Xuân Lộc
14-04-2014
Tự nhủ tạm để tâm hồn lắng lại để đối phó với thời
tiết chuyển mùa oi bức ở chốn Sài thành, nhưng những tin tức nóng sốt ở quê nhà
cứ dồn dập, làm lòng mình bất an.
Nhìn lại diễn biến các sự kiện công dân bị hành hung, tra tấn, nhục hình đến chết trong các đồn công an mấy năm qua không được xử lý một cách minh bạch, và đúng pháp luật, làm dư luận bức xúc, đến hiện tượng người dân đoàn kết chống lại những quyết định cưỡng chế của chính quyền dẫn đến thương tích cho những người thi hành công vụ trong những tuần vừa rồi ở Nghệ An, Bình Thuận, Hà Tĩnh... thì không ai có thể thờ ơ.
Nhìn lại diễn biến các sự kiện công dân bị hành hung, tra tấn, nhục hình đến chết trong các đồn công an mấy năm qua không được xử lý một cách minh bạch, và đúng pháp luật, làm dư luận bức xúc, đến hiện tượng người dân đoàn kết chống lại những quyết định cưỡng chế của chính quyền dẫn đến thương tích cho những người thi hành công vụ trong những tuần vừa rồi ở Nghệ An, Bình Thuận, Hà Tĩnh... thì không ai có thể thờ ơ.
Vậy nguyên nhân chính là ở đâu ?
Đứng trên góc độ của một công dân bình thường có ít nhiều quan tâm đến hiện tình đất nước để suy nghĩ một cách khách quan mới thấy rằng: nguyên nhân chính là sự thiếu minh bạch và sự coi thường dân chúng của chính quyền. Còn tại sao có nguyên nhân đó thì nó thuộc tầm vĩ mô, có lẽ không nên bàn đến trong bối cảnh của bài viết này.
Có nhiều người, nhất là người có chút quyền hành vẫn hay thích nhắc đến câu thành ngữ " dân thì gian", "quan thì tham", để biện minh cho những hành vi vi phạm pháp luật. Vâng, đấy là câu chuyện của muôn đời, là hai mặt tồn tại của cuộc sống, không một thời đại nào, không một chế độ cai trị nào có thể thay đổi được, trừ sự tuyệt vong. Cũng chính vì lẽ đó mới cần đến sự nghiêm minh của luật pháp, luật pháp mới ra đời.
Khi đất nước đứng trước những cơ hội, những thách thức, những thủ lĩnh của dân gương cao ngọn cờ đại nghĩa, một lòng vì dân vì nước, không có nhiều mảnh đất màu mỡ cho quan tham sinh sôi, thì dân gian cũng không có chổ để nẫy nở. Ngược lại khi những kẻ gọi là đầy tớ của nhân dân trở thành " một bầy sâu*", gặm nhắm trên đầu nhân dân rồi, thì dân gian phát triễn, đấy cũng là lẽ tự nhiên, hợp với quy luật . Đừng đổ hết tội lỗi lên nhân dân mà trước hết chính quyền cần nghiêm túc nhìn lại chính những hành xử của mình.
Tôi tự nghĩ, nếu trước khi phát triễn một dự án ( bất kể là an ninh quốc phòng hay phục vụ dân sinh) mà đụng chạm đến quyền lợi thiết thực của người dân, chính quyền nơi đó có sự bàn bạc, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân, không áp đặt ý chí của mình bắt nhân dân phải chấp hành , sau đó mới tiến hành các bước tiếp theo như đền bù giãi tỏa...thì sẽ không xảy ra tình trạng nhân dân chống lại quyết định của chính quyền.
Thực tế cho thấy nơi nào đảng và chính quyền làm được điều đó thì đều nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Rất tiếc là cho đến nay, chính quyền thường cho mình quyền quyết định tất cả, với lý lẽ: đất đai thuộc sở hữu toàn dân và là chủ trương của đảng, nên áp đặt ý chí của mình bắt nhân dân phải chấp hành. Khi chủ trương không hợp lòng dân, nhân dân phản đối thì thay vì ngồi với dân để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, chính quyền lại dùng lực lượng công an bắt bớ, khởi tố những người đứng đầu, gán cho họ tội gây rối trật tự công cộng, kích động bạo loạn...để nhằm mục đích trấn áp ý chí của người dân. Và cứ thế khoảng cách giữa dân-đảng ngày càng xa. Bây giờ thì niềm tin của nhân dân đã ở tận đáy rồi, Khi người nông dân bị dồn đến chân tường thì thử hỏi còn có cách nào khác ngoài việc bật dậy ?
