Monday 28 November 2016

GÁNH HÁT "HAMILTON" & ÔNG PHÓ TỔNG THỐNG ĐẮC CỬ MIKE PENCE (Trùng Dương)




28/11/2016

Cuối tuần rồi, trong bầu không khí hậu bầu cử vẫn tiếp tục sôi động, ông Phó tổng thống-đắc cử Mike Pence quyết định cùng gia đình đi xem hát cho bớt căng thẳng. Vở tuồng ông chọn để thư giãn là “Hamilton”, một nhạc kịch về cuộc đời của một trong những vị cha già dân tộc Mỹ Alexander Hamilton và cũng là một di dân.

Ông Phó có lý do để chọn xem vở nhạc kịch này. “Hamilton: An American Musical” đã được hàng tá giải thưởng, trong đó gồm Nhạc kịch Hay nhất/Best Musical của Tony Awards và giải thưởng sáng giá Pulitzer dành cho Kịch nghệ hồi đầu năm. Mà cũng không phải dễ gì mua được vé đâu nghe, vì vé cho “Hamilton” đã bán hết thấu tới tháng 8 năm tới lận. Giỏi lắm thì mua được vé giá chợ đen, nhưng cũng hiếm vì những người yêu kịch nghệ không dễ gì chịu bán lại đâu.

Do tác giả kiêm diễn viên, nhạc sĩ, ca sĩ nhạc rap mới 36 tuổi Lin-Manuel Miranda soạn, nhạc kịch “Hamilton” là câu chuyện về hành trình cuộc đời của Alexander Hamilton (1757-1804), từ thuở hàn vi khiêm tốn của một đứa trẻ mồ côi gốc gác di dân tới khi thành người Cha Sáng Lập/Founding Father nên Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

Điều mà ông Phó không trông đợi là khi vừa bước chân vào rạp Richard Rodgers Theater ở New York, ông bị một số khán giả “bu” (boo/phản đối), bên cạnh lẻ tẻ đó đây tiếng vỗ tay chào mừng. Tuy vậy, ông Phó vẫn bình tĩnh ngồi xem hết vở nhạc kịch suốt 2 tiếng 45 phút, kể cả 15 phút nghỉ giải lao.

Ngay sau khi màn hạ và ông Phó và thân nhân còn đang trên đường tiến ra cửa, toàn bộ diễn viên có mặt trên sân khấu đã cử diễn viên chính Brandon Victor Dixon đọc một thông điệp viết sẵn trên giấy gửi tới ông Phó. Thông điệp ngắn song súc tích, do chính tác giả Miranda soạn, phối hợp với đạo diễn, nhà sản xuất và các diễn viên khi họ nghe tin ông Phó có mặt trong khán giả.

Brandon Victor Dixon, diễn viên thủ vai Arron Burr, đối thủ của Alexander Hamilton, trong vở nhạc kịch “Hamilton”, đang đọc thông điệp gửi tới ông Phó tổng thống-đắc cử Mike Pence sau khi đoàn diễn viễn cúi chào khán giả. (Ảnh Hamilton LLC / Associated Press). 

Ông Phó-đắc Pence trên đường rời rạpRichard Rodgers Theatre sau khi xem nhạc kịch “Hamilton” ngày 18 tháng 11. (Ảnh Andres Kudacki/AP)

Diễn viên Brandon Dixon, người đóng vai Aaron Burr đối thủ của Alexander Hamilton trong nhạc kịch, mở đầu thông điệp bằng lời cám ơn ông Phó-đắc đã tới xem hát, rồi nói, “Chúng tôi hy vọng là Ngài nghe chúng tôi ạ.”

“Chúng tôi, thưa Ngài, là một nước Mỹ đa chủng, chúng tôi lo ngại và khắc khoải là tân chính quyền của Ngài sẽ không che chở chúng tôi, trái đất, con cái và cha mẹ chúng tôi hoặc không bảo vệ chúng tôi và những quyền không chuyển nhượng được của chúng tôi. Tuy nhiên chúng tôi thành khẩn hy vọng buổi trình diễn này đã gợi hứng cho Ngài giúp nâng cao các giá trị của nước Mỹ và sẽ hành xử thay cho tất cả chúng tôi. Tất cả chúng tôi,” diễn viên Dixon nói, và nhấn mạnh, trong khi khoát tay một vòng về phía các diễn viên vây quanh cùng toàn thể khán giả bên dưới trong tiếng vỗ tay vang dậy rạp hát.

