Ưu thế năng lượng của Mỹ:
Robert D. Blackwill và Meghan L.
O’Sullivan
Tạp chí Foreign Affairs, tháng 3 & 4/2014
Phạm Vũ Lửa Hạ
lược dịch
25/03/2014
Cuộc khủng hoảng tại bán đảo Crimea một lần nữa
khiến thế giới lo ngại về khả năng xảy ra cuộc chiến khí đốt, và hâm nóng cuộc
tranh luận về ngoại giao dầu khí. Khi cân nhắc các biện pháp trừng phạt đối với
Nga, Liên hiệp Châu Âu và Mỹ không thể bỏ qua các hệ quả liên quan của nguồn
cung năng lượng từ Nga dành cho Ukraine nói riêng và Châu Âu nói chung. Xin trích
dịch giới thiệu bài viết sau đây để cung cấp một góc nhìn về các tác động địa
chính trị của sự bùng nổ năng lượng ở Mỹ gần đây.
-----------------
Chỉ cách đây 5 năm, nguồn
cung dầu của thế giới tưởng chừng sắp chạm đỉnh, và do sản lượng khí đốt truyền
thống giảm ở Mỹ, dường như Mỹ sẽ phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu giá đắt. Nhưng
từ đó đến nay, những tiên đoán đó hóa ra vô cùng sai lầm. Hoạt động sản xuất
năng lượng toàn cầu đã bắt đầu chuyển hướng khỏi các nước cung cấp truyền thống
ở khu vực Á-Âu (Eurasia) và Trung Đông, khi các hãng sản xuất khai thác các
nguồn tài nguyên dầu khí không truyền thống trên thế giới, từ những vùng biển
của Úc, Brazil, Châu Phi và Địa Trung Hải tới các mỏ dầu cát ở Alberta, Canada.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng lớn nhất đã diễn ra ở Mỹ, nơi các hãng sản xuất tận
dụng hai công nghệ mới trở nên thiết thực để khai thác các tài nguyên từng bị
xem là không khả thi về mặt thương mại: kỹ thuật khoan chiều ngang (horizontal
drilling) cho phép giếng khoan đi xuyên qua những phiến đá nằm sâu dưới
đất, và kỹ thuật dập vỡ bằng thủy lực (hydraulic fracturing, hay fracking)
bơm chất lỏng áp lực cao để chiết tách khí và dầu ra khỏi các thành hệ địa
chất.
Kết quả là sự gia tăng
đáng kể về sản xuất năng lượng. Từ năm 2007 đến năm 2012, sản lượng khí đốt từ
đá phiến của Mỹ tăng hơn 50% mỗi năm, và tỉ lệ của nó trong tổng sản lượng khí
đốt của Mỹ đã tăng từ 5% lên đến 39%. Các trạm đầu mối trước đây nhằm mục đích
đưa khí đốt hóa lỏng (LNG) nhập ngoại đến với người tiêu dùng ở Mỹ nay đang
được cải tạo để xuất khẩu LNG của Mỹ ra nước ngoài. Từ năm 2007 đến năm 2012,
kỹ thuật dập vỡ bằng thủy lực cũng đã giúp tăng 18 lần sản lượng dầu chặt nhẹ
(light tight oil), loại dầu chất lượng cao có trong đá phiến hay sa thạch có
thể chiết tách bằng fracking. Sự bùng nổ này đã đảo ngược được chiều hướng sút
giảm từ lâu về sản lượng dầu thô của Mỹ; sản lượng này đã tăng 50% từ năm 2008
đến 2013. Nhờ những diễn biến này, Mỹ hiện nay sắp sửa trở thành một siêu cường
quốc năng lượng. Năm ngoái, Mỹ qua mặt Nga để chiếm vị trí nước sản xuất năng
lượng hàng đầu thế giới, và theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA),
Mỹ sẽ qua mặt Saudi Arabia để thành nước sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới.
Gần đây đã có nhiều bài
viết về việc khám phá các mỏ dầu khí mới trên thế giới, nhưng các nước khác sẽ
khó lặp lại thành công của Mỹ. Cuộc cách mạng fracking đòi hỏi không chỉ có đặc
điểm địa chất thuận lợi; mà còn cần có giới đầu tư tài chính dám chấp nhận rủi
ro, có hệ thống quyền sở hữu tài sản cho phép chủ đất khai thác các tài nguyên
dưới đất, mạng lưới cung cấp dịch vụ và cơ sở hạ tầng phân phối, và một cơ cấu
ngành công nghiệp với hàng ngàn doanh nghiệp chứ không phải chỉ một công ty dầu
quốc doanh duy nhất. Tuy nhiều nước có đặc điểm địa chất phù hợp, ngoại trừ
Canada, không có nước nào có môi trường công nghiệp thuận lợi như ở Mỹ.
