Thay vì làm to chuyện với một slogan quảng cáo thì
“cơ quan chức năng văn hóa” nên tìm giải pháp khẩn cấp để chấn chỉnh tình trạng
hỗn loạn tiếng Việt. Cái gọi là “rất phản cảm, thiếu văn hóa và thiếu thẩm mỹ”
đang hiện diện tràn lan trong việc sử dụng tiếng Việt và không chỉ với một từ
mà với vô số từ và vô số câu. Nếu nói tiếng Việt là một trong những tấm “căn cước”
định tính cho văn hóa dân tộc thì cách sử dụng tiếng Việt thời đại này đã cho
thấy tấm căn cước tiếng Việt đang bị phá phách ẩu tả đến mức đáng hổ thẹn. Từ
việc ghép từ vô tội vạ đến tình trạng đặt ra những “khái niệm” ngữ nghĩa méo mó
(chẳng hạn “trạm thu giá”), tiếng Việt đang bị sử dụng với một thái độ vừa cưỡng
bức vừa khinh rẻ. Nếu cần tìm một bằng chứng cho thấy văn hóa xuống cấp và chọn
ra nạn nhân tiêu biểu thì tiếng Việt là nạn nhân không thể không nhắc.
Không chỉ “cưỡng hôn” – được hiểu lệch lạc là “cưỡng
bức để được hôn”, còn có vô số kiểu nói kỳ quái khác. Trong thực tế, có bao giờ
chúng ta nói “Nè, khi đang tham gia giao thông thì tạt qua tiệm bánh mì mua
giùm cho tôi một ổ”! Có bao giờ người ta nói, “đang tham gia giao thông thì tôi
gặp cậu ấy…”! Ai đặt ra cái cụm từ dị hợm này? Ngoài ra, có thể kể vô số từ
bình thường khác cũng đang được dùng một cách bất thường. “Quá trình” là một ví
dụ. Cái gì cũng “quá trình”. Trường hợp nào cũng “quá trình”. Sự việc nào cũng
“quá trình”… “Một thí sinh dùng máy trợ thính trong quá trình thi”; “Một giáo
viên tử nạn trong quá trình làm nhiệm vụ coi thi”. Chưa hết, “trong quá trình uống
café”, “trong quá trình ăn tô hủ tíu”, “trong quá trình tham gia giao thông”…
Kinh hoàng hơn là gần đây người ta “tinh giản” luôn chữ “trong” khi nói về một
“quá trình” – chẳng hạn “Quá trình đi từ bàn mình đến bàn nạn nhân, hung thủ
rút sẵn con dao ra cầm trên tay”! Trong khi đó, “quá trình” – được định nghĩa
trong Từ điển Tiếng Việt (chủ biên Hoàng Phê, Viện Ngôn ngữ học, NXB Hồng Đức
2018) – như sau: “Tổng thể nói chung những hiện tượng nối tiếp nhau trong thời
gian, theo một trình tự nhất định của một sự việc nào đó”.
Dĩ nhiên chẳng ai đòi hỏi viết báo phải dùng câu chữ
đẹp đẽ và kiêu kỳ như nhạc ngữ trong âm nhạc Phạm Duy nhưng biến mình thành học
trò tiểu học khi viết báo thì thật không nên! Việc viết sai chính tả một cách bất
chấp và báo chí đăng sai chính tả một cách bất kể đã không còn là “hiện tượng”.
Nó đã trở thành một tệ nạn, một thảm trạng thật sự đối với chữ Quốc ngữ. Viết
sai chính tả là “chuyện nhỏ”. Bây giờ là thời của những lộn xộn giữa “bàng
quan” và “bàng quang”; giữa “rốt cuộc” và “rốt cục” (sai); giữa “kết cục” và “kết
cuộc” (sai)… Giờ là thời “thích là xài”, chẳng cần tìm hiểu hay mất thời giờ
tra cứu từ điển, cho nên mới không phân biệt được “điểm yếu” và “yếu điểm”; cho
nên mới viết “thăm quan” thay vì “tham quan”.
