Mặc Lâm,
biên tập viên RFA, Bangkok
2014-04-21
2014-04-21
16 người Duy Ngô Nhĩ nhập cảnh trái phép vào Việt
Nam qua cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà ngày 18 tháng 4 và gây ra cái
chết cho 7 người cùng 4 người bị thương, trong đó, phía bộ đội biên phòng
VN có 2 chết, 4 bị thương, phía nhóm người Tân Cương có 5 người chết.
Cái chết của 2 bộ đội biên phòng Việt Nam và 5 người
Duy Ngô Nhĩ đang làm dư luận nóng lên trên báo chí. Việc cướp súng và bắn vào
biên phòng là hành vi xâm phạm luật pháp Việt Nam với mức độ cao nhất. Giết
người, xâm phạm lãnh thổ bất hợp pháp và cố ý gây thương tích cho người thi
hành công vụ là các tội danh mà những người Duy Ngô Nhĩ này phải trả lời trước
pháp luật Việt Nam.
Vội vã
trục xuất không xét xử nghi phạm tấn công đồn biên phòng
Tuy nhiên dư luận rất bất bình khi tất cả những
người Duy Ngô Nhĩ gồm 5 đàn ông 4 phụ nữ và 2 trẻ em cùng cả 5 xác chết đã
nhanh chóng được trao trả về bên kia biên giới khi đích thân cán bộ cửa khẩu
Trung Quốc sang Việt Nam dẫn độ họ.
Câu
hỏi đặt ra, tại sao Việt Nam không có những hành xử đúng pháp luật như tất cả
các nước khác trên thế giới? Bất cứ vụ án lớn nhỏ nào xảy
ra trên đất nước mà người vi phạm là công dân ngoại quốc cần phải được xét xử
trước khi có quyết định trao trả họ về nguyên quán dưới hình thức trục xuất,
hoặc bắt buộc họ phải thi hành án tại nước họ gây án rồi sau đó mới trục xuất.
Hành động tống khứ những người Duy Ngô Nhĩ về Trung
Quốc chỉ trong 12 tiếng sau khi vụ án xảy ra được GSTS Nguyễn Minh Thuyết
nguyên đại biểu quốc hội Việt Nam phân tích:
-Tôi cũng rất thắc mắc với việc này bởi vì khi mà
sự việc đó xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam thì trước hết phía Việt Nam phải xử lý
đã. Có thể bàn giao thi thể của người đã chết về cho phía Trung Quốc sau khi đã
khám nghiệm, đã lập biên bản còn những người còn lại thì phải xử lý theo pháp
luật Việt Nam. Mình không thể trả một cách vội vàng như vậy. Sau khi xử lý xong
ở phía Việt Nam thì trả họ về hay không hoặc là phía Trung Quốc có tiếp tục xử
lý họ hay không thì đấy lại là chuyện khác.
Một thiếu tá và một thiếu úy thuộc lực lượng biên
phòng Việt Nam đã thiệt mạng trong vụ nổ súng tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh,
huyện Hải Hà. Source zing.vn/ttre
Hiện tượng người Duy Ngô Nhĩ đào tỵ khỏi đất nước
không phải là điều mới lạ. Đất đai, văn hóa, tài nguyên kể cả tôn giáo của họ
đã và đang tiếp tục bị Trung Quốc chiếm dụng, tha hóa và cấm đoán. Họ sống
trong sợ hãi và luôn phải đối diện với bạo lực xảy ra trong bất cứ lúc nào.
Người Duy Ngô Nhĩ cùng với Tây Tạng là hai sắc dân
bị Trung Quốc đàn áp mạnh mẽ không hề ngưng nghỉ và sự chống đối của hai dân
tộc này đang làm nhức nhối thế giới trước những cái chết thương tâm của họ.
Chính sách Hán hóa vùng Tân Cương của Trung quốc lên
tới cực điểm đã nổ ra xung đột đẫm máu làm cho gần 200 người chết tại Urumqi,
thủ phủ của Tân Cương và sau đó kéo theo các vụ sách nhiễu, trả thù và đàn áp
người Duy Ngô Nhĩ một cách dã man đã làm cho sắc dân này bùng lên phản kháng
mạnh mẽ. Các vụ tấn công công an Trung Quốc và những nhóm dân quân do Trung
Quốc lập ra đã khiến hàng trăm người chết cùng hàng trăm người khác bị bắt giam
vẫn liên tiếp làm cho người Duy Ngô Nhĩ tháo chạy ra khỏi vùng đất của tổ tiên
họ.
Nếu người dân Tây Tạng chống lại Trung Quốc bằng
hình thức tự thiêu thì người Duy Ngô Nhĩ chấp nhận dùng máu của mình ra để đổi
lấy tự do. Bạo động chống lại người Hán tại Tân Cương đã khiến Trung Quốc có cơ
hội lên án họ là khủng bố, tuy nhiên với kết quả điều tra của các tổ chức nhân
quyền quốc tế thì chính nhà nước Trung Quốc mới là tác nhân gây ra các vụ bạo
động đó.