Cuộc cách mạng năng lượng
của Mỹ không chỉ có những tác động thương mại, mà còn có những hệ quả địa chính
trị sâu rộng. Các bản đồ thương mại năng lượng toàn cầu đang được vẽ lại khi
lượng nhập khẩu của Mỹ tiếp tục giảm xuống và các nhà xuất khẩu tìm ra các thị
trường mới. Ví dụ, phần lớn dầu của Tây Phi hiện nay xuất sang Châu Á, thay vì
sang Mỹ. Và khi sản lượng của Mỹ tiếp tục tăng lên, điều đó sẽ gây áp lực giảm
giá dầu và khí đốt trên toàn cầu, do đó giảm ưu thế địa chính trị mà một số
nước cung cấp năng lượng đã có trong nhiều thập niên. Phần lớn các nước sản
xuất năng lượng không có nền kinh tế đa dạng hóa, ví dụ như Nga và các chế độ
quân chủ ở Vùng Vịnh, sẽ thua thiệt, trong khi các nước tiêu thụ năng lượng,
chẳng hạn Trung Quốc, Ấn Độ, và các nước Châu Á khác, sẽ được lợi.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ được lợi
nhiều nhất. Kể từ năm 1971, khi sản lượng dầu của Mỹ đạt tới mức cao nhất, năng
lượng đã được xem là gánh nặng chiến lược của Mỹ, với nhu cầu ngày càng tăng
của Mỹ đối với các nhiên liệu hóa thạch có giá cả phải chăng mà đôi khi khiến
Mỹ phải có những liên minh không phù hợp và các nghĩa vụ phức tạp ở nước ngoài.
Nhưng logic đó đã bị đảo lộn, và nguồn năng lượng mới được khai thác sẽ thúc đẩy
kinh tế Mỹ và giúp Washington có được ưu thế mới trên thế giới
Giá cả hợp lý
Dù luôn khó tiên đoán
tương lai của các thị trường năng lượng toàn cầu, ảnh hưởng chính mà cuộc cách
mạng năng lượng Bắc Mỹ sẽ mang lại hiện đang thể hiện rõ: nguồn cung năng lượng
toàn cầu sẽ tiếp tục tăng và đa dạng hóa. Các thị trường khí đốt sẽ là nơi đầu
tiên cảm nhận tác động này. Trong quá khứ, giá khí đốt chênh lệch rất lớn giữa
ba thị trường khác biệt Bắc Mỹ, Châu Âu, và Châu Á. Ví dụ, vào năm 2012, giá
khí đốt ở Mỹ là 3 Mỹ kim / triệu BTU, còn ở Đức là 11 Mỹ kim và ở Nhật là 17 Mỹ
kim.
Xu hướng giá khí đốt tại các thị trường lớn (Nhật –
Japan, UK – Vương quốc Anh, và US – Mỹ).
Nguồn: U.S. Energy Information Administration, dựa
trên theo Bloomberg, L.P.
Nhưng khi Mỹ chuẩn bị sản
xuất và xuất khẩu khí đốt hóa lỏng (LNG) với số lượng nhiều hơn, các thị trường
đó sẽ ngày càng hội nhập hơn. Hiện giới đầu tư đã xin chính phủ phê duyệt hơn
20 dự án xuất khẩu LNG ở Mỹ. Bất luận cuối cùng sẽ có bao nhiêu dự án được thực
hiện, lượng xuất khẩu từ các dự án này sẽ làm tăng đáng kể lượng LNG hiện đang
có ở những nơi khác. Úc sắp qua mặt Qatar để thành nước cung cấp LNG lớn nhất
thế giới; đến năm 2020, lượng xuất khẩu tính chung Mỹ và Canada sẽ gần bằng với
công suất LNG hiện tại của Qatar. Dù sự hội nhập của các thị trường khí đốt Bắc
Mỹ, Châu Âu, và Châu Á sẽ cần nhiều năm đầu tư cơ sở hạ tầng và, ngay cả khi
đó, kết quả sẽ không hợp nhất bằng thị trường dầu toàn cầu, sản lượng gia tăng
sẽ góp phần gây áp lực giảm giá khí đốt ở Châu Âu và Châu Á trong những thập
niên sắp tới.
Hệ quả địa chính trị khả
dĩ quan trọng nhất của sự bùng nổ năng lượng ở Bắc Mỹ là sự gia tăng sản lượng
dầu Mỹ và Canada có thể gây xáo trộn về giá dầu toàn cầu – giá có thể giảm ít
nhất 20%. Hiện nay, giá dầu chủ yếu do Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu (OPEC)
quyết định; tổ chức này quản lý sản lượng ở các nước thành viên. Khi có những
xáo trộn bất ngờ về sản xuất, các nước OPEC (chủ yếu Saudi Arabia) cố bình ổn
giá bằng cách tăng sản lượng, làm giảm công suất dư thừa trên toàn cầu. Khi
công suất dư thừa giảm xuống dưới mức 2 triệu thùng mỗi ngày, thị trường hoảng
loạn, và giá dầu có xu hướng tăng lên. Khi thị trường thấy công suất dư thừa
tăng lên trên mức khoảng 6 triệu thùng mỗi ngày, giá có xu hướng giảm xuống.
