Ngô Nhân
Dụng
Tuesday, April 15, 2014 6:44:28 PM
Trong cuộc tranh đấu của người dân xã Bắc Sơn đang diễn ra, chúng ta thấy một hiện tượng mới: Các cán bộ cấp xã đã công khai bày tỏ nỗi bất mãn đối với “lệnh trên.” Họ phân trần rằng họ cũng chỉ là nạn nhân bị đặt vào cảnh trên đe dưới búa. Cái búa ở trên là đảng cộng sản liên kết với giới tư bản đỏ bày ra các “công trình” mà mục đích xưa nay vẫn là cướp ruộng đất của dân để rút ruột. Bên dưới là các nông dân cần bảo vệ đất nên chống lại cường quyền. Khi các cán bộ cấp dưới công khai tỏ ra bất mãn, tòa nhà chế độ bắt đầu rạn nứt từ nền móng.
Trước đây, trong các vụ dân biểu tình bảo vệ ruộng
đất, báo chí không chú ý tới các cán bộ cấp xã, vì người ngoài mặc nhiên coi họ
cũng là thủ phạm hoặc đồng lõa trong các âm mưu cướp ruộng, cướp đất. Nhưng
trong vụ xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, viên xã trưởng đã nói chính
mình, và có thể từ cấp huyện, bị áp lực từ trên xuống phải xúc tiến dự án làm
công viên và nghĩa trang, dù họ không đồng tình. Lời bộc lộ này, xưa nay chưa
ai từng nói ra trong các vụ xung đột giữa nông dân và đảng cộng sản, cho thấy
một biến chuyển tâm lý đe dọa sự tồn tại của cả chế độ.
Các chế độ chuyên chế đều dựa vào một đạo quân thừa
hành. Ở cấp thấp nhất là các tay chân kiểm soát từng xã, từng thôn, và các sĩ
quan chỉ huy từng trung đội, đại đội công an. Khi nào chính lớp cán bộ đó ngả
nghiêng, chao đảo, thì cái thang chống đỡ chế độ độc tài đang sập gẫy từ những
bậc thang dưới cùng.
Tất cả những tin tức chúng ta đang biết về cuộc
tranh đấu của đồng bào xã Bắc Sơn từ hơn mười ngày qua đều do các báo, mạng của
đảng cộng sản phổ biến. Theo dõi các tin tức được truyền đi theo lối nhỏ giọt
dưới sự chỉ huy của công an văn hóa tư tưởng, chúng ta thấy những người làm báo
cũng khéo léo trình bày cho độc giả những uẩn khúc đằng sau cuộc đàn áp, để dần
dần thấy được cảnh tan hàng đang diễn ra.
Nguyên ủy gây ra cuộc đấu tranh của người dân xã Bắc
Sơn là một dự án xây dựng “công viên nghĩa trang” mang tên Vĩnh Hằng-Bắc Sơn,
rộng trên 38ha, trị giá 386 tỉ đồng, tương đương 19.3 triệu đô la. Chính quyền
đã ra lệnh “thu hồi” khoảng 30 mẫu (ha) đất trong đó có 8 mẫu là đất trồng trọt
của 21 gia đình cư dân xã này để thực hiện dự án. Thu hồi, nghĩa là “lấy lại,”
một hành động bề ngoài có vẻ là “hợp pháp.” Vì trong chế độ cộng sản hiện nay
tất cả đất đai trên toàn quốc do đảng cộng sản kiểm soát dưới danh nghĩa “thuộc
về toàn dân,” tất cả các nông dân đều chỉ được ban cho “quyền sử dụng” chứ
không có quyền sở hữu, cho nên đất có thể bị nhà nước “thu hồi” lại bất cứ lúc
nào. Nông dân oan ức vì ruộng đất bị cướp mất chỉ có cách duy nhất là biểu tình
phản đối. Hàng ngàn vụ công an đàn áp “dân oan” đã diễn ra ở nước ta từ Nam ra
Bắc, vụ xã Bắc Sơn, với hơn 3000 người dân chỉ là một biến cố gần nhất.
Tin tức sớm nhất do VietNamNet đưa ra, dẫn lời phó
giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết ngày 10 Tháng Tư, sáu viên công an được
cử đến thi hành “lệnh bắt đối với một đối tượng tên Trường, trú trên địa bàn
xóm Trung Sơn, xã Bắc Sơn về tội gây rối trật tự công cộng.” Bản tin nghe như
một vụ đàn áp bình thường, với một “đối tượng” duy nhất. Cách sử dụng từ “đối
tượng” là văn chương của công an, với ẩn ý hạ thấp giá trị của người bị đàn áp,
không coi đó là một con người mà chỉ là một“đối tượng!” Báo chí ở trong nước
thường họa theo lối gọi tên “phi nhân hóa” này, có thể vì lười biếng không muốn
tìm một từ khác, hoặc vì sử dụng những từ ngữ trong báo cáo của công an thì sẽ
tránh được tai họa. Ðọc bản tin đầu tiên đó, người ta không biết “đối tượng tên
Trường” này là ai.
