Sun, 04/27/2014 - 20:37 — ledienduc
Từ
chức là một thói quen, một cách ứng xử tự nhiên, bình thường ở các quốc gia dân
chủ, nơi mà chính phủ của một đảng phái chính trị được thiết lập cầm quyền nhờ
chiếm số ghế cao nhất trong quốc hội từ bầu cử tự do.
Vào tháng 11 năm 2013, tại Ba Lan, Bộ trưởng Bộ Giao
thông vận tải Slavomir Novak đã đệ đơn từ chức vì liên quan đến yêu cầu
của Công tố viện đề nghị bãi bỏ quyền ưu đãi miễn trừ, với lý do Bộ trưởng đã
cố ý không khai báo chiếc đồng hồ đeo tay trị giá khoảng 5000 USD vào bản kê
khai tài sản.
Thủ tướng Ba lan Donald Tusk đã chấp nhận đơn từ
chức, còn Phó Thủ tướng Janusz Piechociński nói rằng "Đây là một động thái
tự nhiên trong tình huống này. Luật pháp yêu cầu một lời giải thích cụ thể, nếu
có yêu cầu của Công tố viện".
Vào ngày 27 tháng 4, 2014, Thủ tướng Hàn Quốc Chung
Hong-won đã thông báo quyết định từ chức vì bị chỉ trích về cách thức đối phó
với vụ chìm phà Sewol hôm 16 tháng 4, mà tính tới chiều ngày 26/04, ít nhất 187
người đã được xác định thiệt mạng và 115 người hiện vẫn đang mất tích. Chính
phủ Hàn Quốc đã bị phê phán nặng nề về thảm họa và cách thức xử lý chiến dịch
cứu hộ.
"Tôi xin lỗi vì đã không thể ngăn chặn vụ tai nạn này và không xử lý
thích hợp vụ việc sau đó". "Tôi tin rằng, là thủ tướng, tôi chắc chắn
phải nhận trách nhiệm và từ chức", ông Chung
Hong-won nói.
"Tôi thành thực hi vọng rằng người dân Hàn Quốc và gia đình các nạn
nhân vụ chìm phà Sewol sẽ tha thứ và hiểu cho tôi vì không thể hoàn thành nhiệm
vụ cho tới cùng. Một lần nữa tôi mong các bạn ủng hộ các chiến dịch cứu
hộ", Thủ tướng Hàn Quốc nhấn mạnh.
Ở Việt Nam, đất nước được bà Phó Chủ tịch nước
Nguyễn Thị Doan mô tả "dân chủ gấp vạn lần các nước dân chủ tư sản",
có những việc hiển nhiên, trách nhiệm rõ ràng, nhưng các quan chức bình chân
như vại. Sức ép dư luận không có hiệu quả gì.
Mùa lũ lụt miền Trung năm 2013 vừa qua, “các hồ chứa nước thủy điện xả lũ mà báo
trước quá gấp nên dân trở tay không kịp, nhiều gia đình chỉ kịp chạy tháo thân,
không kịp mang theo gì, tất cả tài sản bị nhấn chìm dưới nước”, theo lời
ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Gia Lai. Trong đợt này, hơn
năm chục mạng người bị lũ nhấn chìm.
Tờ Ðất Việt viết rằng:
“Ðã nhiều năm nay, miền Trung khốn khổ vì các nhà máy thủy điện, nhà máy
thủy điện xây tràn lan thiếu quy hoạch, dung tích hồ chứa nước bé, cứ đến mùa
mưa lũ chẳng còn cách nào khác là xả lũ xuống đầu dân ở hạ du. Nước trong hồ
chứa xả ra hòa lẫn với nước sông, dâng cao tràn vào làng xóm, giết hại dân
lành, nhấn chìm nhà cửa, hoa màu, thật là một tội ác âm thầm và êm thấm”.