Trong khoảng 5 năm qua, các nước thành viên OPEC đã cố gắng cân đối giữa nhu
cầu cần tăng ngân sách của mình với nhu cầu cần cung cấp đủ lượng dầu để nền
kinh tế toàn cầu tiếp tục vận hành trơn tru, và họ đã cố gắng giữ được giá dầu
ở mức khoảng từ 90 đến 110 Mỹ kim mỗi thùng.
Khi có thêm dầu Bắc Mỹ
tràn ngập thị trường, khả năng của OPEC trong việc kiểm soát giá sẽ bị thách
thức. Theo dự báo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, từ năm 2012 đến 2020,
mỗi ngày Mỹ dự kiến sẽ sản xuất thêm hơn ba triệu thùng dầu mới và các nhiên
liệu lỏng khác, chủ yếu từ dầu chặt nhẹ (light tight oil). Những khối lượng mới
này, cộng với các nguồn cung mới từ Iraq và những nơi khác, có thể làm tràn
ngập nguồn cung, khiến giá giảm xuống – nhất là khi nhu cầu sử dụng dầu toàn
cầu giảm đi do hiệu quả tăng lên hoặc tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nếu vậy,
OPEC có thể khó giữ được kỷ cương trong các nước thành viên; hiếm có nước thành
viên nào chịu hạn chế sản xuất dầu trong khi các đòi hỏi xã hội phát sinh nhiều
hơn và tình trạng bất định chính trị tăng lên. Giá dầu giảm liên tục sẽ làm sút
giảm nguồn thu mà họ cần để trang trải những khoản chi tiêu của mình.
Robert D. Blackwill là nghiên cứu viên cao cấp hàm
Henry A. Kissinger về chính sách đối ngoại Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại
(Council on Foreign Relations). Meghan L. O’sullivan là giáo sư thực hành hàm
Jeane Kirkpatrick về các vấn đề quốc tế tại Trường Quản lý Nhà nước Kennedy
thuộc Đại học Harvard. Bà cũng tư vấn cho các công ty năng lượng về rủi ro địa
chính trị. Cả hai đều làm việc cho Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trong chính
quyền của tổng thống George W. Bush.
Nguồn: Robert D. Blackwill and Meghan L.
O’Sullivan, America’s
Energy Edge – The Geopolitical Consequences of the Shale Revolution, Foreign Affairs, March/April 2014 Issue
Bản tiếng Việt ©
2014 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bài lược dịch, ký tên
Khương An, đã đăng 2 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 12 &
19/3/2014.)
--------------------------------------
Ưu thế năng lượng của Mỹ:
Robert D. Blackwill và Meghan L.
O’Sullivan
Tạp chí Foreign Affairs, tháng 3 & 4/2014
Phạm Vũ Lửa Hạ
lược dịch
31/03/2014
Ai lợi, ai thiệt?
Nếu giá dầu giảm và ở mức
thấp, chính phủ của mỗi nước lệ thuộc vào nguồn thu từ dầu sẽ gặp áp lực. Những
nước gặp gay go sẽ gồm Indonesia và Việt Nam ở Châu Á; Kazakhstan và Nga ở vùng
Á-Âu; Colombia, Mexico, và Venezuela ở Châu Mỹ Latinh; Angola và Nigeria ở Châu
Phi; và Iran, Iraq, và Saudi Arabia ở Trung Đông. Khả năng chịu đựng giảm nguồn
thu ngân sách của những nước này sẽ khác nhau và phần nào tùy thuộc giá ở mức
thấp trong bao lâu. Ngay cả khi giá giảm nhẹ hơn, số lượng tăng lên và tính đa
dạng của nguồn cung dầu sẽ có lợi cho giới sử dụng năng lượng trên toàn cầu.
Những nước thích dùng nguồn cung năng lượng của mình cho các mục đích chính
sách đối ngoại – thường là theo những cách đi ngược lại lợi ích của Mỹ – sẽ có
ảnh hưởng ít hơn.
