Tuesday 22 November 2016

HOA KỲ RÚT LUI, TRUNG QUỐC CÓ CƠ HỘI BÁ QUYỀN KHU VỰC (Minh Anh - RFI)




Minh AnhRFI
Đăng ngày 22-11-2016

Washington không thể tự cho phép mình bỏ rơi các đồng minh ở Châu Á – Thái Bình Dương. Trên đây là nhận định của Philip Golub, giáo sư trường đại học Hoa Kỳ tại Paris khi trả lời các câu hỏi của phóng viên Bruno Philip, trên báo Le Monde ngày 19/11/2016.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế Philip Golub từng là một trong những tổng biên tập của nhật báo Asia Times tại Bangkok. Mới đây ông có viết « Một câu chuyện khác về cường quốc Hoa Kỳ » (nhà xuất bản Le Seuil, 2011) và « Sự hồi sinh của Đông Á » (Polity, 216 trang).

Trung Quốc giờ có thể xoa tay nghĩ rằng Hoa Kỳ từ bỏ Châu Á ?
- Tôi không nghĩ là dưới thời ông Trump, Hoa Kỳ sẽ nhường chỗ của họ tại Đông Á. Từ thế kỷ XIX, Hoa Kỳ đã là một cường quốc tại Thái Bình Dương, và nhất là kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần II. Ở vùng này, họ có những lợi ích chiến lược quan trọng hàng đầu và không thể cho phép mình bỏ rơi các đồng minh truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore… Một hành động đơn phương thoái lui vào lúc mà Trung Quốc đang trở thành một cường quốc lớn có thể làm thay đổi một cách cơ bản không chỉ thế cân bằng trong khu vực, mà cả chính sức mạnh của Mỹ. Một chính sách như thế dường như sẽ không có lợi ích gì cho ông Trump. 

Bắc Kinh sẽ làm gì nếu chính quyền mới ở Mỹ áp đặt chính sách bảo hộ?
- Khi từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định quy tụ 12 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương nhưng không có Trung Quốc, ông Trump sẽ cho phép Bắc Kinh thúc đẩy nhanh hơn nữa dự án của họ về một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn với trung tâm là Trung Quốc : đó là Khu vực tự do mậu dịch Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).
Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực  thành lập các định chế quản lý kinh tế cạnh tranh với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF và Ngân Hàng Thế Giới, như lập Ngân Hàng Đầu Tư Hạ Tầng Châu Á AIIB, trụ sở tại Thượng Hải, hay như Ngân Hàng Phát Triển Mới NDB, do nhóm BRICS thành lập (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Obama từng hy vọng « xoay trục » sang châu Á. Tuy nhiên, triển vọng này có nguy cơ bị xem xét lại một cách nghiêm trọng…
- Đúng vậy, nhưng các định chế về quốc phòng và an ninh Hoa Kỳ và các tác nhân kinh tế mạnh nhất của Mỹ sẽ cực lực phản đối mọi hành động đơn phương rút Hoa Kỳ ra khỏi Đông Á. Nếu Donald Trump tìm cách áp đặt một biện pháp như thế, ông ấy sẽ phải đối mặt với nhiều sự chống đối quan trọng từ bên trong nước Mỹ. Nhất là bởi vì một hành động rút lui của Hoa Kỳ có thể mở ra một không gian quan trọng cho Trung Quốc phát triển quyền bá chủ khu vực. Bởi vì, khi thoái lui, Hoa Kỳ tạo ra một khoảng trống chiến lược mà Bắc Kinh sẽ lấp vào.

Như vậy là ông không tin rằng Hoa Kỳ thoái lui tại Châu Á ?
- Nhóm cố vấn của ông Trump sẽ định ra một chiến lược thống trị tại Thái Bình Dương. Đổi lại, việc tiếp tục mở rộng sự hiện diện của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương có thể được thực hiện mà không có vế đa phương và hợp tác mà chính quyền Obama đã triển khai. Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa chính sách được tiến hành cho đến lúc này và chính sách dường như đang được Trump chủ trương – hình như không có những ý tưởng rõ ràng về chủ đề này – có lẽ chính là việc Hoa Kỳ từ bỏ cam kết thúc đẩy dân chủ, từng được thể hiện rõ chẳng hạn như trong việc xích lại gần với Miến Điện được Obama quyết định. Với Trump, đó sẽ là thời kỳ « realpolitik » thuần túy.

*

Tin liên quan :






No comments:

Post a Comment

View My Stats