VietNamNet sau đó loan tin một số dân tụ tập phản
đối lệnh thu hồi đất, bị buộc tội “gây rối trật tự công cộng,” bị công an đến
tận nhà đòi bắt giữ; lúc đó người đọc mới biết không phải chỉ một “tên Trường
gây rối” mà còn những nông dân khác, và biết dân chúng đã đánh và bắt giữ bốn
công an. Trong lúc người đọc còn đặt câu hỏi “Tại sao dân dám đánh công an?”
thì tờ báo mạng cho biết thêm có hơn 100 công an và cảnh sát cơ động đã “được
huy động để giải vây cho một tổ công tác bị người dân 'vây đánh' tại xã Bắc
Sơn.” Chi tiết được nêu ra là: “Nông dân đã dùng gậy gộc, gạch đá tấn công làm
bốn người bị thương; mất một tiếng rưỡi đồng hồ sau, bốn cán bộ công an mới
được giải cứu khỏi vòng vây, đưa vào bệnh viện.” Bị đẩy lùi trước sức mạnh của
lực lượng công an vũ trang, dân chịu thua; nhưng ngay sau đó, họ chia thành
nhiều nhóm kéo đến ném đá vào nhà ông chủ tịch xã Trần Bá Hoành, và đốt phá nhà
trưởng công an xã Nguyễn Khắc Sơn.
Cho tới lúc đó, người đọc vẫn chưa biết nguyên ủy
tại sao dân dám liều mình đánh công an. Cho tới khi báo mạng Một Thế Giới
nói rõ hơn, khi thuật lại lời của ông Trần Bá Hoành. Ông Hoành cho biết, “Cách đây một tháng, có bốn trưởng thôn và
hai bí thư chi bộ thôn đã xin nghỉ việc; mà từ đó đến nay, chưa có ai thay thế.
Những cán bộ trên thuộc bốn thôn chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án làm công
viên nghĩa trang, là Ðồng Vĩnh, Trung Sơn, Kim Sơn, Xuân Sơn.” Ông Trương
Văn Trường, là trưởng thôn Trung Sơn đã xin nghỉ nên bị công an tới bắt, gây ra
cảnh dân đánh lại công an. Hậu quả của cuộc xung đột là hai cán bộ đứng đầu xã
từ chức, trụ sở xã đóng cửa vì hầu hết các cán bộ lãnh đạo xã không dám ra
đường.
Chủ tịch xã Trần Bá Hoành nói rằng, chính ông ta và
chủ tịch huyện đều không biết tỉnh Hà Tĩnh quyết định chọn Bắc Sơn lấy đất làm
dự án xây nghĩa địa. Riêng trong vụ này, ông và chủ tịch huyện đều không đồng
tình thực hiện dự án vì khi hỏi ý kiến chỉ có 17% dân chúng đồng ý. Tuy nhiên,
vì là cấp dưới, ông Hoành tâm sự, nên chỉ biết tuân thủ lệnh của cấp trên. Ông
Trần Bá Hoành tự giới thiệu mình đã làm chủ tịch xã suốt 13 năm qua mà không bị
dân ghét. Nay chỉ vì một dự án, mà chính ông không đồng ý, ông biến thành đối
nghịch với dân. Ông Hoành còn nói thêm rằng xung đột giữa dân và chính quyền
bùng nổ từ cuộc họp tại trụ sở xã hôm vào tháng 11 năm 2013. Trong cuộc họp
này, nhiều người giật máy ảnh của công an huyện; đấm đá bí thư đảng ủy và
trưởng ban dân vận của huyện.
Những tiết lộ của ông Trần Bá Hoành cho chúng ta
thấy vết rạn nứt trong hàng ngũ những cán bộ cấp thấp nhất trong guồng máy cầm
quyền thống trị của đảng Cộng sản Việt Nam. Người dân đã biết cả bộ máy đảng
chỉ là một tổ chức phân chia quyền hành để kiếm. Các dự án, công trình được bầy
ra để các quan chức rút ruột cùng các nhà tư bản đỏ khai thác làm giầu. Cán bộ
xã, thôn làm theo lệnh của giới lãnh đạo, từ trung ương đến địa phương, chính
họ cũng được chia phần. Khi người dân bị cướp đất biểu tình phản đối, thì đã có
công an vũ trang đến “đánh dẹp.” Ðó là cảnh đã diễn ra từ hàng chục năm qua.
