Monday, 1 July 2019

TRUMP - KIM : ĐẢNG DÂN CHỦ LÊN ÁN SỰ KHINH SUẤT CỦA TỔNG THỐNG MỸ (Minh Anh - RFI)




Minh Anh – RFI
Đăng ngày 01-07-2019

Một năm sau cuộc gặp thượng đỉnh lần đầu giữa Donald Trump và Kim Jong Un, tình hình chẳng có mấy gì thay đổi. Tại Hoa Kỳ, phe đối lập Dân Chủ lên án sự ưu ái mà ông Donald Trump dành cho nhà « độc tài » Bắc Triều Tiên, được cho là đã không đưa ra một chút nhượng bộ nào.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ở Bàn Môn Điếm, ngày 30/06/2019.REUTERS/Kevin Lamarque

Từ Washington, thông tín viên Grégoire Pourtier tường thuật :

« Các ứng viên đảng Dân Chủ giành quyền đại diện tranh cử tổng thống Mỹ gần như có cùng luận điệu. Khi nhắc lại lời đe dọa « lửa và cuồng nộ » chống lại Bắc Triều Tiên của tổng thống Mỹ, thật sự họ không thể lên án sáng kiến ngoại giao của Donald Trump. Nhưng giống như Julian Castro, nhiều người lấy làm tiếc về sự ngẫu hứng và khinh suất dường như đang chi phối mối quan hệ đặc biệt giữa ông Trump với Kim Jong Un.

Ông Julian Castro phát biểu : « Tôi cho rằng chúng ta nên có chuẩn bị kỹ từ trước và buộc Kim Jong Un phải thực hiện những cam kết mà ông ấy đưa ra tại thượng đỉnh Singapore. Tôi không nghĩ là thích hợp khi lãnh đạo Hoa Kỳ tiếp tục gặp gỡ một nhà độc tài một cách sai lầm như thế, vì ông ấy đã không tuân thủ những gì mình nói cách nay một năm ».

Đối với một số người trong đảng Dân Chủ, chính Bắc Triều Tiên đang dẫn cuộc chơi. Đương nhiên, Donald Trump nghĩ ngược lại, và ông ấy muốn tạo ra hình ảnh một người kiến tạo hòa bình. Đối với ông Bernie Sanders, một ứng viên khác, cuộc gặp đó chẳng qua chỉ là làm cho người ta lóa mắt và điều này đi ngược với những lập trường khác được đưa ra.

Ông Sanders nói : « Tôi không muốn đó đơn giản chỉ là một bức ảnh để thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. Chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai và những ngày sau đó ? Hiện tại, vào lúc gặp Kim Jong Un, quý vị biết rồi đấy, ông Trump luôn là người khiêu khích và hầu như luôn nhắm đến một cuộc chiến với Iran ».

Tổng thống Mỹ đang làm ngược lại người tiền nhiệm Barack Obama và phải đợi một thời gian để biết là chiến lược của ông đối với Bình Nhưỡng hay Iran có thành công hay không. Trừ phi là có một ứng viên đảng Dân Chủ bước vào Nhà Trắng sau năm 2020 và lại dỡ bỏ những gì Donald Trump đang cố thực thi lúc này. »

------------------------------

Minh Anh  - RFI
Đăng ngày 01-07-2019

Ngày 30/06/2019, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp lần ba tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm. Sự kiện còn mang đậm ý nghĩa lịch sử vì ông Donald Trump là vị tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Hoa Kỳ đặt chân lên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, trong khi hai nước về mặt nguyên tắc vẫn còn đối đầu nhau. Một số nhà quan sát nhận định : Cuộc gặp lần này đã được Kim Jong Un tính toán kỹ lưỡng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Bàn Môn Điếm, ngày 30/06/2019.KCNA via REUTERS

Sự kiện đã khiến cả thế giới sững sờ trong hai ngày cuối tuần qua. Tổng thống Mỹ Donald Trump phá vỡ các quy tắc ngoại giao, mời gặp đồng nhiệm Bắc Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm trong một dòng tweet ngắn ngủi. Bình Nhưỡng sau một hồi do dự đã chấp nhận lời mời vào phút chót.

Vậy Kim Jong Un đang toan tính gì nhận lời mời gặp không tuân theo một nghi thức ngoại giao nào ? Trước hết, nhật báo Pháp Le Figaro nhìn nhận, sau thượng đỉnh Hà Nội và Singapore, cú bắt tay « lịch sử » này đã mang lại cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhiều mối lợi chính trị và ngoại giao. Việc tổng thống Mỹ mời Kim Jong Un một ngày đến thăm Nhà Trắng là một « bước nhảy vọt » mới cho chế độ « độc tài » đang tìm kiếm một sự nhìn nhận về ngoại giao từ cộng đồng quốc tế.

