Wednesday, April 9, 2014
Chiều
7/4 (giờ Washington D.C.), TS. luật, tù nhân lương tâm Cù Huy Hà Vũ cùng vợ là
luật sư Dương Hà đã đến Mỹ, sau khi ông Vũ được trả tự do và đưa thẳng từ nhà
tù ra sân bay (giống trường hợp của bà Trần Khải Thanh Thủy năm 2011). Sự ra đi
của cả ông Vũ lẫn bà Thủy đều được phía Việt Nam giải thích là do “nhà nước tạo
điều kiện cho đi Mỹ chữa bệnh”; tuy nhiên, có lẽ chúng ta đều hiểu rằng đây chỉ
là một cách nói giảm, nói tránh cụm từ “tị nạn chính trị”, để cả hai bên đều
thấy hài lòng – Việt Nam đỡ mất mặt, mà Mỹ cũng chẳng thiệt gì.
Nhân sự kiện này, xin đăng lại loạt bài phỏng vấn
ông Cù Huy Hà Vũ vào mùa hè 2009, sau khi ông Vũ đệ đơn kiện Thủ tướng, góp
phần tạo nên giai đoạn “cao trào chống bauxite” ở Việt Nam.
Loạt bài được đăng tải trên tờ Nhịp Cầu Thế Giới
(tạp chí tin tức-văn hóa của cộng đồng người Việt ở Hungary), khi tôi đang là
phóng viên của VietNamNet. Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh của Nhịp Cầu Thế
Giới cho rằng: “Trong "sự
nghiệp" biên tập của mình, đây là loại bài trước khi đăng mình phải suy
nghĩ và cân nhắc nhiều nhất từng câu chữ và hình thức thể hiện, sao cho nó vừa
phản ánh tối đa sự thực, vừa tránh được sự chụp mũ rất thường thấy...”.
Còn
với cá nhân tôi, đây là một trong những bài đánh dấu chấm dứt sự ngây thơ về
chính trị của tôi: Khi ấy, tôi
ngây thơ đến mức nghĩ rằng một phóng viên “lề phải” có thể đi phỏng vấn và viết
về sự kiện “Cù Huy Hà Vũ kiện thủ tướng”, rằng những bài viết như thế có thể
được đăng tải, và cũng là điều bình thường nếu, khi bài không được đăng, phóng
viên có thể gửi nó cho một tờ báo tiếng Việt ở nước ngoài.
*
* *
Kỳ 1: KHÔNG PHẢI AI CŨNG KIỆN ĐƯỢC THỦ TƯỚNG
Lời
người viết: Khiếu kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tuyên bố sẽ
đưa đơn lên Tòa án Tối cao, và mới đây lại vừa khiếu nại Đoàn Luật sư Thành phố
Hà Nội về thông báo “anh Cù Huy Hà Vũ không phải luật sư”, những việc ông Vũ
làm đang gây đủ tâm trạng cho dư luận trong và ngoài nước: ngạc nhiên, thắc mắc
khó hiểu, thích thú, khâm phục, nghi ngờ và khó chịu.
Hy vọng cuộc phỏng vấn sau đây (kéo dài ba giờ đồng
hồ) với TS. luật Cù Huy Hà Vũ có thể giải đáp phần nào những điều mà phần đông
dư luận còn thắc mắc trong vụ “Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng”.
Cuộc
trò chuyện diễn ra tại Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ trên đường Điện Biên Phủ
(Hà Nội), sáng 30-6. Văn phòng gọn gàng, không quá xa hoa sang trọng,
cũng không bình dân nhếch nhác. Bên ngoài, trên cả cổng chính quay ra đường
Điện Biên Phủ lẫn cổng hậu trên đường Trần Phú, đều treo tấm biển vàng rực kẻ
chữ đỏ nổi bật, mang phong cách… khẩu hiệu rõ nét. Lúc phóng viên đến, văn
phòng đang nhộn nhịp khách ra vào. Trên tường treo vài bức tranh do ông Cù Huy
Hà Vũ vẽ, trong đó có ký họa chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khá đẹp.
