Sunday 13 April 2014

TRUNG QUỐC THÁCH THỨC PHILIPPINES TẠI BIỂN ĐÔNG (Donald K. Emmerson, EAF)




Donald K. Emmerson, EAF

Thùy Dương chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Posted on Apr 12, 2014

Trong khi phần lớn thế giới đang bận rộn xem Nga nuốt chửng Crimea thì một số khác đã kịp nhận ra các vụ tranh chấp lãnh thổ đầy nguy hiểm cũng bắt đầu diễn ra hồi đầu tháng này ở khu vực Biển Đông.


Tại Bãi ngầm Thomas II, một lực lượng nhỏ thủy quân lục chiến của Philippines từ lâu đã đóng căn cứ tại đây và được củng cố trên boong tàu BRP Sierra Madre rỉ sét – một tàu hải quân nửa chìm trong rặng san hô từ năm 1999. Kể từ đó, các tàu và thủy quân lục chiến làm nhiệm vụ thể hiện chủ quyền của Manila đối với bãi ngầm tại khu vực này. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã cố gắng tuyên bố chủ quyền của mình bằng cách tăng cường tuần tra đến khu vực gần Bãi ngầm Thomas II.

Vào ngày 9 tháng Ba năm 2014, Trung Quốc thực hiện các động thái mạnh mẽ nhằm chấm dứt tình trạng giằng co tại bãi ngầm. Lần đầu tiên trong 15 năm, Bắc Kinh đã ngăn chặn Manila trong việc cung cấp vật tư cho tàu Sierra Madre. Cảnh sát biển Trung Quốc buộc hai tàu của Philippines phải dời đi hướng khác. Manila đã trả đũa cuộc phong tỏa bằng cách thả thực phẩm và nước cho nhóm thủy quân lục chiến bằng đường hàng không. Các diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào việc Manila có tiếp tục cung cấp thực phẩm bằng tàu hay máy bay hay không. Mặt khác, việc này phụ thuộc vào Bắc Kinh có để các tàu này tiếp cận, hay truy đuổi, đánh chìm hoặc bắn hạ tàu Philippines lại là chuyện khác.
Trung Quốc cáo buộc rằng các tàu Philippines được “chất đầy vật liệu xây dựng” nhằm xây dựng căn cứ của Manila tại khu vực này. Tuy nhiên, Manila cho biết các tàu chỉ đơn thuần cố gắng tái cung cấp vật dụng cho hải quân nhằm “cải thiện các điều kiện ở đó”, chứ không phải để “mở rộng hoặc xây dựng cơ sở vĩnh viễn trên bãi cát ngầm”.

Hơn một chục năm trước đây, Trung Quốc và mười nước ASEAN đã ký Tuyên bố năm 2002 về Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông hay còn gọi là DOC. Các bên ký kết sẽ thực thi cái gọi là “giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán bằng biện pháp ôn hòa mà không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực”. Rõ ràng, mối đe dọa của Trung Quốc đối với các tàu cung cấp vật dụng của Philippines ở vùng nước nông Thomas II vào ngày 9 tháng Ba đã vi phạm DOC.

Hành động tranh chấp kéo dài tới mức kỉ lục đối với những khẳng định đơn phương xuống tận phía Nam và phía Đông Biển Đông đã thể hiện rõ âm mưu của Bắc Kinh. Trung Quốc muốn và đang cố gắng đóng vai trò thống trị trên các vùng biển mà họ gọi là “chuỗi đảo đầu tiên” cũng như các phần liên quan trên rìa đất hình bản đồ chữ U (tức đường lưỡi bò chín đoạn).

Câu hỏi đặt ra không phải về “ý đồ của Trung Quốc là gì?”. Câu trả lời mà nhiều người đã biết là Trung Quốc muốn thống trị khu vực Biển Đông. Có lẽ câu hỏi nên được đặt ra bây giờ là “những nước khác sẽ chuẩn bị ứng phó như thế nào nếu có sự cố xảy ra?”.

Cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản đều không muốn chiến tranh diễn ra ở Biển Đông. Washington hiện đang bận rộn với cuộc xâm lược và thôn tính Crimea của Nga – chưa kể đến ngoại giao không có kết quả của Hoa Kỳ về các vấn đề Iran, Isarel–Palestine và Syria. Ngoài ra, số phận bí ẩn của chuyến bay MH370 thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines đã thu hút hết sự chú ý còn sót lại. Đối với những sự kiện này, có lẽ Trung Quốc khó có thể tìm được thời điểm nào tốt hơn để phong tỏa các tàu của Philippines như hiện nay.

Biển Đông là đường hàng hải chính của Đông Nam Á. Những hành động trong khu vực này của Trung Quốc đều trực tiếp tác động đến các nước khác. Câu hỏi được nêu ra là khi Trung Quốc phong tỏa hoặc ngăn chặn các tàu nước khác thì ASEAN sẽ làm gì? Họ sẽ tiếp tục bỏ qua các động thái của Trung Quốc, hay theo phép lịch sự, sẽ chống lại Trung Quốc?

Ngày 18 tháng Ba vừa qua, các quan chức ASEAN và đối tác Trung Quốc đã gặp nhau tại Singapore tại kì họp thứ 10 của Nhóm Công tác chung về việc thực hiện DOC. Nhóm họp đã được triệu tập định kì từ năm 2005 nhưng hành động này thực sự vô nghĩa. Trung Quốc lâu nay đã quen với việc hành động theo kiểu “lá mặt lá trái”, vừa tham gia các cuộc thảo luận với ASEAN và cùng lúc vừa thay đổi những quy tắc trên khu vực Biển Đông.