Về mặt phương pháp, lãnh đạo Bắc Triều Tiên muốn nối lại đối thoại trực tiếp giữa hai nguyên thủ. Sau thất bại thượng đỉnh Hà Nội, chế độ Bình Nhưỡng tuyên bố không muốn hai nhân vật « diều hâu » là ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo và cố vấn an ninh quốc gia, John Bolton có mặt trong các cuộc đàm phán.

Bắc Triều Tiên cáo buộc hai nhân vật này tìm cách phá hỏng các cuộc thương lượng và yêu cầu chỉ đàm phán với Donald Trump, được cho là linh động hơn. Cuộc gặp lần này gần như xác nhận cách tiếp cận trên của Bình Nhưỡng. Giới chuyên gia đặc biệt lưu ý là trong buổi gặp ngày Chủ Nhật 30/06 không có sự hiện diện của ông John Bolton. Một dấu hiệu cho thấy Donald Trump đang thay đổi phương pháp đàm phán ?

Thượng đỉnh lần ba này cũng có thể được xem như là kết quả của một tháng chiến dịch « quyến rũ » tổng thống Mỹ từ lãnh đạo Bắc Triều Tiên, như viết thư hỏi thăm hay gởi thiệp chúc mừng sinh nhật ngày 14/06. Dường như Kim Jong Un sợ rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và hồ sơ Iran có thể làm cho nguyên thủ Mỹ « lơ là » Bắc Triều Tiên.

Đây quả là một nước cờ được tính toán, nhưng cũng hàm chứa nhiều rủi ro cho lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng. Áp lực của phe chủ trương cứng rắn trong nội bộ chế độ ngày càng tăng sau thất bại của thượng đỉnh Hà Nội. Những người này  cho rằng, tại Hà Nội, Kim Jong Un không những đã không có được một sự nhượng bộ nào về các trừng phạt , mà còn bị kẻ thù Hoa Kỳ sỉ nhục. Kết quả là một đợt thanh trừng đã diễn ra và nhà thương thuyết chính của Bắc Triều Tiên Kim Yong Chol vô hình chung bị biến thành vật tế thần để giải tỏa các lời chỉ trích ông Kim Jong Un.

Khi chấp nhận đến gặp Donald Trump tại khu phi quân sự, nhà độc tài trẻ tuổi hy vọng được tổng thống Donald Trump giảm nhẹ trừng phạt kinh tế, hiện đang bóp nghẹt nền kinh tế đất nước, nhằm làm hài lòng người dân và những tầng lớp lãnh đạo. Nhưng nếu lần này về tay không, hình ảnh lãnh đạo tối cao sẽ bị sứt mẻ. Thật ra, ông Kim Jong Un không thể không nhận lời gặp tổng thống Donald Trump, vì làm như thế là sĩ nhục chủ nhân Nhà Trắng, gây tác hại cho mối quan hệ của ông với vị tổng thống nổi tiếng « khó lường » này.

---------------------------------------

Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 01-07-2019 

Sự kiện lần đầu tiên một đương kim tổng thống Mỹ đặt chân lên lãnh thổ Bắc Triều Tiên đẩy tất cả các hồ sơ lớn khác của thế giới vào hàng thứ yếu. Từ kết quả thượng đỉnh G20 tại Osaka tại Nhật Bản đến cuộc gặp bên lề sự kiện ngoại giao này giữa Donald Trump và Tập Cận Bình để giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ- Trung, từ thỏa thuận mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu với khối Mercosur đến bế tắc tại Bruxelles trong việc chỉ định lãnh đạo, tất cả các chủ đề này đều kém sức hấp dẫn.

Donald Trump và Kim Jung Un ở vùng phi quân sự, Bàn Môn Điếm, ngày 30/06/2019. AFP/Brendan Smialowski

Le Monde trên mạng cập nhật thông tin và nhận định : cuộc gặp Trump-Kim hôm 30/06/2019 là một "bước ngoặt" trong tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ- Bắc Triều Tiên, là "khúc dạo đầu để đôi bên nối lại đối thoại". Báo chí chính thức tại Bình Nhưỡng ngày 01/07/2019 ca ngợi lãnh tụ hết lời, trong lúc tờ Le Figaro chú ý đến "nước cờ tinh vi" của Kim Jong Un khi bắt tay tổng thống Trump tại Bàn Môn Điếm và mời nguyên thủ Mỹ đi vài bước trên lãnh thổ của mình.