Điển hình cho các tranh cãi này là vụ 213 người Duy
Ngô Nhĩ xin tỵ nạn chính trị tại Thái Lan vào tháng 3 vừa qua đã gây tranh luận
về vấn đề này và quốc tế trong đó có Hoa Kỳ đã buộc Thái Lan không được trục
xuất họ về Trung Quốc. Cao Ủy tị nạn UNHCR tại Thái Lan đang giải quyết tình
trạng di dân của họ thông qua ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có cùng tiếng nói
như người Duy Ngô Nhĩ.
Giới chức Thái Lan nói với RFA về vụ này rằng họ
đang xác minh xem những người Duy Ngô Nhĩ đó có bị buôn bán hay là chạy trốn do
bị đàn áp. Một khi hồ sơ hoàn tất họ sẽ được di dân sang nước thứ ba. Hiện nay
đa số đã được công nhận bởi Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc.
Khác với Thái Lan, các nước Campuchia, Lào và
Malaysia đã không chấp nhận cho người Duy Ngô Nhĩ được sự bảo vệ của Cao Ủy
LHQ. Tháng 12 năm 2009 Campuchia trục xuất 20 người Duy Ngô Nhĩ ngay cả khi họ
nhận được giấy công nhận của UNHCR và sau đó Lào cũng giải giao cho Trung Quốc
hai người còn lại. Malaysia thì trục xuất 6 người về lại Trung Quốc vào năm
2012 bất kể UNHCR đã cấp quy chế cho họ.
Để trả công cho những hành động này, Campuchia nhận
được hơn 1 tỷ đô la viện trợ của Trung Quốc, Lào được hứa sẽ nhận đầu tư cho
đường sắt, chỉ có Malaysia là không nhận được gì khi trả họ về lại đất nước mà
họ chạy trốn. Đổi lại Malaysia đã nhận không ít lời lên án của quốc tế trong đó
có EU và Hoa kỳ.
Giáo
sư Calr Thayer nói về việc Campuchia trục xuất người Duy Ngô Nhĩ
về lại Trung Quốc như sau:
- Trường hợp này cũng giống như Cambodia trước đây,
Trung Quốc muốn trừng phạt những người này. Trung Quốc rất sợ khi những người
Duy Ngô Nhĩ vượt thoát ra nước ngoài họ sẽ tiếp tục tổ chức việc chống Trung
Quốc và họ sẽ tố cáo những hành động của Trung Quốc tại Tân Cương cho thế giới
biết. Họ trốn sang Việt Nam là để tiếp tục sang một nước khác và nếu để lâu tại
Việt Nam không có gì bảo đảm rằng tin tức sẽ không lọt ra ngoài và vì vậy cần
phải mang họ về Trung Quốc gấp.
Việc bảo
vệ biên giới
Phản ứng của người Duy Ngô Nhĩ tại cửa khẩu Bắc
Phong Sơn là điều dễ hiểu khi họ biết rằng bị trao trả cho Trung Quốc đồng
nghĩa với trở về địa ngục và sẽ chết trong địa ngục ấy. Cướp súng bắn lại biên
phòng, nhảy lầu chạy trốn là phản ứng tuyệt vọng, không ai muốn. Chỉ có bộ đội
Việt Nam thiếu kinh nghiệm khi làm hồ sơ trục xuất mà không hiểu cảm giác của
nạn nhân như thế nào.
Bộ đội biên phòng Việt Nam lơ là đến nỗi bị cướp mất
vũ khí là sai lầm rất lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Giống với năm 1979,
quân đội không ngờ được sự tấn công của Trung Quốc vào Lạng Sơn vì cứ nghĩ tình
nghĩa hai đảng sẽ không có chiến tranh xảy ra và cơn đột biến tình nghĩa ấy đã
lấy đi sinh mạng của hàng chục ngàn người.
Giấu diếm các tin tức xấu của Trung Quốc, không cập
nhật tình hình chính trị, xáo trộn và bất mãn của người dân Duy Ngô Nhĩ cũng
như Tây Tạng đến với toàn quân đã khiến quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục ngủ
quên trên tư duy bạn bè đồng chí một lần nữa.
Khi vụ việc cướp súng giết bộ đội đã bùng ra trên hệ
thống truyền thông đại chúng nhưng người trách nhiệm vẫn không công nhận họ là
người Duy Ngô Nhĩ mặc dù quần áo, tướng mạo của họ đã cho biết điều ấy. Tuyên
bố này cho thấy hai điều: nếu người phát ngôn không thể phân biệt người Duy Ngô
Nhĩ và Trung Quốc khác nhau thế nào chứng tỏ hệ thống tình báo Việt Nam quá chủ
quan. Ngược lại nếu biết nhưng vẫn cố tình đánh đồng sự việc nhằm nhanh chóng
bàn giao những người này cho Trung Quốc để lấy điểm thì Việt Nam đã tán đồng
hành vi đàn áp người Duy Ngô Nhĩ trong đất nước của họ.
Hai bộ đội bị giết do sự khủng hoảng của người Duy
Ngô Nhĩ không phải là nhiều nhưng bức tranh đổ máu vì chủ quan ấy cần phải được
sửa sai triệt để nếu không sẽ còn nhiều vụ Duy Ngô Nhĩ khác khi họ tràn vào
Việt Nam mà không mang trang phục của người Hồi giáo.
No comments:
Post a Comment