Trong tất cả những chính
phủ có thể bị ảnh hưởng nặng nề, Moscow sẽ bị thiệt nhiều nhất. Dù Nga có trữ
lượng lớn dầu đá phiến mà nước này rốt cuộc có thể khai thác, biến chuyển về
nguồn cung toàn cầu sẽ khiến nước này suy yếu trong ngắn hạn. Lượng khí đốt từ
Bắc Mỹ tràn ngập thị trường sẽ không hoàn toàn giải phóng các nước khác ở Châu
Âu khỏi ảnh hưởng của Nga, vì Nga sẽ vẫn là nước cung cấp năng lượng lớn nhất
châu lục này. Nhưng các nhà cung cấp mới sẽ giúp khách hàng Châu Âu có ưu thế
mà họ có thể dùng để thương lượng các điều khoản tốt hơn với các nhà sản xuất
Nga, như họ đã làm được trong năm 2010 và 2011. Châu Âu sẽ được lợi nhiều nhất
từ sự thay đổi này nếu họ hội nhập hơn nữa thị trường khí đốt của mình và xây
thêm nhiều trạm đầu mối LNG để nhập khí đốt; những nước đi như vậy có thể giúp
Châu Âu ngăn chận các cuộc khủng hoảng như đã từng xảy ra khi Nga cắt nguồn
cung khí đốt cho Ukraine vào năm 2006 và 2009. Việc khai thác các tài nguyên đá
phiến của chính Châu Âu sẽ càng hỗ trợ hơn nữa.
Trong khi đó, tình trạng
giá dầu giảm giá kéo dài có thể gây bất ổn cho hệ thống chính trị của Nga. Ngay
cả với mức giá hiện nay gần 100 Mỹ kim mỗi thùng, Điện Kremlin đã giảm các dự
báo chính thức của mình về tỉ lệ tăng trưởng kinh tế hàng năm trong thập niên
sắp tới xuống còn khoảng 1,8% và bắt đầu cắt giảm ngân sách. Nếu giá giảm thêm
nữa, Nga có thể dùng hết quỹ bình ổn của mình, buộc nước này phải có những cắt
giảm ngân sách khắc nghiệt. Ảnh hưởng của tổng thống Nga Vladimir Putin có thể
giảm đi, mở ra các cơ hội mới cho các đối thủ chính trị của ông trong nước và
khiến Moscow có vẻ yếu đuối ở nước ngoài.
Dù phương Tây có thể hoan
nghênh chuyện Nga gặp căng thẳng như vậy, một nước Nga yếu hơn sẽ không nhất
thiết đồng nghĩa với một nước Nga ít thách thức hơn. Moscow hiện đã cố gắng bù
đắp cho những tổn thất ở Châu Âu bằng cách thâm nhập sâu hơn vào Châu Á và thị
trường LNG toàn cầu, và Nga sẽ có đủ lý do để tích cực chống lại các nỗ lực của
Châu Âu nhằm khai thác tài nguyên của Châu Âu. Thực vậy, báo chí thuộc nhà nước
của Nga, công ty khí đốt quốc doanh Gazprom, và cả bản thân Putin đã cảnh báo
về những nguy cơ môi trường của việc fracking ở Châu Âu – mà theo lời của
tờ The Guardian là “một hiện tượng kỳ lạ ở một nước thường đặt các
mối quan ngại sinh thái ở mục cuối cùng trong nghị trình”. Để ngăn cản Châu Âu
đầu tư vào cơ sở hạ tầng cần cho nhập khẩu LNG, Nga cũng có thể chủ động cung
cấp khí đốt cho khách hàng Châu Âu với các điều khoản thuận lợi hơn, như đã làm
với Ukraine vào cuối năm 2013. Đáng kể hơn, nếu giá năng lượng thấp làm Putin
suy yếu và tăng sức mạnh cho thêm nhiều lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở nước này,
Nga có thể tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực theo những cách
trực tiếp hơn – thậm chí bằng cách phô trương sức mạnh quân sự.
Trong khi đó, những nước
sản xuất năng lượng ở Trung Đông cũng sẽ mất tầm ảnh hưởng. Với tư cách là nước
lâu năm kiểm soát công suất dư thừa của OPEC, Saudi Arabia đáng được chú ý đặc
biệt. Nước này hiện đang đối mặt với những khó khăn ngân sách ngày càng tăng.
Khi biến cố Mùa xuân Ả Rập xảy ra, nước này phản ứng bằng cách tăng chi tiêu
công cộng trong nước và hào phóng hỗ trợ kinh tế và an ninh cho các chế độ
Sunni khác trong khu vực. Do đó, kể từ năm 2008, mức giá dầu cần để cân bằng
ngân sách của vương quốc này đã tăng hơn 40 Mỹ kim mỗi thùng lên đến gần 90 Mỹ
kim trong năm 2014, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đồng thời sẽ có thêm áp lực từ
dân số rất trẻ của nước này vốn đang đòi hỏi có học vấn, y tế, cơ sở hạ tầng,
và việc làm tốt hơn. Và do nhu cầu năng lượng nội địa rất lớn tiếp tục tăng lên,
đến khoảng năm 2020 nước này sẽ bắt đầu tiêu thụ năng lượng nhiều hơn mức xuất
khẩu, nếu các xu hướng hiện nay giữ nguyên. Riyadh hiện đang cố gắng cật lực để
đa dạng hóa nền kinh tế. Nhưng sự sụt giảm giá dầu kéo dài sẽ thử thách khả
năng của chế độ này trong việc duy trì các dịch vụ công làm nền tảng cho tính
chính danh của chế độ. Các nước Trung Đông khác – trong đó có Algeria, Bahrain,
Iraq, Libya, và Yemen – hiện đang chi xài vượt quá giới hạn của các mức giá cân
bằng ngân sách của họ.
