Sunday 29 March 2015

Đoạn đường còn lại trong nỗ lực bài trừ nạn kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ (Trần Bình Nam)





Trần Bình Nam
Posted on 28/03/2015 by Doi Thoai

Từ phong trào đòi dân quyền trong thập niên 1960, trong 50 năm qua người Mỹ đã có quyết tâm xóa nạn kỳ thị chủng tộc. Và kết quả là: “không còn sự kỳ thị công khai, nhưng vẫn còn sự phân biệt chủng tộc

         Đó là kết luận của giáo sư Fredrick C. Harris và tiến sĩ Robert C. Lieberman trình bày trong cuốn sách “Beyond Discrimination: Racial Inequality in a Postracist Era”  hai vị viết chung.  Giáo sư Fredrick Harris là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị – Xã hội về người Mỹ gốc Phi châu tại đại học Columbia. Tiến sĩ Robert Lieberman là giáo sư  Khoa học Chính trị tại đại học Johns Hopkins .

         Nội dung cuốn sách được hai tác giả thu gọn trong bài viết “Racial Inequality After Racism” (Sau Kỳ thị là Phân biệt chủng tộc đăng trên tờ Foreign Affairs số March/April 2015.
         Sau đây là các điểm chính của bài viết.

Trần Bình Nam

-----------------------------
       
  Mùa hè năm 2014 hai thanh niên da đen Michael Brown ở Ferguson, Missouri và Eric Garner ở Staten Island, New York chết bởi những người cảnh sát da trắng khi thi hành công vụ làm nổi bật lại vấn đề kỳ thị đen trắng tại Hoa Kỳ.
         Sáu năm trước, khi nhậm chức Tổng thống ông Barack Obama hứa sẽ xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc. Và người Mỹ tin rằng nếu ông Obama, một người da đen có thể đắc cử tổng thống thì đó là một điều trong tầm tay.
         Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Nạn kỳ thị vẫn còn đó, ngoại trừ người da đen được biểu tình phản đối cảnh sát mà không bị đánh đập như giữa thế kỷ trước .

         Năm 1944, ông Gunnar Myrdal, một nhà kinh tế người Thụy Điển cho rằng nạn đen-trắng là một vấn đề khó xử (a dilemma) của Hoa Kỳ, một bên là lý tưởng công bình, một bên là thực tế của cuộc sống. Thực tế đó là tình trạng kinh tế kém cỏi của đa số người da đen đẻ ra sự phân biệt. Giải pháp là, hoặc người Mỹ trắng thay đổi thái độ đối với thành phần kinh tế kém cỏi trong xã hội, hoặc người da đen cải thiện khả năng kinh tế của mình để người da trắng thay đổi thái độ.

(Selma – Alabama, March 7, 1965)

          Nhiều chục năm sau cuộc tranh đấu dân quyền khởi đầu năm 1965 tại Selma, Alabama, đã có sự thay đổi thái độ đối với vấn đề chủng tộc tại Hoa Kỳ. Thí dụ “các bộ luật có tính kỳ thị” tại các tiểu bang nhất là các tiểu bang miền Nam, và “thái độ kỳ thị công khai” được hủy bỏ, nhưng sự cách biệt về lợi tức, công ăn việc làm, giáo dục, sức khỏe, nhà ở giữa người da đen đối với người da trắng làm cho sự thay đổi thái độ của người da trắng vẫn dậm chân tại chỗ. Thống kê cho thấy số người đa den nghèo nhiều gấp ba lần người da trắng, bị bắt bị nhốt nhiều gấp 6 lần, và cứ 13 gia đình trung lưu người da trắng mới có một gia đình trung lưu người da đen.

         Vậy quan hệ đen – trắng tại Hoa Kỳ hiện nay ra sao? Câu trả lời đơn giản là: Tại Hoa Kỳ không còn sự công khai kỳ thị, nhưng sự phân biệt xã hội vẫn bàng bạc trong đời sống hằng ngày, ẩn hiện một cách tế nhị .

         Tại sao người Mỹ có thiện chí bài trừ nạn kỳ thị, mà sự phân biệt màu da vẫn tồn tại?  Câu trả lời có lẽ “kín đáo” nằm trong định chế của xã hội Mỹ.