Chủ
nhà – TS. luật Cù Huy Hà Vũ – là một người đàn
ông mập mạp, hơi thấp, tiếp phóng viên rất vồn vã cởi mở. Trên gương mặt ông
vẫn phảng phất nhiều nét của thân phụ - nhà thơ quá cố Cù Huy Cận. Ông nói
nhiều và nói to, phong thái tự tin toát lên rõ rệt.
Trong giới luật sư và luật học, Cù Huy Hà Vũ là một
gương mặt nổi đình đám với nhiều vụ việc mang tính chất scandal, đến mức nhiều
người nghĩ tới ông là nghĩ tới một nhân vật có “tiền sử” đi kiện các cơ quan
chính phủ và làm những việc “chẳng giống ai”.
Có
thể kể tới vài vụ “Cù Huy Hà Vũ đáo tụng đình” điển hình như sau:
• Năm 2005, phản đối quan điểm cho rằng di tích đền
Cẩu Nhi trên hồ Trúc Bạch (Hà Nội) gắn với việc Lý Thái Tổ định đô ở Thăng
Long.
• Năm 2005, khởi kiện UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về
quyết định cấp phép đầu tư xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh.
• Năm 2006, nộp đơn tự ứng cử vào chức Bộ trưởng Văn
hóa - Thông tin (không được Thủ tướng lựa chọn vì lý do “đã có quy hoạch cán bộ
từ trước”).
• Năm 2006, kiện album “Chat với Mozart” của ca sĩ
Mỹ Linh xâm phạm bản quyền tác giả.
• Năm 2007, kiện Bộ Văn hóa - Thông tin về Quyết
định của Bộ thành lập Phòng lưu niệm Nhà thơ Xuân Diệu, đòi bồi thường 100
triệu đồng thiệt hại tinh thần.
Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn với TS. luật Cù
Huy Hà Vũ. Trong cuộc trao đổi này, phóng viên và ông Hà Vũ nhiều lần phải ngắt
lời nhau để hỏi, nhắc nhau trở lại các trọng tâm và để trình bày quan điểm của
mình.
* * *
- Việc một công dân đâm đơn kiện Thủ tướng, theo
tôi, đòi hỏi công dân đó phải có hiểu biết về luật pháp, nếu ở nước ngoài, có
lẽ còn phải thuê luật sư tư vấn vì bị đơn trong trường hợp này thật đặc biệt.
Đối với ông - một tiến sĩ luật, tất nhiên có kiến thức luật sâu rộng - ông mất
bao lâu để thảo lá đơn này?
- Hai ngày, tính từ lúc tôi bắt đầu có ý định kiện,
ngày 9-6, cho tới khi tôi gửi đơn đến Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, ngày
11-6. Mọi việc đều diễn ra trong thời gian Quốc hội họp.
- Ý định kiện Thủ tướng đã đến với ông như thế nào?
- Ý định kiện Thủ tướng nảy sinh sau khi tôi đọc báo
đưa tin về kỳ họp Quốc hội, có một số đại biểu lên tiếng chất vấn Chính phủ về
các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Thực ra, kiện Thủ tướng đối với tôi là cực chẳng đã.
Tôi đã từng hy vọng Chính phủ và Thủ tướng sẽ dừng việc khai thác bauxite tại
Tấy Nguyên. Nhưng chúng ta đều đã chứng kiến việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi
ba lá thư về chuyện bauxite, không một lá thư nào có hồi âm. Việc hàng nghìn
trí thức ký tên vào bản kiến nghị gửi Quốc hội cũng vậy, không hề có phản hồi.
Văn bản trả lời của Ủy ban Pháp luật Quốc hội còn đề nhầm tên GS Nguyễn Huệ Chi
thành GS Nguyễn Thị Huệ, thì đủ thấy người ta coi thường mình đến thế nào.
Cho nên ngay lúc thấy các đại biểu chất vấn tại Quốc
hội, tôi đã tự nhủ “thế này thì nguy quá”. Tôi thấy trước rằng việc chất vấn sẽ
không đi đến đâu, Quốc hội nếu có tâm huyết thì cũng không thể hủy các dự án
này nếu như cái gốc của các dự án là Quyết định số 167/2007/QĐ – TTg của Thủ
tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử
dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 -2015, có xét đến năm 2025, (sau đây gọi tắt
là Quyết định 167 – NV) vẫn còn đó. Thế rồi tôi nghĩ, lập pháp không mang lại
hiệu quả thì tôi “chơi” tư pháp, và phải “chơi” ngay, không đợi kết thúc chất
vấn.