La Croix nói đến một "bước đi lịch sử của Donald Trump trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên" vì hai lý do. Thứ nhất, nguyên thủ hai nước đã gặp lại nhau trong vùng phi quân sự, đường biên giới giữa hai nước Triều Tiên. Đối với người dân hai miền Nam và Bắc trên bán đảo này, khu vực phi quân sự này là biểu tượng của chiến tranh, của sự chia cắt và của rất nhiều những đau khổ. Với cộng đồng quốc tế, đây là vết tích còn đọng lại của thời kỳ chiến tranh lạnh. Điểm quan trọng thứ nhì nằm ở chỗ Donald Trump là vị tổng thống Hoa Kỳ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, trong lúc mà về mặt chính thức và về "kỹ thuật", Mỹ và Bắc Triều Tiên vẫn trong "tình trạng chiến tranh".

Donald Trump, một đạo diễn tài hoa

Thông tín viên báo Les Echos, Yann Rousseau nhận định : "Giải thưởng dành cho đạo diễn xuất sắc nhất được trao tặng cho Donald Trump". Người ta trông thấy hình ảnh nguyên thủ Mỹ đứng một mình ở phía nam đường giới tuyến, nơi chia cắt hai nước Triều Tiên từ năm 1953, rồi Kim Jong Un từ phía bắc tiến về phía chủ nhân Nhà Trắng. Ông Trump nhắc đi nhắc lại đến hai lần "Ông muốn tôi bước sang à ?". Kim đưa tay mời Trump bước về phía mình. Thế là đôi bên cùng đi vào lịch sử !

Phóng viên báo Le Figaro tại Washington và Seoul cùng ghi nhận : Donald Trump biến khu vực phi quân sự giữa hai nước Triều Tiên trở thành "sân khấu" để ông cho diễn một "vở kịch" mà kịch bản do ông đã soạn và trên thực tế cuộc gặp lần thứ ba với Kim Jong Un đã được chuẩn bị từ trước. Chính nguyên thủ Mỹ đã tiết lộ điều này với báo The Hill từ hôm 24/06/2019.

Dù vậy, cuộc gặp Trump – Kim tại Bàn Môn Điếm lần này càng cho thấy, Donald Trump thích những "biểu tượng", thích những đòn ngoạn mục bắt cả thế giới phải chú ý.

Vẫn Le Figaro trích dẫn lời giáo sư Mason Richey, đại học Hankuk- Seoul, cho rằng cuộc gặp hôm 30/06/2019 là một "vở kịch không có nội dung". Tệ hơn nữa, sự kiện vừa rồi cho thấy chính sách ngoại giao của "một ông Donald Trump " nặng phần trình diễn" mà không hay biết gì về những chi tiết bên trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Ngay từ thượng đỉnh Singapore tháng 6/2018, đôi bên chỉ đưa ra một thỏa thuận về nguyên tắc, không đề ra những mục tiêu hay một lịch trình cụ thể. Chính vì điểm này, Washington và Bình Nhưỡng đã không thể vượt lên trên những bất đồng tại thượng đỉnh Hà Nội hồi tháng 2/2019.

Bắc Triều Tiên đã ngưng thử nghiệm tên lửa tầm xa, nhưng vẫn tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Tình báo Mỹ CIA nghi ngờ Bình Nhưỡng tiếp tục chế tạo vũ khí hạt nhân. Dù vậy những "tiến bộ bề ngoài" đó cũng đủ để Donald Trump hài lòng và cho phép ông "phô trương thành tích" với cử tri Mỹ vào lúc ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống thứ hai.

Về hiệu quả từ những bước đi của Donald Trump trên lãnh thổ Bắc Triều Tiên, Yann Rousseau trên tờ Les Echos nhìn nhận : Donald Trump đã làm được điều mà tất cả những người tiền nhiệm đều đã "từ chối, vì không muốn tâng bốc gia đình họ Kim".

