Friday 27 March 2015

Việt Nam có tự do không? (Mặc Lâm - Sống Magazine)





Mặc Lâm    Sống Magazine     
26-03-2015

Nếu phân tích cặn kẽ thì câu hỏi này cần được nhìn qua hai cách định nghĩa tự do. Tự do trong khuôn khổ như người cộng sản khoanh vùng hay tự do trong phạm vi hiến pháp quy định như các nước dân chủ đang thừa hưởng.

Tự do tại Việt Nam chắc chắn phải được đóng khung và điều này xác quyết: Cái khung nào dù thoáng cách mấy cũng bó buộc con người trong chính đất nước mà họ đang sống.

Không ít trí thức trẻ của Việt Nam đã từng tranh cãi Singapore là nước tiết giảm tự do cá nhân một cách dữ dội nhất nhưng không ai cho rằng đất nước này thiếu dân chủ và đời sống người dân của họ không có gì phải phàn nàn. Đàn áp đối lập, lấy Luật Nội An để ngăn cản tự do báo chí. Áp dụng hình phạt khắc nghiệt giữa nơi công cộng là cách phủ nhận nhân quyền cao nhất mà nước này áp dụng. Những hình thức bóp nghẹt tự do ấy của Singapore được người dân tự nguyện chấp nhận để đổi lại sự cường thịnh của đảo quốc là cách mà trí thức Việt Nam có khuynh hướng hô hào, cổ vũ.

Đối với người dân bình thường của các nước đang phát triển họ sẵn sàng làm ngơ như người dân Singapore để được no ấm. Họ không cần thiết phải đi bầu, không tha thiết ủng hộ đảng phái nào và thậm chí tự do báo chí có hay không không phải là vấn đề tối trọng.

Người dân cần đi học, cần công ăn việc làm, kinh tế ổn định và các cơ sở tiện ích công cộng phục vụ xã hội đáp ứng được nhu cầu của họ. Những yêu cầu căn bản ấy cho tới khi nào vẫn còn phải nỗ lực để tìm kiếm thì mọi thứ khác như dân chủ, tự do báo chí, tự do đi lại, hay tự do hội họp, bầu cử và ứng cử sẽ nằm bên ngoài lằn ranh kiếm sống của gia đình họ. Đơn giản là người ta không thể vừa chạy ăn vừa luôn tự hỏi phải bầu cử cho ai, hay làm cách nào để tờ báo loan tin trung thực. Người ta cũng không thể bỏ thời gian ra để đọc một bài viết ca tụng dân chủ thay vì đọc một quảng cáo về du lịch hay bói toán.

Cái ăn và cuộc sống tù túng làm cho con người thèm được đi chơi xa. Nghèo đói và lạc hướng khiến người ta sa vào mê tín.

Nều chận đường một nông dân hỏi anh ta có tự do hay không chắc chắn bạn sẽ bị người ấy nhìn với ánh mặt ngạc nhiên, một lát sau anh ta sẽ mạnh dạn nói ngay: Có chớ sao không?
Anh ta nói thật vì môi trường sống chung quanh anh ấy cho người nông dân cảm giác họ không thiếu tự do.

Mỗi buổi sáng trước khi ra đồng anh ấy bật dậy với chiếc loa phường và không bao giờ tự hỏi tại sao nhà nước lại làm mất giấc ngủ của mình. Tại sao lập đi lập lại những điều mà anh ấy đã nghe trong suốt 40 năm qua? Tại sao không tôn trọng đời sống riêng tư của người dân khi buộc cả gia đình anh phải tiêu thụ một sản phẩm vô ích và đầy sai sót như các chương trình mà loa phường phát thanh hàng ngày?

Anh không đặt câu hỏi như người thành phố có chút kiến thức về chiếc loa phường và anh ung dung dẫn trâu ra đồng làm công việc sinh nhai. Suốt ngày hôm ấy anh không có dịp gặp ai và anh mặc sức mơ mộng về vụ gặt sắp tới. Anh có thể bán toàn bộ số lúa cho cơ quan thu mua nông sản của nhà nước hay của tư nhân như tất cả bà con trong xóm và anh không chú ý nhiều về giá cả lên xuống, vể tình trạng ép giá hay thiếu vốn mà các cơ quan quốc doanh thường gặp.