“Một lần nữa, chúng tôi vô cùng chân thành cám ơn Ngài đã tới xem buổi trình diễn một câu chuyện Mỹ quốc tuyệt vời bởi một nhóm đàn ông và đàn bà đa chủng thuộc mọi mầu da, tín ngưỡng và khuynh hướng.”

Mặc dù đã bước ra ngoài tiền sảnh, ông Phó đã dừng lại như lắng nghe lời nhắn gửi thiết tha vừa rồi, theo một số người đứng bên ngoài kể lại. Không ai biết ông Phó nghĩ gì lúc ấy.

Nhưng hiển nhiên là ông Tổng-đắc-cử Donald Trump không vui tị nào, nếu không nói là giận dữ, phản ảnh qua những cái tuýt/tweets phóng đi sau đó lên thế giới ảo.

“Vị Phó tương lai Mike Pence tuyệt vời của chúng ta đã bị các diễn viên Hamilton xách nhiễu tối hôm qua tại rạp hát giữa một rừng máy quay phim bận rộn. Điều này lẽ ra không nên xẩy ra,” ông Tổng phán vào sáng ngày thứ Bẩy.

“Rạp hát lẽ ra phải là một nơi an toàn và đặc biệt. Đoàn diễn viên Hamilton tối qua rất là thô lỗ đối với một người tử tế, Mike Pence. Xin lỗi ngay!” ông Tổng ra lệnh trong một cái tuýt kế.

Qua một ngày và một đêm, sáng hôm sau Chủ nhật, áng chừng thấy đoàn hát vẫn chưa chịu lên tiếng xin lỗi, ông Tổng lại phóng lên thế giới ảo một cái tuýt thứ ba, “Đoàn diễn viên và các nhà sản xuất Hamilton, mà ta nghe là rất được ca ngợi, phải xin lỗi ông Mike Pence ngay lập tức về hành xử ghê gớm của các người.”

Trong khi đó, từ tối hôm trước, sau phát súng lệnh của ông Tổng-đắc-cử, những phen/fans của ông hùa nhau lại liên tiếp phóng lên thế giới ảo những lời nhục mạ các diễn viên của gánh hát, không cần biết, như ông Tổng-đắc, là một số khán giả chứ không phải diễn viên “Hamilton” đã “bu” ông Phó. Có phen/fan của ông Tổng còn đòi tẩy chay gánh hát, rút phân/fund bảo trợ nghệ thuật của chính phủ liên bang nữa (thiếu điều đòi bỏ tù các nghệ sĩ, nhà sản xuất, đạo diễn như họ đã đồng thanh “Bỏ tù con mụ đó/Lock her up!” trong thời gian còn tranh cử với bà Hillary Clinton).

Tất nhiên vô số người đã đáp lại, bênh vực gánh hát. Nhiều người ca ngợi việc đoàn đã lên tiếng về quan tâm của họ một cách trực tiếp như vậy. Chủ tịch Sarah Kate Ellis của Liên đoàn Người Đồng tính Luyến ái Chống lại Phỉ báng hồi âm cái tuýt của ông Tổng: “Đó không phải là xách nhiễu,” bà Ellis viết. “Thực tế là những người đồng tính, da mầu, phụ nữ và nhiều người khác đã phải trực diện với xách nhiễu từ hôm bầu cử lận.”

Tổ chức Liên đòan Bảo vệ Dân quyền/The American Civil Liberties Union-ACLU, vốn đã đặt trong tình trạng báo động cao từ khi ông Tổng đắc cử hồi đầu tháng, cũng góp tiếng trên Twitter, rằng thì là dân Mỹ không việc gì phải xin lỗi, ngay cả là xin lỗi các tổng thống hay phó tổng thống hết khi đã hành xử chính đáng quyền đã được Hiến pháp công nhận.

“Dân Mỹ không cần phải xin lỗi ai, kể cả tổng thống hay phó tổng thống về việc hành xử hợp pháp & đúng đắn quyền hiến pháp của mình,” ACLU tuýt.

