Trần Thị Ngự chuyển ngữ
10/02/2020
Tôi từng tham gia trong chính quyền thuộc đảng
Dân Chủ vốn đã thất bại trong việc cải tổ sửa chữa một hệ thống gian lận.
Tôi hiểu rằng tổng thống hiện tại của chúng ta chỉ là một triệu chứng của sự
bất hòa trong chúng ta chứ không phải là nguyên nhân duy nhất. - Robert Reich
*
Một tổng thống bị luận tội, vốn sớm tái tranh cử,
sẽ đọc một bài Diễn Văn Liên Bang trong tuần này để gửi đến một cộng
đồng đang bị chia rẽ nhất trong ký ức sống của chúng ta.
Nhưng tại sao chúng ta lại chia rẽ như vậy? Chúng ta
đang không tham gia một cuộc chiến tranh cực kỳ trái với quyền lợi của
dân chúng với quy mô như chiến tranh Việt Nam. Chúng ta không ở trong một cuộc
khủng hoảng kinh tế sâu đậm như cuộc Đại Khủng Hoảng. Vâng, chúng ta không đồng ý về súng, đồng tính,
phá thai và nhập cư, nhưng chúng ta đã không đồng ý về chúng trong nhiều thập kỷ.
Tại sao bây giờ chúng ta lại chia rẽ như vậy?
Một phần của câu trả lời là chính Trump. Một kẻ chia rẽ
lão làng biết cách để người Mỹ bản địa chống lại người nhập cư, tầng lớp lao
động chống lại người nghèo, người da trắng chống lại người da đen và người
Latino, các tín đồ tôn giáo chống lại những người theo chủ nghĩa thế tục,
làm cho hầu hết mọi người bị khuấy động bằng cách phỉ báng, chê bai, tố cáo và
kết án những người khác là tồi tệ nhất. Trump phát triển mạnh từ sự đập
đổ và chia rẽ.
Nhưng điều đó đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta đã sẵn
sàng để bị Trump chia rẽ. Câu trả lời xuất phát phần lớn từ những gì đã xảy
ra với sự giàu có và quyền lực.
Vào mùa thu năm 2015, tôi đã đến thăm Michigan,
Wisconsin, Ohio, Pennsylvania, Kentucky, Missouri và North Carolina cho một dự
án nghiên cứu về sự thay đổi bản chất của công việc. Tôi đã nói chuyện với
nhiều người mà tôi đã gặp từ 20 năm trước khi tôi làm Bộ Trưởng Lao Động,
cũng như với một số người con đã trường thành của họ.
Những gì tôi nghe đã làm tôi ngạc nhiên. Hai mươi
năm trước, nhiều người nói rằng họ đã làm việc chăm chỉ nhưng thất vọng vì họ
đã không khá hơn. Bây giờ họ tức giận, tức giận với chủ nhân của họ, chính
phủ, thị trường tài chánh Wall Street.
Nhiều người đã mất, hoặc biết những người khác đã
mất, việc làm, tiền tiết kiệm hoặc nhà cửa trong cuộc Đại Suy Thoái sau cơn khủng
hoảng tài chính năm 2008. Hầu hết đã có việc trở lại, nhưng các công việc
mới không trả hơn mức lương mà họ có từ hơn hai thập kỷ trước đây về sức
mua.
Tôi đã nghe nói về thuật ngữ “hệ thống gian lận,”
vì vậy tôi thường bắt đầu hỏi mọi người về ý nghĩa của chúng. Họ nói về tiền
lương trả khoán, các lợi ích bị giảm thiểu, sự thiếu bảo đảm cho công
việc ngày càng tăng. Họ nói về sự cứu trợ dành cho thị trường tài chánh
Wall Street, các khoản thanh toán mang tính chính trị, các thỏa thuận nội bộ,
mức lương tăng vọt dành cho các giám đốc điều hành, và chủ nghĩa tư bản
thân hữu.
