Friday 27 March 2015

Nghị Sĩ Ted Cruz tuyên bố tranh cử tổng thống (Nguyễn Văn Khanh)





Nguyễn Văn Khanh    
Thursday, March 26, 2015 7:48:30 PM

Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz, một trong những chính trị gia Cộng Hòa trẻ tuổi thường tạo sôi nổi trong chính trường Hoa Kỳ đã chính thức loan báo quyết định ra tranh cử tổng thống, trở thành người đầu tiên ghi danh dự cuộc đua 2016.

Loan báo của ông được gửi đến mọi người qua trang mạng xã hội, trước khi đọc bài diễn văn hôm Thứ Hai vừa qua tại Ðại Học Liberty ở Virginia, một trường đại học được thành lập và ủng hộ bởi những người có lập trường bảo thủ. Trong bài diễn văn, ông kêu gọi mọi người “cùng bắt tay làm việc chung để nước Mỹ thật sự trở lại thế cường quốc vĩ đại” như từng có trước đây. Ông cũng cho biết “đã sẵn sàng cho trận chiến cam go” để thể hiện “tinh thần bảo thủ cần phải có” cho quốc gia.

Mặc dù mới xuất hiện ở chính trường quốc gia sau ngày đắc cử chức thượng nghị sĩ hồi 2012, nhưng ông được chú ý tới vì những lời phát biểu và hành động chống lại chính sách của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, đặc biệt là kế hoạch ông đưa ra để phản đối Obamacare. Kế hoạch này được cử tri bảo thủ Cộng Hòa ủng hộ mạnh mẽ, nhất là lực lượng Tea Party, nhưng cũng là một trong những nguyên nhân khiến chính phủ liên bang phải đóng cửa 16 ngày hồi Tháng Mười 2013. Rất nhiều chính trị gia Cộng Hòa không hài lòng về điều này và các chiến lược gia của đảng bày tỏ e ngại, lo sợ sẽ mất phiếu cử tri, nhưng thành quả Cộng Hòa đạt được trong cuộc bầu cử giữa kỳ 2014 đã khiến khối bảo thủ tin rằng họ và ông đi đúng hướng qua chính sách “chống Obama,” sử dụng lá phiếu để bày tỏ thái độ chính trị với vị tổng thống Dân Chủ.

Các nhà quan sát chính trị dự đoán ông Cruz là một trong khoảng 20 ứng cử viên Cộng Hòa sẽ tuyên bố tranh cử trong năm nay, trước ngày cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên diễn ra tại tiểu bang Iowa vào đầu năm tới. Ông cũng không phải là chính trị gia duy nhất theo lập trường bảo thủ cứng rắn, vì Thượng Nghị Sĩ Rand Paul của tiểu bang Kentucky và ông Thống Ðốc Scott Walker của Wisconsin cũng sửa soạn loan báo tin tranh cử. Với khối bảo thủ Cộng Hòa ông Rand Paul đang được ủng hộ mạnh nhất, nhưng các cuộc thăm dò mang tính toàn quốc cho thấy cử tri Hoa Kỳ chọn ông Scott Walker đứng đầu những cuộc thăm dò, về nhì là ông Jeb Bush, cựu thống đốc của tiểu bang Florida.

Năm nay 44 tuổi, ông Ted Cruz sinh trưởng tại Canada nhưng mẹ là công dân Hoa Kỳ và cha là một người tỵ nạn Cuba. Ðể dọn dường tranh cử ông từ bỏ quốc tịch Canada chỉ giữ quốc tịch Mỹ, và nếu đắc cử, ông sẽ là vị tổng thống gốc Hispanic đầu tiên của lịch sử Hoa Kỳ.

Cử tri Hoa Kỳ nên biết gì về ứng cử viên Ted Cruz? Năm điều sau đây được các nhà quan sát bầu cử và giới truyền thông Mỹ nói tới nhiều nhất trong tuần vừa qua:

1-Ted Cruz, ông là ai? Nhân vật Ted Cruz được xem là người mới nổi, đồng thời cũng là người xây đựng được tên tuổi cá nhân nhanh nhất. Với sự hỗ trợ tối đa của Tea Party, ông đắc cử thượng nghị sĩ hồi 2002 (thắng những ứng cử viên nổi tiếng, có quan hệ chặt chẽ với đảng Cộng Hòa), và tức khắc được nhiều quan sát viên chính trị xem là “tiếng nói tiêu biểu của lực lượng bảo thủ cực đoan” tại Thượng Viện. Ngay từ ngày đầu ông đã vạch cho mình một đường lối làm việc riêng, công khai lên tiếng chống đối tất cả những gì Tổng Thống Dân Chủ Obama muốn làm, bất kể đương lối cá nhân của ông có được sự ủng hộ của các đông viện cùng đang hay không. Chính vì thế nên ông bị Thượng Nghị Sĩ John McCain chê bai là “con người kỳ cục, toàn nói những chuyện chẳng đâu vào với đâu” (nguyên văn: “wacko bird”). Chỉ trích nặng nề đó không làm ông thối chí, bằng chứng là mới đầu năm nay khi nói chuyện với cử tri ở New Hampshire, ông lớn tiếng chỉ trích thẳng những chính trị gia Cộng Hòa muốn bắt tay làm việc với cánh Dân Chủ, nói rằng “nếu thấy những người đó thì xin quý vị nhớ chạy cho thật xa và trốn thật kỹ.” Câu nói này sau đó được các cố vấn chính trị của ông giải thích là “áp dụng cho tất cả các chính trị gia và những ứng cử viên sẵn sàng thay đổi lập trường chỉ để kiếm phiếu.”

2-Kinh nghiệm làm việc: trước ngày tham gia sinh hoạt chính trị, ông từng giữ nhiều vai trò rất quan trọng trong ngành tư pháp. Sau ngày tốt nghiệp luật ở Harvard, ông được nhận làm việc trong văn phòng của ông Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện William Rehnquist, sau đó làm việc với một tổ hợp luật sư ở Houston, Texas, chuyên tranh cãi những vụ án trước Tối Cao Pháp Viện, trở thành luật sư đại diện cho tiểu bang trước tòa tối cao. Ông cũng từng làm việc trong chính phủ của Tổng Thống George W. Bush, giữ vai trò phụ tá tổng trưởng tư pháp.

3-Thân thế và gia đình: thân phụ ông là một người tỵ nạn gốc Cuba, mẹ ông là công dân Hoa Kỳ. Ông sinh ngày 22 tháng 12 năm 1970 tại Calgary, Alberta, nhưng sau này từ bỏ quốc tịch Canada, chỉ giữ quốc tịch Mỹ. Ông cùng vợ (bà Heidi Cruz) và 2 cô con gái (Caroline và Catherine) sống ở Houston, Texas. Thân phụ ông hiện giờ cũng có quốc tịch Mỹ đang sống ở Texas, là một mục sư khá nổi tiếng của tiểu bang, vài năm trước đây được giới truyền thông và người dân chú ý tới khi ông gọi Tổng Thống Obama là người “theo chủ nghĩa Mác,” phải tống về lại Kenya.

4-Sinh trưởng ở nước ngoài, từng có song tịch, liệu điều đó có gây cản trở cho việc ông tranh cử hay không? Câu trả lời là không, ít nhất về mặt pháp lý. Luật sư của cả 2 đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa đều nói ông hội đủ điều kiện hiến định để ra tranh cử vì Hiến Pháp chỉ viết rằng “No person except a natural born citizen... shall be eligible to the Office of President” mà không giải thích rõ người đó có cần phải sinh trưởng trên đất Mỹ hay không. Trong quá khứ, chuyện này đã xảy ra vài lần, chẳng hạn như Thượng Nghị Sĩ John McCain sinh trưởng ở Panama Canal Zone (bố mẹ là công dân Hoa Kỳ) chứ không mở mắt chào đời trên đất Mỹ. Vì thế, theo luật sư của cả 2 đảng, ông Cruz có quyên ra tranh cử tổng thống, dựa vào yếu tố mẹ ông là công dân Hoa Kỳ, tức ông đương nhiên là công dân Mỹ (“a natural born citizen”).

5-Khả năng đắc cử của ông có cao không? Ngay lúc này, câu trả lời là không. Lý do được nhiều người nói đến nhất: lập trường bảo thủ Cộng Hòa chỉ thu hút được - một phần - cử tri da trắng, trong khi để thành công ông Cruz cần sự ủng hộ của các tập thể cử tri khác, trong đó có cả những người gốc Hispanic như ông. Một yếu tố khác: ông không ủng hộ đề nghị cải tổ di trú mà Tổng Thống Obama đưa ra, ông bỏ phiếu chống đối dự luật cải tổ di trú do các vị nghị sĩ Cộng Hòa và Dân Chủ cùng soạn thảo, điều đó khiến các nhà phân tích chính trị nghĩ rằng ông khó có thể lấy được phiếu của tập thể Hispanic và phiếu của nhưng cộng đồng thiểu số khác.






1 comment:

View My Stats