Tình trạng tiếng Việt bị hạ xuống trình độ “cấp tiểu
học” lại xảy ra với một nghịch lý là thích làm sang. Thay vì viết “tôi thấy”
thì người ta cứ nói “tôi mục sở thị”! Giữa việc trang điểm ngôn ngữ với việc
làm dáng nhưng không giấu được điệu bộ giả tạo che đậy cái lớp quê mùa chữ
nghĩa là một lằn ranh không phải không khó thấy. Nhân tiện nói thêm, việc nhầm
lẫn các từ Hán Việt cũng là “hiện tượng thời đại”. Mới đây, tôi đã đọc một bài
điểm sách, trong đó, vị nhà báo nổi tiếng nọ đã ví ngôn ngữ văn chương như một
thứ “thần quyền” để phục vụ cho “thần dân” (với ý nghĩa của “thần” trong “thần
dân” thuộc khái niệm… “thần thánh”!).
Không chỉ sai lệch chữ và nghĩa mà tiếng Việt ngày
nay còn méo mó cấu trúc. Thay vì nói “Chương trình này được Sony tài trợ”; người
ta thích nói “Chương trình này được tài trợ bởi Sony”. Như thế còn đỡ. Người ta
thậm chí còn nói “Thủ tướng VN đã được đón tiếp bởi ông Shinzo Abe”. Người ta
không thấy lạ khi nói “Đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy”, mà thay vì phải
nói một cách bình thường: “Người đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm”. Thay vì nói
“Thí sinh này ở Tiền Giang” thì lại dùng “Thí sinh này đến từ Tiền Giang”, như
thể phải vậy mới là ngôn ngữ của thời hội nhập. Where are you from, hử anh/chị
dẫn chương trình? Are you from Vietnam?
Rồi còn “fan hâm mộ”, rồi “cặp đôi”, rồi còn đầy những
câu không hề có chủ ngữ: “Sốc với phát biểu…”; “Choáng với hình ảnh”… Nếu thời
chiến tranh người ta “khóc cười với vận nước nổi trôi” thì ngày nay chúng ta cần
phải biết khóc trước sự bi thảm mỗi lúc mỗi tệ của chữ Quốc ngữ. Trong thực tế,
nhiều hội thảo “làm trong sáng tiếng Việt” đã liên tục được tổ chức nhưng nếu đọc
các tham luận này sẽ thấy hầu hết đều nhắc đi nhắc lại lời nói của ông Hồ Chí
Minh về việc đề cao “làm trong sáng tiếng Việt”. Việc viện dẫn phát biểu của một
người mà tiếng Việt của ông ta luôn đáng “minh họa” cho sự bi thảm của tiếng Việt
– được ông ấy dùng trong cái thời mà Việt Nam có vô số nhân vật có thể nói là bậc
thầy ngôn ngữ, từ cụ Phan Khôi đến các nhà văn-thi sĩ kiệt xuất phải lâm vào cảnh
bi thương trong cái “vụ án” gọi là “Nhân văn Giai phẩm” – cho thấy điều đó chẳng
có ý nghĩa gì. Thậm chí ngay cả khi ông Hồ có tài giỏi tiếng Việt thì việc
trích lời ông ta cũng không phải là giải pháp. Cần phải làm gì, làm như thế
nào, làm từ đâu… mới là điều nên bàn.
Báo chí cũng đừng nhắc đi nhắc lại nữa câu nói của cụ
Phạm Quỳnh “Tiếng nước ta còn, nước ta còn”. Báo chí cần tự sửa mình trước,
thay vì cứ nói về cái sự đang biến mất hoặc đang biến dạng. Tìm kiếm giải pháp
toàn diện cho việc “cứu” tiếng Việt không phải là việc của một cá nhân hay một
tổ chức, nhưng trước mắt, và cần kíp, chính báo chí phải tiên phong trong việc
chấn chỉnh lại biên tập. Báo chí cần làm gương trong việc “làm trong sáng tiếng
Việt”. Cứ thích đề cập đến bảo tồn và gìn giữ văn hóa, tại sao lại đối xử với
tiếng Việt theo cách như đang chứng kiến! Khi nhà báo than thở trước hiện tượng
di tích văn hóa xuống cấp trong một bài viết nghệch ngoạc chấm phẩy tùy hứng
thì sự xuống cấp văn hóa đã vô tình bị đẩy xuống thêm một cấp nữa rồi. Khi nhà
báo còn viết đầy lỗi chính tả, thường xuyên và cố ý, như có thể thấy hàng ngày
trên trang cá nhân của họ, thì sao họ có thể dạy con mình "yêu tiếng Việt",
hoặc chứng tỏ cho con em mình thấy mình "quý tiếng Việt" bằng việc đi
thắp nhang ở mộ các bậc tiền nhân khai xướng tiếng Việt?
No comments:
Post a Comment