Wednesday, 2 April 2014

TRẢ LỜI VỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN KHOA HỌC (BS Hồ Hải)




Wednesday, April 2, 2014

Có bạn trẻ hỏi: 

"Cháu chào bác! Bác cho cháu hỏi một điều không liên quan đến chính trị ạ! Cháu đọc blog thấy bác có sự nghiên cứu và cái nhìn toàn diện trên mọi lĩnh vực. Bác có thể cho cháu biết phương pháp, bí quyết tiếp nhận kiến thức và tìm hiểu (hay đúng hơn là phương pháp học) của bác như thế nào để có sự hiểu biết cặn kẽ nhiều đến như vậy ạ? Bác có sử dụng nguồn thông tin đáng tin cậy nào về khoa học và xã hội không ạ? Cháu là thanh niên cũng ham đọc ham tìm hiểu, mong bác chỉ giúp cháu ạ. Cháu cảm ơn bác!"

Tôi xin trả lời như sau:

"Không ai chứa nổi cả một kho tàng kiến thức nhân loại được. Vì bộ não của con người là giới hạn, nhưng kiến thức của nhân loại là vô hạn. Song chúng ta có cách để chứa được những điều cốt lõi của kiến thức nhân loại.

Cách đó là phương pháp luận khoa học. Phương pháp luận khoa học là gì? Nó rất đơn giản, nó là nền tảng của triết học, và được phát biểu ngắn gọn như sau:

Hoạt động nhận thức của con người đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đem ra áp dụng cho thực tiễn, đó là con đường nhận thức chân lý khách quan. Con đường nhận thức đó được thực hiện qua các giai đoạn từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, từ cụ thể đến trừu tượng, từ hình thức bên ngoài đến bản chất bên trong.

Suy cho cùng sách vở là cũng đúc kết từ thực tế khách quan. Nên vấn đề là, khi ta sống ta phải quan sát và ghi nhận khách quan trung thực mọi sự vật hiện tượng và đúc kết cho mình. Sau đó áp dụng đúc kết đó vào thực tế khách quan để rút ra bài học giáo khoa cho chính mình.

Với cách đó, ta có thể không đến trường lớp, nhưng bản thân ta có thể trở thành là một cuốn sách giáo khoa của chính mình mà không cần đọc sách nhiều.

Khi đọc sách, không nên vào sách mà đọc từ đầu đến cuối. Cách đọc sách nhanh mà tốt nhất của bản thân tớ là, xem mục lục trước để xem tác giả muốn nói những tư tưởng gì trong sách. Sau đó chỉ nên chọn những chương, phần mà mình thấy mình chưa biết để đọc, mà không cần phải đọc hết. Vì chỉ cần đọc mục lục là biết tác giả muốn viết gì trong mỗi phần chương của sách.

Đi mua sách cũng vậy, chỉ cần xem mục lục là biết có nên mua hay không? Nhiều cuốn sách chỉ cần 1 chương mà ta chưa biết, ta cũng phải đành lòng bỏ tiền ra mua, chứ không phải thấy cái tựa kêu rổn rảng và hay là bỏ tiền ra mua. Nhiều cuốn sách trông tựa rất kêu, nhưng lật mục lục ra xem thì chả có gì để đọc.

Khi đọc sách cần tìm từ quan trọng nói lên ý hoặc tư tưởng chính mà đọc. Không nhất thiết phải đọc hết tất cả các chữ viết trong sách mới hiểu hết được sách.

Có 2 loại người đọc sách: Loại người chiếm phần đông là người đọc sách để tìm bóng dáng quá khứ, hiện tại và tương lai của mình trong đó. Loại người thứ hai hiếm hơn, là đọc sách đi tìm tư tưởng hay ý chính của tác giả mà mình chưa biết.

Đọc sách là tìm ý chính và tư tưởng của tác giả mà mình chưa biết, chứ không nên tìm bóng dáng mình trong đó. 

Sau khi đúc kết thực tế khách quan, hoặc đọc sách thì phải biến nó thành ý tưởng của mình một cách ngắn gọn và chung nhất cho mọi sự kiện, để sau này dùng nó.

"Học nhiều không phải là hay. Đọc nhiều không phải là hiểu biết nhiều. Cũng như ăn nhiều không phải là khỏe, vấn đề là phải biết cách học chọn cái mà đọc, mà ăn. Hãy cho tôi một đứa trẻ, tôi sẽ cho nó biết những gì nó cần biết mà người khác khó có thể biết, nhưng những cái mà người khác biết, nếu cần nó sẽ biết dễ dàng". Đây là câu nói nổi tiếng của nhà triết học, giáo dục học người Pháp Jean-Jacques Rousseau!

Sống cả đời người trăm năm thì rất ngắn, nhưng cũng rất dài. Ngắn khi ta luôn tư duy mọi việc theo đúng phương pháp luận khoa học. Lúc đó, ta sẽ thấy mình không đủ thời gian để sống đúng ý nghĩa cho đời. Nhưng sẽ rất dài, khi mọi tư duy ta bị đóng băng, không còn gì để tư duy. Ngay cả Hoa Kỳ, người ta thống kê lại, cũng chỉ có 4% dân số là thực sự sống và tư duy liên tục trong cả cuộc đời. Số ấy luôn thành đạt và có cuộc sống an toàn.

Tất cả những điều trên đã giúp tôi nắm nhiều kiến thức mà không quá tải. Nên đôi khi tôi viết như cái máy, như nhiều bạn trẻ đã từng bình luận trên nhà của tôi."

Thân mến


Posted by Hồ Hải at 3:14 PM

Bài đọc liên quan:



No comments:

Post a Comment

View My Stats