VOA Tiếng Việt
17/07/2019
Phải làm sao ‘quốc tế hóa’ những hành vi đàn áp về tự
do tôn giáo của chính quyền Việt Nam để quốc tế can thiệp, nếu không thì những
hành động đấu tranh cho tự do tôn giáo ở trong nước sẽ không hiệu quả, các nhà
hoạt động vì tự do tôn giáo Việt Nam nói với VOA.
Các nhà hoạt động, vốn là lãnh đạo tinh thần hay nạn
nhân của sự đàn áp tôn giáo ở Việt Nam, hôm 15/7 có buổi trao đổi, trình bày về
‘Tự do Tôn giáo ở Việt Nam: Cơ hội và Thách thức’ tại Freedom House, tổ chức cổ
súy nhân quyền quốc tế có trụ sở ở thủ đô Mỹ, nhân dịp họ đến Washington D.C.
tham dự Hội nghị Cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo Quốc tế.
‘Sợ quốc tế lên án’
Trao đổi với VOA, đạo hữu Lương Xuân Dương
thuộc đạo Cao Đài, vốn là tù nhân tôn giáo trong nước và bị chính quyền truy
nã, cho biết rằng từ kinh nghiệm đấu tranh của ông, ông thấy rằng ‘phải luôn
tìm đến những tổ chức, những người có khả năng giúp đỡ để mở rộng tiếng nói của
mình ra với cộng đồng quốc tế’.
“Bởi vì nhà cầm quyền Việt Nam coi thường tiếng nói
của người dân nhưng rất e dè nhận xét của quốc tế,” ông giải thích. “Bằng chứng
là họ luôn che đậy thực trạng vi phạm nhân quyền và tôn giáo. Điều đó cho thấy
họ cũng biết sợ.”
“Chúng ta làm điều họ sợ là đưa sự vi phạm của họ ra
quốc tế theo đúng cách và đúng việc. Điều đó sẽ giúp từng bước đẩy lùi các vi
phạm tôn giáo,” ông lập luận.
Đạo hữu Lương Xuân Dương cũng chia sẻ những kinh
nghiệm làm sao để cho việc đấu tranh tôn giáo đạt hiệu quả, trong đó ông kêu gọi
‘tự tin việc chúng ta làm là điều đúng, là lẽ phải’, ‘tin tưởng rằng người thân,
bạn bè và đạo hữu của mình vẫn tiếp tục con đường tranh đấu của mình’ và ‘tin
tưởng vào Thượng Đế sẽ giúp đỡ cho con người làm những điều tốt’.
“Trong cuộc đấu tranh với bạo quyền thì tinh thần là
điều quan trọng, nếu tinh thần chúng ta không vững thì ngay lập tức họ xen vào
chỗ không vững đó để đánh gục chúng ta,” ông giải thích.
Ông cho biết mặc dù đấu tranh cho quyền tự do cho
giáo phái của ông từ năm 1996 nhưng lúc đầu ‘sự đấu tranh đó không có hiệu quả’.
“Bắt đầu từ năm 2014, chúng tôi bắt được liên lạc với
tổ chức BPSOS và chúng tôi đã được huấn luyện về cách viết báo cáo, cách thu thập
tin tức, về những quyền cơ bản về tôn giáo,” ông nói và cho biết nhờ đó mà sự đấu
tranh của ông đã có kết quả hơn.
Đạo hữu Lương Xuân Dương đưa ra ví dụ là hồi năm
2015 chính quyền đã huy động lực lượng công an cùng người của ‘Chi phái 97’
(Giáo phái Cao Đài do chính quyền lập ra kể từ năm 1997 và hiện đang là dòng
chính của Đạo Cao Đài trong nước) đến ‘đập phá’ tại một buổi Lễ Thượng tượng ở
tư gia một đạo hữu ở huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, và ‘lấy luôn cả thánh tượng’.
“Chúng tôi đã công khai việc đó ra và gửi những hình
ảnh vi phạm đâu đó rõ ràng. Một tháng chúng tôi đã có một Lễ Thượng tượng như vậy
ở gần Tòa thánh Tây Ninh. Hơn 8 họ đạo của Chi phái 97 cùng hơn 50 công an và
dân quân đến trước nhà của đạo hữu ở huyện Châu Thành nhưng họ không dám vào
nhà và không dám tự tiện đập phá như trước nữa,” ông kể.
“Từ đó cho đến sau nay, chúng tôi đã tiến về đến sát
Tòa thánh Tây Ninh để làm Lễ Thượng tượng nhưng Chi phái 97 không dám động binh
và không dám hung hăng như trước,” ông nói. “Không phải họ tử tế hơn mà do
chúng tôi mạnh hơn.”
Tuy nhiên, ông cũng nói là chi phái Cao Đài của ông
vẫn chưa thành công trong việc ‘đòi Chi phái 97 trả lại Tòa thánh Tây Ninh’ và tổ
chức BPSOS cũng như các tổ chức khác đang giúp ‘quốc tế hóa vấn đề đạo Cao Đài
ra Liên Hiệp Quốc’.
“Chi phái 97 là của Đảng Cộng sản lập ra. Họ có niềm
tin của họ. Họ tin vào Đảng thì họ cứ việc hoạt động theo đường lối của Đảng.
