Friday 29 April 2016

ĐÂU CHỈ LÀ CÂU CHUYỆN CÁ CHẾT Ở VŨNG ÁNG (Minh Đỗ - Nhịp Cầu Thế Giới)







Minh Đỗ, từ Hà Nội   -    NCTG 
Thứ sáu - 29/04/2016 16:37

“Khi sự lên tiếng đòi minh bạch thông tin không những không được lắng nghe mà còn bị dập tắt, tôi e sự phản ứng của người dân sẽ là những cơn giận ngút trời”.

Vài hôm trước, một người em nhắn tin hỏi tôi: “Chị nghĩ sao, đợt này có bạo loạn không chị? Em thấy vụ Formosa căng nhỉ? Người miền Trung tội lắm. Em thấy mọi người phẫn nộ lắm. Bản thân mình cũng thế!”.

Tôi chỉ biết nhắn lại “Việt Nam kiểm soát bạo loạn tốt mà” để em bình tĩnh hơn.

Những trao đổi lúc đó, chúng tôi mới chỉ lo người dân phản ứng với tập đoàn Formosa Vũng Áng đang bị cáo buộc gây ra vụ xả thải gây nhiễm độc vùng biển Hà Tĩnh gây chết cá xoay quanh câu trần tình “thật lòng” của của cán bộ phụ trách đối ngoại công ty là Chu Xuân Phàm “Chọn đánh bắt cá hay chọn nhà máy thép”. (Tôi không gọi đây là phát ngôn vì còn e việc cắt cúp của clip).

Giữa cái nóng hừng hực của cơn phẫn nộ đám đông “Chúng tôi chọn Cá” (chứ không chọn Thép) thì Ban lãnh đạo công ty Formosa và có cả ông Phàm đã tổ chức họp báo giải trình, cúi đầu xin lỗi vì những lời nói ấy. Nhưng họ bỏ qua những đối chất về vụ xả thải từ nhà máy thép hoặc gây ô nhiễm nguồn nước biển. Ông Phàm ngay sau đó cũng bị Formosa kỷ luật và cho nghỉ việc.

Nguyên nhân việc cá chết dạt vào bờ thì vẫn chưa được làm rõ trắng đen. Người dân lúc này chỉ biết dựa vào chính quyền và các cấp cơ quan chức năng để tìm ra câu trả lời. Họ mong chờ kết quả kiểm tra độ nhiễm độc của nước biển, mong tìm ra nguyên nhân cá chết. Sự lo sợ của họ là có lý trước những thông tin ngày nhiều về cá chết dạt vào bờ các bãi biển ven miền Trungtừ Hà Tĩnh tới Đà Nẵng hoặc sâu hơn nữa.

Sự nhiễm độc nếu có thì không chỉ có cá tôm chết. Cái lo ngại hơn là những sản phẩm được làm trực tiếp hoặc gián tiếp từ nước biển hoặc từ cá chết. Nếu cá nhiễm độc thì sao? Nước biển nhiễm độc thì thế nào? Có rất nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ chưa được giải đáp thỏa đáng.

Nhưng chính quyền đang ở đâu? Cách hành xử trong những tuần qua cho thấy sự phản ứng chậm chạp. Một người bạn viết trên mạng xã hội chê trách sự lúng túng trong xử lý cuộc khủng hoảng hiện nay. Những gì được thông tin ra bên ngoài phòng họp thì nhỏ giọt và không mang lại câu trả lời thỏa đáng. Khiến các cư dân mạng phải bất bình:

Thế kỷ 21, thời đại Internet rồi mà chính quyền xử lý khủng hoảng không khác gì nửa thế kỷ trước thì hỏi sao dân người ta tin được. Lẽ ra họp báo hôm qua, người trả lời phải là Bộ trưởng Hà (từng làm Tổng cục trưởng Môi trường) cùng với một nhóm các chuyên gia hỗ trợ và đại diện các bộ khác liên quan, đưa ra các kết quả xét nghiệm, các nhận định có tính khoa học… dù là ban đầu và chưa phải cuối cùng cũng được”.

Báo “Tuổi Trẻ” đặt câu hỏi: “Như vậy thứ trưởng có nghĩ đây là vấn đề bộ đang nợ người dân? Ông Nhân thừa nhận đúng là đang nợ người dân khi nói “Chúng tôi cũng sốt ruột lắm”.

