Thursday, 4 July 2019

NẾU BẠN MUỐN ỨNG CỬ NĂM 2021, HÃY CHUẨN BỊ NGAY TỪ HÔM NAY (Trịnh Hũu Long - Luật Khoa)




01/07/2019

Ở nước ta, ít có câu chuyện gì lạc lõng hơn chuyện ứng cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân. Họa có dở hơi, không thì cũng hoang tưởng, mới đi nói cái chuyện tầm phào đó. Nhẽ đời hết chuyện để nói rồi sao? 

Nhưng đó chính là vấn đề. Tại sao một chuyện đáng lẽ là cực kỳ nghiêm túc như vậy lại hoá ra một trò cười không hơn không kém? Bạn biết, tôi cũng biết. Ta đều biết tại sao. Và đã đến lúc phải thay đổi điều đó. 

Khi bạn bỏ thời gian ra đọc bài viết này là có khả năng đáng kể bạn sẽ ra ứng cử một ngày nào đó, với tư cách là một ứng viên tự do, hay nói cách khác là không theo sắp xếp của chính quyền. Vậy thì thời điểm bạn cần phải nhớ là tháng 5 năm 2021. 

Trừ khi có chuyện gì đó biến động ghê gớm lắm, không thì cuộc bầu cử tiếp theo sẽ diễn ra đâu đó vào tháng 5 năm 2021, tức là tròn 5 năm sau cuộc bầu cử gần nhất. 

Điều đó có nghĩa là bạn còn không đầy hai năm nữa để chuẩn bị. Vậy thì chuẩn bị cái gì bây giờ? Vài điều sau đây có thể giúp ích cho bạn. 

1. Chuẩn bị tinh thần vững vàng, bởi bạn đang thách thức rất nhiều thứ 

Dĩ nhiên nhà nước không khuyến khích bạn ra ứng cử, bởi vì như vậy là bạn đang nhúng mũi vào một chuyện mà họ coi là của họ. Họ có thể đề nghị bạn rút lui, hoặc cao hơn nữa sẽ doạ nạt theo nhiều cách khác nhau, cốt sao cho bạn bỏ cuộc ngay từ trước “vòng gửi xe”. 

Cũng chẳng dễ dàng gì khi thông báo với người thân, bạn bè về quyết định ứng cử. Sẽ có nhiều người tỏ ra lo ngại, nhiều lời dèm pha, nhiều cái bĩu môi khinh thường. Bạn đang thách thức một thứ định kiến chính trị rất nặng nề của xã hội chúng ta, rằng dân thường không nên dính líu tới chính trị, rằng ở xứ sở này ứng cử là ngang đánh nhau với cối xay gió. 

Và khi bạn chính thức công bố chiến dịch tranh cử của mình, đó là lúc công chúng sẽ bắt đầu soi mói vào lời ăn tiếng nói của bạn, chuyện đời tư của bạn, quan điểm của bạn, v.v. Có nhiều người khen, nhưng cũng lắm kẻ chê, nhất là khi kẻ chê sẽ là… báo chí và hệ thống tuyên giáo của chính quyền. 

Hãy sẵn sàng cho tất cả những điều đó và hơn thế nữa. Đây là một hành trình không dễ dàng. Nếu dễ thì chắc ai cũng làm rồi.  

2. Đọc mọi thứ có thể 

Nắm lấy luật chơi. Có vài thứ tối thiểu bạn cần phải đọc: 

·         Cẩm nang “ABC về bầu cử” của tác giả Lã Khánh Tùng, Nhà xuất bản Hồng Đức, ấn hành năm 2016. 

·         Hiến pháp 2013




Ngoài ra, hãy lên website của Quốc hội hoặc hội đồng nhân dân mà bạn ứng cử vào để tìm hiểu xem họ hoạt động như thế nào. 

Bạn sẽ cần rất nhiều kiến thức về chính trị. Cuốn sách “Chính trị bình dân” của tác giả Phạm Đoan Trang có thể cung cấp cho bạn một nền tảng tương đối toàn diện về những gì bạn cần biết. Cũng tác giả Phạm Đoan Trang sẽ giúp bạn, hoặc nhóm của bạn, biết cách làm truyền thông như thế nào cho hiệu quả, qua cẩm nang “Căn bản về truyền thông và báo chí“. 

Cuối cùng, Luật Khoa tạp chí, một tờ báo độc lập chuyên về chính trị và pháp luật, là một địa chỉ bạn có thể thường xuyên lui tới để bổ sung thêm thông tin và kiến thức cho mình. 

3. Tìm hiểu, gặp gỡ những người từng ứng cử trước đây

Bạn chắc chắn không phải người đầu tiên tự ứng cử rồi. Đó là cái thuận lợi của bạn, khi có thể học hỏi từ kinh nghiệm của những người đi trước. 

Nếu bạn quen các ứng viên trước đây thì quá tốt, nhưng nếu bạn chưa quen cũng không sao, có hai cách. 

Một là bạn vào website baucuquochoi.blogspot.com và trang facebook “Vận động ứng cử đại biểu Quốc hội 2016”, có rất nhiều thông tin hữu ích ở đó. 