Nhưng họ phải đi về cơ sở của họ lập ra để họ tu. Chúng tôi không vi phạm quyền
tự do tôn giáo của họ thì họ cũng không được vi phạm quyền tự do tôn giáo của
chúng tôi. Họ phải trả cơ sở thờ tự, không được ăn cắp danh hiệu chúng tôi để lừa
dối quốc tế như 20 năm qua,” ông Dương kêu gọi.
Về lý do chính quyền Việt Nam đàn áp các tôn giáo,
nhất là Đạo Cao Đài, đạo hữu Lương Xuân Dương cho rằng ‘do các tôn giáo đều có
tổ chức sẵn nên nếu tôn giáo đó đoàn kết lại thì sẽ là lực lượng đối kháng đối
với nhà cầm quyền’.
“Đạo Cao Đài đối kháng với chủ nghĩa cộng sản trực
diện hơn nữa do chúng tôi chủ trương hữu sản con người về mặt vật chất lẫn tinh
thần,” ông phân tích.
‘Tự do không phải là theo chính quyền’
Về phần Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tổ
chức tố cáo bị chính quyền trong nước đàn áp kể từ khi Giáo hội Phật giáo Việt
Nam do nhà nước bảo trợ ra đời, Hòa thượng Thích Viên Lý, vốn trước đây là Viện
phó Viện Hóa đạo và hiện là Chủ tịch Hội đồng Điều hành Tăng đoàn Giáo hội Phật
giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại, cho rằng Giáo hội ‘đã bị phân hóa một cách
trầm trọng và hiện đã tê liệt’.
Ông nói sự đấu tranh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Thống nhất thiếu hiệu quả ‘một phần do nội bộ thiếu đoàn kết’.
“Cần phải lắng nghe, tôn trọng, nâng đỡ, bảo vệ nhau
chứ không phải nhìn nhau với sự nghi ngờ,” ông nói. “Các nhà lãnh đạo phải ngồi
lại với nhau để có những sách lược và tầm nhìn để biến những hoài bão lớn thành
hiện thực.”
“Chính sách của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là luôn tìm cách triệt hạ một cách rất
tinh vi, có hệ thống… Họ luôn tìm cách kiểm soát, áp đặt, khống chế, tách ra,
đe dọa đủ cách,” ông nói thêm.
Khi được hỏi về sự phát triển của Phật giáo trong nước
dưới sự hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Viên Lý giải
thích rằng ‘những ai theo chính sách của họ (chính quyền) thì họ có phần dễ
dãi, nhưng điều đó không có nghĩa là tự do’.
“Tư do tôn giáo không có nghĩa là đi theo chính sách
của nhà cầm quyền nào đó, đặc biệt là nhà cầm quyền độc tài toàn trị,” ông nói
thêm.
Ông nói ‘trên mặt hình thức thì Phật giáo trong nước
hoạt động tích cực, năng động’ nhưng ‘trên vấn đề tâm linh thì phải làm sao cho
con người thật sự hạnh phúc và tự do’.
‘Không có động cơ chính trị’
Về sự đấu tranh của Công giáo và Tin Lành, anh Y
Phic Hdok, một người Thượng Tây Nguyên theo đạo Tin Lành cũng là một nạn nhân tố
cáo bị đàn áp và hiện đang tị nạn ở Thái Lan, cho biết ‘những người theo các hội
thánh tại gia thì chính quyền luôn đến gia đình họ sách nhiễu và không cho phép
họ thờ phượng Chúa’.
Anh cho biết rằng vấn đề khó khăn nhất trong đấu
tranh cho tự do tôn giáo là ‘sự kết nối với cộng đồng quốc tế’ và ‘hiểu biết về
quyền lợi của mình’.
“Do đó họ không ý thức quyền lợi của mình khi bị bắt
bớ hay đàn áp, nên không tự bào chữa cho mình được,” anh giải thích. “Họ cũng
không thể nói lên với những người bên ngoài để cùng đứng lên đấu tranh cho quyền
lợi của họ.”
Anh Y Phic Hdok cũng bác bỏ tố cáo từ phía chính quyền
rằng những hoạt động đấu tranh của Công giáo và Tin Lành là ‘mang tính chính trị’
nhằm mục đích chống đối chính quyền của Đảng Cộng sản.
“Đối với tôi và những người tôi làm việc cùng, chúng
tôi thực sự đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo chứ không hoạt động chính trị,”
anh nói thêm, “Chúng tôi chỉ đấu tranh cho quyền lợi của mình để chúng tôi có một
nhà thờ và có thể thờ phượng Chúa một cách tự do.”
Khi được hỏi về lý do người Thượng theo Ki-tô giáo bị
đàn áp, anh Y Phic Hdok lập luận theo suy nghĩ của anh rằng ‘người Thượng Tây
Nguyên đã từng đi theo giúp Pháp, Mỹ’ và ‘những giáo sỹ mang đạo Tin Lành đến
Tây Nguyên là người Mỹ’ nên ‘chính quyền Việt Nam luôn nghi ngờ người Tin Lành
hay Công giáo là đang làm việc cho Mỹ hay đang làm việc gì đó phía sau để chống
lại Nhà nước hay lật đổ chính quyền’.
No comments:
Post a Comment