         Trước hết là định chế tài chánh. Sau vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008, các cơ sở kiểm soát (regulators)  yêu cầu các ngân hàng duyệt xét lại xem những điểm yếu nằm ở đâu (quy trình duyệt xét này quy định bởi luật Dodd – Frank ban hành năm 2010 gọi là “stress-test”). Sự duyệt xét này cho thấy 3 căn bệnh chính của các ngân hàng công cũng như  tư ở Hoa Kỳ là: (1) vận hành dựa vào những giả thuyết không chính xác, (2) thiếu sự kiểm soát nội bộ, và (3) điều hành một cách thiên vị mà không cho là thiên vị. Và cả 3 căn bệnh đều đưa đến kết quả bất lợi cho người thiểu số da đen.

**
         Hoa Kỳ là một xã hội trong dó ai chịu khó làm việc và sống theo khuôn mẫu xã hội đều có cơ hội thăng tiến. Và những người bảo thủ cho rằng nếu người da đen bị chậm lụt là vì họ thiếu sáng kiến. Mới đây dân biểu Paul Ryan (CH, Wisconsin, khuynh hướng Tea Party) công khai nói rằng sự nghèo khó tại các trung tâm thành phố là do nguời đen sống với “văn hóa không chịu làm việc”.  Và theo nhà nghiên cứu John McWhorter, người da đen chậm lụt vì mang mặc cảm tự ti của thời nô lệ và cứ yên chí rằng họ là nạn nhân của người da trắng.

         Trong một cuộc thăm dò năm 2013 bởi Viện Gallup, 83% người Mỹ da trắng cho rằng không ai phân biệt đối xử người da đen và làm cho họ thất nghiệp, có lợi tức thấp và sống trong những khu tăm tối. Chỉ vì họ thiếu khả năng, lười biếng và vô trách nhiệm đối với xã hội.

         Do vậy, người Mỹ da trắng không nhiệt tâm ủng hộ luật New Deal trong thập niên 1960 của tổng thống Lyndon Johnson và Quốc hội đã cắt bớt trợ cấp cho người thiểu số trong thập niên 1990 (Luật Di trú ban hành năm 1996). Kết quả, đời sống người da đen trở nên khó khăn hơn.

         Định chế là một bàn tay kỳ thị vô hình. Luật bầu cử chẳng hạn, nhìn bên ngoài như không có tính kỳ thị, nhưng khi áp dụng là một hành động kỳ thị đối với người yếu kém trong xã hội. Thí dụ trước cuộc tranh đấu dân quyền thập niên 1960, nhiều tiểu bang áp dụng luật  buộc công dân muốn đi bầu phải hội đủ một số điều kiện như: không thiếu thuế, biết đọc biết viết. Các điều kiện này không trái với Tu chính 15 Hiến pháp cấm kỳ thị đối với quyền bầu cử và ứng cử của công dân, nhưng thực tế đã giới hạn số người đa đen đi bầu.

         Và hiện nay luật cho phép quan tòa tuyên phạt người dùng “crack cocaine” và người  dùng “cocaine bột” những bản án như nhau cũng là một hình thức kỳ thị kín đáo làm cho tỉ số người da đen bị tù tăng lên. Crack cocaine dễ chế biến, rẻ tiền, người da đen hay dùng, trong khi Cocaine bột đắt tiền đa số là người da trắng dùng.

         Nhà tâm lý học Richard Herrnstein và nhà khoa học chính trị học Charles Murray, trong một cuốn sách viết năm 1994 đi xa hơn, cho rằng trời sinh giống người da trắng và người da đen khác nhau và đó là nguyên nhân khác biệt xã hội không có thuốc chữa. Hiện nay tại Hoa Kỳ không ai “dám” bày tỏ ý kiến ấy một cách công khai nhưng âm thầm nhiều người tin như vậy, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

         Nhưng học giả Wiliam Julius Wilson không tin như vậy. Ông nhắm mũi dùi vào quá trình phát triển sinh hoạt kinh tế và kỹ nghệ hơn là do cấu tạo trí óc trời sinh. Ông nói rằng trong hậu bán thế kỷ 20, hoạt động kỹ nghệ vốn nuôi dưỡng một tầng lớp thợ thuyền tay nghề bậc trung da đen da trắng ngang ngữa tại các thành phố bỗng nhiên biến mất để được thay thế bằng những công việc đòi hỏi kiến thức và hiểu biết cao.Trong cuộc thay đổi sinh hoạt kỹ nghệ này, mọi thành phần  – đen hay trắng – đều bị ảnh hưởng, nhưng người da trắng nhờ quan hệ gia đình và xã hội ít bị ảnh hưởng hơn người da đen.

