BBC
Cập nhật: 08:42 GMT - thứ ba, 8 tháng 4,
2014
Một
nhà quan sát trong nước cho rằng việc trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ là quyết
định có lợi cho chính quyền Việt Nam trong vấn đề đối nội lẫn đối ngoại.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 8/4, nhà báo tự do Phạm
Chí Dũng nói ông "đặc biệt thú vị" trước tin ông Cù Huy Hà Vũ được
phóng thích.
Ông Dũng cho rằng điều này một phần là do tác động
từ chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman tại Hà Nội hồi
đầu tháng Ba năm nay và chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry hồi tháng 12
năm ngoái.
'Lợi ích
của nhà nước'
Bình luận về nguyên nhân dẫn đến việc ông Vũ được
trả tự do, ông Phạm Chí Dũng nói:
"Ông Cù Huy Hà Vũ thực chất theo tôi là một tù nhân không phải quá
căng thẳng đối với nhà nước."
"Đối với chính sách không được công bố của nhà nước Việt Nam hiện
nay, người ta chỉ muốn các tù nhân chính trị như ông Cù Huy Hà Vũ đi càng nhiều
càng tốt, đi được chừng nào thì nhà nước khỏe chừng đó."
"Hôm qua có một blogger kể với tôi là được công an gợi ý đi nước
ngoài. Công an phường nói với anh ta như thế này: "Thôi anh đi định cư ở
nước ngoài đi, anh ở đây bọn tôi cực quá, cứ hàng tuần, hàng tháng phải làm báo
cáo cho cấp trên. Anh đi thì bọn tôi khỏe"."
"Đó là một tâm lý đặc thù trong chính quyền Việt Nam hiện nay, khi
họ quản không được thì họ bắt, và khi bắt mà họ không thể làm công tác dân vận
được thì họ thả."
"Thế nhưng họ thả thì phải có lý do", ông Dũng nói, đồng thời
cho rằng việc ông Vũ bị nhiều căn bệnh như tim mạch và huyết áp là "lý do
nhà nước Việt Nam có thể dựa vào và để ông đi mà không phải quá căng
thẳng."
Nhận định về những lợi ích ở trong và ngoài nước mà
chính quyền Việt Nam có được trong việc trả tự do cho tiến sỹ Vũ, ông Dũng
nói:
"Một là đối với cộng đồng quốc tế, họ muốn cho thấy 'chúng tôi có
tôn trọng quyền con người và đã trả tự do cho tù nhân chính trị', dù họ chưa
bao giờ thừa nhận là ở Việt Nam có tù nhân chính trị cả."
"Thêm nữa là họ đáp ứng được một chút trong các khuyến nghị của các
nước thành viên trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Việt Nam đã tham gia
Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong năm 2013, và đã tham gia thì phải có
một chút tôn trọng, thay vì sự thiếu tôn trọng như trước đây."
"Đối với trong nước thì tất nhiên họ có thể lấy lòng được một số dân
chúng, đặc biệt là trong giới bất đồng chính kiến và giới dân chủ, làm cho
người ta có một chút niềm tin đối với chế độ."
"Đối với chế độ hiện nay, niềm tin của dân chúng và các tầng lớp là
rất quan trọng, không có niềm tin thì mọi thứ sẽ rất dễ bị sụp đổ."
Chủ
trương về lâu dài?
"Thế nhưng nói như dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của
Hạ viện Hoa Kỳ, thì vẫn còn vô số tù nhân lương tâm đang ngồi trong những nhà
tù của Việt Nam. Danh sách những người này không được công bố trước quốc
tế," ông Dũng nói.
"Ngoài ông Cù Huy Hà Vũ ra, đó là những người chịu phải chịu khổ nạn
nhiều nhất và cần được phóng thích trong thời gian sớm nhất."
Trả lời câu hỏi của BBC về việc quyết định trả tự do
cho ông Cù Huy Hà Vũ có nói lên một chủ trương gì về lâu dài hay không, ông
Dũng nói:
"Tôi cho đó là tín hiệu, còn về một chủ trương thì tôi chưa chắc
chắn."
"Tất cả đã bắt nguồn từ chuyến đi của ông John Kerry qua Việt Nam.
Đó là chuyến đi quan trọng thứ hai, tiếp nối cho chuyến đi của ông Trương Tấn
Sang với Tổng thống Barack Obama tại Washington. Điều đó đã mở ra một mối quan
hệ mà tôi cho là tương đối ổn thỏa giữa hai nước."