Những than phiền này đến từ những người tự nhận
mình thuộc đảng Cộng hòa và Dân chủ, và cả những người độc lập, không
đảng phái. Một số ít đã tham gia Tea Party. Một số cũng đã tham gia phong
trào Chiếm Đóng (Occupy movement) một thời gian ngắn.
Cuộc nổi dậy năm 2016 đang tiếp tục diễn ra
Với các cuộc bầu cử sơ bộ năm 2016 thấp thoáng
phía trước, tôi đã hỏi là họ thấy những ứng cử viên nào hấp dẫn nhất. Vào thời
điểm đó, các nhà lãnh đạo của đảng Dân Chủ ủng hộ Hillary Clinton và các nhà
lãnh đạo đảng Cộng hòa ủng hộ Jeb Bush. Tuy nhiên, không một ai mà tôi đã nói
chuyện đề cập đến Clinton hoặc Bush.
Thay vào đó họ nói về Bernie Sanders và Donald
Trump. Khi tôi hỏi tại sao, họ nói Sanders hay Trump sẽ “làm đảo lộn mọi thứ,”
hoặc “làm cho hệ thống hoạt động trở lại” hoặc “chận đứng tham nhũng”
hoặc “kết thúc gian lận.”
Vào năm sau (tức 2016), Sanders - một người Do Thái
74 tuổi từ tiểu bang Vermont, người tự nhận mình là một nhà xã hội dân chủ và
thậm chí không phải là thành viên đảng Dân Chủ trước khi có các cuộc bầu cử
sơ bộ - suýt đánh bại Hillary Clinton trong đường tơ kẽ tóc ở Iowa, sau
đó đánh bại bà ở New Hampshire, và kết thúc với 46% số đại biểu được cam kết
từ các cuộc họp đảng và bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ.
Trump - một tỷ phú ngôi sao truyền hình thực tế 69
tuổi, người chưa từng bao giờ giữ chức vụ dân cử, hay có liên quan gì đến đảng
Cộng hòa, và là người nói dối không thể cưỡng được về mọi thứ - đã thắng
cuộc bầu cử sơ bộ để tiếp tục đánh bại Hillary Clinton, vốn là một trong những
chính trị gia giàu kinh nghiệm và có những mối quan hệ tốt nhất ở Mỹ thời hiện
đại (mặc dù ông Trump không thắng ở phiếu phổ thông, và có một số trợ giúp từ
Điện Kremlin).
Một cái gì đó
rất quan trọng đã xảy ra, và đó không phải là sức thu hút của Sanders, hay
tính dễ mến của Trump. Đó là một cuộc phản kháng chống lại tổ chức
chính thức.[1] Cuộc phản kháng đó vẫn đang diễn ra, mặc dù phần
lớn những người trong tổ chức vẫn phủ nhận. Họ thích cho rằng việc nổi
lên của Trump hoàn toàn là do phân biệt chủng tộc.
Phân biệt chủng tộc thật sự có đóng góp một phần.
Nhưng để hiểu được lý do tại sao phân biệt chủng tộc lại có tác động mạnh mẽ
như vậy trong năm 2016, đặc biệt về những lá phiếu của người da trắng không
có bằng đại học, điều quan trọng là phải xem điều gì đã thúc đẩy nó. Thật sự,
chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã có ở Mỹ từ rất lâu trước khi thành lập nền Cộng
hòa, và ngay cả các chính trị gia hiện đại của Mỹ cũng có một vài ngần ngại về
việc sử dụng phân biệt chủng tộc để gia tăng vị thế của họ.
Điều khiến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc - cũng như
sự bài ngoại đáng ghét, tánh coi thường đàn bà và chủ nghĩa hiếu chiến
của Donald Trump - đặc
biệt gây ra thù hận là khả năng của ông ta hướng sự giận dữ ngày càng tăng của
tầng lớp lao động da trắng vào đó. Hầu như không phải đây là lần đầu
tiên trong lịch sử một kẻ mị dân đã sử dụng các nạn nhân để làm chệch hướng
sự chú ý của công chúng khỏi những nguyên nhân thực sự của sự đau khổ.
