Tuesday 24 March 2015

Điện cao thế (Nguyễn Đạt Thịnh - VienDongDaily)





Nguyễn Đạt Thịnh  -  VienDongDaily.Com
24/03/2015

Cái tựa ĐIỆN CAO THẾ của bài này dịch ý từ chữ third rail -thanh đường rầy thứ ba chuyển điện cao thế (ĐCT) mạnh hàng chục ngàn volts vào sức điện thông thường, để giúp đẩy đầu máy xe điện chạy mạnh hơn.

Rất mạnh, nhưng ĐCT lại vô cùng nguy hiểm.

Trên địa hạt chính trị hai chữ third rail dùng để ám chỉ những vấn đề cũng nguy hiểm như ĐCT, đụng vào là có thể bị điện giật chết, những vấn đề mà các chính khách Hoa Kỳ thường né, không đề cập đến. Trong những vấn đề ĐCT nóng bỏng, có thể liệt kê kỳ thị chủng tộc, An Sinh Xã Hội, cắt Medicare, chống ô nhiễm môi trường, chống phá thai, chống tài trợ nông nghiệp; đụng vào những vấn đề này là đụng vào quyền lợi của những người liên hệ.

Chính khách đầu tiên dùng chữ third rail là ông Tip O'neill, chủ tịch Hạ Viện vào thời Ronald Reagan làm tổng thống. Đề cập đến vấn đề An Sinh Xã Hội (Social Security), ông Tip O'Neill liệt ASXH vào loại third rail -chính khách nào chưa muốn chết thì đừng "mó" vào.

Năm nay đường rầy thứ ba vẫn còn đó, vẫn tồn tại từ thế hệ Tip O'neill 1987, nhưng có ít nhiều thay đổi, nên Chủ Tịch Hạ Viện John A. Boehner, không sợ điện giật khi viết dự luật thắt chặt SGR (Sustainable Growth Rate-mức gia tăng Medicare có thể chịu được); ba chữ SGR nghe hiền lành như những chữ cái khác trong vần A, B, C, nhưng chúng không hiền tí nào; dự luật SGR sẽ được quốc hội Cộng Hòa thông qua để giới hạn ngân sách Medicare: luật mới ấn định mỗi bệnh nhân chỉ được chăm sóc đến một mức nào thôi, sau đó nằm chờ chết.

Triết lý chính trị của đảng Cộng Hòa và của ông Chủ Tịch Hạ Viện là bảo vệ quyền lợi của Wall Street, đặt nhẹ nhu cầu của bàn dân thiên hạ, nên dư luận Cộng Hòa coi SGR là đạo luật tuyệt hảo, và là tác phẩm "để đời" của Boehner, cũng như dư luận người nghèo coi ObamaCare là tác phẩm xã hội ưng ý nhất của Obama.

Obama và Boehner là hai chính khách xuất sắc nhất trên chính trường quốc nội, nhưng cả hai lại có cùng một bài toán ĐCT ngoài hải ngoại: bài toán đó là ông Netanyahu, vị thủ tướng vừa đắc cử nhiệm kỳ thứ tư tại Do Thái.

Obama bảo thẳng Netanyahu là lời tuyên bố của ông này về Palestine một ngày trước bầu cử, đã giết chết mọi hy vọng giải quyết cuộc chiến tranh Do Thái-Palestine bằng đường lối hòa đảm, và phản lại bản chất của nền Dân Chủ Do Thái.

Trong câu tuyên bố bị trách cứ đó Netanyahu nói, ngày nào ông còn cầm quyền, ngày đó chủ quyền của nước Palestine vẫn không là vấn đề khiến người Do Thái phải bận tâm.

Obama cho là câu tuyên bố đó bộc lộ dã tâm chính trị của Netanyahu -không cho người Palestine được có một quốc gia độc lập và đầy đủ chủ quyền, bên cạnh nước Do Thái. Thật ra dã tâm đó không hề mới có, từ hàng chục năm nay Do Thái vẫn xây làng cho người Do Thái cư ngụ trên lãnh thổ Palestine; số làng Do Thái xây trên West Bank lên đến vài trăm; trong cuộc kiểm tra năm 2012, số dân Do Thái đang sống trên đất Palestine nhiều đến 344,391 người, không kể vùng Đông Jerusalem.

Hình thức xâm lược bằng cách di dân đang được Trung Cộng thực hiện tại Việt Nam, mặc dù tòa án quốc tế đã lên án việc làm của Do Thái.

Thứ Sáu 20 tháng Ba, tổng thống Obama trả lời cuộc phỏng vấn của phóng viên Sam Stein -mạng The Huffington Post; dưới đây là nguyên văn những câu hỏi và đáp liên quan đến thái độ của Obama đối với Netanyahu.

STEIN: Sau câu tuyên bố của Thủ Tướng Netanyahu bác bỏ giải pháp hai quốc gia, liệu tại Liên Hiệp Quốc, phái đoàn Hoa Kỳ có còn tiếp tục chống những nỗ lực lập quốc của Palestine nữa không?
OBAMA: Ngày hôm qua nhân dịp gọi điện thoại mừng đảng Likud đắc thắng, tôi có cơ hội nói chuyện với Thủ Tướng Netanyahu,; tôi bảo ông ta tôi tin tưởng việc hai quốc gia Do Thái-Palestine cùng chung sống bên nhau là giải pháp duy nhất cho nền an ninh lâu dài của Do Thái. Tôi cũng nói, câu tuyên bố của ông ta một ngày trước bầu cử khiến không ai còn tin vào việc hòa đàm giữa hai quốc gia đó nữa.
Ông Netanyahu đang bận rộn trong việc thành lập chính phủ, tôi chờ xem thái độ của ông ta sau đó, như thế nào, nhưng tôi vẫn muốn mọi cộng tác quân sự và tình báo giữa Hoa Kỳ và Do Thái được tiếp tục để bảo vệ nền an ninh chung cho cả hai quốc gia.
Mặt khác tôi vẫn nhấn mạnh là không thể tiếp tục duy trì tình trạng hiện nay -tình trạng Do Thái tiếp tục xây làng cho người Do Thái cư trú trên lãnh thổ Palestine.