- Cù Huy Hà Vũ lâu nay cũng là một cái tên “nổi”
trong nhiều trường hợp khác nhau. Một số người vẫn thắc mắc, chưa hiểu động cơ
gì đứng sau việc ông là công dân Việt Nam đầu tiên trong lịch sử kiện Thủ tướng
Chính phủ. Họ cho rằng ông làm thế để lại một lần nữa “chơi nổi”. Sự thực thì
mục đích của ông khi kiện Thủ tướng là gì?
- Tôi xin phép được dành thời gian nói hơi nhiều một
chút, về gia cảnh và danh tiếng của bản thân, để chứng minh rằng tôi về mặt vật
chất cũng như danh tiếng đều đã có thừa rồi. Tôi sinh ra trong gia đình dòng
dõi về cả nghệ thuật lẫn chính trị. Ông nội tôi là Cù Huy Chương, từng làm chủ
tịch xã thời Xô-viết Nghệ Tĩnh. Bố đẻ tôi là nhà thơ Cù Huy Cận. Bố nuôi, bác
ruột tôi là nhà thơ Xuân Diệu…
Đến đây ông Cù Huy Hà Vũ dành khá nhiều thời gian để nói về dòng dõi gia
đình và các thành công ông đã đạt được. Thân phụ ông là nhà thơ Cù Huy Cận
(1919-2005), một trong những gương mặt nổi tiếng nhất của phong trào Thơ Mới,
một bộ trưởng (Bộ trưởng Canh Nông) trong Chính phủ đầu tiên của Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa.
Theo ông Cù Huy Hà Vũ thì cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ
Nguyên Giáp, và một số nhân vật khác, ông Cù Huy Cận đã là một trong những
người đầu tiên ký vào bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo.
Ông Cù Huy Hà Vũ nói thêm rằng bản thân ông cũng tự tạo được danh tiếng
cho mình chứ không dựa vào vị thế của gia đình. Ông có bằng Thạc sĩ Văn chương
của Pháp, bằng Tiến sĩ Luật ở Đại học Sorbonne. Ông là Hội viên Hội Mỹ thuật
Việt Nam, sở trường là thể loại ký họa chân dung, hiện đang nắm giữ một bộ sưu
tập chân dung các nhân vật nổi tiếng trên chính trường Việt Nam do ông ký họa,
trong đó có hai bức vẽ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Đại tướng khen “Cù Huy Hà Vũ
là người duy nhất trực họa tôi thành công”” – ông Vũ nói.
Ông cho biết cũng có nghiên cứu sử và từng chiến thắng trong vụ kiện bảo
vệ di sản văn hóa đồi Vọng Cảnh, Đài Âm hồn (Huế), đền Cẩu Nhi ở hồ Trúc Bạch
(Hà Nội).
Ở lĩnh vực văn học, ông nói đã viết bài phát hiện nhà văn Trần Tiêu (em
ruột nhà văn Khái Hưng, ông nội của diễn viên Trần Lực) không phải là thành
viên Tự lực Văn đoàn. Mọi người biết nhiều hơn đến ông trong vụ kiện hy hữu
giữa hai nhà Kiều học Nguyễn Quảng Tuân và Đào Thái Tôn. Ở phiên phúc thẩm, bên
nguyên thua kiện nhưng đại diện nguyên đơn Cù Huy Hà Vũ vẫn tươi cười rất hữu
hảo với bên bị giữa chốn pháp đình.
…
- Trở lại câu chuyện kiện Thủ tướng, ông vẫn khẳng
định đây không phải là trò “chơi trội” hay nhằm mục đích thu hút sự chú ý của
dư luận tới Cù Huy Hà Vũ?