“Không thể chấp nhận được việc xả lũ mà chính quyền địa phương và người
dân không biết. Phải điều tra, xử lý hình sự, không thể để hàng chục người chết
như thế, bao nhiêu tài sản bị thiệt hại mà không ai bị xử lý”, ông Nguyễn Văn Phúc đại biểu nhắc nói trong cuộc chất vấn tại quốc hội
ngày 19 tháng 11, 2013.
Nói là nói vậy thôi. Từ bấy đến nay, đã nửa năm trôi
qua, sự việc nghiêm trọng đến vậy mà bị chìm xuồng và coi như huề cả làng! Mạng
dân đen rẻ như mớ rau mớ cỏ! Cấp Bộ đổ lỗi cho cấp địa phương phê duyệt quy
hoạch, nhưng cấp địa phương lại phản pháo cho rằng không lãnh đạo địa phương
nào dám đặt bút ký quy hoạch thủy điện của địa phương nếu không có sự đồng
thuận của Bộ Công Thương và Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn.
Vụ sập cầu treo ở Lai Châu làm 8 người chết,
37 người bị thương là do ốc neo cáp bị làm ẩu. Tiền viện trợ ODA của chính phủ
Đan Mạch trôi theo nước. Quá dễ dàng điều tra xác minh ai là đơn vị thi công và
không ai khác ngoài Bộ trưởng Bộ Giao thông phải chịu trách nhiệm về hậu quả.
Thể nhưng sự việc cũng chìm vào im lặng đáng sợ!
Bao nhiêu scandal, từ các vụ thai phụ và thai nhi
chết do sự tắc trách của cán bộ y tế, không được chăm sóc thích ứng, bởi vì
không có phong bì bồi dưỡng; Các cháu nhỏ tiêm phải vacxin đểu dẫn tới tử vong;
Nạn dịch sởi làm hơn 120 trẻ nhỏ chết. Dư luận phẫn nộ trên mạng xã hội, một số
nguời giăng biểu ngữ trên đường phố đòi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từ
chức. Đúng ra, chuyện từ chức này là đuơng nhiên.
Nhưng trong bộ máy cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt
Nam không có văn hoá từ chức! Chẳng hề có Bộ trưởng nào có thể mất ghế vì sức
ép dư luận cả.
Ngay chuyện bỏ phiếu tín nhiệm ở một chính phủ dân
chủ là cốt để kiểm tra uy tín nhằm đưa đến quyết định buộc ai đó từ chức hay
không, thông thường được đưa ra bởi các đảng đối lập trong quốc hội. Quốc hội
Việt Nam cũng làm nhưng diễn trò hề với ba mức tín nhiện cao, tín nhiệm và tín
nhiệm thấp. Có nghĩa là bất kỳ ai cũng đều được tín nhiệm cả, chỉ cao hay thấp
mà thôi. Và rốt cuộc sau khi bỏ phiếu, tất cả đều tại vị. Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng khi nói đến từ chức đã khẳng định ông ta chẳng hề xin xỏ ai, mà chỉ thực
thi trách nhiệm của đảng phân công.
Mua quan bán chức là thông lệ trong hệ thống cầm
quyền ở Việt Nam hiện nay. Mỗi ghế Bộ trưởng đều đã đuợc trả giá, cao nhất là
ghế Bộ trưởng Giao thông, một nguồn tin đáng tin cậy cho tôi biết như thế. Thế
thì vốn liếng đầu tư chưa lấy đủ, hoặc đã lấy lại vốn rồi nhưng chưa có lãi,
làm sao có thể từ chức?
Vô
liêm sỉ, vô trách nhiệm, không có lòng tự trọng và bất lương là bản chất chung
của các quan chức cộng sản Việt Nam. Những thứ đó qua xa xỉ đối với những con
người mà chức vụ đi đôi với đồng tiền đã biến họ thành một thứ ma quỷ.
©
Lê Diễn Đức
No comments:
Post a Comment