“Ông Tổng-đắc Trump cần phải ôn lại bài học công dân thời trung học,” giám đốc điều hành tổ chức ACLU Anthony D. Romero viết trong một điện thư cho tờ The Washington Post. Tu chính án Thứ nhất/First Amendment chính là viên đá nền tảng của nền dân chủ của chúng ta, và các tổng thống Dân chủ hay Cộng hoà đều hiểu là quyền tự do ngôn luận khiến quốc gia chúng ta mạnh hơn – ngay cả khi nó làm cho các nhà lãnh đạo khó chịu. Lời xin lỗi lẽ ra phải đến từ ông Tổng-đắc Trump đã đòi chất vấn sự chính đáng của lời tuyên bố của [đoàn hát “Hamilton”].”

Phe bênh ông Tổng-đắc cho là việc “bu” ông Phó-đắc trong rạp hát là thô lỗ, rằng thì là rạp hát không thể là nơi xứng đáng để chuyện đó diễn ra. Trong số những người bênh vực tuýt của ông Tổng-đắc có cả những tên tuổi tai tiếng như nguyên Chủ tịch Quốc hội Newt Gingrich, và nguyên chủ tịch đảng của người da trắng chống da mầu Ku Klux Klan, David Duke.

“Sự ngu xuẩn và khiêu khích của các diễn viên Hamilton đối với ông Phó-đắc (một vị khách của kịch nghệ) là một nhắc nhở là tụi khuynh tả vẫn còn quậy phá. — Newt Gingrich (@newtgingrich)” “Tổng thống Trump nên cắt hết tài trợ nghệ thuật cho bọn #antiWhites này – thật là vô lễ hết chỗ nói! — David Duke (@DrDavidDuke)”

Khi có những tuýt đòi tẩy chay gánh hát Hamilton, không thiếu người chống ông Tổng-đắc cũng hùa vào tán trợ việc tẩy chay, song cho một mục đích khác gần gụi với họ hơn: chỉ vì họ không mua được ở đâu vé vào xem “Hamilton”. “Nhắn ai định tẩy chay Hamilton nè, gia đình tui, bằng hữu & tui sẽ xin lãnh đạn & và tiếp thu vé của quý vị đây ạ. … — Jillian Michaels (@JillianMichaels) “Bạn biết không? Tui xin yểm trợ #BoycottHamilton. Tui hy vọng là nó tiếp tục — đặc biệt là vào tuần lễ đầu của tháng Ba, buổi trình diễn ban ngày vào Chủ nhật, chẳng hạn? — Patton Oswalt (@pattonoswalt) “Tui sẵn sàng trợ giúp nè! Nhắn bạn nào tham gia #BoycottHamilton tui sẽ lấy hai vé của bạn cho bất cứ buổi trình diễn nào trong tuần tới. — Ian (@iiamit)

Và cuối cùng trên thế giới ảo trong vài ngày qua cũng đồng thời xuất hiện những “internet memes” (loại chuyện giễu bằng một tấm hình thật hay một video clip ngắn với lời dẫn bịa đặt và được phát tán trên mạng, nhằm chọc cười). Trong đó có mấy cái này mà tôi thấy khá thú vị, rút ra từ những tấm hình thật và nổi tiếng chụp hai ông Tổng Obama và Phó Biden ở những phút khá “bồ” với nhau.

Khung bên trái, ông Phó Biden bật mí với ông Tổng Obama: “Tui gửi cho cha Pence vé hát Hamilton đấy” — “Joe, sao lại…” — “Chờ mà xem”. Khung hình giữa, sau vụ tuýt của Tổng-đắc Trump, Tổng O chất vấn Phó B: “Cậu có thực mua vé cho ông ta đi xem Hamilton không đấy hả?” — “Thì tui bảo với chả là vở kịch có thể giúp mở rộng –“ — “Joe, tui hổng có giận cậu. Tui phục đấy thôi.” Khung bên phải, Phó B khoe với Tổng O: “Xong” — “Cái gì xong?” — “Thì thuyết phục được cha Pence rằng thì là xem kịch Hamilton là điều kiện cần phải có để xin an ninh thông qua ấy mà” — “Joe” (Ảnh Internet)