"Thời gian này, bên cạnh việc ông Cù Huy Hà Vũ được trả tự do, còn
có hai sự kiện đáng chú ý, là việc ông Đinh Đăng Định được đặc xá, dù đó là một
quyết đinh đặc xá quá muộn màng. Thứ hai là tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Cầu,
một đại úy của quân lực Việt Nam Cộng hòa được đặc xá sau 37 năm trong nhà tù
của chế độ."
"Đó là những tín hiệu mới mà những năm trước chưa bao giờ xảy ra
trước đây và chúng ta có thể coi là những tín hiệu cho một lộ trình có tính mở
hơn trong thời gian tới."
"Nhưng mở đến thế nào thì sẽ còn tùy thuộc vào vấn đề Hiệp định Đối
tác xuyên Thái Bình Dương."
------------------------
BBC
Cập nhật: 02:09 GMT - thứ ba, 8 tháng 4,
2014
Nhà
bất đồng chính kiến, Tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ vừa được chính
quyền Việt Nam phóng thích và đã sang Hoa Kỳ chữa bệnh.
Ông Vũ đang thực hiện án tù 7 năm vì tội
Tuyên truyền chống nhà nước XHCN theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự trước
khi được trả tự do.
Các nguồn tin cho hay ông đã được thả tù dịp
cuối tuần rồi và được chuyển từ trại giam ở Thanh Hóa ra sân bay Nội
Bài, Hà Nội, để sang Mỹ.
Một nguồn tin nói với BBC ông Cù Huy Hà Vũ
và vợ ông, bà Nguyễn Thị Dương Hà, "đã tới Washington DC hôm thứ
Hai 7/4".
Hãng thông tấn Associated Press dẫn lời ông
Aaron Jensen, phát ngôn nhân của Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao
động thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nói: "Hoa
Kỳ hoan nghênh quyết định của nhà chức trách Việt Nam trả tự do cho
tù nhân lương tâm, Tiến sỹ Cù Huy Hà Vũ".
Ông Jensen nói ông Vũ và vợ đã quyết định
sang Mỹ sau khi ông được phóng thích.
Từ đầu tháng Ba đã xuất hiện thông tin về
việc ông Cù Huy Hà Vũ "sang Mỹ chữa bệnh".
Thiếu tướng Lê Đình Luyện, Chánh văn phòng Thường
Trực Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ, nói trong chương trình 'Việt
Nam 7 ngày' của kênh truyền hình đối ngoại VTV4 hôm 1/3 rằng chính
quyền đã "cho Sứ quán Mỹ gặp Cù Huy Hà Vũ và làm các thủ tục để cho Cù
Huy Hà Vũ được xuất cảnh đi Mỹ để chữa bệnh theo nguyện vọng cá nhân".
Bệnh
về huyết áp
Trong một cuộc nói chuyện với BBC sau đó, bà
Nguyễn Thị Dương Hà cho hay đề xuất cho TS Cù Huy Hà Vũ, người bị
vấn đề về huyết áp, sang Hoa Kỳ đã được đưa ra từ năm ngoái trong
một số tiếp xúc của giới chức Việt Nam và Mỹ.
"Tháng Chín 2013, tôi cũng từng được nghe
gợi ý xin cho chồng tôi đi Mỹ."
Lúc đó, theo bà Dương Hà, ông Cù Huy Hà Vũ
đã khước từ đề nghị này.
Thế nhưng nay dường như ông đã chấp nhận phương
án ra nước ngoài.
Ông Cù Huy Hà Vũ, sinh năm 1957, là tiến sỹ
luật đào tạo tại Pháp.
Ông là con trai của nhà thơ Huy Cận, một vị công
thần của chế độ, và là con nuôi của thi sỹ lừng danh Xuân Diệu.
Bị bắt ngày 5/11/2010 tại TP Hồ Chí Minh, ông Cù
Huy Hà Vũ bị khởi tố trong cùng tháng về tội Tuyên truyền chống Nhà nước
CHXHCN Việt Nam. Ông Vũ trước khi xuất cảnh đang thi hành án tù 7 năm theo
phán quyết của tòa sơ thẩm ngày 4/4/2011.
Phiên tòa phúc thẩm vào tháng 8/2011 giữ nguyên
bản án đối với ông.
Ngoài ông Vũ, Việt Nam còn giam giữ hàng trăm
người khác mà các tổ chức nhân quyền hải ngoại liệt vào diện tù
nhân lương tâm.
Chính quyền Hà Nội luôn luôn bác bỏ cáo
buộc, nói rằng ở trong nước "không có tù chính trị mà chỉ có
những người vi phạm pháp luật" Việt Nam.
No comments:
Post a Comment