         Một thí dụ khác về “kỳ thị” là cái quảng cáo tranh cử của tổng thống George Bush năm 1988 kết án ông Dukakis thống đốc Massachusetts ứng cử viên Dân chủ đã không đủ cứng rắn trong chính sách an toàn xã hội bằng cách cho phép tù nhân trọng tội cũng được về thăm nhà. Tù nhân người da đen Willie Horton trong khi về thăm nhà đã phạm tội giết người khác. Cái quảng cáo chỉ trích chính sách cho tù nhân phạm trọng tội về thăm nhà là vô trách nhiệm, nhưng ngầm chứa đựng ý “dễ dãi với tù nhân người đen thì rất nguy hiểm”. Và cái quảng cáo “kỳ thị” này đã rất ăn khách với cử tri da trắng và là một trong những yếu tố làm cho ông Dukakis thất cử.

         Ai cũng biết người đầu bếp nổi danh Paula Deen và ông Donald Sterling, chủ nhân đội bóng rổ Clippers ở Los Angeles hay phát biểu linh tinh mang nội dung kỳ thị người da đen nhưng được hiểu là “đùa chơi” và không ai đặt thành vấn đề cho đến lúc ông công khai kỳ thị lực sĩ bóng rổ Michael Jordan vì ghen tuông với cô đào V. Stiviano mới sinh chuyện. Người phóng khoáng cho rằng sự việc báo chí đã không phê bình ông Donald Sterling  để chấm dứt các lời đùa bỡn kỳ thị trước đó là một bằng chứng truyền thông kỳ thị.

         Sự kỳ thị còn phảng phất trong việc thuê nhà ở và vay tiền mua nhà.  Người thiểu số có khả năng tài chánh không vững phải vay tiền mua nhà với lãi xuất cao và trở thành nạn nhân bị lấy nhà trong cuộc khủng hoảng tài chánh nhà cửa năm 2008.

         Tuy nhiên đã có một bước đi dài trên con đường chống kỳ thị,  kể từ cái mốc phán quyết Plessy v. Fergusion  của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (TCPV) năm 1896 xác định nguyên tắc “phân cách nhưng bình đẳng” (separate but equal) công khai chấp nhận sự kỳ thị tại trường học, công sở …  Hiện nay phán quyết  Plessy v. Fergusion  xem như đã được vất bỏ vào sọt rác lịch sử nhất là sau khi các Bộ Luật Dân quyền (Civil Rights Act 1964), Luật Bầu cử (Voting Rights Act 965) và Luật cho thuê và mướn nhà (Fair Housing Act 1968) được ban hành. Các bộ luật này minh thị cấm kỳ thị nơi công sở, trong việc giáo dục, thuê mướn, mua nhà, quyền ứng cử bầu cử và quyền ký giao kèo với chính phủ.  Tuy nhiên, sự áp dụng các luật trên mỗi tiểu bang một khác nhất là Luật Bầu cử. Luật này giúp tăng sức mạnh chính trị của người thiểu số da đen và – do đó – gặp nhiều ngăn trở nhất trong việc thi hành. Phán quyết của TCPV năm 2013 trong vụ “Quận Shelby kiện Holder” (Shelby County v. Holder) vừa qua diễn giải sự thi hành Luật Bầu cử bất lợi cho người thiểu số. Phán quyết này cho phép một tiểu bang thông qua một số quy định giới hạn quyền đi bầu mà không cần được sự đồng ý của chính phủ Liên bang.

         Sự bình đẳng trong giáo dục còn khó thực hiện hơn. Mặc dù luật năm 1955 bãi bỏ sự phân chia đen trắng tại các trường học, thỉnh thoảng TCPV có những phán quyết phản lại sự thi hành luật này. Năm 1974 TCPV phán quyết hủy bỏ một chương trình “busing” của thành phố Detroit là chương trình chở học sinh từ vùng này qua học ở vùng khác. Và mới nhất, năm 2007 TCPV phán quyết bãi bỏ chương trình học chung các thành phần khác chủng tộc tại Seattle (bang Washington) và Louisville (bang Kentucky). Phát biểu cho đa số trong phán quyết này, ông chánh án TCPV John Roberts nói rằng “phương cách chống kỳ thị giữa giống người này với giống người khác là không kỳ thị với bất cứ giống người nào cả” (Ý ông nói chương trình học chung tại các trường công là kỳ thị người da trắng – kỳ thị trong cái nghĩa là buộc người da trắng làm điều mà quyền hiến định cho phép họ có thể không làm)

         Trong lĩnh vực thuê nhà và mua nhà trong một địa phương nào đó người đa đen thường bị người ở tại địa phương đó làm khó dễ vì họ không muốn bất động sản của họ bị xuống cấp. Và tòa án thường xử bất lợi cho người da đen vì họ không có khả năng thuê luật sư giỏi. Đó là chưa nói đến sự thiếu công bình của một số quan tòa.

