Tuesday, 8 April 2014

THÀNH QUẢ CỦA NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VIỆT NAM (Ts. Nguyễn Đình Thắng)




Ts. Nguyễn Đình Thắng
Posted on Friday, April 04, 2014  @ 17:26:58 EDT

Hôm qua người cuối cùng trong số 800 đồng hương tham gia 2 ngày vận động đã lên đường về nhà. Cùng lúc ấy, một số người đã liên lạc với dân biểu và thượng nghị sĩ của mình để tiếp tục vận động. Nhiều phái đoàn đã lên đài truyền hình và phát thanh để tường trình với đồng hương trong vùng. Cuối tuần này, các phái đoàn ở Nam và Bắc Cali sẽ thực hiện họp báo để phúc trình với cộng đồng địa phương.


Cuộc tổng vận động ngày 26 và 27 tháng 3 vừa rồi đạt được những thành quả cụ thể sau đây:

(1)    Phát triển nội lực cho cộng đồng Việt ở hải ngoại

Trên 30 phái đoàn gồm 800 người đến từ nhiều thành phố và tiểu bang Hoa Kỳ đã cùng nhau chứng tỏ khả năng huy động, tổ chức và phối hợp ở tầm vóc toàn quốc. Điều này đòi hỏi mỗi phái đoàn phải làm việc từ nhiều tháng trước, từ sắp xếp các buổi hẹn với thành viên Quốc Hội, gây quỹ tài trợ cho những người có lòng tham gia nhưng eo hẹp tài chánh, vận động các người trẻ nhập cuộc, giúp người trong phái đoàn ghi danh và chuẩn bị cho ngày lên đường…
Nhiều vị dân biểu và thượng nghị sĩ đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến cử toạ chật cứng hội trường, kể cả tầng phụ ở trên và dọc hai hành lang dẫn lên khán đài.

DB Frank Wolf phát biểu trước 800 người Mỹ gốc Việt, Quốc Hội Hoa Kỳ, ngày 27 tháng 3, 2014   http://www.machsong.org/spaw/images/Ben%20Cardin.jpg

Năm nay đặc biệt có rất đông giới trẻ tham gia. Những bạn trẻ đã tham gia Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm 2012 và 2013 không những quay trở lại mà còn rủ thêm bạn bè hay chính anh chị em ruột của mình đi chuyến này. 

Một đặc điểm nữa là năm nay có một số người từ Canada và Âu Châu cùng tham gia để lấy kinh nghiệm nhằm tái lập các cuộc tổng vận động tương tự ở những quốc gia khác có người Việt sinh sống.

Ảnh hưởng của việc tạo nội lực này không chỉ giới hạn nơi số 800 người tham gia trực tiếp mà còn được lan toả ra trong cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung nhờ số gần 30 phóng viên thuộc các đài truyền hình, truyền thanh, và báo chí liên tục tường thuật về các sinh hoạt vận động chưa kể các trang mạng xã hội đã liên tục đưa tin, hình ảnh, và video.

Vì ban tổ chức quan niệm rằng tập thể người Việt ở hải ngoại là một phần của dân tộc, khi tập thể này tăng nội lực và thế đứng thì cũng có nghĩa là cả dân tộc Việt Nam cũng tăng nội lực và thế đứng -- một yếu tố cần thiết để thay đổi đất nước.


(2)    Tạo tiếng nói cho các nhà đấu tranh trong nước

Chính sách của chế độ độc tài là một tay bị miệng dân và tay kia che mắt thiên hạ. Để phá vỡ tình trạng này, ban tổ chức Ngày Vận Động Cho Việt Nam năm nay sắp xếp để một số nhà đấu tranh trong nước sánh vai cùng với những chuyên gia quốc tế hay giới chức chính quyền Hoa Kỳ và cất tiếng nói tại buổi điều trần trước Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos hôm 26 tháng 3 và tại Hội Nghị Xã Hội Dân Sự Việt Nam hôm 27 tháng 3 cũng được tổ chức tại Quốc Hội Hoa Kỳ. 

Không những vậy, các toán chuyên viên kỹ thuật tin học, có mặt tại chỗ và ở xa, đã chia nhau nối kết cho người Việt khắp nơi, kể cả ở Việt Nam theo dõi các sinh hoạt dân chủ ở ngay tại trung tâm quyền lực của quốc gia đại cường đứng đầu thế giới. Chẳng hạn, ngoài hàng trăm người đứng chật phòng điều trần ngày 26 tháng 3, còn có hơn 400 người theo dõi trực tuyến. Cũng vậy, trên 500 người theo dõi trực tuyến các tham luận đoàn tại Hội Nghị Xã Hội Dân Sự Việt Nam ngày hôm sau.   