Đảng Dân Chủ đã không làm gì để thay đổi một
hệ thống gian lận
Được hỗ trợ bởi Fox News và một đội quân của các
cổng thông tin cánh hữu, Trump đã thuyết phục nhiều công nhân lao động, vốn
cảm thấy bị Washington bỏ quên, rằng ông ta là người cổ vũ cho họ. Hillary
Clinton đã không thuyết phục được họ như thế. Nhiều thập kỷ phục vụ công
chúng của bà đã kết thúc một cách tiêu cực, chứ không tích cực. Chắc chắn
bà là một phần của tổ chức chính thức, là mẫu mực của những chính sách
mà trong nhiều thập kỷ đã bỏ quên những công nhân lao động. (Điều đáng chú
ý là trong các cuộc bầu cử sơ bộ, Sanders đã làm tốt hơn nhiều với các cử tri
thuộc thành phần lao động so với bà Clinton).
Trump đã làm phấn khởi hàng triệu cử tri thuộc
giới lao động đang sống trong các cộng đồng không bao giờ phục hồi sau làn
sóng đóng cửa các nhà máy. Ông ta hứa sẽ mang lại công ăn việc làm, hồi sinh
ngành sản xuất và cứng rắn đối với ngọai thương và di dân.
“Chúng ta không thể cho phép Trung Quốc hãm hiếp
đất nước chúng ta, và đó là những gì họ đang làm,” Trump nói trong một cuộc biểu
tình. “Sau 5, 10 năm nữa, bạn sẽ có một bữa tiệc của công nhân. Một bữa
tiệc của những người đã không được thực sự tăng lương trong 18 năm, điều
đó thật đáng tức giận.”
Phát biểu tại một nhà máy ở Pennsylvania vào tháng 6
năm 2016, ông ta chê bai các chính trị gia và các nhà tài chính đã phản bội
người Mỹ bằng cách “lấy đi của người dân phương tiện kiếm sống và nuôi dưỡng
gia đình họ.”
Đảng Dân Chủ đã nắm giữ Nhà Trắng 16 trong 24 năm
trước khi Trump được bầu, và trong thời gian đó đã giành được một số chiến thắng
quan trọng cho các gia đình lao động: Đạo Luật Chăm Sóc Sức Khỏe với Giá Phải
Chăng, mở rộng Đạo Luật Tín Dụng Thuế Thu Nhập, và Đạo Luật Nghỉ Phép vì Lý
Do Gia Đình và Y Tế. [2 ] Tôi tự hào là thành phần của chính quyền thuộc
đảng Dân Chủ trong thời gian đó.
Nhưng đảng Dân Chủ đã không làm gì để thay đổi cái
vòng kim cô tàn ác của sự giàu có và quyền lực vốn đã lũng đoạn nền kinh
tế để phục vụ lợi ích của những người ở hàng đầu và làm suy yếu giai cấp
công nhân. Nhà thăm dò ý kiến cho đảng Dân Chủ Stanley Greenberg đã kết luận
sau cuộc bầu cử năm 2016 rằng “những người theo đảng Dân Chủ không có vấn đề
về ‘tầng lớp lao động da trắng.’ Họ có ‘vấn đề về tầng lớp lao động’ nói
chung mà những người cấp tiến đã ngần ngại không muốn giải quyết một cách
trung thực hoặc rốt ráo.
“Thực tế là đảng Dân Chủ đã mất sự ủng hộ đối với tất
cả các cử tri thuộc tầng lớp lao động ở mọi cử tri đoàn.”
Clinton và Obama đã chọn không giành lại quyền
lực từ một nhóm thiểu số nắm quyền (đầu sỏ chính trị)[3]. Tại
sao?
Trong hai năm đầu tiên của chính quyền Bill Clinton
và Barack Obama, đảng Dân Chủ đã kiểm soát cả hai viện của Quốc hội. Tuy nhiên,
cả Clinton và Obama đều ủng hộ các hiệp định thương mại tự do mà không cung cấp
cho hàng triệu công nhân lao động, những người sau đó bị mất việc, những
phương tiện để họ tìm được công việc mới cũng trả lương ít nhất là như
trước. [4] Clinton đã thúc đẩy Nafta và cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương
mại Thế giới; Obama đã tìm cách khôi phục lại “niềm tin” đối với thị trường
tài chánh Wall Street thay vì cải sửa hoàn toàn hệ thống ngân hàng.
