chở. Công lực của thuốc nổ cũng làm cho tâm trí anh dễ kích động, nên mỗi khi thôn Hoành họp, người ta thấy anh thường phát biểu bằng những lời nói mạnh mẽ, thiếu kiểm soát. Vào cái đêm thôn Hoành bị đột kích, anh được tiếng kẻng báo động và được mọi người chở ra nhà cụ Kình để bảo vệ cụ Kình, bảo vệ các tài liệu pháp lý về đất đồng Sênh như mọi người thúc giục và anh đã bị bắt vào cái đêm bất hạnh đó.

Anh Nguyễn Văn Tuyển. Ảnh: VTV

Thực ra, anh Tuyển chỉ là một trong số 95% người dân xã Đồng Tâm – trừ các cán bộ trong thôn, đều cùng “đồng thuận” với cụ Kình tham gia giữ đất của tổ tiên để lại. Trong ý thức đơn sơ của họ, họ không làm gì trái pháp luật. Họ luôn tin vào đường lối chính sách của nhà nước. Chính ông Nguyễn Đức Chung đã cam kết không truy tố họ và điều đó làm họ vững tin vào cuộc đấu tranh cho công lý sẽ được pháp luật bảo vệ. Họ chỉ cần nhà nước đưa ra tờ giấy đã quản lý đất đồng Sênh hợp pháp là họ tôn trọng, nhưng chẳng thể có văn bản nào về sự quản lý hợp pháp đó mà chỉ có súng đạn, dùi cui, quyền lực không ai kiểm soát của nhà cầm quyền và nhà tù đang chờ đón họ.

Trong đêm thôn Hoành bị tấn công, sau cái chết đầy đau thương của cụ Kình, đã có 26 người dân Đồng Tâm bị bắt và bị khởi tố các tội danh khác nhau, trong đó

- có 20 người bị khởi tố tội danh giết người, gồm các nông dân: Lê Đình Chức, Lê Đình Công, Lê Đình Uy, Nguyễn Văn Tuyến, Bùi Văn Tiến, Bùi Văn Niên, Trần Thị La, Bùi Thị Nối, Nguyễn Thị Lụa, Bùi Viết Hiểu, Bùi Văn Tuấn, Nguyễn Quốc Tiến, Lê Đình Doanh, Bùi Thị Đục, Lê Đình Quân, Lê Đình Quang, Nguyễn Văn Duệ, Nguyễn Thị Bét, Nguyễn Văn Quân và Trịnh Văn Hải;

- có 2 bị can bị khởi tố về hành vi chống người thi hành công vụ, gồm: Lê Đình Hiển và Bùi Viết Tiến;

- bên cạnh đó, Công an thành phố Hà Nội còn tạm giữ hình sự các nông dân Nguyễn Xuân Điều, Trần Thị Phượng, Đào Thị Kim để làm rõ cái gọi là “hành vi giết người” và Nguyễn Thị Dung về hành vi chống người thi hành công vụ.

Ngoài những bị can đã được đưa lên tivi “nhận tội chưa có tòa nào xử” là những người được người dân Đồng Tâm tin rằng họ còn sống, những nạn nhân khác hiện không ai biết họ đang bị giam giữ ở đâu, còn sống hay đã chết?

Với người dân thôn Hoành hôm nay, niềm tin vào pháp luật cũng chẳng còn. Họ chỉ còn biết trông chờ vào lương tâm của những người cầm quyền và lòng tốt của những người đồng bào thành tâm thiện chí.

Hôm nay, họ thật sự đơn độc và đáng thương trong công cuộc đấu tranh cho lẽ phải và công bằng.

Xin đừng ai quên họ!

9/02/2020






No comments:

Post a Comment

View My Stats