Chủ Nhật, 06/30/2019 - 23:18 — NguyenTrangNhung
Ngày 29/10/2016, hơn 10.000 người biểu tình trước
Nhà Xanh,[1] nơi ở của tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sau khi tổ chức một buổi
thắp nến trước tòa thị chính. Ngày này đã đánh dấu cuộc biểu tình đầu tiên
trong chuỗi các cuộc biểu tình chống bà Park, vốn là một hiện tượng nổi bật
trong chính trị Hàn Quốc hiện đại.
Trong những tuần tiếp theo, khi các cáo buộc nhằm
vào bà Park gia tăng và nhiều vấn đề khác lộ diện, các cuộc biểu tình thứ hai,
thứ ba, thứ tư… diễn ra với quy mô càng lớn. Hàng chục ngàn người đã đổ về
Seoul từ nhiều nơi, trong đó có đảo Jeju và các thành phố phía nam như Busan,
Ulsan để tham gia các cuộc biểu tình.[2]
Theo ước tính, có khoảng 200.000 người đã tham gia
cuộc biểu tình vào ngày 5/11/2016. Con số này tăng lên gấp 5 một tuần sau. Sang
tuần thứ ba, con số giảm xuống còn 500.000, mà nguyên nhân được cho là do một
cuộc biểu tình khác. Tuần thứ tư, con số tăng lên ngoạn mục, gấp rưỡi kỷ lục
trước đó, với 1,5 triệu người.[3]
Cuộc biểu tình ngày 3/12 còn đông đảo hơn, với 1,7
triệu người,[4] và đây cũng là kỷ lục của mọi cuộc biểu tình ở Hàn Quốc từ trước
tới nay. Cuộc biểu tình sôi động như một lễ hội, khi mọi người tham gia với
tinh thần hào hứng, với một loạt băng rôn, biểu ngữ yêu cầu bà Park từ chức. Đó
là chưa kể "lễ hội" này được một số nghệ sĩ làm cho có tính nghệ thuật
với các màn trình diễn âm nhạc.
Mối quan tâm, tiếng nói và hành động của người dân
Hàn Quốc trước những bê bối của bà Park thể hiện một cách sinh động sự lớn mạnh
của xã hội dân sự Hàn Quốc. Những yếu tố này đồng thời cho thấy sự trưởng thành
của người dân, khi họ thực hiện các quyền dân sự, chính trị của mình và cũng là
thực hiện vai trò làm chủ đối với đất nước.
Trở lại quá khứ, xã hội dân sự Hàn Quốc được nhen
nhóm từ các thành phần chống đối chế độ cai trị thực dân của Nhật Bản vào những
năm 1910 – 1945, và sau đó là chống đối các chính phủ độc tài vào những năm
1948 – 1987. Dưới sự đàn áp của các chính phủ độc tài, xã hội dân sự như một ngọn
lửa bị dập tắt nhưng vẫn âm ỉ, có khi lớn dần và có lúc bùng lên.
Cách mạng Tháng Tư vào năm 1960 là một điểm sáng như
thế. Đây là phong trào dân chủ quy mô lớn đầu tiên chống lại chế độ độc tài của
tổng thống Syngman Rhee. Phong trào bắt đầu với sinh viên đại học, được ủng hộ
và hưởng ứng bởi nhiều thành phần xã hội, bao gồm các trí thức và các lãnh đạo
tôn giáo, đã thành công trong việc lật đổ Syngman và tạo ra chính phủ mới của
thủ tướng Chang Myun.[5]
Niềm hi vọng dân chủ hóa từ Cách mạng Tháng Tư, tuy
nhiên, đã tan vỡ sau cuộc đảo chính ngày 16/5/1961 của tướng Park Chung-hee.
Sau khi lên làm tổng thống, Park đã duy trì một hệ thống dân chủ đại diện hình
thức nhưng thực chất là một chế độ độc tài quân sự, bằng cách kìm hãm hoạt động
của các đảng đối lập, kiểm soát truyền thông, đàn áp các phong trào xã hội đòi
hỏi dân chủ.[6]
Trong suốt 18 năm cầm quyền, Park đã bù đắp cho thiếu
sót về tính chính danh chính trị của chế độ độc tài quân sự bằng các chính sách
phát triển kinh tế để nhận lại sự ủng hộ của người dân. Phong trào dân chủ bấy
giờ chỉ còn giới hạn trong các không gian như các trường đại học và các nhà thờ,
một cách ngấm ngầm và kín đáo.[7]
Phong trào dân chủ này được biểu hiện ra bên ngoài
như các phong trào xã hội dân sự mở và được tổ chức một cách lỏng lẻo vào những
năm 1970 phản kháng hệ thống Yushin vào những năm 1970 – hệ thống cho phép
tổng thống nắm giữ quyền lực vĩnh viễn và tái thi hành chế độ chuyên chế, thông
qua hiến pháp Yushin được ban hành vào năm 1972.[8]
Sự phản kháng hệ thống Yushin đã dẫn đến sự
hình thành của Đại hội Nhân dân Phục hồi Dân chủ (People's Congress for the
Restoration of Democracy, PCRD). Tham gia tổ chức này có các thành viên đảng đối
lập, các trí thức và các lãnh đạo tôn giáo. Với chiến lược đối đầu, PCRD đã
châm ngòi cho các buộc biểu tình và hệ quả là các cuộc đàn áp và bắt giữ của
chính phủ.[9]
Tháng 10/1979, Park bị ám sát. Sự kiện đột ngột này
– được viện cớ từ sự bất mãn của dân chúng đối với chế độ của Park – khiến tình
hình chính trị Hàn Quốc rơi vào bất ổn. Chính phủ lâm thời của tổng thống Choi
Kyu-hah bị lật đổ bởi tướng Chun Doo-hwan bằng một cuộc đảo chính quân sự đã
đưa Hàn Quốc tới một chế độ độc tài quân sự khác.
