Thursday, 4 July 2019

HƯỚNG TỚI BẦU CỬ 2021 : PHẢI TỰ DO & CÔNG BẰNG (Đoan Trang - Luật Khoa)




01/07/2019

Nếu không có gì thay đổi thì hai năm nữa, vào năm 2021, cuộc bầu cử cơ quan lập pháp (Quốc hội khóa 15 và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026) sẽ diễn ra trên đất nước Việt Nam của chúng ta.

Đây hẳn sẽ là một sự kiện trọng đại, bởi vì nó là kỳ bầu cử quyết định việc Việt Nam sẽ bắt đầu những bước đi đầu tiên trên lộ trình dân chủ hóa, chuyển đổi ôn hòa, hay sẽ tiếp tục là quốc gia độc đảng, với bộ máy lãnh đạo ngày càng tỏ ra kém năng lực trong điều hành đất nước nhưng thành thạo trong việc đàn áp nhân quyền và các quyền tự do của người dân.
Nói cách khác, kỳ bầu cử này quyết định vận mệnh của đất nước chúng ta: dân chủ hay độc tài? Nó quyết định số phận của mỗi chúng ta: làm công dân của một quốc gia dân chủ, văn minh, hội nhập với thế giới toàn cầu hóa, hay làm thần dân của một chế độ độc tài toàn trị, lạc hậu, ì ạch rớt lại phía sau?

Nó không thể như các cuộc bầu cử xưa nay ở Việt Nam, vốn dĩ chỉ là màn kịch tốn kém do đảng Cộng sản đạo diễn thông qua thiết chế có tên “Mặt trận Tổ quốc” và cơ chế “Đảng cử dân bầu”. Nó không thể là như thế, và nếu là những công dân Việt Nam có trách nhiệm, thì không được phép để cho nó như thế.

Cũng cần phải nói thêm rằng: Mọi cuộc bầu cử tiếp sau kỳ bầu cử 2021 cũng đều rất quan trọng trong việc xây dựng và giữ gìn một nền dân chủ cho Việt Nam. Bầu cử không phải là vở diễn; nó là thiết chế quan trọng sống còn đối với dân chủ.

Tại sao bầu cử quan trọng?

Một cách đơn giản nhất, có thể nói rằng nền dân chủ tự do được cấu thành bởi bốn yếu tố chính sau:

1. Bầu cử tự do và công bằng;
2. Chính quyền mở và phải chịu trách nhiệm giải trình;
3. Nhân quyền được thực thi, được tôn trọng và bảo vệ;
4. Xã hội dân sự phát triển.

Bốn thành tố này đều quan trọng như nhau và liên hệ chặt chẽ với nhau. (Trong hình dưới đây, chúng được thể hiện là bốn tam giác đều bằng nhau).


Như vậy, bầu cử là một thiết chế quan trọng sống còn, cấu thành nên nền dân chủ. Một xã hội có bầu cử tự do và công bằng chưa chắc đã là xã hội dân chủ (vì còn thiếu một trong ba thành tố kia). Nhưng xã hội dân chủ thì chắc chắn phải có các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Chừng nào, và ở bất kỳ nơi đâu, mà người dân vẫn chưa thể dùng lá phiếu của mình để bãi nhiệm một quan chức mà họ không muốn, chừng đó và nơi đó còn chưa có dân chủ.

Như một học giả đã viết trong một tài liệu quốc tế được UNESCO xuất bản: “Cuối cùng thì chỉ có nguy cơ bị bãi miễn chức vụ mới là cái bảo đảm rằng những người được dân cử sẽ phải thỏa mãn niềm tin của nhân dân và giữ gìn chuẩn mực của cơ quan công quyền…” (“Introducing Democracy: 80 Questions and Answers”, David Beetham & Kevin Boyle, UNESCO Publishing, 2nd edition, 2005).

Phá thế bế tắc

Với tình hình chính trị ở Việt Nam hiện nay, bầu cử, đặc biệt kỳ bầu cử 2021 sắp tới, còn mang ý nghĩa quan trọng hơn thế nữa.

Theo nhận định của nhiều nhà quan sát quốc tế – những nhận định mà báo chí “chính thống” ở Việt Nam thường hạn chế trích dẫn – thì Việt Nam đã “rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, đã “qua thời kỳ dân số vàng”, “đã chạm ngưỡng phát triển kinh tế mà không đổi mới chính trị”… Tóm lại, chúng ta đã và đang đối mặt với “nút thắt thể chế”. Có vô số vấn đề chính trị-kinh tế-xã hội-văn hoá-giáo dục-khoa học phải giải quyết, nhưng đều vấp phải “nút thắt thể chế”.