Các nước ASEAN và Trung Quốc có vẻ như đang tiếp tục bàn về việc chuyển từ DOC sang COC – một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông kèm theo các điều khoản ràng buộc. Nhưng bản thân việc thực thi DOC tiếp tục chứng minh sự vô nghĩa. Trung Quốc không phải là nguyên nhân duy nhất của sự chậm trễ này nhưng chiến lược của Trung Quốc là quá rõ ràng: sử dụng công cụ ngoại giao không hiệu quả để “câu thời gian” cho tình hình thực tế, qua đó đảm bảo rằng các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ phục vụ cho mục đích của Trung Quốc.

Có khả năng kết quả của hầu hết các cuộc đàm phán tại Singapore là sự trình diễn niềm tin vào một khung thời gian ngày càng lùi lại: sự tuân thủ cuối cùng đối với DOC và sự tồn tại cuối cùng của COC.
Trong tháng Mười một năm 2013, Trung Quốc tuyên bố hành động đơn phương bằng việc xác lập Vùng Nhận diện Phòng không tại Biển Hoa Đông. Phạm vi của vùng nhận diện này, cả về mặt hàng hải và hàng không, đều gây nguy hiểm cho Quyền tự do hàng hải cũng như Quyền tự do hàng không trên vùng biển Đông Bắc Á.

Ai cũng có thể đoán được ASEAN sẽ không bình luận gì về tuyên bố đó của Trung Quốc. Các nước trong khu vực đưa ra các lời bình luận rất khiêm tốn để không làm phật ý Bắc Kinh và có vẻ không thiên về lợi ích của Tokyo và Washington. Tuy nhiên, cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản đều phủ nhận sự tồn tại của vùng nhận diện này. Một hội nghị thượng đỉnh giữa ASEAN – Nhật Bản tại Tokyo vào ngày 14 tháng Mười hai đã đưa ra tuyên bố chung bao gồm một chương về “tự do và an toàn hàng hải và hàng không”.

Mười một nhà lãnh đạo đã cùng “nhất trí tăng cường hợp tác trong việc đảm bảo tự do hàng không, an toàn hàng không dân dụng phù hợp với các nguyên tắc công nhận của luật pháp quốc tế…”. Đây là những chế tài lộ liễu nhất để thể hiện thái độ đối với những nỗ lực chiếm đóng của Trung Quốc tại quần đảo Sensaku/Điếu Ngư và việc cố gắng kiểm soát giao thông hàng không trong khu vực Biển Hoa Đông.

Ngoài ra, tại một cuộc họp ngoại trưởng được tổ chức tại Bagan vào ngày 17 tháng Một năm 2014, mặc dù không có một tuyên bố chung được công bố nhưng theo bản tóm tắt chính thức trên website của Ban thư ký ASEAN và Bộ Ngoại giao Miến Điện, thì các bộ trưởng đã “bày tỏ quan ngại về diễn biến gần đây tại khu vực Biển Đông. Họ đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định an ninh hàng hải, (và) tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông”. Họ cũng nói rằng cần phải “kêu gọi các bên tiếp tục tự kiềm chế đối với các hành động khiêu khích” ở khu vực này.

Philippines đã tuyên bố nước này sẽ tiếp tục gửi thêm tàu để tiếp tế cho Sierra Madre. Có lẽ  lập trường ngoan cố đó sẽ khiến Nhóm Hoạt động chung công khai thúc đẩy sự “tự kiềm chế” sau khi bảo đảm riêng với Bắc Kinh rằng những lời chỉ trích chỉ dành riêng cho Manila và có thể một cuộc thảo luận sôi nổi về Biển Đông đã diễn ra tại Singapore.

Các nước ASEAN thậm chí có thể bất chấp cái bóng lớn Trung Quốc và đưa ra một bản tóm tắt các sự kiện lên trang web của Ban Thư ký ASEAN, biểu hiện sự không tán thành đối với những rủi ro liên quan đến Quyền tự do hàng hải cũng như Quyền tự do hàng không.

Phải chăng Bắc Kinh đã tự “đóng hộp” chính mình? Liệu các lãnh đạo Trung Quốc có thấy chính mình bị bó buộc trong tình trạng khó xử hay không – tức không thể ngăn chặn tàu Philippines và máy bay vì sợ dự luận chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong nước cho là Trung Quốc yếu đuối, nhưng cùng lúc cũng không thể cô lập thủy quân lục chiến của Manila mà không làm các nước láng giềng Đông Nam Á xa lánh Bắc Kinh.

Hoặc có lẽ ASEAN sẽ nhắm mắt làm ngơ, để cho người Philippines tự bảo vệ mình, và do đó, sự đồng thuận theo “Phương cách ASEAN” sẽ tạo điều kiện để Trung Quốc thống trị Biển Đông. Chắc chắn một số người ở Đông Nam Á cho rằng kết quả cuối cùng đã là một kết luận có thể biết trước.


Donald K. Emmerson là người đứng đầu Diễn đàn Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Châu Á–Thái Bình Dương Shorenstein thuộc Đại học Stanford.

© 2014 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info


------------------------------

Stephen Blank, The National Interest
Anh Khôi chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Posted on Apr 10, 2014

Walden Bello, IPS
Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Posted on Apr 1, 2014


Walden Bello, IPS
Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Posted on Apr 3, 2014




No comments:

Post a Comment

View My Stats