Thursday, 18 July 2019

TRANH CỬ SƠ BỘ ĐẢNG DÂN CHỦ (Cổ-Lũy)




Cổ-Lũy
July 17, 2019

Đi vào tranh cử 2020, phía Cộng Hòa không có mấy chọn lựa; ông Donald Trump là tổng thống tại chức với lợi thế lớn về quyền lực và tiền ủng hộ vì không có cạnh tranh, và chắc chắn sẽ thành nhân vật chính. Cựu thống đốc Massachusetts, ông Bill Weld, muốn thách đố ông Trump nhưng ít người biết đến; tuy nhiên, Dân Biểu Justin Amash (Cộng Hòa vừa thành độc lập) có thể là đe dọa cho ông.

Bốn ứng viên đảng Dân Chủ trong buổi tranh luận sơ bộ vào đêm Thứ Năm, 27 Tháng Sáu, tại Trung Tâm Nghệ Thuật Adrienne Arsht Center ở thành phố Miami, Florida. Từ trái, Thị Trưởng Pete Buttigieg, từ South Bend, Indiana, 37 tuổi; cựu Phó Tổng Thống Joe Biden, 76; Nghị Sĩ Bernie Sanders, từ Vermont, 77; và Nghị Sĩ Kamala Harris, từ California, 54. Bầu cử sơ bộ cho cuộc bầu cử tổng thống 2020 sẽ bắt đầu vào Tháng Hai năm sau tại Iowa. (Hình: Saul Loeb/AFP/Getty Images)