Tất nhiên là có những phản ứng nghiêm túc, có tính báo động về những xâm phạm quyền thiêng liêng của mỗi một công dân Mỹ do Tu Chính Án Thứ nhất/First Amendment công nhận. Xin kể vài nhận định:

Nhà báo Peter Marks của nhật báo Washington Post, trong số ra ngày 20 tháng 11, 2016, viết trong bài có tựa đề “Xung đột Trump-‘Hamilton’ cho thấy lý do kịch sống vẫn phải có”, về một hiện tượng mà ông gọi là “siêu thực/surreal” nhưng “đáng học hỏi/teachable”: “Lần đầu tiên trong tất cả cuộc đời chúng ta cộng lại, một người sẽ lãnh đạo đất nước này đã khai chiến với một công trình Broadway. Hãy nghĩ về điều đó. Vì bất cứ lý do nào đó — nỗ lực đánh lạc hướng dư luận về những sì-căng-đan đang chờ đón, một ngón tay ngứa ngáy thích tuýt, một ước muốn bảo vệ một đồng chí — một vị tổng thống-đắc cử của một quốc gia hùng mạnh nhất trên trái đất đang sử dụng bục giảng của mình để hạ giá một nhạc kịch đã từng được giải Tony và Pulitzer và, không quá đáng khi nói, được yêu chuộng hơn ông ta gấp bội.”

Trên trang Web của hệ thống truyền hình CNN ngày 21 tháng 11, nhà bỉnh bút kiêm luật sư Dean Obeidallah báo động qua bài “Lạnh người vì tuýt Trump ư? Cũng phải thôi”: Nếu Tổng thống Trump tiếp tục con đường không bị ai cản trở này, hậu quả có thể là sự hạn chế tự do ngôn luận. Trước hết, thế nào rồi các chương trình hàì hước và ngay cả các nhà phê bình vị Tổng thống tới có thể bắt đầu tự ý đục bỏ,” ông Obeidallah viết. “Nếu chúng ta không lên tiếng lớn ngay cả trước những đe dọa nhỏ của các vị dân cử đối với quyền tự do phát biểu, thì ngày một ngày hai cái quyền đó sẽ dần dà bị sứt mẻ rơi rụng. Và rồi một ngày nào đó chúng ta có thể thấy mình đang sống trong một quốc gia trong đó chúng ta không còn quyền phê bình giới lãnh đạo. Và điều đó phải là quan tâm của mỗi một người Mỹ vốn trân trọng tự do.”

Nhà phê bình kịch nghệ Charles Mcnulty trong bài “Hãy để sức mạnh của ‘Hamilton’ nói lớn hơn mấy cái tuýt qua lại này” trên tờ Los Angeles Times trong số ra ngày 20 tháng 11, 2016: “‘Hamilton’ là một cự tuyệt mãnh liệt nhất của kịch nghệ đối với tinh thần chống di dân đã bị bè lũ mị dân khuấy động,” ông McNulty viết. “Tôi hy vọng là ông Pence đã lãnh hội được tính cách bao gồm của buổi trình diễn. Và chúng ta tất cả nên thiết tha hy vọng là ông Trump sẽ nhận được lời mời đặc biệt tới xem vở nhạc kịch để mở rộng cái nhìn và (thấy) các giá trị của các vị Sáng lập Quốc gia cho một nước Mỹ đa chủng vào thế kỷ thứ 21 này.”

Nhắc lại là chỉ có một số trong khán giả “bu” ông Phó, trong khi diễn viên Dixon đã rất lễ phép khi gửi thông điệp tới ông Phó, chứ không phải là xách nhiễu như cái tuýt của ông Tổng hô hoán, nhà phê bình kịch nghệ đã ca ngợi thái độ hiểu biết của ông Phó, khi viết: “Ông Pence, dáng vẻ chính khách hơn cả xếp của mình, không những đã mô tả việc khán giả phản đối mình như là ‘đó là phản ánh của tự do’ đồng thời ca ngợi vở kịch và nói là ông ta không cảm thấy bị xúc phạm gì hết.”