Tại xã Bắc Sơn, tình trạng đã thay đổi. Người dân Hà
Tĩnh không “hiền lành” cúi đầu chịu nhục và mất cơ nghiệp, đã tấn công thẳng
vào các cán bộ cấp xã. Nhà của chủ tịch, bí thư đảng ủy và trưởng công an xã bị
đập phá, đốt cháy; hàng chục cán bộ khác đưa gia đình đi lánh mặt và gửi các
vật dụng quý giá như xe cộ đến nơi khác để khỏi bị đốt phá.
Nhưng chính trong hàng ngũ các cán bộ thấp nhất cũng
có người phản đối âm mưu cướp ruộng đất của dân. Ông trưởng thôn Trung Sơn
Trương Văn Trường là một người can đảm bày tỏ thái độ bằng cách từ chức; vì vậy
khi công an đến bắt thì dân bênh ông ta. Trong bốn trưởng thôn từ chức, mình
ông Trường bị bắt, theo chiến thuật quen thuộc của cộng sản là chia tách các
đối thủ để đánh lẻ. Có thể ông Trường bị chọn làm mục tiêu vì ông tỏ thái độ
mạnh nhất, hoặc vì ông được lòng dân nhất. Khi các cán bộ khác bị dân tấn công,
lúc đó mới có người, như ông Trần Bá Hoành, tỉnh ngộ thấy mình đang sống trong
cảnh trên đe dưới búa. Họ phải lựa chọn: Ðứng về phía người dân bị bóc lột và bị
đàn áp, hay đứng về phía đảng Cộng sản? Khi ông Trần Bá Hoành “lật tẩy” phân
trần rằng mình và chủ tịch huyện không đồng ý với dự án làm công viên, ông muốn
ngỏ ý đứng về phía người dân. Người Việt Nam nào cũng biết câu “Quan nhất thời,
dân vạn đại.” Sau cùng, các cán bộ thôn xã sẽ phải thức tỉnh, nhận ra rằng
chính họ và gia đình, con cháu họ sẽ phải sống bên cạnh người trong thôn xã,
chứ không thể được guồng máy bạo lực che chở mãi mãi.
Dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh vốn nổi tiếng đấu tranh.
Nông dân nổi giận chống chính quyền khi bị cướp đất, cướp cơm. Nhưng người ta
cũng nổi dậy khi thấy mình bị sỉ nhục, nhất là bị nhục nhã trước ngoại bang. Ở
phía Nam xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà, ở huyện Kỳ Anh người dân cũng đang phẫn
uất trước cảnh người Trung Quốc tràn ngập trong khu kinh tế Vũng Áng. Trong khu
kinh tế này có hơn 3,200 công nhân làm việc, trong đó có đến 2,000 người là
“lao động chui” người Trung Quốc đang làm cho dự án Formosa của tư bản Ðài
Loan. Theo báo chí trong nước, người Trung Quốc không chỉ đánh lộn, ăn cắp, mà
còn ăn nhậu bừa bãi tại các khách sạn, nhà hàng, các quán karaoke mọc như nấm
dọc quốc lộ 1A. Một khu giải trí mang tên “Hồng Thiên Hy” hình như chỉ dành
riêng cho người Trung Quốc, tất cả các quán nhậu, nhà hàng đều có “tiếp viên”
sẵn sàng phục vụ người Trung Quốc “trọn gói từ A đến Z.” Gần đây kế toán viên
dự án Formosa bị đâm trọng thương ngay tại khu nội trú của người Trung Quốc.
Vụ
Bắc Sơn là một tiếng chuông đánh thức tất cả nông dân trên cả nước. Khi người dân tự giành lấy quyền quyết định vận mạng của mình, thì chính
các cán bộ cấp thôn, cấp xã cũng phải theo họ. Ðảng Cộng sản đang giống như một
một tòa nhà sắp tan rã vì nền móng đang rạn nứt. Gần đây, ngay trong việc đàn
áp dân và phá phách các cuộc biểu tình yêu nước ở Hà Nội và Sài Gòn, đảng Cộng
sản đã phải thuê toàn bọn đầu gấu đến thay thế hoặc phụ lực cho công an, chứng
tỏ họ không dám tin tưởng hoàn toàn vào các sĩ quan chỉ huy công an nữa. Nay
tới các cán bộ thừa hành cấp xã, thôn cũng nao núng. Ðây là lúc các nhà tranh
đấu dân chủ tự do ở nước ta bắt đầu nhập cuộc tranh đấu cùng giới nông dân.
Ðảng Cộng sản đang bị bắt buộc trả tự do cho nhiều nhà tranh đấu, để mong được
gia nhập tổ chức mậu dịch Thái Bình Dương (TTP) ngõ hầu cứu vãn nền kinh tế suy
sụp. Luật Sư Nguyễn Văn Ðài nhìn thấy một “không gian chính trị an toàn hơn đã
được tạo ra,” một cơ hội để giới tranh đấu dân chủ tiến tới.
No comments:
Post a Comment