Hiện đang chao đảo do áp
lực của các biện pháp trừng phạt kinh tế và nhiều năm quản lý kinh tế sai lầm,
Iran có thể đối mặt với các thách thức có thể còn trầm trọng hơn. Nước này xếp
thứ tư thế giới về sản lượng dầu khí, và dựa vào nguồn cung năng lượng của mình
để gây ảnh hưởng trong khu vực. Nhưng trong tất cả các thành viên OPEC, Iran có
mức giá cân bằng ngân sách cao nhất: hơn 150 Mỹ kim mỗi thùng. Dù có thể giá
dầu thấp hơn sẽ làm suy giảm hơn nữa tính chính danh của chế độ và do đó mở
đường cho các lãnh tụ ôn hòa hơn, số phận của những cuộc cách mạng gần đây ở
Trung Đông, cũng như các phân hóa sắc tộc, tôn giáo và những tình trạng phân
hóa khác của chính Iran khiến ta không quá lạc quan đến thế.
Các tác động ròng đối với
Mexico thì ít rõ ràng hơn. Do sản lượng dầu của mình giảm sút và sự quá lệ
thuộc vào dầu để có nguồn thu ngân sách, Mexico rất có thể bị tổn hại nếu giá
dầu giảm. Nỗ lực gần đây nhằm thực hiện các cải cách năng lượng có thể giúp
Mexico tăng sản lượng đủ để khắc phục các ảnh hưởng của giá dầu thế giới thấp
hơn. Tuy nhiên, nếu muốn làm vậy, thì chính phủ cần phải xúc tiến thực thi luật
cải cách thông qua hồi tháng 12. Mexico sẽ phải thực thi luật pháp thuận lợi
hơn cho đầu tư tư nhân vào ngành năng lượng ở nước này – trong đó có các tài
nguyên đá phiến của mình – và đẩy nhanh việc cải tổ công ty dầu quốc doanh
Pemex.
Khác với các nước sản
xuất năng lượng, các nước tiêu thụ sẽ hoan nghênh cuộc cách mạng năng lượng.
Sản lượng gia tăng của Bắc Mỹ đã giúp giảm sốc cho thị trường bằng cách cung
cấp thêm sản lượng rất cần thiết trong những đợt biến động gần đây về lượng
xuất khẩu từ Libya, Nigeria, và Nam Sudan. Giá năng lượng thấp hơn sẽ đặc biệt
có lợi cho Trung Quốc và Ấn Độ, hiện là những nước nhập khẩu lớn và, theo Cơ
quan Năng lượng Quốc tế, sẽ có nhu cầu nhập khẩu dầu tăng 40% (Trung Quốc) và
55% (Ấn Độ) trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2035. Khi hai quốc gia này nhập
nhiều năng lượng hơn từ Trung Đông và Châu Phi, họ sẽ càng quan tâm nhiều hơn
vào những khu vực này.
Trung Quốc cũng sẽ có lợi
theo một cách khác: các mối quan hệ của họ với Nga có thể cải thiện đáng kể.
Trong nhiều thập niên, lịch sử và ý thức hệ đã khiến hai nước này không tìm
được mục tiêu chung, bất chấp những lợi ích hiển nhiên xuất phát từ mối quan hệ
hợp tác chặt chẽ hơn giữa nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới và nước
tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới mà lại có chung đường biên giới dài 2.600
dặm (4.184 km). Nhưng khi ngày càng có nhiều năng lượng Bắc Mỹ xuất hiện trên
thị trường, nhu cầu năng lượng ở các nước đã phát triển không thay đổi, và nhu
cầu tiếp tục tăng lên tại các nước đang phát triển ở Châu Á, Nga sẽ ngày càng
tìm cách chiếm được các thị trường ở phương Đông. Moscow và Bắc Kinh rất có thể
sẽ xích lại gần nhau hơn trong các thỏa thuận năng lượng và các đường ống đã bị
đình trệ từ lâu, và hợp tác nhiều hơn về các vấn đề năng lượng ở Trung Á. Một
khi đã ký kết, những dàn xếp như vậy có thể là cơ sở cho một mối quan hệ địa
chính trị sâu rộng hơn – mà trong đó Trung Quốc sẽ có ưu thế hơn.