Sau một cuộc thảo luận 45 phút, nguyên thủ Hoa Kỳ tuyên bố với báo chí là đã mời ông "bạn" Kim Jong Un chính thức công du nước Mỹ. Ông Kim không đáp lại lời mời của chủ nhân Nhà Trắng, bởi Kim đã "rất hài lòng với chiến dịch tuyên truyền lần này". Mới 18 tháng trước, cũng Donald Trump dọa lật đổ Kim Jong Un, giờ đây, nhân vật số 1 tại Bình Nhưỡng đã ba lần bắt tay "nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới". Vị thế của Kim Jong Un được củng cố hơn bao giờ hết.

Coi chừng ảo vọng

Tuy nhiên câu hỏi quan trọng nhất vẫn là tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên có tiến triển gì hay không sau "màn trình diễn", sau "sô truyền hình" vừa qua ?
                                                                                                   
Washington và Bình Nhưỡng đồng ý nối lại đàm phán, nhưng "đôi bên nói chuyện với nhau trên cơ sở nào" ? Chính quyền Trump vẫn giữ nguyên lập trường về một tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên "hoàn toàn và không thể đảo ngược" hay chấp nhận đi từng bước ? Philippe Pons của tờ Le Monde nêu lên tất cả các câu hỏi trên, nhưng chưa có lời giải đáp.

Les Echos trích lời một cựu quan chức của Nhà Trắng đặc trách về hồ sơ Bắc Triều Tiên, ông Joseph Yun, đánh giá : "Không biết Donald Trump đang tính toán những gì, chỉ biết rằng trước mắt kho vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn của Bình Nhưỡng vẫn không suy suyển". Ngược lại phía Hoa Kỳ đã tỏ ra "mềm dẻo" hơn.

Về vai trò của Hàn Quốc, Philippe Pons trên tờ Le Monde ghi nhận : cuộc họp tay ba tại Bàn Môn Điếm vừa rồi, cho thấy Seoul chẳng những không bị gạt ra bên lề, mà dường như chính tổng thống Moon Jae In đã đưa ra sáng kiến để hai ông Trump –Kim bắt tay nhau ngay trên đường biên giới liên Triều.

Tiếp nguyên thủ Mỹ tại phủ tổng thống, ông Moon tuyên bố "bông hoa hòa bình chớm nở tại Triều Tiên". Nhà báo Pháp hóm hỉnh kết luận : sẽ còn phải có thêm rất nhiều bông hoa nữa mới hy vọng vãn hồi hòa bình lâu dài cho bán đảo Triều Tiên.

G20 Osaka thoát hiểm

Trở lại với một sự kiện quan trọng khác về quan hệ quốc tế diễn ra cuối tuần qua tại Nhật Bản là thượng đỉnh G20, Le Monde chú ý đến điểm nhạy cảm nhất đối với Pháp đó là hồ sơ biến đổi khí hậu.

Tờ báo chạy tựa "Đối phó với Trump, G20 hạn chế được thiệt hại" và giải thích : cho đến phút chót Washington nỗ lực vận động các đối tác trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới từ bỏ thỏa thuận chống biến đổi khí hậu đã được thông qua tại Paris. Nhưng cuối cùng Liên Hiệp Châu Âu đã hợp lực với Canada và trong một chừng mực nào đó là với Trung Quốc để bảo vệ thỏa thuận khí hậu COP21. Les Echos trên trang nhất chạy tựa lớn "G20 tránh được thất bại vào giờ chót". Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ không nghiêng về phía Mỹ. Nhưng các bên không đưa ra những cam kết cụ thể hay ràng buộc.

Trên vế thương mại, dự án cải tổ Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vẫn dậm chân tại chỗ kể từ thượng đỉnh lần trước tại Buenos Aires tháng 12/2018. Về cuộc hội đàm rất được mong đợi giữa Donald Trump và Tập Cận Bình để khai thông bế tắc về mậu dịch, Les Echos nói đến một "hiệp định hưu chiến tạm thời và mong manh". Mong manh bởi như tờ Le Figaro nhắc lại với độc giả : hơn sáu tháng trước đây, tại G20 tổ chức ở Buenos Aires, cũng Trump và Tập đã ký hiệp định đình chiến để rồi "cuộc chiến thương mại bùng lên trở lại"

Le Monde ghi nhận : "Bắc Kinh và Washington đồng ý ngưng ban hành thêm các biện pháp áp thuế, nhưng xung khắc vẫn nguyên vẹn" . Điểm son ở đây là cuộc họp tại Osaka hôm Thứ Bảy vừa rồi cho phép Mỹ và Trung Quốc "nối lại đàm phán thương mại" vào lúc tăng trưởng toàn cầu có dấu hiệu hụt hơi.







No comments:

Post a Comment

View My Stats