Kế thừa di sản của Park, Chun duy trì chế độ độc tài
cũng bằng các biện pháp trấn áp đối với các đảng đối lập, báo chí và các phong
trào dân chủ.[10]
Trong bối cảnh này, xã hội dân sự vốn bị đàn áp dưới
thời Park được thôi thúc trỗi dậy bởi các giáo sư và các sinh viên của các trường
đại học. Chính họ, vào tháng 3/1980, đã khơi mào cho sự trở lại của sinh hoạt
dân chủ trong môi trường học tập. Nhiều liên hiệp sinh viên được thành lập và
lãnh đạo các cuộc tuần hành trên cả nước, kêu gọi chính phủ dỡ bỏ thiết quân luật
và tiến hành dân chủ hóa.
Diễn biến trở nên phức tạp với sự đáp trả cứng rắn của
chính phủ Chun. Tuy nhiên, vụ thảm sát Gwangju vào tháng 5/1980 cùng với các sự
kiện về sau là Á vận hội (Asian Games) năm 1986 và Thế vận hội Mùa hè (Summer
Olympics) năm 1988 đã khiến chính phủ Chun mềm mỏng hơn với xã hội dân sự, làm
xã hội dân sự có cơ hội phát triển. Từ đây, ngoài phong trào sinh viên, các
phong trào khác, về công đoàn, tôn giáo, v.v, xuất hiện nhiều hơn, trở thành
sinh hoạt quen thuộc trong dân chúng.[11]
Các phong trào với đa dạng thành phần này – mà cốt
lõi là tầng lớp trung lưu lớn mạnh theo thời gian nhờ quá trình công nghiệp hóa
và đô thị hóa từ thời Park – đã tạo sức ép buộc chính phủ Chun chấp nhận các
nguyên tắc dân chủ và tiến đến cải cách chính trị.[12]. Sau Cuộc Nổi dậy Tháng
Sáu vào năm 1987 chống lại việc Chun chỉ định cựu tướng Roh Tae-woo làm tổng thống
kế nhiệm và đòi hỏi sửa đổi hiến pháp, phong trào dân chủ đã thắng lợi khi đạt
được thỏa hiệp với chính phủ rằng Hàn Quốc sẽ cải cách thể chế và thực hiện chế
độ bầu cử tổng thống trực tiếp.
Điểm lại toàn bộ quá trình kể trên, có thể thấy sự
tham gia của người dân Hàn Quốc vào các phong trào dân chủ nói riêng và các
phong trào xã hội dân sự nói chung đã đóng vai trò quan trọng cho sự thay đổi của
Hàn Quốc, không chỉ về phương diện chính trị mà còn về nhiều phương diện khác,
dẫn tới một Hàn Quốc hùng mạnh như chúng ta thấy ngày nay.
Giờ đây, tuy rằng người dân Hàn Quốc đã không còn mục
tiêu chung là dân chủ như những thế hệ tiền bối của họ trước kia, song tinh thần
và ý thức của người dân Hàn Quốc vẫn luôn nhắm đến việc đòi hỏi ở chính quyền
những gì là tốt đẹp hơn cho họ và cho quốc gia, và các cuộc tuần thành quy mô
hàng triệu người, nhằm phế truất tổng thống nào đó trong tương lai, nếu có một
Park Geun-hye thứ hai, hẳn sẽ còn tái diễn.
-----------------
Chú
thích:
[1][2][3][4] Hành trình biểu tình đòi phế truất tổng
thống của thanh niên Hàn Quốc
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/hanh-trinh-bieu-tinh-doi-...
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/hanh-trinh-bieu-tinh-doi-...
[5][6][7][8][9][10] Lim Hy-Sop (2000), Historical
Development of Civil Social Movements in Korea: Trajectories and Issues
[11][12] Yooil Bae (2018), Sự tham gia của người dân
trong xã hội ở Đông Á (Kinh nghiệm Nhật Bản và Hàn Quốc)
No comments:
Post a Comment