Sau khi đọc kỹ “Báo Cáo Mueller” ông Amash đòi bãi nhiệm ông Trump về những tội ông Trump có thể đã phạm, rồi bỏ đảng mình. Không còn là Cộng Hòa đúng Lễ Độc Lập, ông có thể tranh cử tổng thống như một người ngoài đảng, và sẽ lấy bớt phiếu của ông Trump từ những người Cộng Hòa truyền thống vẫn không chấp nhận ông Trump.
Ông Trump cũng đã cho thấy dù được lợi điểm kinh tế đi lên, ông nhất quyết đi theo “công thức” tranh cử cũ: Dùng sợ hãi, nghi kỵ, ghét bỏ và chia rẽ dựa vào màu da, chủng tộc và tôn giáo của nhóm da trắng trung kiên (“base” ít học, lớn tuổi, lợi tức thấp và đầy kỳ thị) để làm bàn đạp đi đến thắng lợi sát nút.
Từ đầu tuần ông đã “tuýt” đuổi bốn nữ dân biểu Dân Chủ tiến bộ da màu, “Cút khỏi nước Mỹ!” – một xúc phạm mang nặng ý nghĩa kỳ thị mà người Mỹ da màu hoặc di dân thường là nạn nhân, dù không đụng chạm đến đám “base” trên. Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi thông qua nghị quyết lên án những lời của ông “chính danh hóa sợ hãi và ghét bỏ người Mỹ mới và da màu,” với 240 dân biểu Dân Chủ và bốn phiếu Cộng Hòa. Bà cũng chế diễu khẩu hiệu tranh cử của ông là “Làm Cho Nước Mỹ Trắng Trở Lại.”
Nhiều sôi động trong nội bộ đảng đã diễn ra ở hai buổi tranh luận sơ bộ (primary) giữa 20 ứng viên tổng thống Dân Chủ tháng qua. Sau tranh luận, bốn người đã nổi bật và hy vọng sẽ được chọn làm đại diện đảng trong tổng tuyển cử (general) cuối 2020. Đây gồm ba người da trắng lớn tuổi: cựu Phó Tổng Thống Joe Biden, 76; Nghị Sĩ Bernie Sanders, 77; Nghị Sĩ Elizabeth Warren, gần 70. Bà Nghị Sĩ Kamala Harris khác hẳn ở giữa tuổi 50, gốc da đen và Ấn Độ.
Cá nguyệt thứ nhì ông Biden thu được $21.5 triệu ủng hộ; theo sau là bà Warren với $19 triệu, ông Sanders $18 triệu và bà Harris $12 triệu. Tuy nhiên, tiền ủng hộ chỉ là một yếu tố quan trọng: Năm thăm dò dư luận cho thấy mức ủng hộ chính trị cho ông Biden (dù vẫn dẫn đầu) và Sanders đi xuống trong khi hai bà Warren và Harris đi lên; hai trong năm thăm dò đặt bà Harris cao hơn bà Warren.
Thấp hơn trên danh sách là Thị Trưởng Pete Buttigieg, da trắng và ở tuổi 37, với nhiều triển vọng nhưng vừa đi xuống vì những xung đột chủng tộc khó giải quyết. Là một cựu chiến binh, rất trí thức và đồng tính, ông thu tiền ủng hộ $25 triệu cao bằng ông Trump. Ông được ủng hộ mạnh trong giới da trắng và người đồng tính, nhưng không thu hút người da màu, và cũng không đưa ra những chính sách rõ ràng. Bên ngoài ông rất thư sinh, tương đối nhỏ bé, và ăn nói nhỏ nhẹ; giới quan sát ngại là ông khó đương đầu với một người “lì lợm, lỗ mãng” như ông Trump trong những tranh luận thời 2016.
Hiện bốn nhân vật chính đi theo hai khuynh hướng khác nhau; bà Warren và ông Sanders được xếp vào loại cấp tiến (progressive) với nhấn mạnh về công bằng xã hội (social justice). Bà Warren, nguyên giáo sư luật, có nhiều chính sách mạnh mẽ (như đập vỡ kích thước và quyền lực những ngân hàng và công ty điện tử quá lớn) nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế tư bản Mỹ để công bằng hơn. Bà nhấn mạnh chính quyền phải làm việc cho đại đa số dân chúng chứ không phải giới chóp bu. Ông Sanders chú trọng vào giới 1% giàu có gấp bội 99% người ở dưới gây tình trạng bất công xã hội với những xấu xí, nhơ bẩn ông thấy qua con mắt của người theo “xã hội chủ nghĩa không cộng sản” (như ở Bắc, Tây Âu, hoặc Canada). Hai người đều xem bảo hiểm y tế cho toàn dân là một “nhân quyền” chứ không phải đặc quyền, nhất là ở một nước tân tiến, giàu có như Hoa Kỳ; cả hai đều không nhận tiền ủng hộ từ những cá nhân hay giới đại kỹ, thương, và tài chính.
Phần lớn các nước Châu Âu tân tiến (cùng Canada, Úc và New Zealand) đều theo mô thức dân chủ xã hội (democratic socialism), một hình thức “tư bản vừa phải” với những hạn chế đặt trên giới đại kỹ, thương và tài chính bằng thuế má lũy tiến trên, không những lợi tức mà còn tài sản – nhằm quân bằng tài sản, lợi tức để giúp đỡ những giới thấp hơn trong xã hội.
Hoa Kỳ là nước tân tiến độc nhất vẫn theo “tư bản hết mình” xem quyền lợi cá nhân hơn xã hội, trong đó giới đại kỹ, thương, tài chính không bị kiềm chế bớt như ở các nước dân chủ xã hội. Ông Sanders và bà Warren muốn theo mô thức Châu Âu, nhưng khác nhau ở điểm ông Sanders tự nhận mình là một người theo democratic socialism, và bà Warren không xác nhận, tuy có nhiều kế hoạch cải tổ kinh tế hơn
