Sunday, 7 July 2019

ỔN ĐỊNH, LÁ BÀI CHE CHẮN SỰ NGU DỐT - TRÌ TRỆ (Nguyễn Lân Thắng)





Người ta lớn bởi vì ngươi quỳ xuống
Có gì đâu ta cầu khẩn van lơn?
Có gì đâu ta ôm mối căm hờn?
Hãy đứng dậy, ta có quyền vui sống!

Đây là trích đoạn bài thơ “Hãy đứng dậy” của nhà thơ cách mạng Tố Hữu viết tại Huế tháng 4 năm 1938. Nếu chỉ xét theo câu chữ của bài thơ, mà bỏ qua những hiểu biết của chúng ta về tác giả sau này, thì tôi nghĩ có rất nhiều người hoàn toàn đồng ý với Tố Hữu.

Việt Nam là đất nước có lịch sử hàng ngàn năm hình thành và phát triển trên cái nền văn hoá Á Đông. Sự vâng phục đã trở thành một căn tính trong con người của bất kỳ người Á Đông nào chứ không riêng Việt Nam. Chính vì thế các nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20 đã khai thác vấn đề này trong nhiều loại hình thơ ca, văn học đấu tranh… để khơi gợi tinh thần công dân cũng như sự dũng cảm đứng lên làm cách mạng.

Rất tiếc, với bao xương máu của dân tộc đã đổ xuống, cuộc cách mạng ấy sau gần một thế kỷ đã không mang lại cơm no áo ấm cho người dân như họ đã hứa, mà chỉ đem đến sự bất công khủng khiếp. Người dân thì phải đối mặt với bao nhiêu vấn nạn xã hội, từ y tế, giáo dục, việc làm, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó đại bộ phận giới cầm quyền thì sống phè phỡn, lầu nọ phủ kia, của cải và quyền lực không biết bao nhiêu mà kể hết.

Không chỉ phản bội lại chính những lời đã hứa, đã dẫn dụ quốc dân đồng bào đi làm cách mạng năm xưa, người cộng sản còn ngang nhiên cổ suý và tuyên truyền cho thái độ cam chịu của người dân bằng những hình thức cực kỳ tinh vi và xảo quyệt. Có nhiều loại hình và phương pháp tuyên truyền để thúc đẩy tâm lý xã hội này, nhưng chủ đề chung của nó đều xoay quanh hai chữ ỔN ĐỊNH.

Trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, trên tivi hay báo đài thì ổn định luôn là khái niệm được truyền thông nhà nước nhắc đến như là một điều kiện quan trọng nhất để phát triển xã hội. Có lẽ khái niệm này được đưa ra ở Việt Nam lần đầu tiên từ cuộc hội thảo khoa học do Hội đồng Lý luận Trung ương và Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư) tổ chức ngày 23/9/2010 tại Hà Nội. Trong cuộc hội thảo này chủ đề “Mối quan hệ giữa Đổi mới, Ổn định và Phát triển trong quá trình xây dựng đất nước” đã được đặt ra, và sau đó đây trở thành cơ sở lý luận của báo đảng cũng như hệ thống tuyên truyền ngoại vi trong suốt nhiều năm qua.

Thế rồi thời gian gần đây, khi có rất nhiều vấn đề nảy sinh vô cùng khốc liệt với đất nước chúng ta, như vấn đề chủ quyền biển đảo, ô nhiễm môi trường, nợ công tăng cao, tham ô tham nhũng, cướp đất của dân… Nhưng mỗi khi có tiếng nói phản biện nào đó trong xã hội đòi hỏi phải xem xét lại vai trò của đảng và nhà nước trong các vấn đề điều hành và quản lý đất nước thì đồng loạt một thông điệp quen thuộc lại được phát ra. Dù lời lẽ nặng nhẹ khác nhau tuỳ từng trường hợp, nhưng những thông điệp này cũng chỉ xoay quanh lý luận cơ bản là: ổn định để phát triển.

Đến cả đội ngũ dư luận viên, là thành phần thấp cấp nhất trong hệ thống tuyên truyền của đảng cũng sử dụng rất nhuần nhuyễn lý luận này. Cứ ai mở mồm nói gì đó là chúng lại bật băng cho nghe điệp khúc: phải ổn định thì xã hội mới phát triển, muốn đất nước có chiến tranh loạn lạc như cách mạng màu bên Trung Đông không…

Gần đây nhất, ngày 17/6/2019 Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã có một bài viết “Không để thế lực thù địch lợi dụng, chiếm lĩnh truyền thông xã hội”, trong đó ông ta viết thế này: “…Trong bối cảnh bất ổn gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới, sự ổn định chính trị, xã hội của Việt Nam là một lợi thế quan trọng để phát triển. Nhờ nhất quán quan điểm: “Ổn định và phát triển gắn liền với nhau trong quá trình vận động, tiến lên, ổn định để phát triển và có phát triển mới ổn định được” mà môi trường chính trị, xã hội ổn định, an ninh, an toàn được giữ vững, nội lực đất nước được khơi dậy và phát huy, ngoại lực được tiếp nhận và sử dụng hiệu quả, nên sau hơn 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, của du khách, là điểm hẹn của khát vọng hòa bình thế giới…”.