Chúng ta mong muốn một chính quyền cởi mở, công khai, minh bạch (chịu trách nhiệm giải trình); muốn giải phóng con người để phát triển tốt nhất nguồn lực này; muốn xã hội dân sự phát triển; muốn pháp luật công minh; muốn nhà nước pháp trị; muốn nhân quyền được tôn trọng và bảo vệ; muốn phi chính trị hóa giáo dục; muốn nâng tầm văn hóa-nghệ thuật-khoa học của đất nước; vân vân.

Nhưng tất cả những cái đó chỉ có thể có được với một chính quyền… cũng muốn như thế. Mà chính quyền thì lại không bao giờ tự muốn những điều này cả. Nó chỉ quyết tâm thực hiện những điều ấy nếu nó chịu sức ép – đó là sức ép “nếu không làm nổi thì mất chức, mất ngôi lãnh đạo”.

Nghĩa là, tóm lại, người ta chỉ có thể đạt được những mong muốn ấy sau khi đã có một chính quyền được dân bầu ra (dân cử, không phải “Đảng cử dân bầu”) trong một cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Kỳ bầu cử 2021, vì thế, là cơ hội để người dân Việt Nam lập ra được một quốc hội dân cử, một chính quyền dân cử.

Cơ hội để chuyển đổi không đổ máu

Hơn thế nữa, bầu cử chính là thiết chế để một quốc gia đổi mới chính trị một cách ôn hòa, không bạo lực, không đổ máu. Chúng ta biết rằng Nam Phi đã chìm trong bạo lực, bắn giết vì xung đột chủng tộc suốt nửa thế kỷ, ngay cả sau khi người tù thế kỷ Nelson Mandela – lãnh đạo của phong trào đấu tranh chống phân biệt chủng tộc – được trả tự do vào năm 1990. Bạo lực lan tràn khắp đất nước, mà vợ của Nelson Mandela, bà Winnie Madikizela, là người rất tích cực cổ xúy, vì bà cho rằng phải thực thi công lý, phải trả thù, không thể tin được phe cầm quyền da trắng… Mandela đành tuyên bố ly thân (họ chính thức ly dị vào năm 1996), và vào tháng 9/1992, ông phát biểu trên truyền hình toàn quốc, kêu gọi chấm dứt bạo lực: “Chúng ta không thể chiến thắng trong một cuộc giao tranh, nhưng chúng ta có thể chiến thắng trong một cuộc bầu cử… Hãy bỏ phiếu!”.

Khi còn trẻ, Mandela vốn là một thành viên tích cực của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) theo đường lối bạo lực, và lĩnh án tù chung thân cũng vì các tội liên quan đến phá hoại, khủng bố. Sau 27 năm ngồi tù, cuối cùng ông lại là người đặt những viên gạch đầu tiên để kiến tạo hòa bình cho đất nước, thông qua một cuộc bầu cử tự do, được tổ chức vào ngày 27/4/1994. Mandela nói rằng, trước đó, ông chưa bao giờ nhận ra điều này: “Đánh cái dấu lên một mảnh giấy lại có thể thay đổi thế giới”.

Trong kỳ bầu cử ấy, đảng ANC của Nelson Mandela vào quốc hội, còn ông trở thành Tổng thống Nam Phi. Ông đã đúng: Họ – những người đấu tranh vì tự do, chống phân biệt chủng tộc – không thắng nổi trong giao tranh, nhưng thắng trong bầu cử.

Miễn đó là một cuộc bầu cử tự do và công bằng.

Kỳ bầu cử 2021 cũng là cơ hội cho một sự chuyển đổi ôn hòa ở Việt Nam. Hy vọng đó không phải là cơ hội cuối cùng.

Hướng tới kỳ bầu cử 2021

Kể từ ngày hôm nay, 01/7/2019, Luật Khoa tạp chí mở chuyên trang về bầu cử, nhằm cung cấp tới bạn đọc những kiến thức phổ thông, dễ hiểu nhất về bầu cử nói chung: các quyền và nghĩa vụ liên quan đến bầu cử, phương pháp tính phiếu, các hệ thống bầu cử khác nhau trên thế giới, những nguyên tắc của bầu cử tự do và công bằng, những việc cần làm để có bầu cử tự do và công bằng, v.v.

Các bạn có tư liệu, bài vở, đặc biệt là các sáng kiến lập pháp hoặc các ý tưởng nhằm bảo đảm bầu cử tự do và công bằng, có thể chia sẻ với Luật Khoa bằng cách gửi qua email về địa chỉ: bbt@luatkhoa.org.  

Nội dung của trang sẽ được cập nhật liên tục, ít nhất cho đến khi cuộc bầu cử 2021 kết thúc, nhưng rất có thể sẽ lâu hơn thế, vì chúng tôi tin rằng có quá nhiều điều mà mỗi công dân chúng ta giờ đây đều cần phải học và thực hành, vì một Việt Nam dân chủ trong tương lai.


-------------------------------------

Chuyên trang Bầu cử của Luật Khoa






No comments:

Post a Comment

View My Stats