- Tôi xin nói là nếu là người cơ hội, thích PR, thì
tôi đã có thể nhảy lên như con choi choi để phản đối chủ trương khai thác
bauxite ngay từ đầu rồi. Đằng này tôi chờ đến khi ba lá thư của Đại tướng Võ
Nguyên Giáp, kiến nghị của hàng nghìn trí thức, đều đã gần như bị bỏ ngoài tai,
bao nhiêu người nản rồi, tôi mới vào cuộc, tất nhiên bằng “sở trường” của tôi
là pháp luật. Vụ đồi Vọng Cảnh năm 2005 cũng thế, mọi người thất bại hết rồi, không
còn hy vọng gì nữa, tôi mới tham gia đấy chứ. Không phải cái gì tôi cũng đâm
đơn kiện, cái gì khó, có khả năng bế tắc, tôi mới làm.
- Vâng, tuy nhiên việc nào khó tới mức không thể
thực hiện thì chắc không ai dại gì lao vào. Còn ông thì, theo như ông nói, đến
thời điểm bao nhiêu người nản rồi, ông mới vào cuộc. Có phải bởi vì ông tự tin
rằng, vụ việc khó nhưng chắc chắn ông sẽ làm được?
- Tôi chắc chắn. Vì thứ nhất, tôi rất hiểu toàn bộ
Ban Lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay. Nên nhớ tôi là con dòng cháu
giống của một người từng làm công tác nội chính. Nói cách khác, tôi là con nhà
“nòi” chính trị nên kiện Thủ tướng – một hành vi chính trị theo nghĩa nào đó –
là rất thích hợp với tôi.
Thứ hai, tôi dựa trên luật pháp và tôi đúng về mặt
luật pháp.
Thứ ba, tôi có cái tâm, tôi có chính nghĩa. Nói cho
đúng, tôi chỉ làm cái việc mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hàng nghìn người ký
Kiến nghị đã và đang làm là yêu cầu Nhà nước chấm dứt việc khai thác bauxite
tại Tây Nguyên chí ít vào thời điểm này, do những hiểm họa khôn lường đối với
đất nước mà nó mang lại.
Và thứ tư, rất quan trọng, tôi có cái uy. Nếu không
cần uy thì chẳng nhẽ đến anh xe ôm ngoài đường kia cũng kiện được Thủ tướng à?
Tóm lại, tôi cho cách chống những gì đang diễn ra
trong vụ khai thác bauxite của tôi sẽ là một biện pháp hiệu quả, sau khi một số
biện pháp khác không thành công.
- Hàng ngày, văn phòng tiếp nhận đơn khiếu nại, đơn
kiện ở tòa án chắc cũng đầy đơn mới. Ông làm cách nào để lá đơn của ông không
những không bị chìm giữa các đơn khác, mà còn được dư luận chú ý đến thế?
- Tôi xác định đây là một vụ kiện liên quan đến lợi
ích của cả cộng đồng vì các vấn đề như môi trường, quốc phòng, di sản văn hóa,
càng nhiều người biết càng tốt, nên ngay sau khi gửi đơn tới Tòa án Nhân dân
Thành phố Hà Nội, tôi đã gửi bản photo đơn gốc đến một số tờ báo lớn trong
nước: "VietNamNet", "Tuổi Trẻ", "VnExpress",
"Dân Trí", "Tiền Phong"… Sau đó, RFI (Radio France
Internationale – Đài Phát thanh Quốc tế Pháp) là cơ quan truyền thông đầu tiên
gọi điện phỏng vấn tôi dù tôi không có liên hệ với họ, rồi đến các báo khác ở
nước ngoài.
Nguồn: http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1949
Nguồn: http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=1949
Posted
by Đoan Trang at 5:52 PM
-----------------------------
Wednesday,
April 9, 2014
Kỳ 2: “TÔI ĐÃ TÍNH HẾT CẢ RỒI”
- Gần đây có một số ý kiến phân tích cho rằng đơn
kiện Thủ tướng của ông còn nhiều sơ hở về mặt luật học nên bị bác. Khi đệ
đơn kiện, ông có nghĩ đơn sẽ bị bác không?
- Không phải là đơn bị bác, mà là bị Tòa án Nhân dân
Thành phố Hà Nội trả lại như chính tiêu đề “Thông báo trả lại đơn khởi kiện”
của Tòa án đã chỉ rõ. Cũng có thể nói đơn đã không được Tòa thụ lý. Nhân đây
cần nói rằng “bác đơn” chỉ có thể áp dụng trong trường hợp Hội đồng Xét xử
không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tức đơn khởi kiện đã được Tòa án thụ lý
và vụ án đã được đưa ra xét xử.