Chẳng những ông Phó-đắc không chỉ trích gì các diễn viên “Hamilton” mà ông còn cho biết có đứng lại, lắng nghe và hiểu thông điệp của họ.

“Tôi có nghe họ nói từ trên sân khấu đấy chứ,” ông Phó nói với chương trình Fox News Sunday. “Tôi xin nhường lại cho người khác nhận định đó có phải là nơi đúng để gửi gấm thông điệp như vậy. Tôi thực tình muốn nói là cái yếu tố căn bản, cái trung tâm của thông điệp đó chính là điều tôi muốn đề cập tới, rằng tôi hiểu đây là thời kỳ thất vọng của những người mà ứng cứ viên họ ủng hộ đã thất bại trong kỳ bầu cử toàn quốc vừa qua. Tôi biết đây là lúc nhiều khắc khoải đối với nhiều người. Tôi chỉ muốn trấn an họ về lời Tổng thống đắc cử Donal Trump nói đêm bầu cử — ông ta chắc chắn là đã nói lên điều đó từ trái tim. Ông đang chuẩn bị là tổng thống của mọi người dân của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ […]”

Cá nhân người viết bài này không thuộc đảng nào, Dân chủ hay Cộng hoà, hoặc bất cứ nhóm hay đảng nào. Tôi trân quý sự tự do độc lập của mình trong việc bỏ phiếu cho ứng cử viên nào tôi thấy có khả năng, kinh nghiệm và cùng quan tâm tới các vấn đề mà tôi quan tâm, như xã hội, quyền công dân, cơ hội học hành để mở mang trí tuệ và tự lập về kinh tế, môi trường, và quyền yên ổn sống đời mình. Tất nhiên là tôi đã bỏ phiếu cho bà Hillary Clinton, mặc dù một số khuyết điểm của bà.

Như nhiều người, tôi thất vọng khi thấy bà Hillary thua vì cái gọi là hệ thống Electoral College đặc thù, cổ lỗ và vô lý của Hoa Kỳ đã trao chiến thắng cho ông Trump, mặc dù bà Hillary hơn ông trên 1.5 triệu phiếu phổ thông. Tuy nhiên, tôi tiếc cho bà Hillary thì ít – bà ấy đã làm tất cả những gì có thể và đã để lại một di sản đáng kể cho các thế hệ tới – nhưng tiếc và cả lo ngại cho nước Mỹ thì nhiều, một quốc gia vốn hùng mạnh nhất thế giới, với một truyền thống dân chủ và một nền tự do đáng thèm khát đối với bao con người trên trái đất. Từ hơn 40 năm nay tôi đã không ngừng hãnh diện là công dân của đất nước này. Tôi không muốn thấy niềm hãnh diện ấy bị sứt mẻ, tan biến.

Trong cơn thất vọng, do bản năng sinh tồn, tôi cố ngoi lên để không bị chìm đắm. Như người bị rớt xuống một cái hố, tôi đã nỗ lực tìm bám vào chỗ này chỗ kia để ngoi lên. Tôi cũng đã nắm được cái này cái kia để kéo mình lên khỏi hố, mà tôi sẽ kể trong một bài tới. Một trong số những cái tôi nắm được là từ biến cố “Hamilton” vừa qua mà tôi muốn chia sẻ hôm nay, đó là hình ảnh một ông Phó-đắc-cử biết bình tĩnh không tức giận khi bị một số khan giả la ó phản đối mình khi vừa bước chân vào rạp hát. Và cuối cùng ông đã biết đứng lại lắng nghe người diễn viên chính chuyển tới ông thông điệp của bầu đoàn “Hamilton”.

Trong những tháng qua theo dõi cuộc tranh cử, có lúc tôi đã thắc mắc về ông Pence: Phải là một người tham vọng lắm, thuộc loại “cố đấm ăn xôi”, mới chịu nhận làm phó cho một người thiếu trí thức, kiêu căng, bất nhất, độc ác khi cần, nhưng giầu có, và sắp trở thành người quyền lực nhất thế giới, như ông Trump.

Sau vụ việc xẩy ra tại rạp hát Richard Rodgers Theater ở New York và trước thái độ bình tĩnh của ông Phó-đắc, mặc dù những cái tuýt lung tung sôi nổi vô cớ của ông Tổng-đắc, tôi dần hiểu ra. Và hy vọng là hiểu đúng.