Cả hai cùng đứng nhìn khi các đại công ty “đập”
công đoàn, xương sống của giai cấp công nhân da trắng. [5] Họ (Clinton và
Obama) đã thất bại trong việc cải cách luật lao động để cho phép người lao động
thành lập công đoàn với một cuộc bỏ phiếu trực tiếp đơn giản theo nguyên tắc
đa số; họ cũng thất bại ngay cả với việc áp dụng các hình phạt thực
sự với các công ty vi phạm các bảo vệ lao động.[6] Clinton bãi bỏ các qui
định kiểm soát thị trường tài chánh Wall Street trước khi thị trường
bị vỡ; Obama đã để cho thị trường tài chánh Wall Street làm giảm
thiểu các nỗ lực nhằm chỉnh đốn lại Wall Street sau vụ đổ vỡ. Obama
đã bảo vệ Wall Street khỏi hậu quả của việc đam mê các hoạt động tài chánh
mang tính cờ bạc qua một gói cứu trợ khổng lồ do người đóng thuế tài trợ, [7]
nhưng lại để cho hàng triệu chủ nhà đang nợ ngân hàng số tiền cao hơn
trị giá căn nhà của họ bị chết đuối (mất nhà).
Cả (Bill) Clinton và Obama đều quay lưng lại với cải
cách tài chính liên quan đến vận động tranh cử. Năm 2008, Obama là ứng cử
viên tổng thống đầu tiên kể từ thời Richard Nixon từ chối tài trợ của Liên
Bang trong các chiến dịch bầu cử sơ bộ (primary) và toàn diện (general), và
ông không bao giờ thực hiện lời hứa khi tái tranh cử để theo đuổi việc sửa
đổi hiến pháp với mục đích lật ngược phán quyết Citizens United vs
FEC của Tối Cao Pháp Viện năm 2010 vốn đã mở ra cơ hội cho
những khoản tiền lớn tràn ngập vào trong chính trị.[8]
Mặc dù (Bill) Clinton và Obama phải đối mặt với sự
thù địch ngày càng gia tăng của các đại biểu thuộc đảng Cộng Hòa, họ
(Clinton và Obama) có thể đã tập hợp được giai cấp công nhân và xây dựng một
liên minh để giành lại quyền lực từ khi nhóm đầu sỏ mới xuất hiện. Tuy
nhiên, họ đã chọn không làm như vậy. Tại sao?
Câu trả lời của tôi không phải là giả thuyết, bởi
vì tôi đã trực tiếp chứng kiến nhiều về điều đó: đó là bởi vì (Bill) Clinton,
Obama và nhiều nghị sĩ thuộc đảng Dân Chủ đã kiếm phiếu của những cử tri chưa
kiên định lập trường sống ở ngoại ô – những người được gọi là các bà mẹ
bóng đá trong những năm 1990s, cũng như các chuyên gia khá giả và độc lập
về chính trị trong những năm 2000s - những người đó được cho là sẽ quyết định
kết quả bầu cử và quay lưng lại với tầng lớp lao động. Tương tự như các ứng
cử viên thuộc đảng Cộng Hòa, họ cũng uống cùng máng tài trợ tranh cử từ
các tập đoàn lớn, Wall Street và những cá nhân rất giàu có.
Không còn cánh tả hay cánh hữu. Cũng
không còn nhóm đứng giữa “trung dung”
Có một đường dây trực tiếp liên kết sự đình trệ tiền
lương trong bốn thập kỷ với sự cứu trợ Wall Street, sự trỗi dậy của đảng Tea,
phong trào Occupy, và những thành tựu của Sanders và Trump năm 2016. Như
Eduardo Porter của New York Times lưu ý, kể từ năm 2000, các ứng cử viên tổng
thống của đảng Cộng Hòa đã đạt được sức mạnh từ các quận nghèo hơn ở Mỹ
trong khi đảng Dân Chủ đã mất chỗ đứng. Năm 2016, Trump giành được 58% số phiếu
trong các quận hạt với 10% dân số nghèo nhất. Ông ta chiếm được 31% số
phiếu trong số những người giàu nhất.