Đối với Ấn Độ và các nền
kinh tế Châu Á khác, các lợi ích cũng sẽ không chỉ đơn thuần là kinh tế. Sự gia
tăng lượng dầu và khí được vận chuyển qua vùng Biển Đông sẽ tạo ra mục tiêu
chung cho tất cả các quốc gia tìm cách chống hải tặc và các rủi ro khác đối với
sự lưu thông tự do của các chuyến hàng năng lượng, khiến Trung Quốc có động cơ
lớn hơn để hợp tác về các vấn đề an ninh. Đồng thời, các đồng minh của Mỹ ở
Đông Á, như Nhật, Philippines, và Nam Hàn, sẽ có cơ hội tăng lượng nhập khẩu
năng lượng trực tiếp từ Mỹ và Canada. Việc họ có thể dựa vào các đối tác Bắc
Mỹ, vận chuyển dầu và LNG thông qua các tuyến đường biển ngắn hơn và trực tiếp
hơn, cũng sẽ khiến các nước này an tâm hơn.
(Còn tiếp 1 kỳ)
Robert D. Blackwill là nghiên cứu viên cao cấp hàm
Henry A. Kissinger về chính sách đối ngoại Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại
(Council on Foreign Relations). Meghan L. O’sullivan là giáo sư thực hành hàm
Jeane Kirkpatrick về các vấn đề quốc tế tại Trường Quản lý Nhà nước Kennedy
thuộc Đại học Harvard. Bà cũng tư vấn cho các công ty năng lượng về rủi ro địa
chính trị. Cả hai đều làm việc cho Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trong chính
quyền của tổng thống George W. Bush.
Nguồn: Robert D. Blackwill and Meghan L.
O’Sullivan, America’s
Energy Edge – The Geopolitical Consequences of the Shale Revolution, Foreign Affairs, March/April 2014 Issue
Bản tiếng Việt ©
2014 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bài lược dịch, ký tên
Khương An, đã đăng 2 kỳ trên Thời Mới Canada, ngày 12 &
19/3/2014.)
Ưu thế năng lượng của Mỹ:
Robert D. Blackwill và Meghan L.
O’Sullivan
Tạp chí Foreign Affairs, tháng 3 & 4/2014
Phạm Vũ Lửa Hạ
lược dịch
11/04/2014
Ưu
thế của Mỹ
Nước
hưởng lợi nhiều nhất từ sự bùng nổ năng lượng Bắc Mỹ đương nhiên sẽ là Mỹ. Ảnh
hưởng trước mắt sẽ là tiếp tục tạo thêm nhiều việc làm mới và của cải trong
ngành năng lượng. Nhưng ngoài điều đó, vì khí đốt của Mỹ thuộc loại rẻ nhất thế
giới, các ngành công nghiệp của Mỹ chủ yếu dựa vào khí đốt để làm nguyên liệu
đầu vào, chẳng hạn như sản phẩm hóa dầu và thép, sẽ tiếp tục tăng lợi thế cạnh
tranh của mình. Sự bùng nổ năng lượng cũng sẽ kích thích kinh tế bằng cách
khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng và các ngành dịch vụ ở Mỹ. Viện
Toàn cầu McKinsey ước tính rằng đến năm 2020, sản lượng dầu khí không truyền
thống có thể tăng GDP hàng năm của Mỹ từ 2% đến 4%, tức khoảng từ 380 đến 690
tỉ Mỹ kim, và tạo ra đến tối đa 1,7 triệu việc làm lâu dài mới. Ngoài ra, vì
lượng nhập khẩu năng lượng chiếm khoảng một nửa trong mức thâm hụt thương mại
hơn 720 tỉ Mỹ kim của Mỹ, lượng nhập khẩu năng lượng giảm đi hiện đang dẫn tới
một cán cân thương mại có lợi hơn cho Mỹ.
Không
nên nhầm lẫn việc giảm lệ thuộc vào nhập khẩu năng lượng với sự hoàn toàn độc
lập về năng lượng. Nhưng sự bùng nổ năng lượng của Mỹ sẽ góp phần làm lắng dịu
tư duy suy tàn về nước Mỹ. Hơn nữa, việc chấm dứt sự phụ thuộc của Mỹ vào các
nguồn cung cấp năng lượng nước ngoài – và vào những nước sản xuất mà Washington
thường có quan hệ chông gai – sẽ giúp Mỹ được tự do hơn trong việc theo đuổi
chiến lược đại cục của mình. Nhưng Mỹ sẽ vẫn còn mối liên kết chặt chẽ với các
thị trường năng lượng toàn cầu hóa. Ví dụ, bất cứ xáo trộn lớn nào về nguồn
cung dầu toàn cầu vẫn sẽ ảnh hưởng đến giá xăng ở Mỹ và cản trở tăng trưởng. Do
đó, Washington sẽ vẫn quan tâm đến việc duy trì tính ổn định của các thị trường
thế giới. Không ở nơi đâu điều đó đúng hơn ở Trung Đông, nơi mà các mối quan
tâm hệ trọng của Mỹ – về việc ngăn chận khủng bố, chống phổ biến hạt nhân, và
cổ xúy an ninh trong khu vực để bảo vệ các đồng minh như Israel và bảo đảm
luồng lưu thông năng lượng – sẽ còn dài lâu. Và cũng sẽ còn nhu cầu giữ an ninh
trật tự cho các tài nguyên chung toàn cầu (global commons), chẳng hạn như các
tuyến đường biển quan trọng phục vụ thương mại năng lượng và các hàng hóa khác.