Nhưng không chỉ dừng ở đó, trong cuộc trao đổi riêng với Đài truyền hình, về kết quả xét nghiệm của Thừa Thiên-Huế cho thấy nồng độ kim loại nặng cao, vị Thứ trưởng này xua tay từ chối trả lời và cho rằng đặt ra câu hỏi đókhông có lợi cho đất nước.

Người dân không khỏi xót xa khi họ không được lắng nghe, sức khỏe của họ đang bị thỏa hiệp. Vụ việc cá biển chết trên diện rộng này không bao giờ nên được nhìn nhận đơn giản là vụ cá biển chết, mà nó là sự ô nhiễm nước biển, lan trên diện rộng, là cuộc sống của hàng nghìn ngư dân chài lưới đánh bắt cá, là kinh tế khi du lịch bị xa lánh, là sức khoẻ của cả cộng đồng, của dân tộc không phải một tháng, một năm mà cả đời người và thế hệ này sang thế hệ khác.

Nếu nhìn nhận như vậy, người có thẩm quyền sẽ không ngồi yên mà nhất định phải hành động đúng. Mọi lời nói, hành động của họ sẽ được ghi vào lịch sử và họ sẽ nhận được sự ghi nhận hoặc phát xét của lịch sử.

Những hình ảnh mang tính biểu tượng và đau xót được lan truyền trên các mạng xã hội và diễn đàn Internet - chính quyền nghĩ thế nào?

Một dấu hiệu tích cực về tính chịu trách nhiệm là giữa những hoang mang của công chúng, cuối cùng thì cũng có người lên tiếng nhận trách nhiệm. Hôm qua, 28-4, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà đã chính thức lên tiếng nhận kiểm điểm vì đã để xảy ra sự việc mà ông gọi là Thảm họa môi trường. “Đây là một thảm họa môi trường hết sức nghiêm trọng lần đầu xảy ra ở Việt Nam. Các Bộ, ngành mặc dù có những sự nỗ lực nhưng việc điều phối triển khai sự cố chưa có kinh nghiệm, lúng túng, việc xử lý còn chậm chưa đáp ứng được kỳ vọng của bà con cũng như giới truyền thông. Với tư cách là bộ trưởng tôi xin nhận khuyết điểm trước sự việc này” – ông Hà nói.

Nhưng phát ngôn của ông cũng đã chậm một bước. Tôi viết những dòng này khi nhận được tin bà con ở Cảnh Dương, Quảng Bình đang biểu tình. Họ đổ cá ra đường, chặn lối đường đi và giăng biểu ngữ. Tất cả mới là bắt đầu và nó cũng phản ánh sự mất niềm tin nơi họ. Những người dân ấy đã xuống đường hành động thay vì ngồi trông chờ sự hành động của một ai đó.

Hơn bao giờ hết, chính quyền cần tập trung nguồn lực để vào cuộc để điều tra vụ việc và công bố thông tin rộng rãi, cởi mở và giải đáp thẳng thắn các câu hỏi của người dân và thông qua báo chí. Bởi nếu không, học lại một lần nữa mắc phải lỗi về xử lý khủng hoảng truyền thông và ứng xử trước bức xúc của công chúng. Một cuộc biểu tình ở phạm vi nhỏ là cái mà họ có thể dồn lực để kiểm soát nhưng nếu để xảy ra trên diện rộng thì lúc ấy, không còn có thể cứu vãn được điều gì.

Lúc này, phải hiểu rõ suy nghĩ và nguyện vọng của người dân – đó là điều chính quyền phải chọn. Lợi ích của đất nước là gì nếu không là vì người dân, những người chắc chắn nằm trong số hơn 100.000 người ký thỉnh nguyện thư trong vài ba ngày qua gửi tới Chính phủ nước ngoài kêu gọi sự hỗ trợ điều tra vụ cá biển chết và ngăn chặn thảm họa môi trường.

Sẽ có người tiếp tục quan sát vụ việc này xem sẽ đi tới đâu. Sẽ có người tham gia xuống đường lên tiếng đòi cơ quan chính quyền với chức năng nhiệm vụ của mình đưa ra kết luận chuẩn xác nhất. Sẽ có rất nhiều kịch bản. Sẽ có nhiều sự chủ động và vô số sự bị động.

Khi sự lên tiếng đòi minh bạch thông tin không những không được lắng nghe mà còn bị dập tắt, tôi e sự phản ứng của người dân sẽ là những cơn giận ngút trời.