Câu chuyện người dân Kỳ Anh quê tôi đoàn kết phản đối đoàn cưỡng chế, làm bị thương những người thi hành công vụ trong đó có cả ông chủ tịch huyện ngày 29/3/2014 ở Hải Phong-Kỳ Lợi, rồi cả ngàn người dân Quỳnh Văn-Quỳnh Lưu, Nghệ An bao vây đoàn cưỡng chế ngày 28/3/2014, và lớn hơn là việc người dân xã Bắc Sơn-Thạch Hà -Hà Tĩnh bao vây, đánh bị thương một lúc 9 công an, bao vây đập phá trụ sở xã vừa rồi, tôi cho là ít nhiều đều xuất phát từ lý do coi thường nguyện vọng của dân và áp đặt ý chí của chính quyền lên người dân như nêu ở trên. Bởi lẽ nếu chỉ có một vài người phản đối, có thể cho là họ vì quyền lợi cá nhân mình mà trở thành " dân gian", nhưng ở đây là một cộng đồng, hầu như là toàn bộ nhân dân cả một xã, kể cả vị bí thư đảng ủy và UBND xã đã nhiều lần gửi kiến nghị lên cấp trên, nhưng cả cái nhóm lợi ích của Hà Tĩnh vẫn cương quyết đi đến tận cùng với nhân dân, ép buộc cấp dưới phải thực thi mệnh lệnh,
Chỉ đạo của chủ tịch huyện Thạch Hà ( đương nhiên cũng là của UBND tĩnh Hà Tĩnh ): “Đây là nhiệm vụ cấp bách, khẩn trương, phải tập trung, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị; triển khai một cách nghiêm túc thực hiện quy trình lập và thực hiện dự án công viên vĩnh hằng. Cán bộ, đảng viên toàn huyện phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chủ trương của tỉnh, tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị”.
Đao to búa lớn quá. Họ coi trọng cái công viên vĩnh hằng ( dùng từ cho hoa mỹ vậy thôi chứ thực chất chỉ là cái nghĩa trang ), bắt chước người Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, lập dự án, phân lô bán nền dành cho các đại gia lắm tiền và quan chức lắm quyền làm nhà cho người chết ở thì tương lai là " nhiệm vụ cấp bách" hơn cả sự tồn tại đang đầy rẫy khó khăn của những nông dân đang sống tại xã Bắc Sơn. Để xảy ra sự việc ở xã Bắc Sơn, UBND Hà Tĩnh mà đứng đầu là ông chủ tịch Võ Kim Cự phải chịu trách nhiệm chính. Đừng hắt hết lỗi cho người dân Bắc Sơn.Họ không có lỗi.
Trong lúc lòng dân đang sục sôi, chính quyền vẫn không nhận chân được điều gì khác tốt đẹp hơn ngoài việc sử dụng quyền lực, sử dụng công cụ công an để bắt bớ, giam cầm. Đấy là việc làm dễ dàng nhất nhưng thiếu khôn ngoan nhất, họ có thể giam cầm năm người rồi mười người nhưng không thể giam cầm nhân dân cả một xã, một huyện, một tĩnh, cũng không thể vì một vài người bị tống ngục mà lấy lại được sự đồng thuận của nhân dân khi lòng tin đã cạn kiệt..
Không phải dạy đị xăn mấn-" dạy đĩ vén váy "- nhưng tốt hơn lúc này là đích thân ông chủ tịch tĩnh cởi áo vét cổ cồn ra, hạ cố xuống ngồi nhâm nhi với các cụ bô lão vài chén để ổn định lòng dân, lắng nghe nguyện vọng của họ, rồi sau đó...sống chết mặc chúng bay cũng được. Công cụ chuyên chính vô sản trong tay thì bắt bớ dân đen lúc nào mà chẳng xong. Đừng khơi dậy ngọn lửa xô viết đang âm ỷ cháy trong lòng dân xứ Nghệ mới là quan trọng.Tôi nói thế chẳng biết có bi quan lắm không, nhưng thận trọng vẫn hơn.Chớ có mà coi thường dân cày xứ Nghệ.
Đừng để cho ngọn lửa Xô viết Nghệ Tĩnh bùng lên lần thứ 2.Nó sẽ là dấu chấm hết cho một triều đại đấy.
Sài Gòn, 14/4/2014
Xuân Lộc
Tác giả gửi Quê Choa
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của
tác giả
No comments:
Post a Comment