Tuesday 31 March 2015

Thư ngỏ gửi hai nhà khoa học quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường (Mai Thái Lĩnh)





Mai Thái Lĩnh
Posted by adminbasam on 31/03/2015

Kính gửi:
- TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP.HCM HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI;
- TS Sinh học Nguyễn Đăng Diệp, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học nông nghiệp;

Kính thưa hai vị Tiến sĩ,

Vừa qua, tôi có đọc được bài viết nhan đề “189 tấn chất độc – thuốc trừ sâu đổ xuống sân golf Tân Sơn Nhất mỗi năm” đăng trên trang Ba Sàm vào ngày 26-3-2015 và sau đó được đăng lại trên trang Bauxite Việt Nam vào ngày 30-03-2015.

Lý do không nên làm sân golf Tân Sơn Nhất đã được hai vị nêu rõ trong bài viết: “Trên thế giới đã có rất nhiều sân golf, nhưng hầu hết nằm ở vùng đất xa dân cư, và đòi hỏi chủ sân golf phải đầu tư rất tốn kém cho việc bảo vệ môi trường. Hầu như không có ai đặt sân golf giữa vùng dân cư, vì một lẽ đơn giản là cho dù lợi siêu lợi nhuận của sân golf là vô cùng lớn nhưng cũng không đáp ứng được đòi hỏi của các biện pháp xử lý.”

Đó là một lý do rất rõ ràng, nhưng không phải ai cũng hiểu, nhất là những người nắm trong tay một thứ quyền lực gần như tuyệt đối, không chịu trách nhiệm trước dân và cũng không ai có thể kiểm soát.

Đối với trường hợp sân golf bên cạnh hồ Xuân Hương tại Đà Lạt, không phải chỉ có lý do bảo vệ môi trường. Vì nhiều lý do, việc mở rộng sân golf Đồi Cù (chỉ có 9 lỗ, với thảm cỏ tự nhiên, không nhằm mục đích kinh doanh) thành một sân golf 18 lỗ (với thảm cỏ nhân tạo và hoàn toàn nhằm mục đích kinh doanh) có thể được coi như một quyết định hoàn toàn phi lý, chẳng những gây tổn thương cho môi trường thiên nhiên xung quanh mà còn là một sự xâm phạm trắng trợn đến quyền lợi nói chung của tất cả những người dân Đà Lạt và du khách đến thăm Đà Lạt. Nhưng ở nước ta – dưới một chế độ hậu-toàn trị mới chập chững bước vào kinh tế thị trường trong hoàn cảnh của xu hướng “toàn cầu hóa”, thì rất nhiều điều hợp lý đã không được thực thi và rất nhiều điều phi lý đã và đang trở thành hiện thực.

Cách đây 23 năm, khi còn là Phó Chủ tịch Hội Đồng Nhân dân TP. Đà Lạt, tôi đã cực lực phản đối quyết định “nâng cấp sân golf” này. Nhưng những ý kiến của tôi và của những người dân Đà Lạt có tâm huyết khác đã bị bỏ qua. Trong thực tế, sân golf Đồi Cù từ chỗ là tài sản chung của toàn thành phố đã trở thành tài sản nửa công – nửa tư, sau đó được bán hoàn toàn cho ngoại quốc và cuối cùng trở thành tài sản riêng của một công ty tư nhân trong nước. Thời hạn hoạt động của sân golf lúc ban đầu là 20 năm (đến nay đã quá hạn), nhưng khi cần phải mua bán để thanh toán nợ nần, đã được kéo dài thêm vài chục năm, chưa biết đến lúc nào mới kết thúc… Điều đáng nói là tất cả những việc mua bán, kéo dài thời hạn đó hoàn toàn là “việc riêng” của các nhà lãnh đạo Đảng tại địa phương cũng như Trung ương, người dân Đà Lạt hoàn toàn không được tham khảo ý kiến. Về vấn đề này, tôi đã trình bày tương đối đầy đủ trong một bài viết được đăng trên trang Bauxite Việt Nam hồi tháng 10 năm 2014 vừa qua.

Việc thu hồi sân golf Đồi Cù để trả lại công viên tự nhiên này cho người dân Đà Lạt là việc làm cấp bách, thiết thực, thế nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin đáng khích lệ nào cả. Vì thế, nhiều người dân Đà Lạt hết sức ngạc nhiên khi đọc được những dòng sau đây từ bài viết của hai vị tiến sĩ:

“Mọi người cũng chưa quên cá Hồ Xuân Hương ở Đà Lạt đã chết hàng loạt, truy tìm nguyên nhân đã phát hiện ra chất độc sân golf ở cạnh hồ. Chủ sân golf đã tìm mọi cách để xử lý nhưng cuối cùng vẫn không xử lý được, buộc phải nhờ chính quyền dẹp bỏ sân golf cao cấp bên bờ hồ Xuân Hương thơ mộng.”

Không hiểu hai vị tiến sĩ lấy được thông tin này từ đâu? Nếu đây là một tin xác thực thì vị “chủ sân golf” được nhắc đến trong bài quả là một người tốt, đáng cho nhân dân Đà Lạt ngưỡng mộ, ghi ơn. Một nhà kinh doanh mà lại có lòng hảo tâm đến mức “nhờ chính quyền dẹp bỏ sân golf cao cấp” – nghĩa là hy sinh một khoản tiền lớn mà mình đã bỏ ra, thì trong hoàn cảnh hiện nay, quả là hành động cao cả hiếm có, đáng cho các nhà kinh doanh khác trong cả nước học tập và làm theo. Một tin vui như thế sao lại không phổ biến rộng rãi để làm phấn chấn những người yêu thiên nhiên và nhất là những người đang đấu tranh cho một môi trường trong sạch, thân thiện?

Vì thế tôi gửi lá thư ngỏ này đến hai vị – là những nhà khoa học có tâm huyết, biết trăn trở với hiện tình đất nước. Rất mong hai vị cho biết xuất xứ và độ chính xác của thông tin nói trên.

Trân trọng kính chào và chúc sức khỏe nhị vị Tiến sĩ. Mong rằng kế hoạch xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất sẽ bị hủy bỏ, để tránh đi vào vết xe đổ của sân golf Đồi Cù – Đà Lạt.

Đà Lạt ngày 31-3-2015
MAI THÁI LĨNH
Nhà giáo nghỉ hưu, nhà nghiên cứu độc lập








No comments:

Post a Comment

View My Stats