Ngày 11-6, tôi gửi đơn đến Tòa, thì đến 15-6, Tòa có
thông báo trả lời tôi rằng “theo quy định tại Điều 12, Pháp lệnh thủ tục giải
quyết các vụ án hành chính, thì Tòa án chỉ có thẩm quyền giải quyết đối với những
khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ, cơ quan ngang Bộ,
và cấp tương đương trở xuống và quyết định hành chính, hành vi hành chính của
thủ trưởng các cơ quan đó. Do đó, việc ông khởi kiện Quyết định của Thủ tướng
Chính phủ không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án bằng vụ án hành chính”.
Như vậy, Tòa án Hà Nội trả lại đơn là do không đủ
thẩm quyền xét xử Thủ tướng. Điều này tôi hoàn toàn biết ngay từ lúc nộp đơn.
Nhưng tôi cũng đã tính hết cả rồi. Không tòa án này thì tòa án khác giải quyết
đơn kiện của tôi.
- Vậy thì Tòa án nào ở Việt Nam có thẩm quyền xét xử
Thủ tướng? Có văn bản nào quy định điều này không, thưa ông?
- Theo logic của chính Thông báo của Tòa án Hà Nội
thì đó sẽ là Tòa án Nhân dân Tối cao, vì trên Tòa án Hà Nội nói riêng, tòa án
cấp tỉnh nói chung, không còn tòa án nào khác.
Theo logic ấy, nếu Tòa Hà Nội chỉ đủ thẩm quyền xét
xử từ cấp Bộ trở xuống, thì Tòa Tối cao “chắc” là Tòa đủ quyền thụ lý đơn khởi
kiện Thủ tướng Chính phủ.
- Vậy tại sao ông không gửi đơn lên thẳng Tòa án
Nhân dân Tối cao ngay, mà vẫn gửi đến Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội trước để
khỏi bị trả lại đơn?
- Tôi và Thủ tướng Chính phủ, tức nguyên đơn và bị
đơn, đều ở Hà Nội, nên việc tôi gửi đơn khởi kiện đến Tòa án Hà Nội là theo
nguyên tắc đơn khởi kiện phải được gửi ra Tòa án nơi nguyên đơn và/hoặc nơi bị
đơn cư trú.
Ngoài ra, đây cũng là suy tính của tôi. Tôi muốn làm
mọi chuyện “bung ra” một cách có hệ thống, từ dưới lên trên.
- Bây giờ nói về khía cạnh kỹ thuật của đơn kiện.
Như ông nêu trong đơn, nó dựa trên nguyên tắc pháp luật “chủ thể của mọi hành
vi – ban hành văn bản hành chính, lời nói, hành động… - trái pháp luật” đều là
đối tượng khởi kiện, nếu chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nhưng, có ý kiến cho rằng, Quyết định 167 mà Thủ
tướng ban hành lại không phải là một quyết định hành chính (tức văn bản áp dụng
pháp luật) mà là một văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, đơn kiện không đủ căn cứ
pháp lý. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
- Tôi thấy ý kiến này hoàn toàn vớ vẩn, nhầm lẫn
giữa phạm trù (quy phạm pháp luật) và tính chất (hành chính). (Giở sách, đọc
nhấn từng chữ) Điều 109 Hiến pháp năm 1992 của nước CHXHCN Việt Nam định nghĩa
“Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, là cơ quan hành chính Nhà nước
cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam”. Điều 4 Luật tổ chức Chính phủ quy định “Thủ
tướng là người đứng đầu Chính phủ”, tức người đứng đầu cơ quan hành chính Nhà
nước cao nhất. Thủ tướng có thẩm quyền ban hành quyết định, chỉ thị, theo Điều
15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Vậy quyết định của Thủ tướng không phải là quyết
định hành chính thì là cái gì? Điều đáng lưu ý là quyết định hành chính của Thủ
tướng có thể là văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản áp dụng pháp luật.
- Xin phép hỏi vượt ra ngoài vụ kiện Thủ tướng này
một chút. Giả sử rằng đây là một văn bản quy phạm pháp luật, thì liệu có kiện
được chủ thể ban hành nó không? Nói cách khác, công dân Việt Nam có quyền khởi kiện
một đạo luật đã được ban hành không?