Ngoại
giao dầu khí
Ngoài
việc củng cố nền kinh tế Mỹ, sự bùng nổ năng lượng hứa hẹn làm sắc bén hơn các
công cụ trị quốc của Mỹ. Khi cần phải áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế,
một nguồn cung năng lượng đa dạng hơn sẽ tạo ra các lợi thế rõ rệt. Ví dụ, có
thể đã gần như không thể áp dụng các biện pháp hạn chế vô tiền khoáng hậu đối
với lượng dầu xuất khẩu của Iran nếu nguồn cung Bắc Mỹ không gia tăng. Khác với
các biện pháp trừng phạt đối với Iran, Iraq, Libya, và Sudan trong quá khứ
(được áp dụng trong những giai đoạn thế giới thừa dầu), các biện pháp trừng
phạt hiện nay đối với Iran được áp đặt khi thị trường dầu khan hiếm và giá cao.
Để tranh thủ được sự ủng hộ của các nước ngần ngại áp đặt các biện pháp nghiêm
ngặt như vậy đối với Tehran, Washington đã buộc phải đưa ra lập luận đáng tin
cho rằng việc loại bỏ dầu của Iran ra khỏi thị trường quốc tế sẽ không làm tăng
giá. Các biện pháp trừng phạt do Quốc hội Mỹ thông qua vào tháng 12/2011 đã đặt
điều kiện để áp dụng một số biện pháp hạn chế là chính quyền Mỹ phải quả quyết
rằng có đủ dầu trên thị trường toàn cầu để yêu cầu các nước khác giảm lượng
nhập khẩu của họ.
Tuy
điều khoản này coi như giúp Nhà Trắng được miễn trừ, Nhà Trắng không bao giờ
dùng tới nó, nhờ sản lượng dầu chặt nhẹ (light tight oil) của Mỹ tăng đều đặn,
giúp bù đắp cho hơn một triệu thùng dầu Iran mỗi ngày bị các lệnh trừng phạt
loại khỏi thị trường. Số dầu đó của Mỹ đã giúp Washington xoa dịu nỗi lo của
các chính phủ khác về việc giá tăng lên và do vậy giành được sự ủng hộ quốc tế
cho các cấm vật nghiêm ngặt hơn. Những biện pháp này đã gây tác hại đáng kể đối
với nền kinh tế Iran và góp phần thúc đẩy Tehran ngồi vào bàn đàm phán. Nếu
không có các nguồn cung mới của Mỹ, các biện pháp trừng phạt như vậy có thể đã
chẳng hề được phê chuẩn.
Sự
hồi sinh năng lượng cũng giúp cho các nhà đàm phán thương mại Mỹ có ưu thế mới
khi các nước khác cạnh tranh để có khí đốt hóa lỏng (LNG) của Mỹ. Washington
hiện đang đàm phán hai hiệp định thương mại đa phương quan trọng: hiệp định Hợp
tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (với 28 nước của Liên hiệp Châu
Âu) và hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (với 11 nước ở Châu Á-Thái Bình
Dương và Nam-Bắc Mỹ). Về vấn đề xuất khẩu LNG, luật Mỹ cho phép tự động phê
chuẩn các đơn xin thành lập trạm đầu mối nhằm để vận chuyển khí đốt tới các
nước đã ký các hiệp định thương mại với Washington. Ngược lại, các đơn xin
thành lập trạm đầu mối nhằm để vận chuyển LNG đến nơi khác phải đi qua một quá
trình xét duyệt để xác định xem hoạt động thương mại đó có phục vụ lợi ích quốc
gia của Mỹ hay không. Đối với nhiều quốc gia ở Châu Á và Châu Âu muốn đưa khí
đốt nhập khẩu từ Mỹ vào hỗn hợp năng lượng của họ, có được tư cách thương mại
đặc biệt này sẽ có thêm giá trị. Thực vậy, động cơ khuyến khích này đã tỏ ra có
ý nghĩa quan trọng trong việc thuyết phục Nhật (rất cần khí đốt sau thảm họa
Fukushima làm ngưng hoạt động toàn bộ cơ sở hạ tầng điện hạt nhân của nước này)
tham gia đàm phán Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương.
Sự
biến đổi về năng lượng toàn cầu cũng giúp Washington có một cách mới củng cố
các liên minh của mình. Nhiều nước hiện nay hy vọng theo chân Mỹ và bắt đầu
khai thác các tài nguyên dầu khí không truyền thống của mình, và chính quyền Mỹ
đã bắt đầu tích hợp kinh nghiệm năng lượng của Mỹ vào hoạt động ngoại giao. Hai
dự án của Bộ Ngoại giao – Chương trình Tham gia Kỹ thuật Khí đốt Không truyền
thống và Sáng kiến Năng lực và Quản lý Năng lượng – đang tập hợp chuyên môn kỹ
thuật từ các bộ ngành của chính phủ để giúp các nước khác (đến nay chỉ mới là
các nước nhỏ đang phát triển) xây dựng ngành dầu khí của họ.
