Tuesday 29 November 2016

THẾ KỶ ÁNH SÁNG (Tuấn Khanh)





Những năm tháng là sinh viên, tôi hay tò mò về việc phân chia đất nước Đại Hàn. Một bên theo Tư bản và một bên theo Cộng sản. Nhất là vào những năm 80 và 90, tôi luôn ấn tượng về phong trào sinh viên Nam Hàn xuống đường biểu tình đòi thống nhất, ủng hộ Bắc Hàn. Truyền hình đưa tin sinh viên đụng độ với cảnh sát, lập chiến lũy, bị truy bắt… là những câu chuyện khiến tôi háo hức tìm đọc rất nhiều thứ về đất nước bị chia cắt đó. Lý do tôi muốn biết, vì Đại Hàn cũng tương tự với một Việt Nam trong lịch sử.

May mắn thay, tôi lại có cơ hội bạn bè với nhiều sinh viên Nam Hàn. Trong đó có một nam sinh viên là Oh và một nữ sinh viên là Kim. Những người này hay ngạc nhiên hỏi tôi là vì sao cứ hỏi những chuyện không ai hỏi, và họ bày tỏ cũng rất chân thành suy nghĩ của mình.

Oh từng xuống đường biểu tình nhiều lần, và bị cảnh sát Nam Hàn đánh tơi tả. Anh nói là anh xuống đường không vì chính trị mà vì bạn bè mình đã đi, mình cũng phải đi. Và bị đánh thì phải đánh trả. Còn Kim thì ngồi suốt với tôi và anh Đỗ Trung Quân ở một quán nhỏ ở Binh Thạnh, nói về lý tưởng. Kim nói cô thần tượng lãnh tụ Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật, tức ông nội và cha của Kim Chính Ân, lãnh tụ Bắc Hàn hiện nay. Cô sinh viên Nam Hàn này xuống đường biểu tình, đòi thống nhất với Bắc Hàn, chống chính quyền Nam Hàn đến mức bị truy tìm, phải bỏ trốn ra nước ngoài, rồi cô đến Việt Nam vì cô nghĩ rằng Việt Nam gần và thân thuộc với Bắc Hàn.

Tôi còn nhớ mình và anh Đỗ Trung Quân im lặng nghe cô Kim ngợi ca về chủ nghĩa Cộng sản. Anh Quân cố hỏi vài câu thăm dò rồi sau đó, cả hai thoái thác không gặp lại Kim nữa. Khác với cô sinh viên Nam Hàn ấy, trong muôn vàn ảo tưởng của đời người, tin vào chủ nghĩa Cộng sản như Bắc Hàn là điều chúng tôi đã may mắn, sớm bước qua từ tuổi 20.

Nhiều năm sau, tôi có gặp lại Oh, và cũng nghe nói về cô Kim ấy. Họ vẫn ở Việt Nam vì đã có cơ sở làm ăn và quen cuộc sống ở đây. Nhưng không ai muốn nhắc về những gì của tuổi trẻ của họ khi còn ở trong đất nước. Oh thì cười xòa, nói “thôi thôi”. Còn cô Kim thì không còn nói gì về Bắc Hàn hay thống nhất nữa. Thời đại mới với truyền thông tự do khắp nơi, đủ để lan truyền về  một Bắc Hàn thật sự ra sao. Và giờ đây, tôi cũng không còn thấy những cuộc biều tình đòi thống nhất của giới sinh viên cánh tả Hàn Quốc trên truyền hình nữa. Tin tức thì lại hay nói về những phong trào chuyển lương thực, đồ chơi và tin tức bằng bong bóng qua biên giới Bắc Hàn, giúp cho người dân khốn khổ ở sau đường biên của chế độ độc tài.

Tôi nhớ câu nói của Martin Luther King (1929-1968), câu nói hay làm tôi nghĩ ngợi “Chúng ta phải biết sống chung với nhau như là anh em, hoặc tiêu tan cùng nhau như những kẻ ngu muội”. (We must learn to live together as brothers or perish together as fools). Chắc là rất nhiều người Nam Hàn đã tìm mọi cách để đem sự thật đến cho thế hệ mình và sau nữa. Họ sống với tinh thần như những người anh em với nhau. Thật kiên nhẫn và đáng quý. Họ đã làm được, để thế hệ Nam Hàn hôm nay đủ nhận biết về các ảo tưởng cách mạng và những kẻ độc tài biên kia Bàn Môn Điếm, để tương lai người Nam Hàn sống với nhau mà không tàn phá nhau, không rửa nát trong ngu muội.

Nhiều thập niên trước, tôi cũng thần tượng Fidel Castro và cách mạng Cuba. Thầy dạy sử của tôi kể say mê rằng Fidel Castro đã thành huyền thoại khi tự mình đứng trước tòa bào chữa cho mình, và chế độ độc tài Batista buộc phải trả tự do cho ông. Nhưng rồi nhiều năm sau, tôi cũng tự hỏi một nền tư pháp của chế độ độc tài ấy, vì sao có thể tuyệt vời đến nhường ấy khi nhìn ra công lý để trả tự do cho Fidel.

Trong khi 47 năm cầm quyền của Fidel Castro, tòa án là vô nghĩa, hàng chục ngàn người phải lưu đày, tù ngục hoặc bỏ trốn khỏi nước. Hàng trăm người hành quyết công khai bởi các nhóm xử bắn lưu động nhưng không có cơ hội nào được tự bào chữa như Fidel Castro đã từng. Huyền thoại về công lý ở Cuba từng cứu sống Fidel, và rồi bị bóp chết bởi chính ông.

Tôi cũng muốn sống với thế hệ mình, và thế hệ mai sau như những người anh em, để chúng ta không rửa nát trong ngu muội. Vì vậy, tôi đã cố viết và nói, như có sự thúc giục không ngừng trong mình, rằng chúng ta phải tồn tại trong lẽ phải và sự thật. Chúng ta không thể rửa nát bằng sự tưởng tượng hay niềm tin bất cần lịch sử của những khổ đau mà con người đã gánh chịu.

Như một con cua phải tự lột vỏ mỉnh, hết sức đau đớn, nhưng để sống còn, tôi đã bước qua những ngày tháng thiếu niên, mệt mỏi tự truy vấn để thôi ôm ấp những giấc mơ về Stalin, Lenin hay Fidel Castro, cũng không khác gì việc tôi đã tự mình chạy ra khỏi những hội hè mang tên Lê Văn Tám, Bảy Lốp… giữa những e dè và tổn thương của người quen, bạn bè trong suốt một giai đoạn dài. Nơi tôi đến, là sự thật. Mà sự thật thì không thể lẫn lộn mơ mộng hay thần tượng những kẻ dựng nên đền đài của mình bằng sinh mạng và máu của người khác.

Nhưng vì tôi tin rằng chúng ta là anh em, là đồng bào. Và chúng ta sẽ tồn tại cùng nhau chứ không thể cùng rửa nát trong sự ngu muội. Và đôi khi, tôi biết, thật đau đớn khi phải lột bỏ những gì đã học, đã biết, đã tin để bước ra cánh cửa, nhận ra sự thật mới mẻ. Nhưng đó là cách cuối cùng để chúng ta hay con cháu chúng ta không rửa nát, không trở thành kẻ đáng thương trong thế kỷ ánh sáng.

-----------------------

Recent Posts
·         Thế kỷ ánh sáng
·         Trở về, đi tới




No comments:

Post a Comment

View My Stats