- Không được, vì luật pháp Việt Nam hiện hành chỉ
quy định về khởi kiện đối với quyết định hành chính. Vả lại Chánh án Tòa án
Nhân dân Tối cao do Quốc hội bầu ra nên Quốc hội có quyền bãi bỏ các văn bản
của Tòa án Nhân dân tối cao chứ không có chuyện ngược lại. Rõ ràng đây là một
bất cập vì văn bản do Quốc Hội ban hành, trong đó có luật, rất có thể trái Hiến
pháp.
Ở những nước có nền luật pháp tiến bộ, họ có Tòa án
Hiến pháp, độc lập tuyệt đối và có quyền xem xét hủy bất cứ luật nào Quốc hội
ban hành nếu thấy trái với Hiến pháp. Ở ta không có Tòa án Hiến pháp. Quốc hội
tuy trên văn bản, giấy tờ là có quyền bãi bỏ các quyết định trái pháp luật của
Thủ tướng, nhưng thực tế chưa bao giờ làm thế cả.
- Đó là về căn cứ pháp lý của đơn kiện. Còn về tư
cách khởi kiện của ông thì…?
- Tôi khởi kiện Thủ tướng với tư cách cá nhân và
điều này được luật pháp cho phép.
Ngay khi có ý định dùng nhánh tư pháp để chống sự
khai thác bauxite trong vụ này, tôi đã nghiên cứu báo cáo mà Chính phủ trình
Quốc hội về dự án và tôi thấy ngay rằng những điểm yếu về môi trường là kẽ hở
để tôi tận dụng.
Theo Điều 128 Luật Bảo vệ môi trường thì “tổ chức,
cá nhân có quyền khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc khởi kiện
tại Tòa án về hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xâm phạm quyền,
lợi ích hợp pháp của mình”. Như vậy, tôi hay bất kỳ công dân Việt Nam nào khác
cũng hoàn toàn có quyền khởi kiện Thủ tướng ban hành quyết định vi phạm pháp
luật về bảo vệ môi trường.
Việc Tòa án Hà Nội trả lại đơn khởi kiện với lý do
không đủ thẩm quyền giải quyết đơn kiện Thủ tướng cũng đã xác nhận tư cách khởi
kiện của tôi.
Còn chuyện người ta bảo tôi không phải luật sư, tôi
là công chức Bộ Ngoại giao, thì trong đơn, tôi đâu có ghi người khởi kiện là
luật sư, công chức Bộ Ngoại giao Cù Huy Hà Vũ đâu. Và xin nhấn mạnh là cho dù
có làm nghề gì, tôi cũng có quyền kiện Thủ tướng hết, miễn là tôi chưa bị mất
quyền công dân.
- Vậy ông có tính tới khả năng đơn kiện của ông bị
vô hiệu lực, khi người ta chứng minh được ông phạm tội gì đó và vì thế, ông bị
tước quyền công dân?
- Không bao giờ có khả năng này cho dù người ta có
muốn đến đâu! Tôi chưa bao giờ làm gì phạm pháp cả.
- Nhưng ông có thể có những sai sót trong kinh
doanh, ví dụ chưa đủ tư cách hành nghề thì đã mở công ty tư vấn luật?
- Văn phòng luật sư Cù Huy Hà Vũ là do vợ tôi,
Nguyễn Thị Dương Hà, đứng tên giám đốc. Văn phòng được thành lập đúng thủ tục
và hoạt động tuân thủ pháp luật.
- Ông có phải luật sư không, theo quy định của luật
pháp Việt Nam?
- Tôi có đủ điều kiện về bằng cấp, và tôi từng cãi
cho một số vụ kiện dân sự. Theo luật thì tôi được phép bào chữa cho các vụ kiện
dân sự.
Tôi chưa bao giờ xưng danh luật sư bởi tôi đang là
công chức Bộ Ngoại giao, mà theo Luật luật sư thì công chức không được làm luật
sư. Thực tế là tôi cũng chưa từng xin tham gia đoàn luật sư nào cả. Việc Đoàn
Luật sư Thành phố Hà Nội đột nhiên ra văn bản nói rằng tôi không phải thành
viên của họ, quả thật rất vô lý và vô duyên, vì tôi có xin vào đó bao giờ đâu.