Chính
phủ nên mở rộng các nỗ lực ban đầu này và liên kết chúng với chiến lược liên
minh tổng quát bằng cách hỗ trợ các nước như Ba Lan và Ukraine khi họ cố gắng
khai thác trữ lượng đá phiến nội địa của họ. Hoạt động sản xuất ở những nước
này và các nước khác sẽ không chỉ giảm bớt rủi ro xung đột về các tài nguyên
khan hiếm mà còn giúp các quốc gia sản xuất và tiêu thụ năng lượng có lợi hơn cho
khí hậu mà không hy sinh mức độ tăng trưởng kinh tế mà họ cần. Washington nên
cố gắng giúp họ hiểu các chính sách cụ thể đã góp phần tạo nên sự bùng nổ năng
lượng ở Mỹ và, nếu được hoan nghênh, nên tư vấn về cách tạo ra các môi trường
tương tự.
Năng
lượng và ảnh hưởng
Cuộc
cách mạng năng lượng Bắc Mỹ đã diễn ra, và có quy mô lớn, và nó sẽ chỉ càng có
ý nghĩa quan trọng khi Mỹ sắp trở thành nước xuất siêu năng lượng; điều đó sẽ
đến vào khoảng năm 2020. Sự biến đổi nhờ đó về nguồn cung năng lượng toàn cầu
sẽ có lợi cho các nước tiêu thụ và giảm sức mạnh của những nước sản xuất truyền
thống. Những diễn biến này cũng có thể làm suy yếu vai trò truyền thống của
OPEC trong việc kiểm soát giá năng lượng toàn cầu, có lẽ trong chừng mực mà giá
năng lượng sẽ giảm. Sự xáo trộn như vậy lại lan truyền sang tất cả các nước phụ
thuộc vào dầu khí để có nguồn thu ngân sách. Ngay cả nếu giá không giảm đáng
kể, dòng chảy năng lượng toàn cầu sẽ tiếp tục được biến đổi – và cùng với nó là
biến chuyển về các mối quan hệ kinh tế và địa chính trị.
Trong
khi đó, Mỹ sẽ có vị trí thuận lợi để hưởng lợi từ sự biến đổi này và nắm bắt
các cơ hội mới. Sự bùng nổ năng lượng sẽ tăng thêm động lực cho quá trình hồi
sinh kinh tế của Mỹ, và việc giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu sẽ giúp Mỹ
có mức độ tự do và ảnh hưởng ngoại giao lớn hơn. Sự bùng nổ năng lượng sẽ không
giải quyết tất cả các thách thức mà giới hoạch định chính sách Mỹ đang đương
đầu: Washington vẫn phải khắc phục hậu quả của hơn một thập niên tham chiến ở
Afghanistan và Iraq, tình trạng chi tiêu ngân sách phung phí của chính mình,
nạn thiên vị đảng phái ở Quốc hội, sự sút giảm lòng tin của nhiều nước đồng
minh sau nhiều tiết lộ về sự do thám của Mỹ, và sự vươn lên của Trung Quốc. Tuy
vậy, sự bùng nổ mạnh mẽ về sản lượng dầu khí của Mỹ, cộng với những ưu điểm lâu
bền khác về quân sự, kinh tế, và văn hóa của Mỹ sẽ nâng cao vai trò lãnh đạo
toàn cầu của Mỹ trong những năm sắp tới – nhưng chỉ nếu Washington bảo vệ những
nguồn sức mạnh mới có này trong nước và tận dụng các cơ hội mới để bảo vệ các
lợi ích lâu dài của mình ở nước ngoài.
–
Robert
D. Blackwill là nghiên cứu viên cao cấp hàm Henry A. Kissinger về chính sách
đối ngoại Mỹ tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Council on Foreign Relations).
Meghan L. O’sullivan là giáo sư thực hành hàm Jeane Kirkpatrick về các vấn đề
quốc tế tại Trường Quản lý Nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard. Bà cũng tư
vấn cho các công ty năng lượng về rủi ro địa chính trị. Cả hai đều làm việc cho
Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trong chính quyền của tổng thống George W. Bush.
Nguồn: Robert D.
Blackwill and Meghan L. O’Sullivan, America’s Energy Edge – The Geopolitical
Consequences of the Shale Revolution, Foreign Affairs, March/April 2014 Issue
Bản
tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ
(Bài
lược dịch, ký tên Khương An, đã đăng 2 kỳ trên Thời Mới Canada,
ngày 12 & 19/3/2014.)
No comments:
Post a Comment