Tôi nhớ tới bài bình luận của ban biên tập tờ The New York Times vào ngày 14 tháng 11, dưới tựa đề “Hãy ở lại, vì đất nước này/Stay on, for your country”, nhắn gọi các công chức hiện đang phục vụ trong chính phủ liên bang và không chấp nhận ông Trump, là họ nên tiếp tục ở lại phục vụ vì đất nước này cần kiến thức, kinh nghiệm và chuyên môn của họ.

Ai còn nhớ câu chuyện của Tầu về Việt Vương Câu Tiễn, hay chuyện của Hy lạp về Con Ngựa Thành Troy, tức Trojan Horse, thì hiểu điều tôi muốn nói. Đúng ra là: tôi hy vọng vậy thay.

[TD, 11/2016]

------------------------------------

BÀI LIÊN QUAN :

Nguyễn Đạt Thịnh
21/11/2016

Câu chuyện nhỏ kể lại trong bài báo này là chuyện xảy ra tối thứ Sáu, 18 tháng 11, 2016 tại một rạp hát ở New York -rạp Richard Rodgers Theater ở Manhattan. Như mọi khách lạ đến Nữu Ước, ông Mike Pence -vị phó tổng thống vừa đắc cử- tìm coi Broadway show, với vở ca nhạc kịch Hamilton.

Phó tổng thống đi coi hát cũng chỉ là chuyện nhỏ, và chuyện vẫn cứ nhỏ, không lớn hơn tí nào, khi anh diễn viên Brandon Victor Dixon ngỏ lời với ông sau khi vở ca kịch hạ màn.

Anh nói với khán giả, “Chắc quý vị cũng biết là tối nay chúng ta có một vị thượng khách.” Thấy ông Pence đứng dậy đi ra, anh Dixon nói với ông, “Thưa Phó Tổng Thống đắc cử, tôi thấy ông đi ra, nhưng tôi vẫn hy vọng ông nán lại, nghe chúng tôi thêm vài phút nữa.”

“Thưa Phó Tổng Thống, tôi thấy ông đi ra, nhưng tôi vẫn hy vọng ông nán lại, nghe chúng tôi thêm vài phút nữa.”

Phó Tổng Thống đắc cử Mike Pence tại rạp Richard Rodgers Theater.

Có tiếng khán giả kêu tiếng “boo” để chê ông Pence. Anh Dixon bảo họ, “Thưa quý bà, thưa quý ông, chúng ta không có gì để 'boo' cả; chúng ta cùng có mặt tại đây để thưởng thức một soạn phẩm văn nghệ ca tụng tình thương nhân loại, và để chia sẻ với nhau một câu chuyện đầy tình người.” Quay trở lại với Pence, Dixon nói, “Chúng tôi có một thỉnh nguyện gửi đến ông, và mong là ông nghe chúng tôi nói.”

Móc túi anh lấy ra một mảnh giấy nhỏ, rồi yêu cầu mọi người hãy ghi âm những điều anh sắp nói, vì "bản thông điệp này cần được phổ biến thật xa, và thật rộng."

Anh diễn viên Brandon Victor Dixon

Dixon đọc, “Kính thưa Phó Tổng Thống đắc cử Pence, chúng tôi chào mừng ông và chân thành cảm tạ ông đã cùng có mặt với chúng tôi, thưởng thức vở ca kịch Hamilton.”

Chờ tiếng vỗ tay hoan hô lắng xuống, Dixon đọc tiếp, “Thưa Phó Tổng Thống, chúng tôi là những người 'hợp chủng' Hoa Kỳ thuộc nhiều sắc tộc, và chúng tôi vô cùng khiếp sợ, lo lắng là tân chính phủ của quý vị sẽ không bảo vệ chúng tôi, không bảo vệ trái đất chúng tôi đang sống, con cái, cha mẹ chúng tôi yêu thương, không bảo vệ những quyền bất khả nhượng của chúng tôi.