Anh không để ý vì anh không có thông tin. Cái loa thông tin hàng ngày đến với anh thì toàn tin tốt lành, ấm no hạnh phúc. Anh không khái niệm được nếu thông tin trung thực và kịp thời đến với anh thì cuộc sống của anh sẽ khác: Ít nhất anh biết được giá lúa sẽ lên hay xuống và anh cùng những nhà nông khác có quyền phản ứng để bảo vệ quyền lợi của mình. Đối với người nông dân ấy sự tự do là hình ảnh mộc mạc trước mắt không cần phải tìm kiếm đâu xa. Không ai ngăn cản anh đừng làm ruộng. Không ai ngăn cản anh đi du lịch ngay cả du lịch nước ngoài. Không ai ngăn cản anh dựng vợ gã chồng cho con cái và nhất là không ai ngăn cản anh ăn nhậu sau một buổi cày vất vả. Tự do là vậy, không cần những đòi hỏi khác mà theo anh là không cần thiết.

Tương tự như anh nông dân, trong các thành phần khác của xã hội Việt Nam đều có cách cảm nhận tự do tương tự. Ngay cả một người buôn gánh bán bưng khi bị rượt đuổi cũng cho rằng không hẳn đã mất tự do. Bị đạp đổ quang gánh, tịch thu chút tài sản hiếm hoi họ thường đổ tội cho người trực tiếp thi hành và sau khi bọn người ấy rút đi họ lại tiếp tục kiếm ăn trên cái nền vỡ nát ấy và tự an ủi: Thì mình vẫn còn tự do buôn bán đây này.

Người công nhân trong nhà máy lại định nghĩa tự do theo một hướng khác. Tự do quan trọng ngang với mỗi tấm check mà họ nhận vào cuối tháng. Không ai bắt họ phải vào làm công nhân mà chính họ phải trầy trật lắm mới xin vào được, do đó nếu có đánh đổi tự do cá nhân một chút thì họ cũng bằng lòng. Họ không biết được rằng nếu nhà máy có một công đoàn độc lập luôn đứng về phía công nhân thì sự thể của họ đã khác. Công ty không có quyền quy định thời gian đi vệ sinh của công nhân. Công ty không được quyền cho phép bảo vệ lục soát công nhân trước mặt người khác khi nghi ngờ anh hay chị ta có hành động trộm cắp. Tự do cá nhân trong trường hợp này bị đánh đổi cho việc làm, và vì vậy nó không còn ý nghĩa gì khi được hỏi có tự do hay không.

Tự do trong toàn cảnh xã hội Việt Nam là một bức tranh trừu tượng. Nó được bồi đắp màu sắc lòe loẹt và mọi thứ trở thành biến dạng dưới cái nhìn của người dân. Bức tranh luôn có chỗ tối sáng, đậm nhạt và tự do cũng thế nếu người này nói có thì người khác lại nói không. Xã hội là một đám đông luôn tranh cãi và hiếm khi đi tới đồng thuận.

Nếu bạn là một tín đồ phật giáo hay công giáo tại các thành phố lớn hay thị xã, thị trấn thì không ai có thể nói là mình mất tự do thờ phụng vì các buổi lễ trong chùa hay nhà thờ không bao giờ bị ngăn cấm vô cớ. Thế nhưng nếu ở Kon Tum chẳng hạn thì câu nói tự do tôn giáo phải được xem lại vì mỗi lần giáo dân tới nhà thờ là một lần bị dòm ngó, theo dõi và đôi khi còn bị côn đồ bạo hành. Tự do bị khoanh vùng trong khu vực xuất hiện ngay trên những nơi mà nhà nước cho là có nguy cơ bùng phát chống đối, như nhà thờ Thái Hà hay các địa phương của người H’mong theo đạo ông Mình đã và đang xảy ra.

Tự do trong việc xuất hay nhập cảnh của công dân rõ ràng là một hình ảnh ấn tượng đối với khách nước ngoài và ngay cả đa số người dân trong nước. Không ai cấm họ du lịch trong khu vực các nước ASEAN nhưng muốn du lịch tại các nước khác thì tùy thuộc vào visa của nước đó có cấp hay không. Công dân Việt Nam ai cũng có tự do đi lại, ngoại trừ một danh sách được cho là các khuôn mặt phản động do Bộ Công An quản lý chặt chẽ việc đi đứng của họ. Tự do đi lại ở Việt Nam trông giống như các nước nhưng mặt trái của sự tự do này có khác, và khác nặng nề.