         Tuy nhiên nhìn chung, nếu chưa khuất hẵn, bóng đen kỳ thị cũng đã và đang mờ dần theo thời gian nhờ nỗ lực chung của những lực lượng hướng thiện tại Hoa Kỳ. Kinh tế gia James Hecklman nói rằng sự tiến bộ này quan trọng nhất về mặt công ăn việc làm và giúp cải thiện đời sống kinh tế của người da đen trong hai thập niên 1960 và 1970  kéo theo sự tiến bộ về sức khỏe và giảm tội phạm.

**
         Nhà xã hội học Eduardo Bonilla-Siva giải thích sự việc ai cũng muốn bãi bỏ kỳ thị mà nạn kỳ thị vẫn tồn tại bằng cụm từ “kỳ thị mà không có người kỳ thị” (racism without racists). Vào thập niên 1960 ông Stokely Carmichael lãnh tụ phong trào “Sức mạnh Da đen” (Black Power) gọi đây là hiện tượng “kỳ thị bởi định chế” (institutional racism), một hình thức kỳ thị cá nhân không thấy có trách nhiệm nên không ai tìm phương thuốc chữa.

         Công cuộc ổn định xã hội của chính quyền cũng vô tình đưa đến kỳ thị.Trong hai thập niên 1960, 1970 phong trào đòi dân quyền làm cho xã hội mất ổn định. Các chính quyền địa phương được sự mặc nhiên đồng ý của chính quyền liên bang ban hành nhiều luật lệ nhắm mục đích mang lại trật tự xã hội gián tiếp làm cho nạn kỳ thị sinh sôi nẩy nở .

         Thời tổng thống Nixon, đã có một loạt luật lệ cấp liên bang và tiểu bang cho phép quan tòa phạt tù dài ngày hơn, cho phép xử vị thành niên như thành niên, cho phép cảnh sát xử dụng các phương pháp điện tử để theo dõi hành động nghi ngờ tội phạm một cách dễ dàng hơn, và tệ nhất là liên bang tăng tiền trợ cấp cho các cơ quan công lực địa phương bắt giữ nhiều người. Cái lưới luật pháp được tung ra và đa số bị dính vào lưới là người da đen!  Và một khi cha vào tù, con cái không được săn sóc chu đáo lớn lên dễ trở thành du đảng lại vào tù tạo thành hiện tượng “ở tù gia truyền” (intergenerational incarceration)

**
         Sự vận hành của bộ máy kinh tế và tài chánh cũng đóng góp không ít vào không khí  “kỳ thị mà không có người kỳ thị”.  Người thiểu số nhất là người thiểu số da đen không được hưởng cái gọi là “kinh tế thị trường” một cách công bình. Nhà sự học Devin Fergus chỉ ra rằng các chính sách về thuế má và bảo hiểm chôn vùi trong sách vở tạo nên những điều kiện sinh hoạt bất lợi cho các địa phương có nhiều người  thiểu số sống. Ông Fergus nêu ra thí dụ như luật California cho phép tính tiền bảo hiểm xe theo “zip code” chứ không hoàn toàn dựa vào thành tích lái xe của người mua bảo hiểm. Cách tính này làm cho đa số người da đen sống trong các “zip code” xấu phải trả bảo hiểm cao hơn người da trắng cùng có một thành tích lái xe ở trong những “Zip” được coi là an toàn hơn. California đã bãi bỏ luật này, nhưng nhiều tiểu bang khác vẫn còn dùng.

         Cũng một cung cách như vậy, các ngân hàng và cơ sở tài chánh giới hạn dịch vụ cho vay tiền mua nhà nếu bạn ở trong một vùng có nhiều người thiểu số ở .