Bạo loạn ắt sẽ xảy ra và không chỉ khiến cả dàn Formosa ra đi mà sự sa thải một loạt lãnh đạo Việt Nam. Xin trích câu viết của một bạn mà tôi thấy rất tâm đắc: “Người dân cần sự minh bạch và sự thật cùng với cảm giác là chính quyền cũng đang đồng hành với mình để tìm ra sự thật và đang hành động vì lợi ích của họ. Họ không cần những phát ngôn hão huyền về “lợi ích đất nước”. Cũng không cần những con dê tế thần (mà hiện nay người ta vẫn chưa thống nhất chọn ra nhưng rất có thể sẽ là đám tảo không biết cãi).

Một người bạn khác viết: “Việc người dân Việt Nam ký tên gởi chính phủ Mỹ thay vì chính phủ Việt Nam cho một sự việc mà chính phủ Việt Nam phải có trách nhiệm giải quyết là một chỉ báo về niềm tin đang sụt giảm. Nhà nước tồn tại nhờ vào niềm tin của nhân dân. Một khi niềm tin của nhân dân sụt giảm là dấu hiệu đáng lưu tâm”.

Vâng, có ai thực sự đang lưu tâm?

Minh Đỗ, từ Hà Nội

____

XEM THÊM :

Phó Thủ tướng: ‘Mong bà con ngư dân thông cảm, bình tĩnh…’
29-4-2016

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẽ, động viên ngư dân Quảng Bình. Ảnh: báo TP

TPO – Đó là thông điệp của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại chuyến thăm ngư dân, tiểu thương buôn bán hải sản bị thiệt hại do cá chết tại Quảng Bình, vào chiều tối 29/4.

Theo thống kê sơ bộ, đã có hơn 100 tấn cá chết dạt vào bờ biển Quảng Bình, thiệt hại riêng ngư nghiệp khoảng 135 tỉ đồng.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh cho biết: Toàn xã có 405 tàu thuyền đánh bắt trên biển, chủ yếu bám biển xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc Bộ. Đến nay, riêng xã Bảo Ninh thiệt hại do cá chết hơn 17 tỉ đồng. Mặc dù vậy, nhưng chính quyền xã đã động viên được hàng trăm tàu cá ra biển sau nhiều ngày nằm bờ. Thông tin báo về, hầu hết các tàu đều đánh bắt tốt, dự kiến sản lượng cập bờ sau chuyến ra khơi này khoảng 600 tấn cá.

Ông Hiếu bày tỏ sự lo lắng, nếu không bán được sản phẩm thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn, nhân dân mất niềm tin. Nhà nước cần có giải pháp để bảo đảm cho ngư dân bán được cá sạch, đồng thời nhanh chóng hỗ trợ vật chất cho ngư dân bị thiệt hại nặng và khoanh nợ cho các tàu đánh bắt xa bờ vì hậu quả cá chết sẽ còn kéo dài.

Bày tỏ với Phó Thủ tướng, hầu hết ý kiến của ngư dân đều mong muốn Chính phủ sớm có kết luận cá chết vì lý do gì, vùng biển nào nhiễm độc, gần bờ độc tính như thế nào, xa bờ có độc tính hay không để ngư dân bớt hoang mang, lo lắng. Đồng thời có chính sách hỗ trợ đối với những hộ dân bị thiệt hại trực tiếp từ vụ cá chết.

Ghi nhận và chia sẽ ý kiến của ngư dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định: Chính phủ sẽ có hướng hỗ trợ vật chất đối với người dân bị thiệt hại và hỗ trợ tín dụng đối với ngư dân đánh bắt gần bờ và ngư dân bám biển xa. Các cơ quan chuyên môn, các bộ ngành sẽ vào cuộc quyết liệt để đánh giá nguyên nhân cá chết, sớm tìm ra kết luận để bà con khôi phục được sản xuất, kinh doanh.

Phó Thủ tướng cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam đối mặt với một hiện tượng cá chết bất thường trên diện rộng, nên các cơ quan địa phương và trung ương vào cuộc còn rất lúng túng. Các nhà khoa học đầu ngành Việt Nam đã vào cuộc nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể về hiện tượng cá chết bất thường.

“Phải làm thận trọng, khoa học, chính xác như nhân dân yêu cầu. Các cơ quan đang làm ngày làm đêm nhằm đáp ứng yêu cầu mà bà con mong muốn. Chúng tôi mong bà con hết sức yên tâm, bình tĩnh, tin tưởng là chúng tôi làm hết sức mình để đáp ứng những yêu cầu, câu hỏi của bà con đặt ra”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.






No comments:

Post a Comment

View My Stats