STEIN: Ông Netanyahu có nghiêm chỉnh trong giải pháp hai quốc gia chung sống không?
OBAMA: Chính ông ta nói là việc lập quốc của Palestine không xảy ra ngày nào ông ta còn là thủ tướng Do Thái; chúng ta không thể không tin lời ông ấy, do đó tôi phải tìm những giải pháp khác để tránh bất ổn tại Trung Đông.

STEIN: Tổng thống phản ứng như thế nào về việc thủ tướng Netanyahu báo động là từng đoàn cử tri gốc Ả Rập rủ nhau kéo đến thùng phiếu?
OBAMA: Tôi cảnh cáo thứ ngôn từ đó không phải là truyền thống Dân Chủ tốt đẹp của người Do Thái; tôi vạch rõ là mặc dù có nhu cầu lập quốc trên vùng đất ngày xưa họ đã sinh sống, nhưng người Do Thái vẫn có tinh thần dân chủ, vẫn đối xử công bằng và bình đẳng với mọi người.

Nhận định về thái độ của Tổng Thống Obama trong cuộc phỏng vấn, tờ báo thâm niên nhất Do Thái -tờ Haaretz- viết, "Qua những câu tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với mạng Huffington Post hôm thứ Bảy 3/21, Tổng Thống Obama dụng ý làm Netanyahu phải sợ toát mồ hôi, phải đổ mồ hôi hột, và phải hiểu là nếu thành lập một chính phủ cứng rắn để tiếp tục cuộc xâm lược, chiếm lãnh thổ Palestine bằng chính sách di dân, Netanyahu sẽ phải đối phó với thái độ cứng rắn của Hoa Kỳ và toàn thế giới.

Tiến trình thành lập tân chính phủ Do Thái sẽ chính thức bắt đầu vào lúc 8 giờ tối thứ Tư 25/3 bằng việc Netanyahu đến yết kiến tổng thống Do Thái Reuven Rivlin để được ông này ủy nhiệm thành lập tân chính phủ.

Netanyahu sẽ có cơ hội làm dịu căng thẳng với Obama bằng cách chọn những nhân vật không quá sắt máu để mời tham chánh; nói cách khác, ông ta phải nuốt trở vào những câu tuyên bố ngổ ngáo, ông đã hùng hổ nói ra để xin phiếu trong thời gian tiền bầu cử.

Mặc dù Obama không nói ra, nhưng không ai không biết là ông đang bắt Netanyahu "gặt bão," sau việc ông thủ tướng này sang Hoa Kỳ, lên diễn đàn quốc hội để hung hăng "gieo gió" chỉ trích chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, Netanyahu cũng không lo lắng quá đáng, vì "quới nhân" của ông -Chủ Tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Boehner đang làm va li, chuẩn bị sang Do Thái thăm ông.

Boehner đã không cần sự đồng ý của Obama khi ông mời Netanyahu sang Mỹ để chống chính sách ngoại giao của Mỹ, thì chắc chắn ông ta cũng đủ mạnh để bảo kê cho Netanyahu tiếp tục cuộc xâm lược bằng chiến thuật di dân, lập làng.

Sức mạnh đó đang được động viên để tấn công Obama, bênh vực Netanyahu; bắt đầu là chuỗi cười thích thú của Boehner khi một phóng viên truyền thông hỏi ông nghĩ gì về những câu trả lời lạnh lùng của Obama sau mỗi câu hỏi của phóng viên Stein. Sau chuỗi cười, Boehner hỏi lại anh phóng viên, "Lạnh lùng thật à?" Đòn tấn công thứ nhì do Nghị Sĩ Cộng Hòa Tom Cotton đánh ra; thành tích của ông nghị sĩ này là lá thư ngỏ của Thượng Viện mang 47 chữ ký của quý ông nghị Cộng Hòa gửi chính quyền Iran khuyến cáo họ đừng ký thỏa ước với chính quyền Mỹ, vì 20 tháng nữa, ngày ông Obama mãn nhiệm kỳ, quốc hội sẽ hủy bỏ những thỏa ước đó.

Nhân vật Cộng Hòa thứ ba tấn công Obama là Nghị Sĩ Marco Rubio; ông nghị nói, "Vị tổng thống này đang phạm vào một sai lầm lịch sử; ông ta không hiểu là giữa những quốc gia đồng minh vẫn có những chuyện bất đồng; đem chuyện bất đồng đó làm lớn lên, là khuyến khích kẻ thù từ Lebanon và Gaza bắn hỏa tiễn vào đất Do Thái, và xúi họ lớn tiếng đòi chủ quyền, đe dọa sự sống còn của Do Thái."

Với ngần đó lập luận trói buộc, và với vai vế của những người lên tiếng bênh vực Netanyahu, Obama còn thế giá gì mà Netanyahu phải nể. Chỉ tội nghiệp ông tổng thống có kiến thức rất rộng mà lại không biết Do Thái là một đường third rail thứ thiệt, sức điện mạnh tới hàng triệu volts. Nếu giờ này ông chưa chết đứng vì điện giựt, thì phút cháy tay cũng sắp đến. (nđt)

--------------------------

BÀI LIÊN QUAN :

Trả mọi giá để đắc cử       22-03-2015












1 comment:

View My Stats