Danh sách cấm bay của Mỹ hay Châu Âu dựa vào những dữ kiện được chứng minh rằng cho phép đương sự ra nước ngoài có thể gây tác hại cho an ninh quốc gia và danh sách cấm bay luôn được xem là ưu tiên bảo vệ cho đất nước. Trong khi ấy, danh sách cấm xuất cảnh của Việt Nam phản ánh sự lo sợ thái quá, vô căn cứ và trên hết nó chứng tỏ quyền lực của công an vượt lên trên tất cả các cơ quan khác, kể cả Bộ Ngoại giao.

Hàng trăm người bị cấm xuất cảnh một cách vô cớ không thể bôi đen hình ảnh hàng triệu người khác đi du lịch khắp nơi, thế nhưng việc cấm này làm nảy sinh những góc tối khác của chuyên chế và toàn trị. Khi một người dân bị cắt mất phần tự do của mình thì họ phải bằng mọi cách tìm tự do ở một lĩnh vực khác để bù đắp. Trong trường hợp này, phát biểu công khai và viết lên những bất mãn của họ là công cụ thường thấy nhất để nói về sự tự do đi lại bị chà đạp.

Về luật pháp, Việt Nam có được xem là vi phạm tự do hay không? Có, nhưng ít người biết.
Tòa án tuyên bố xét xử công khai nhưng lại dùng công an bao vây không cho ai tới nghe hay xem. Thân nhân bị cáo không được thông báo ngày giờ xét xử. Quyền tự do tham gia tố tụng của người dân rõ ràng bị xâm phạm nhưng cho tới nay hỏi bất cứ người đi đường nào về chuyện này thì bạn sẽ được những cái lắc đầu rất chân thật. Đơn giản vì những vụ như thế không bao giờ xuất hiện trên báo chí hay truyền hình.  Điều này chứng minh tự do báo chí là cần thiết vì không ai có thể đoan chắc rằng một hôm nào đó chính đứa con của mình sẽ bị mang ra tòa với tội danh 258 hay 88, tuyên truyền chống phá nhà nước.

Lấy hình ảnh người nông dân huýt sáo trong lúc ra đồng để thẩm định mức độ tự do thì quả là phiến diện. Hãy nói về người nông dân mất đất, sự thể có thể làm cho vấn đề biến đổi từ trắng sang đen, và đây là một sự thật không thể chối cãi.

Chính sách trưng thu đất đai của người nông dân đã và đang bị chính quyển các cấp lợi dụng tối đa. Người nông dân bị lấy đất khắp nơi và hàng chục ngàn nhân khẩu phải tha phương cầu thực, kêu oan khản cổ và dĩ nhiên họ sẽ lớn tiếng tố cáo sự mất tự do của họ trong vấn đề cư trú bất hợp pháp, quyền tự do làm chủ tài sản của mình bị tước đoạt và tự do phát biểu sự thật bị cấm cửa, tự do khiếu nại khiếu tố bị tước trắng.

Dưới lăng kính của một người lớn lên tại một đất nước dân chủ khi về đến Việt Nam thì việc chính quyền vi phạm tự do của công dân là điều gì đó rất khó phát hiện. Người dân hình như có toàn quyền chọn lựa cách kiếm sống và chính quyển hoàn toàn vắng mặt trong mọi sinh hoạt kinh tế của người dân.

Cho tới khi người bạn trẻ ấy lên Internet mới phát hiện ra hàng trăm website nước ngoài không truy cập được. Tự do riêng tư của người dân bị xâm phạm nặng nề: thâm nhập vào facebook, lập tường lửa bao vây những trang web có chứa thông tin mà nhà nước muốn giấu nhằm chống lại tuyên truyền phản động. Tự do sử dụng Internet như một quyền phổ quát của nhân loại tuy được Liên Hiệp Quốc thừa nhận nhưng đối với Việt Nam thì đó là một thứ tự do xa xỉ không thể phân phát bừa bãi và nhất là cho phép người dân tham gia đóng góp tiếng nói của họ cho cộng đồng.

Ngay cả tự do bày tỏ lòng biết ơn tiền nhân cũng bị chà đạp, tuy nhiên sự vi phạm ấy được khéo léo đổ lên đầu những thành phần cuồng tín, lấy cờ đỏ làm kim chỉ nam và cuối cùng khi dư luận lên án thì bọn người này bị đem ra làm vật tế sống không thương tiếc.

Quay lại với câu chuyện của đất nước Singapore.