"Chúng tôi hy vọng vở tuồng ông vừa thưởng thức tạo hứng khởi làm ông bảo vệ những giá trị Hoa Kỳ của chúng tôi, rồi chiến đấu cho mọi người chúng tôi -toàn thể chúng tôi. Thêm một lần nữa chúng tôi chân thành cảm ơn ông đã đến cùng chúng tôi thưởng thức vở tuồng chuyên chở một chuyện tuyệt đẹp trong lịch sử của người Mỹ, câu chuyện phấn đấu và thành công của những người đàn ông, những người đàn bà khác nhau về mầu da, về tín ngưỡng và bẩm chất."

Bị khích động bởi bài diễn văn thật ngắn, khán giả phấn khởi hò hét, hoan nghênh anh diễn viên Dixon. Người phát ngôn của đoàn ca kịch kể lại là, đã ra tới ngoài lobby của rạp hát rồi, nhưng ông Pence vẫn nghe trọn vẹn bản thỉnh nguyện của anh Dixon.

Vở ca kịch Hamilton trình bày cuộc đời của ông Alexander Hamilton, một chính khách lỗi lạc vào thế kỷ thứ 18, được người Mỹ suy tôn là một trong những tiền nhân lập quốc tạo ra Hoa Kỳ; do đó Dixon mới nói anh 'hy vọng vở tuồng tạo hứng khởi làm ông Pence bảo vệ những giá trị Hoa Kỳ của mọi người Mỹ'.

Câu chuyện xảy ra giữa một diễn viên sân khấu và một vị phó tổng thống Hoa Kỳ, với sự chứng kiến của trên dưới 1,000 khán giả cũng vẫn chỉ là chuyện nhỏ; ông Pence còn có thể được quần chúng vỗ tay tán thưởng, nếu ông bình thản trả lời anh Dixon là ông đã nhận được thỉnh nguyện của anh, và sẽ chuyển tới Tổng Thống Donald Trump. Nhưng ông bỏ đi khiến câu chuyện thiếu đoạn kết.

Không những thiếu đoạn kết, câu chuyện “thỉnh nguyện” của anh Dixon lại còn được nối tiếp với hai điện văn do chính tổng thống Trump viết lên mạng xã hội Twitter trước 9 giờ sáng hôm sau. Điện văn thứ nhất viết, “Tối hôm qua, trước ống kính truyền hình vị phó tổng thống tuyệt vời Mike Pence của chúng ta bị sách nhiễu trong rạp hát bởi một diễn viên của đoàn ca kịch Hamilton. Việc này không thể xảy ra như vậy được."

Vài phút sau tổng thống đắc cử Trump viết bức điện văn thứ nhì, “Rạp hát phải là chỗ an toàn và cũng là chỗ đặc biệt; anh diễn viên của đoàn Hamilton đã hành xử vô cùng lỗ mãng với Mike Pence, một người rất tốt. Phải xin lỗi đi."

Câu chuyện nhỏ bị hai bản điện văn của tổng thống Donald Trump xé thành to để không còn là chuyện một nghệ sĩ trình diễn đệ đạt thỉnh nguyện lên viên chức số hai của bộ máy cầm quyền sắp nhậm chức.

Anh Dixon trả lời Tổng Thống đắc cử Donald Trump, “Thưa Ngài, đối thoại không phải là sách nhiễu, và tôi tri ân ông Phó Tổng Thống đã đứng lại, nghe tôi nói.”

Ông Trump vẫn hậm hực về việc anh kép hát “đối thoại” với phó tổng thống; 48 tiếng đồng hồ sau -chiều Chủ Nhật, 11 tháng 20, 2016, ông còn kể lại câu chuyện nhỏ này tại một sân golf.

Tuy nhiên, qua một cuộc phỏng vấn, ông Pence đã hóa giải mọi khó khăn khi ông trả lời truyền thông; Pence nói ông không thấy khó chịu gì cả vì chuyện xảy ra tại rạp hát Richard Rodgers. Ông còn kể lại là khi bị khán giả “boo” ông bảo các con ông -cùng đi coi hát với ông, “đó là âm thanh của Dân Chủ -âm thanh phản đối.”

Thái độ của ông Pence -chấp nhận phản đối như một sinh hoạt dân chủ- được dư luận ca tụng; hy vọng câu chuyện nhỏ chấm dứt tại đó.





No comments:

Post a Comment

View My Stats