Đến năm 2016, người Mỹ đã hiểu rõ rằng sự giàu có
và quyền lực đã di chuyển đến với những người ở hàng đầu. Tiền bạc đã
lũng đoạn nền chính trị của chúng ta. Đây là tiền đề của chiến dịch tranh
cử của Sanders năm 2016. Nó cũng là điểm chính của sự hấp dẫn của Trump, -
“Tôi rất giàu đến nỗi không thể bị mua chuộc”- mặc dù một khi được bầu,
ông ta đã cung cấp mọi thứ mà những người có rất nhiều tiền muốn.
Lực lượng mạnh nhất trong chính trị Mỹ ngày nay tiếp
tục là cơn giận dữ chống lại tổ chức chính thức nhắm vào hệ thống gian
lận. Không còn cánh hữu hay cánh tả. Không còn nhóm đứng giữa “trung
dung.” Chỉ có hoặc là chủ nghĩa dân túy độc đoán của Trump, hoặc là chủ
nghĩa dân tuý dân chủ (chữ “d” không viết hoa).
Đảng Dân Chủ
không thể đánh bại chủ nghĩa dân túy độc tài nếu không có một chương trình cải
cách dân chủ triệt để, một phong trào chống lại tổ chức/cơ sở chính thức. Trump đã khai thác sự thất vọng của ít nhất 40% người Mỹ. Mặc dù ông ta
là con ngựa thành Troa đối với các tập đoàn lớn và những người giàu có, mang
lại cho họ tất cả những gì họ muốn trong việc cắt giảm thuế và những hạn chế về
quy định kiểm soát, tầng lớp lao động vẫn tiếp tục tin rằng ông ta đứng về
phía họ.
Đảng Dân Chủ phải đứng hẳn về phía dân chủ để chống
lại bọn đầu sỏ. Họ phải thành lập một liên minh thống nhất gồm những người thuộc
mọi chủng tộc, giới tính, khuynh hướng tình dục và giai cấp, và cùng nhau hợp
tác để xóa bỏ sự lũng đoạn của tiền bạc.
Trump không phải là nguyên nhân của đất nước bị chia
rẽ của chúng ta. Ông ta là triệu chứng của một hệ thống gian lận đã chia rẽ
chúng ta. Đánh bại ông ta chưa đủ. Chúng ta phải cải tổ cái hệ thống đã đưa
chúng ta đến tình trạng này ngay, để đảm bảo rằng sẽ không có chính trị gia
nào trong tương lai lập lại chế độ mị dân độc đoán của Trump.
-------------------
Robert Reich hiện là Giáo Sư về Chính Sách Công tại Đại Học
California, Berkeley. Nguyên bản bài viết “Why Democrats share the blame for
the rise of Donald Trump” đăng ở The Guardian, ngày 02/02/2020. Nguyên bản có thể được đọc tại đây: https://www.theguardian.com/commentisfree/2020/feb/01/donald-trump-impeachment-trial-state-of-the-union
----------------------------
Chú
thích của người dịch:
1. Tác giả muốn nói đến Democratic
establishment, tổ chức chính thức của đảng Dân Chủ.
2. Đạo Luật Tín Dụng Thuế Thu Nhập (Earned Income
Tax Credit) trả lại một phần thuế thu nhập cho những người có lợi
tức thấp và có con nhỏ dưới 18 tuổi. Bill Clinton ký Đạo Luật Nghỉ Phép
vì Lý Do Gia Đình và Y Tế (The Family and Medical Leave Act) khi vừa mới
nhậm chức tổng thống. Đạo luật này cho phép những người đi làm được
xin nghỉ tới 1 năm không lương vì lý do sức khỏe hay để săn sóc người
thân mà không sợ bị đuổi việc.