Đối với người quen đọc báo ở các nước tây phương, mỗi một trang báo là một vấn đề thời sự hay cuộc sống được mang lên. Có góc của tin tức thời sự, có góc của phê bình, tỏ rõ chính kiến của tờ báo và thường thì một cư xử thiếu văn hóa, một chính sách thiếu tầm nhìn hay một scandal của chính khách sẽ là miếng mồi tươi cho báo chí.

Ở nước nào thì được, ngoại trừ Singapore.

Những tin tức hình ảnh của một chính khách mang tính phê phán của báo chí được ông Lý Quang Diệu cho là mầm mống phá hoại quốc gia. Cái nhìn của ông về báo chí không khác chút nào với Việt Nam.

Singapore còn một điều nữa cũng không khác mấy với Việt Nam: Cấm cửa đảng phái đối lập và đất nước này sẵn sàng dùng lá bài An Ninh nội địa để triệt hạ đối thủ chính trị nào có ý đồ tranh quyền với đảng cầm quyền.

Có phải Việt Nam đang noi gương Singapore trong việc áp dụng lý thuyết hy sinh tự do cá nhân để cho đất nước ổn định trong khi phát triển kinh tế hay không?

Có và không.

Hình thức khá giống: không chấp nhận đa nguyên đa đảng. Triệt tiêu tự do đối với những thành phần có lựa chọn, bóp nghẹt mọi tiếng nói của người bất đồng chính kiến và tạo hình ảnh tự do cho người khác thấy khi tới thăm đất nước.

Khác ở chỗ, Singapore không có tham nhũng trong khi thực hiện những kế hoạch làm cho dân giàu nước mạnh thực sự. Ông Lý Quang Diệu và chính phủ không đưa ra những chính sách mơ hồ hay bị các nhóm lợi ích thao túng, do đó tất cả các kế hoạch đều thành công và người dân cảm thấy công bằng khi tự do của họ bị mất đi một chút nhưng họ nhận lại quyền lợi cá nhân và công ích xã hội rất nhiều.

Khác ở chỗ, cán bộ nhân viên nhà nước của Lý Quang Diệu trước đây và Lý Hiển Long bây giờ nhận đồng lương xứng đáng, minh bạch và được người dân quản lý. Việt Nam không cần lương nhưng cán bộ giàu có từ tiền tư túi, tham nhũng và người dân hoàn toàn không có quyền giám sát bất cứ hoạt động nào của chính quyền.

Khác ở chỗ, Singapore trọng dụng và kính trọng nhân tài còn Việt Nam thì lợi dụng và hắt hủi nhân tài, sẵn sàng giũ bỏ họ khi đã qua sử dụng. Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường là những thí dụ.

Khác ở chỗ, Singapore quyết đoán và trừng phạt không thương tiếc người nào vi phạm luật pháp nơi công cộng và vì vậy đất nước này tuy bị các tổ chức nhân quyền lên án nhưng người dân thừa hưởng được sự sạch sẽ ngăn nắp của một thành phố xanh nhất nhì hành tinh. Việt Nam cũng bị các tổ chức nhân quyền lên án khi áp dụng khắc nghiệt việc trưng thu đất đai, nhưng thay vì như Singapore, người dân bị đuổi ra khỏi nhà và lang thang như một tập thể hành khất ngay tại thủ đô của đất nước mình.

Khác ở chỗ, người dân Singapore tự nguyện và đồng ý ngầm với những gì mà ông Lý đặt để vì họ cảm nhận được sức mạnh tinh thần và lòng yêu nước nhiệt tình của ông ấy. Trong khi người dân Việt bị tước đoạt tự do một cách vô thức và chính bản thân rất nhiều người không nhận ra sự mất mát ấy vì vậy chính quyền các cấp nghĩ rằng họ đương nhiên có quyền lực tối thượng và muốn áp đặt bất cứ điều gì cũng được. Cắt cây ở Hà Nội và lấp sông ở Đồng Nai là ví dụ.

Tự do hít thở không khí trong lành bị tước mất nhưng người dân vẫn chưa nhìn ra đó là thứ tự do căn bản cần được tôn trọng cho dù đốn cây xanh được che dưới bất cứ cái vỏ nào.

Từ đó câu hỏi Việt Nam có tự do hay không thật khó mà trả lời cho chính xác khi mà ý niệm tự do vẫn còn rất phân vân trong rất nhiều người, nhất là nơi những bờ vai trần rắn rỏi chỉ quen việc khuân vác nặng nhọc hơn là vắt óc ra suy nghĩ một điều mà với không ít người thà chết hơn là để mất.

Mặc Lâm









1 comment:

View My Stats