Monday, 8 July 2019

NHỮNG ĐỨA TRẺ HÈ PHỐ CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI (Thảo Vy - VNTB)





09/07/2019

(VNTB) - Liệu có gì liên quan giữa luật hè phố của những đứa trẻ mưu sinh với chủ nghĩa xã hội mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là ‘nhà tư tưởng’, như ngợi khen tung hô của vị trưởng ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng hôm 05-07? [xem thêm http://www.vietnamthoibao.org/2019/07/vntb-thay-gi-tu-bai-noi-chuyen-bat-cam.html]


Tư tưởng Nguyễn Phú Trọng tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh?

Trong các tiết học bắt buộc về “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, khi bàn luận về ‘chủ nghĩa xã hội’, tài liệu tóm lược rằng khái niệm chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh mang nhiều ý nghĩa khác nhau, chủ yếu tập trung vào các nội dung sau: Một, chủ nghĩa xã hội như là một phong trào lịch sử mang tính chính trị xã hội. Hai, chủ nghĩa xã hội là hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, ở đây, Hồ Chí Minh hiểu chủ nghĩa xã hội đồng nghĩa với chủ nghĩa Mác – Lênin. Ba, chủ nghĩa xã hội là giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Bốn, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là một chế độ xã hội đối lập với chế độ tư bản, mà hình thức xấu xa tàn bạo nhất của nó là chủ nghĩa thực dân, cả chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới.

Lúc bàn luận quanh tiết “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, thường diễn giải theo lối dẫn dắt rằng Hồ Chí Minh đặt câu hỏi “chủ nghĩa xã hội là gì”. Người trả lời “là mọi người được ăn no mặc ấm, sung sướng, tự do”. Cũng tương tự “chủ nghĩa xã hội là gì?” là no ấm, gì nữa? Là đoàn kết, vui khỏe”; hoặc thêm vào một mệnh đề mới “chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy”. Có khi Hồ Chí Minh trả lời một cách trực tiếp về mục đích của chủ nghĩa xã hội: “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân”.

Rải rác ở một số bài nói chuyện của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đảng viên được đăng trên báo Nhân Dân cũng bàng bạc những ý tứ theo cách diễn giải như nói trên. Có khác chăng là ông Nguyễn Phú Trọng chưa biết bao giờ sẽ có chủ nghĩa xã hội hiện diện ở Việt Nam, qua phát biểu được rất nhiều báo chí tường thuật và trích dẫn: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?”.

Trong lần phát biểu đó khi góp ý về sửa đổi hiến pháp 1992, ông Nguyễn Phú Trọng nhắc lại, “Giai đoạn dân tộc dân chủ đã có xây dựng chủ nghĩa xã hội rồi khi từ 1960 tại Đại hội 3 chúng ta đã tuyên bố đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội…” [Nguồn: http://bit.ly/2J3arOD]


“Nó” của ngày hôm nay

Trong ca khúc “Nó”, tác giả Lê Minh Bằng có đoạn đầy day dứt: Đêm đêm nó ngủ một manh chiếu rách co ro/ Một thân côi cút không nhà/ Thân em lá cỏ bạn quen ai có đâu xa/ Thằng Tư con Tám hôm qua trên phố lê la… Bối cảnh của ca khúc được cho là lát cắt ở miền Bắc Việt Nam thập niên 60 thế kỷ trước – có nghĩa đây là giai đoạn như lời nhắc của ông Nguyễn Phú Trọng, “từ 1960 tại Đại hội 3 chúng ta đã tuyên bố đưa miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội…”.

Gần 60 năm đi qua, chưa thấy tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội ‘made in Vietnam’ ra sao, song những phận đời thằng Tư con Tám thì nhiều lắm.

Nếu như ở miền Nam trước 1975, chiến tranh đã gây bao tang thương, Mẹ nó ra đi khi còn tấm nhỏ/ Một chén cơm chiều nhưng lòng chưa no/ Cuộc sống đói rách bơ vơ/ Hỏi ai ai cho nương nhờ/ Chuỗi ngày tăm tối bơ vơ, thì sau cái ngày được gọi là ‘nước nhà thống nhất’, phải giải thích ra sao khi những câu hát hồi nào giờ bắt gặp nhan nhãn mỗi lúc đêm về ở ngay đô thị Sài Gòn, khi tiếp tục có những thằng tư con tám hôm qua trên phố lê la…?

“Nó” trong hoàn cảnh đất nước thời kinh tế thị trường, hội nhập với WTO, với chính sách “vươn ra biển lớn” của những “FTA Thế hệ mới” thì số phận “Nó” ngày nay ra sao? “Nó” đang sống cuộc đời như thế nào trong hoàn cảnh mới?  “Nó” ngày nay có khá hơn “Nó” ngày xưa không?

Một báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2018 cho biết, tính đến cuối năm 2017, cả nước có khoảng 26 triệu trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có gần 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, và khoảng 2,1 triệu trẻ em có nguy cơ bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Tại Điều 10, Luật Trẻ em 2016, cho biết trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt bao gồm những trường hợp cụ thể như sau: Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ; Trẻ em bị bỏ rơi; Trẻ em không nơi nương tựa; Trẻ em khuyết tật; Trẻ em nhiễm HIV/AIDS; Trẻ em vi phạm pháp luật; Trẻ em nghiện ma túy; Trẻ em phải bỏ học kiếm sống chưa hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; Trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bạo lực; Trẻ em bị bóc lột; Trẻ em bị xâm hại tình dục; Trẻ em bị mua bán; Trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày thuộc hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo; Trẻ em di cư, trẻ em lánh nạn, tị nạn chưa xác định được cha mẹ hoặc không có người chăm sóc.

Một nghiên cứu độc lập khác cho biết trong 7 năm từ 2004-2012, Việt Nam có 176.000 trẻ em bị bỏ rơi và trẻ mồ côi. Các số liệu định tính cho thấy, tình trạng trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa đang có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý có 80-90% trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài được cho là “bị bỏ rơi”, với nghi vấn nằm trong đường dây buôn bán trẻ em.

Cũng theo nghiên cứu nói trên, nếu sử dụng phương pháp đa chiều của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc viết tắt là UNICEF là một quỹ cứu tế được thành lập bởi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 11-12-1946) trong đánh giá tình hình ở Việt Nam, thì người ta thấy có tới 1/3 số trẻ em dưới 16 tuổi, tức khoảng 7 triệu em thuộc diện nghèo. Con số này cao gấp nhiều lần so báo cáo từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Chính điều này góp phần giải thích tuy nhiều con hẻm, ‘ngõ nhỏ’ ngày xưa bây giờ không còn nhỏ nữa, nhưng “Nó” vẫn còn đó, những mảnh đời bất hạnh vẫn ngày đêm tiếp tục “sống kiếp lang thang” trên những đường phố rộng lớn hơn.  

Tuổi thơ của “Nó” giờ đây không còn “âm thầm đi vào ngõ nhỏ” côi cút một mình như xưa. Bên cạnh “Nó” là cả một đám bạn mà nếu tập họp lại đầy đủ, phải lên đến con số tính theo đơn vị hàng triệu như ở báo cáo từ cơ quan của chính phủ, lẫn tổ chức độc lập ‘phi chính phủ’.

Bất chấp hiện tình của những đứa trẻ như lát cắt ghi nhận nói trên, Việt Nam sẽ vẫn “Kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”, theo đúng như lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết được gọi là ‘định hướng’ vào thượng tuần tháng 6-2019. [http://bit.ly/2JsTKh9]








No comments:

Post a Comment

View My Stats