Hai là tìm cách làm quen với họ, khởi đầu có thể là qua Facebook (Nguyễn Thuý Hạnh, Đặng Bích Phượng, Đỗ Nguyễn Mai Khôi, Nguyễn Quang A, Nguyễn Tường Thuy là một số địa chỉ Facebook bạn có thể ghé thăm).  

4. Bắt đầu tìm hiểu những vấn đề quốc gia lẫn vấn đề địa phương 

Làm đại biểu Quốc hội không phải chỉ là lo những vấn đề ở tầm quốc gia. Bạn còn ở đó để mang tiếng nói của cử tri ở địa phương bạn tới diễn đàn quốc gia. 

Ở tầm quốc gia, bạn sẽ cần quan tâm tới cả vấn đề đối nội lẫn đối ngoại như việc làm, giáo dục, y tế, môi trường, Biển Đông, thương mại quốc tế, an ninh khu vực, v.v. Khi tham gia thảo luận và quyết định những vấn đề đó, bạn sẽ cần cân nhắc rất kỹ lợi ích của cử tri địa phương bạn. 

Nếu bạn làm đại biểu hội đồng nhân dân ở tỉnh, huyện hoặc xã, chắc chắn những chuyện cụ thể hơn như một con đường bị sụt lún, một hộ gia đình đói ăn, một trạm y tế xuống cấp, một nhà máy xả khói vào khu dân cư, một doanh nghiệp bị gây khó dễ, hay chuyện nuôi con gì trồng cây gì, v.v. sẽ chiếm sóng trong nghị trình của bạn. Bạn sẽ cần thuyết phục cử tri rằng bạn hiểu rõ tất cả những chuyện đó. 

Hãy tạo cho mình thói quen đọc báo và lướt web một cách có chọn lọc và có chủ đích ngay từ bây giờ, gặp gỡ người dân trong khu vực bạn dự tính ứng cử, tham gia thảo luận và giải quyết những vấn đề ở địa phương, tìm đến các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp để tìm hiểu những vấn đề thuộc chuyên môn của họ, v.v. Nhờ vậy, bạn sẽ bắt đầu xây dựng được hệ thống quan điểm, chính sách của mình. 

5. Học cách giao tiếp với công chúng

Chính trị là nghệ thuật tổ chức đời sống xã hội. Bạn phải giao tiếp được với công chúng để làm được điều đó. Cách thức một ứng viên giao tiếp với công chúng có thể kể đến: 

·         đến từng nhà, gặp mặt trực tiếp;
·         tổ chức các cuộc mít-tinh lớn nhỏ;
·         sử dụng internet, đặc biệt là mạng xã hội;
·         xuất hiện trên báo; 
·         sử dụng tờ rơi, quà tặng có gắn thông điệp (chẳng hạn như phát những bao khăn giấy nhỏ có in hình ảnh, thông điệp); 
·         viết sách, báo. 

Chắc chắn còn nhiều cách thức khác mà bạn có thể sáng tạo ra, tuỳ tình hình. Điều đó có nghĩa là bạn phải bắt đầu gây dựng mối quan hệ với giới truyền thông, xây dựng kênh truyền thông riêng của mình, xây dựng thông điệp của mình và bắt đầu chú ý tới cách tiếp nhận thông tin từ công chúng lẫn cách phản hồi tới công chúng. 

Cách bạn ăn nói sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cách công chúng đánh giá bạn, nếu cần, hãy học cả kỹ năng này. 

6. Xây dựng đội nhóm 

Bạn có thể tranh cử một mình và tự mình làm mọi thứ. Không sao. Nhưng thường ít ai tự làm được một mình. Bạn cần người lo hậu cần, truyền thông, gây quỹ, cố vấn pháp lý, v.v. 

Hơn nữa, làm chính trị nghĩa là kết nối, hợp tác, liên minh để đạt được một giải pháp chính trị nào đó. Diện hợp tác càng rộng thì ảnh hưởng càng lớn và khả năng thắng cử càng cao. Vậy nên, làm việc nhóm là một kỹ năng đặc biệt quan trọng. Quản lý tốt nhóm của mình và thuyết phục được họ, khả năng bạn thuyết phục được công chúng sẽ cao hơn nhiều. 

***

Trên đây chỉ là một vài gợi mở ban đầu, chắc chắn là chưa đầy đủ và chưa sát thực tế, bạn có thể tiếp tục phát triển thêm. Chuyên trang Bầu cử của Luật Khoa sẽ tiếp tục cung cấp thêm nhiều thông tin hữu ích hơn và đồng hành cùng những ai mong muốn có một cơ chế bầu cử tự do và công bằng cho Việt Nam. 

Tranh cử là một hành trình dài và không dễ dàng, nhất là ở một nước không có nhiều tiền lệ người dân thực hành chính trị thường xuyên như nước ta. Mỗi khi ngần ngại không biết có được làm một điều gì đó hay không, hãy nhớ tới khẩu hiệu tranh cử năm 2016 của ứng viên Nguyễn Quang A: “Quyền ta, ta cứ làm”.





No comments:

Post a Comment

View My Stats