Posted by Đoan Trang at 6:24 PM
----------------------------------
Wednesday, April 9, 2014
5 năm về trước, ngày 9/4/2009, tại khách sạn Melia Hà Nội có một sự kiện
mà tôi cho là "lịch sử": Hội thảo toàn quốc về đại dự án khai thác
bauxite Tây Nguyên. Hội thảo kéo dài từ 8h30 sáng tới 6h30 tối, và với tôi, nó
là "lịch sử" ở chỗ hình như đấy là "lần đầu tiên từ năm 1975 có
phản biện, chất vấn công khai giữa các nhà khoa học và nhà đầu tư dự án (mà
đứng sau lưng là chính quyền), đại biểu ngồi nghe ai cũng cho mình là đúng, và
rất chăm chú, không ai bỏ về trước (như đa số hội thảo khác)".
Đó cũng là những ngày tháng cao trào của cuộc đấu tranh chống dự án
bauxite Tây Nguyên. Trong những sự kiện góp phần vào cao trào đó, có việc ông
Cù Huy Hà Vũ kiện Thủ tướng, có vụ bắt ông Trần Huỳnh Duy Thức (tháng 5), bắt
luật sư Lê Công Định (tháng 6), và nhiều người khác...
Tôi post lại bài này nhân sự kiện ông Cù Huy Hà Vũ được trả tự do và đi
Mỹ, và để nhớ lại mùa hè 2009.
* * *
Kỳ 3: “4 KHẢ NĂNG PHẢN ỨNG CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO”
- Ông nói rằng ông đã lường trước hết và tính toán
tất cả, ví dụ ngay khi gửi đơn cho Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội, ông đã
biết trước đơn sẽ không được thụ lý vì Tòa không đủ thẩm quyền. Vậy nếu ngay cả
Tòa án Nhân dân Tối cao cũng không đủ thẩm quyền thì sao?
- Điều 127 Hiến pháp năm 1992 của nước CHXHCN Việt
Nam quy định: “Trong tình hình đặc biệt, Quốc hội có thể thành lập Tòa án đặc biệt”.
Chuyện một công dân khởi kiện Thủ tướng là việc chưa từng có tiền lệ ở Việt
Nam, nên đây là “tình hình đặc biệt” rồi. Tòa Tối cao sẽ phải báo cáo Quốc hội,
đề nghị thành lập một tòa án đặc biệt để thụ lý vụ việc.
- Ông dự đoán Tòa án Nhân dân Tối cao sẽ phản ứng ra
sao với đơn kiện Thủ tướng của ông? (Ngày 3-7, ông Cù Huy Hà Vũ đã gửi đơn kiện
Thủ tướng tới Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao).
- Tôi xác định là phản ứng của Tòa Tối cao không nằm
ngoài bốn khả năng sau:
Thứ nhất, Tòa Tối cao sẽ thụ lý đơn kiện. Trong
trường hợp này, chắc chắn tôi sẽ thắng kiện, vì Tòa không thể vin vào luật nào
mà cãi cho Thủ tướng được.
Thứ hai, Tòa Tối cao sẽ báo cáo Quốc hội, đề nghị
thành lập Tòa án đặc biệt để thụ lý đơn kiện.
Thứ ba, bản thân Tòa Tối cao cũng không xác định nổi
tòa án nào ở Việt Nam có thẩm quyền thụ lý vụ việc.
Và thứ tư là… lờ lớ lơ. Tức là Tòa sẽ chẳng nói gì
cả. Tuy nhiên, tôi tin là không có khả năng này, bởi vì Tòa bắt buộc phải có
hướng dẫn đối với một công dân đang trong quá trình tố tụng. Tôi cũng chỉ là
một công dân, chẳng có gì đáng sợ để Tòa phải tránh trả lời.
- Hai khả năng đầu có vẻ tích cực. Khả năng thứ tư
ông cho rằng sẽ không thành hiện thực. Vậy còn khả năng thứ ba, nếu ngay cả Tòa
Tối cao cũng chịu, không có cách giải quyết nào, thì ông sẽ làm gì tiếp theo?