Ổn định là ổn định thế nào? Có phải chỉ ổn định mới mang lại sự phát triển hay không? Phải chăng ổn định là lý luận quan trọng để níu kéo quyền lực, để bảo vệ cho sự trì trệ của đảng cộng sản, và để đàn áp thẳng tay những người lên tiếng đòi hỏi sự thay đổi của đất nước này?

Ông bà ta khi xưa đã dậy: “An cư (thì mới) lạc nghiệp”. Câu nói này ở một khía cạnh nào đó rất đúng, và vì thế nó mới được truyền dạy qua bao đời nay đến tận bây giờ. Đưa ra lý lẽ ổn định để phát triển, phải nói rằng các nhà lý luận cộng sản rất giỏi, vì họ đã khéo léo lợi dụng một triết lý sống từ bao đời nay để làm phương tiện cho mình trong việc đè nén và cai trị dân chúng.

Tuy nhiên nếu nhìn lại lịch sử phát triển của loài người, nếu cam chịu và chấp nhận, liệu người vượn cổ đại có dám dùng lửa để chinh phục tự nhiên hay không? Nếu cam chịu và chấp nhận, liệu xã hội loài người có dám làm những cuộc cách mạng long trời lở đất để từ xã hội thị tộc, bộ lạc tiến dần lên chế độ chiếm hữu nô lệ, chế độ phong kiến, xã hội công nghiệp, rồi đang tiến đến một xã hội công nghệ cao như bây giờ không?

Việt Nam vốn là một đất nước lạc hậu, chậm phát triển, nhưng không nằm ngoài sự tác động của các cuộc biển đổi trên thế giới, và nó đang trên đà nhanh chóng từ một xã hội truyền thống trở thành một xã hội hiện đại. Dù muốn hay không thì những tác động này vào Việt Nam là không thể tránh khỏi, bởi luồng gió văn minh thì như cơn bão, ai mà ngăn được gió thổi qua hàng rào thưa?

Nhưng chính vì sự biến đổi quá nhanh chóng ở Việt Nam thời gian gần đây đã tạo ra sự xung đột nghiêm trọng giữa nhà nước và xã hội. Nhà nước trở nên hụt hơi, lạc hậu và không thể kiểm soát được xã hội. Mâu thuẫn này có thể ví y như việc nuôi dạy một đứa trẻ. Lúc vài tuổi chúng ta có thể đe nẹt, bắt trẻ con nó làm cái này cái kia. Nhưng đến khi nó 15-17 tuổi, ta không thể làm như vậy nữa bởi nó đã bắt đầu trưởng thành, có sức lực, có nhận thức và có sự phản kháng nếu chúng ta không thay đổi sự giao tiếp với chúng.

Những lời nói của ông Võ Văn Thưởng như vừa nêu bên trên thực ra chỉ là một ví dụ điển hình trong lối tư duy chung của nhà nước trước xã hội, coi người dân như “con dân” chứ không phải là “công dân”. Nó không làm cho mâu thuẫn xã hội dịu đi, mà còn làm trầm trọng thêm mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội.

Một hệ thống chỉ ổn định khi các lực phát sinh trong lòng hệ thống đó được giải quyết hài hoà. Có lực tác động thì ắt sẽ có phản lực. Nhắm mắt hô hào ổn định mà không giải quyết triệt để những xung động trong lòng xã hội thì không khác gì cố sơn phết vỏ một cỗ máy cho đẹp, nhưng bỏ mặc những rơ ráo lệch lạc máy móc bên trong. Cỗ máy ấy sẽ vỡ nát sớm thôi.

Vì vậy tôi muốn có một lời với ông Thưởng và các nhà lý luận cộng sản như thế này. Mặc cho các ông hô hào ổn định thế nào, bỏ tù bao nhiêu người đòi thay đổi, nhưng sự phát triển của xã hội này là một tất yếu xã hội, các ông không thể chống lại được đâu. Đừng lấy khái niệm ổn định để che chắn cho sự trì trệ của các ông./.








No comments:

Post a Comment

View My Stats