Với kinh tế “toàn cầu hóa” và những phát triển về tin học, viễn thông, “tư bản hết mình” giúp giới đại kỹ, thương, tài chính thêm “giàu xụ” – và thêm sức mạnh tài chính “mua chuộc” giới chính trị làm những gì có lợi cho mình không kể đến người dưới thấp, như luật “trừ thuế nhà giầu tối đa.” Hai đảng chính trị lớn thay nhau cầm quyền đều đi theo “tư bản hết mình;” khác biệt giữa hai đảng chỉ là mức “hết mình” tới đâu, với đảng Dân Chủ ít “hết mình” hơn đảng Cộng Hòa chút ít.
Tổng Thống Bush (Cộng Hòa) ủng hộ cho phép “mua chuộc” nhiều và dễ dàng hơn. Tổng Thống Obama (Dân Chủ) ngay nhiệm kỳ đầu đã cố hạn chế giới y tế với bảo hiểm “Obamacare;” giới tài chính bị hạn chế bớt bởi vì cải tổ tài chính bênh vực người tiêu thụ. Tổng Thống Trump (Cộng Hòa), một đại thương “tư bản hết mình,” ngay từ đầu tìm mọi cách hủy bỏ cả hai “cải tổ” của ông Obama, và làm luật “trừ thuế nhà giàu” tối đa gây thâm thủng ngân sách đã gần $1,000 tỷ.
Ông Biden và bà Harris theo khuynh hướng Dân Chủ ôn hòa (moderate) để cạnh tranh với hai đối thủ cấp tiến và ông Trump. Ra tranh cử đầu năm, bà Harris tỏ ra bạo dạn với một số chính sách đi gần với phía Warren và Sanders, nhưng lần lần thay đổi bớt. Một số người chỉ trích bà là trước sau bất nhất; giới quan sát chính trị xem bà thật sự là người ôn hòa và thận trọng, nhìn về đường dài sau tranh cử “primary” nhằm lấy ủng hộ của cử tri tiến bộ lẫn ôn hòa – cần thiết để đối đầu với “ông Trump cực đoan” ở tổng tuyển cử “general” 2020. Các tổng thống lừng danh, từ Franklin Roosevelt, qua John Kennedy, tới Richard Nixon và Bill Clinton từng làm như bà; chỉ riêng ông Trump vẫn trông đợi vào nhóm “base,” và có lẽ giúp đỡ từ nước ngoài.
Trong tranh luận đầu tiên bà Harris đã mạnh mẽ tấn công thẳng vào ông Biden về việc ông đã đi quá gần với những chính sách và người kỳ thị màu da trong quá khứ. Ông Biden phải giải thích và nhận lỗi về chuyện “hòa hoãn” với hai nghị sĩ có tiếng kỳ thị màu da về việc tách rời đen, trắng trong giáo dục; sau tranh luận bà lên hàng ngang ngửa với ông Biden.
Cộng với thành tích làm xính vính các ứng viên làm việc cho ông Trump trong các điều trần ở Quốc Hội, và lấy lại hàng chục tỷ cho người ở California bị ngân hàng “kéo nhà,” bà đã cho thấy “bản lãnh” để làm người đương đầu với ông Trump – một người đã tỏ ra “hung dữ và lỗ mãng” trong các tranh luận.
Bà cũng lạnh lùng nhận xét ông Trump là “một con dã thú” (predator) sống trong Tòa Bạch Ốc, hay một “dâm tặc” khi thêm một phụ nữ tố cáo bị ông xâm phạm tình dục ở New York – và vừa đây “một predator khủng bố” người tị nạn. Cho tới nay ông Trump chưa dám đụng chạm tới bà, tuy ông theo thói quen “ăn hiếp kẻ yếu” đã tấn công, đặt tên xách mé gọi nhiều ứng viên Dân Chủ khác.
Sau tranh luận, ông Biden bị mất khoảng 10% ủng hộ, tuy so với ông Trump ông vẫn hơn 10%. Nay ông không thể bỏ qua một bên ứng viên cùng đảng để chú trọng vào một mình ông Trump. Ông nhấn mạnh kinh nghiệm 40 năm về chính trị và ngoại giao – một lợi thế mà các đối thủ không có – giúp Hoa Kỳ nắm lại quyền lãnh đạo thế giới, “Chúng ta ở vị trí dẫn đường nhằm đối phó với những thử thách hiện tại. Không nước nào có khả năng này… Không một nước nào được xây trên căn bản tự do, một lý tưởng Mỹ độc nhất.”
Ông cũng nhắm những chỉ trích vào một đối thủ, “Ông Trump phá hủy những liên minh dân chủ (với Âu Châu, Đông Nam Á) và ôm chầm lấy các tay độc tài nịnh hót mình,” và “nếu ông tiếp tục làm tổng thống, chúng ta sẽ mất hết khả năng mang các quốc gia lại gần nhau.”
Về mặt di dân, ông Biden chọn đường đầu tư và hợp tác với các nước Trung Mỹ như ông từng làm dưới thời ông Obama, với kết quả khả quan về an ninh và giảm thiểu mức tị nạn, nhưng “ông Trump chấm dứt bằng tuýt” những mô thức hợp tác và đầu tư (từng giúp Âu Châu hồi phục sau Thế Chiến 2).
Về môi sinh, ông Biden cũng nhắc lại hứa hẹn chấm dứt thải chất độc vào không gian năm 2050, tái nhập Hiệp Định Paris về môi sinh; ông không quên nói móc ông Trump, “Chúng ta luôn luôn chọn khoa học. Chính sách sẽ dựa trên sự kiện rõ rệt chứ không phải nói mò.” (Cổ-Lũy)






No comments:

Post a Comment

View My Stats