         Trong một hướng nghiên cứu khác nhà tâm lý học Naa Oye Kwate nhận thấy, ngay trong lĩnh vực quảng cáo để thêm khách hàng vô tình cũng thể hiện sự kỳ thị chủng tộc. Các công ty bán lẻ lấy trong kho dữ kiện (database) sở thích từng nhóm người để hướng quảng cáo món hàng của họ đến nhóm người đó để kiếm thêm khách hàng.Thực tế là người tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi quảng cáo và hay mua những món hàng nào được quảng cáo nhiều. Đối với người thiểu số khi mua hàng được quảng cáo họ mua những mặt hàng không tốt cho sức khỏe như thức ăn nhanh (fast food) và rượu xấu.

         Sau cùng trong lĩnh vực giáo dục. Cuộc tranh đấu dân quyền thập niên 1960 đưa đến sự hủy bỏ chế độ đen trắng không học chung trường (segregation). Nhưng sự học chung trường sau đó, do các yếu tố luật pháp, kinh tế, xã hội cũng chỉ là hình thức. Con em người da đen ở khu nghèo tuy học chung nhưng trường nghèo hơn, ít có thầy giáo giỏi và học trong một không khí hay ẩu đả nhau và ma túy. Gia đình người da trắng ít cho con cái học tại các trường này. Nếu không có trường công vừa ý họ cho con học trường tư. Tại đó người da đen rất ít có khả năng được thu nhận.

**
         Sau hai vụ xẩy ra tại Ferguson và Staten Island,  tổng thống Obama nói với một ký giả trong một cuộc phỏng vấn rằng kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ có gốc rễ sâu xa và có tính hệ thống nên không thể bài trừ bằng những phương thuốc đơn giản.  Các phong trào chống kỳ thị cần kiên nhẫn, cần chống tinh thần thành kiến và vận động tích cực các nhà lập pháp thông qua những bộ luật chống kỳ thị có chiều sâu và chiều rộng.

         Các bộ luật cũng như các quy chế có mục đích chống kỳ thị đều cần được thử thách tính hiệu quả bằng “stress-test” áp dụng cho các định chế tài chánh. Ngoài ra cũng cần “stress-test” các chính sách và định chế bề ngoài có vẻ không liên hệ gì đến chủng tộc để tìm xem chúng có đẻ ra kỳ thị một cách vô tình không.

         Chính quyền chẳng những cần “stress-test” các cơ sở liên bang như tòa án, nhà tù mà còn nên trợ cấp ngân sách để khuyến khích các tiểu bang áp dụng phương pháp thử nghiệm. Các tiểu bang thì trợ cấp cho các học khu (school district) và các cơ sở thuộc thẩm quyền. Trong hướng này các cơ sở tư nhân cũng có thể  tự  “stress-test” để đánh giá cơ sở mình .

         Qua 50 năm đấu tranh đòi dân quyền,  người Mỹ đủ mọi chủng tộc đã thành công trong đoạn đường đầu là xác định bằng luật, bằng tục lệ minh thị rằng kỳ thị màu da là xấu, là vi phạm luật lệ quốc gia. Nhưng sự phân biệt màu da vẫn bàng bạc tồn tại như một chứng bệnh nan y. Và cuộc đấu tranh chống kỳ thị vẫn phải tiếp diễn .

         Hôm 7 tháng 3 (7/3/2015)  tại đầu cầu Edmond  Pettus ở thị trấn Selma, Alabama nơi 50 trước khởi đầu cuộc đấu tranh dân quyền trong dùi cui cảnh sát, máu và nước mắt, tổng thống Obama, phu nhân Michelle Obama và hai cô con gái Malia và Sasha cùng đủ mọi thành phần xã hội, trong đó có cựu tổng thống George W. Bush và bà Laura đã hiện diện để cam kết một cuộc hành trình cho đoạn đường còn lại.

(Selma- Alabama, March 7, 2015)

Tổng thống Obama nói: “50 trôi qua kể từ ngày Chủ nhật đẫm máu đó cuộc hành trình của chúng ta chưa kết thúc, nhưng chúng ta đã đến gần đích hơn” (Fifty years from ‘Bloody Sunday,’ our march is not yet finished. But we are getting closer) .

         Nếu tổng thống Obama dành cuộc đời sau khi mãn nhiệm tổng thống đầu năm 2017 tới để cầm ngọn cờ tiên phong lãnh đạo dân chúng Hợp chúng quốc Mỹ đi trên con đường còn lại, thì chỗ đứng của ông trong lịch sử Hoa Kỳ sẽ vinh quang hơn là câu chuyện 8 năm làm tổng thống với  bao chuyện buồn vui .

Trần Bình Nam
March 28, 2015






1 comment:

View My Stats