- Đến lúc đó thì tôi sẽ làm đơn gửi Quốc hội, đề
nghị Quốc hội xác định tòa án nào có thể thụ lý vụ việc của tôi. Tất nhiên tôi
sẽ gợi ý khả năng thành lập Tòa án đặc biệt.
Tôi sẽ làm tới cùng. Tôi sẽ đẩy vụ việc tới mức Tòa
án buộc phải thụ lý đơn kiện.
- Nếu Quốc hội không làm theo gợi ý của ông thì sao?
- Điều này có nghĩa là Quốc hội xóa sổ nguyên tắc
“Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” được quy định tại Điều 52 Hiến
pháp. Một khi Hiến pháp bị chính cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước vi
phạm thì còn gì để nói nữa! Thế giới người ta sẽ nghĩ sao về Nhà nước này? Như
vậy, từ một lá đơn của tôi mà đã đập tung cả cơ chế, cả hệ thống luật, từ dưới
lên trên. Đó là cách làm của tôi.
- Ông dự đoán khả năng nào sẽ xảy ra?
- Tôi nghĩ họ sẽ rút lại chủ trương khai thác
bauxite Tây Nguyên, bởi vì thà rút còn hơn đưa Thủ tướng ra tòa xử. Nếu đưa ra
tòa, tôi cũng sẽ thắng kiện với những chứng lý mà tôi đã trình bày rõ trong
đơn.
Tất nhiên tôi cũng hiểu việc rút lại dự án có thể
gây một số hậu quả cho Nhà nước trong quan hệ với Trung Quốc. Có thể sẽ phải
tính đến khả năng bồi thường cho nhà thầu Trung Quốc vì đã đơn phương hủy hợp
đồng, như Australia mới đây đã làm cũng với nhà thầu Trung Quốc.
Tuy nhiên, tôi xác định là cứ từ từ đã, làm từng
bước một. Và nhất thiết là Nhà nước với nhân dân phải cùng xử lý tình hình. Lo
bên ngoài trước đã rồi trong nhà mới ngồi lại bàn chuyện sai, đúng, luận tội
sau.
- Tiền bồi thường lấy từ đâu ra, nếu không phải từ
tiền thuế mà dân đóng góp, mà người dân đâu có lỗi gì?
- Tôi tin rằng toàn thể người dân Việt Nam vì lợi
ích của chính mình sẽ chung tay cùng Thủ tướng và Chính phủ để lo khoản bồi
thường này.
- Từ hôm kiện Thủ tướng, ông có gặp bất kỳ một phản
ứng nào từ phía cơ quan công quyền không? Hạ nhục, làm mất uy tín ông chẳng
hạn?
- Hoàn toàn không. Không một lời đe dọa hay khuyên
nhủ, không một tin nhắn. Chỉ có chuyện Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội ra thông
báo nói rằng tôi không phải luật sư, nêu đích danh “anh Cù Huy Hà Vũ”. Tôi sẽ
kiện họ tội xâm phạm danh dự, uy tín công dân.
(Ngày 1-7, ông Cù Huy Hà Vũ đã có đơn khiếu nại về
thông báo của Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội).
- Ông có nghĩ tới một khả năng nào gọi là xấu nhất,
cho chính ông không?
- Tôi chẳng sợ. Tôi nói rồi, tôi đã tính rất cẩn
thận. Khi xác định đi kiện Thủ tướng là tôi đã biết sẽ phải “đấu trí” rồi. Tôi
kiện Thủ tướng là trên cơ sở luật pháp và vì vậy luật pháp sẽ bảo vệ tôi.
Tôi có những nguyên tắc của tôi:
1. Tôi dựa vào Hiến pháp của nước CHXHCN Việt Nam,
trong đó Điều 52 quy định “Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.
2. Tôi dựa vào Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ
án hành chính, trong đó quy định “Mọi quyết định hành chính đều có thể là đối
tượng bị khởi kiện”.
3. Tôi dựa vào nguyên tắc chung của luật pháp trên
toàn thế giới: Công dân được quyền làm những gì luật pháp không cấm. Nhà nước,
cơ quan công quyền chỉ được quyền làm những gì luật pháp cho phép. Và tôi kiện
Thủ tướng với tư cách một công dân.
Posted by Đoan Trang at 7:48 PM
No comments:
Post a Comment