3. “Oligarchy” trong nguyên bản.
4. Nafta và việc Trung Quốc tham gia Tổ Chức
Thương Mại Thế Giới mở ra cơ hội cho các công ty ở Hoa Kỳ di chuyển cơ
sở sản xuất ra khỏi nưởc Mỹ để tìm lao động rẻ tại các nưởc đang
phát triển. Việc này đã khiến cho nhiều triệu công nhân ở Mỹ bị mất
việc.
5. Trên nguyên tắc, thành lập và gia nhập công
đoàn là một trong các quyền tự do cơ bản tại Hoa Kỳ. Trong thực tế,
sau khi phần lớn các nhà máy di chuyển ra khỏi nước Mỹ, các hãng
xưởng mới xuất hiện với những công việc mới, và rất nhiều chủ nhân
không mặn mà với công đoàn. Tại nhiều hãng xưởng, các chủ nhân đã
tìm cách ngăn cản việc thành lập cũng như gia nhập công đoàn bằng
nhiều cách, như đe dọa cho nghỉ việc hay thuyên chuyển. Việc ngăn cản,
dù bất hợp pháp, đã thực sự thu hẹp con số thành viên cũng như hoạt
động của công đoàn. Hiện nay chỉ còn khoảng 10% công nhân tham gia công
đoàn so với 30% trong thập kỷ 1960s.
6. Việc thành lập công đoàn ở Mỹ khá phức
tạp vì phải qua 4 giai đoạn, đại khái như sau:
a. Thăm dò: Liên lạc với đồng nghiệp ở nhiều
bộ phận khác nhau để tìm hiểu ý thích thành lập công đoàn. Những
người này trở thành trường nhóm – leaders.
b. Lập kế hoạch: Nói chuyện với nhà tổ chức
công đoàn, union organizer, để lập kế hoạch xúc tiến chương trình.
c. Tìm ủng hộ và ký thẻ hội viên: Trưởng
nhóm nói chuyện với công nhân để thu thập sự ủng hộ bằng cách mời
họ ký tên vào thẻ hội viên (tạm thời). Đây là giai đoạn nguy hiểm cho
những người bày tỏ ý muốn thành lập công đoàn vì chủ nhân thường
tìm cách ngăn cản hay đe dọa.
d. Những thẻ hội viên tạm thời được dùng đề
yêu cầu tiều bang và tổ chức lao động liên bang tổ chức một cuộc bỏ
phiếu để quyết định việc thành lập công đoàn. Các cơ quan này sẽ
quyết định ai sẽ được bỏ phiếu. Nếu số người ký tên đạt mức quá
bản tuyệt đối thì có thể bỏ qua giai đoạn bỏ phiếu.
Quá trình phức tạp của việc thành lập công
đoàn tạo điều kiện cho giới chủ nhân can thiệp và ngăn cản.
7. Tác giả dùng cụm từ “gamling addiction” để
chỉ việc các công ty và tập đoàn tài chánh đam mê các hoạt động có
nhiều rủi ro,với hy vọng kiếm những món lời lớn, tương tự như đánh
bạc.
8. Citizens United vs FEC, 2010 liên
quan đến vấn đề tài trợ cho các hoạt động tranh cử. Trong vụ này,
Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ tuyên bố quyền tự do ngôn luận nằm trong Tu
Chính Án Thứ Nhất cấm chính phủ giới hạn các khoản chi tiêu độc
lập cho truyền thông chính tri của các công ty, bao gồm cả các công ty
bất vụ lợi, tổ chức công đoàn và các hội đoàn khác. Kết quả của
quyết định này là các công ty hay hội đoàn tư nhân có quyền xử dụng
tài chánh không giới hạn để quảng cáo cho các ứng cử viên mà họ
ủng hộ (nhưng không được cống hiến tiển bạc vô giới hạn cho các ứng
cử viên).
Nguồn :
Sun 2 Feb 2020 01.00 EST . Last modified
on Mon 3 Feb 2020 13.04 EST
No comments:
Post a Comment