Ban tổ chức quan niệm rằng dân chủ là thái độ và tập quán, cho nên không hể chỉ nói và viết về dân chủ mà đích thân mỗi người phải trải nghiệm dân chủ. Các sinh hoạt trong hai ngày 26 và 27 tháng 3 đã cung cấp nhiều cơ hội để đồng bào trong nước đích thân trải nghiệm và có khi tham gia sinh hoạt dân chủ mà không thể nào có được ở trong nước. Điều này được biểu lộ tại bữa cơm chiều đúc kết và chia tay ngày 27 tháng 3, khi hai bạn trẻ với kinh nghiệm tù đày vì tranh đấu nhân quyền và dân chủ vừa đến Hoa Kỳ sau nhiều năm lánh nạn ở Thái Lan. Trong sự nghẹn ngào, họ đã so sánh những người trẻ phải sống trong sự bưng bít của chế độ độc tài trong nước với những người trẻ, cũng cùng giòng máu Việt Nam, nhưng đầy tự tin, bản lãnh và lòng nhân ái nhờ lớn lên trong môi trường tự do và dân chủ.


(3)    Tạo cơ hội thuận lợi cho sự thay đổi

Để tăng điều kiện thuận lợi cho công cuộc tranh đấu của đồng bào ở trong nước, ban tổ chức đưa ra ba mục tiêu Hoa Kỳ vận: vận động Quốc Hội thông qua hai đạo luật nhân quyền cho Việt Nam, cài điều kiện nhân quyền vào tiến trình thương thảo giữa Hoa Kỳ và Việt Nam về Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và mở rộng chiến dịch đòi tự do cho tù nhân lương tâm.

Hai luật về nhân quyền gồm có: (1) Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam đã thông qua Hạ Viện và nay cần thông qua ở Thượng Viện; (2) Luật Chế Tài Các Vi Phạm Nhân Quyền Ở Việt Nam cần thông qua ở Hạ Viện lẫn Thượng Viện. Các phái đoàn đã chia nhau tiếp xúc với gần 50 vị thượng nghị sĩ hay nhân viên lập pháp của họ để vận động cho hai dự luật này. Ngoài ra các phái đoàn cũng tiếp xúc khoảng 70 dân biểu hay nhân viên của họ để vận động cho luật chế tài và đỡ đầu tù nhân lương tâm Việt Nam.

Riêng nỗ lực đẩy lùi TPP có triển vọng thành công cao, ít ra là đến cuối năm 2014 để có cơ hội cài điều kiện nhân quyền và đủ thời gian để chính quyền Việt Nam chứng minh những cải thiện nhân quyền cụ thể, mà tiên quyết là trả tự do cho mọi tù nhân lương tâm. Hiện nay TPP đang gặp chống đối bởi đa số dân biểu Hạ Viện và một số thượng nghị sĩ quyền thế ở Thượng Viện – chỉ cần một thượng nghị sĩ cản chặn thì TPP cũng vẫn sẽ không được phê chuẩn.

Các nỗ lực Hoa Kỳ vận kể trên mang ý nghĩa bổ trợ cho việc tạo nội lực cho dân tộc, ở trong và ngoài nước.

Ban tổ chức của cuộc tổng vận động năm nay là một tập hợp hùng hậu – lên đến trên 100 người. Họ đã bỏ nhiều tháng liên tục để chuẩn bị cho Ngày Vận Động Cho Việt Nam ở quy mô rộng lớn hơn bất kỳ bao giờ. Một phần ba trong số họ ở trong vùng Hoa Thịnh Đốn, đảm trách các công việc liên quan đến Quốc Hội và Hành Pháp, soạn tài liệu, in ấn, và phối hợp mọi buổi tiếp xúc và mọi sinh hoạt cho trôi chảy. 

Một phần ba là những người ở xa về, gồm có các trưởng phái đoàn – một số phái đoàn lớn thì có đến 2 hoặc 3 trưởng phái đoàn. Và phần ba còn lại là những người không về Hoa Thịnh Đốn nhưng đóng góp về kỹ thuật, phiên dịch, thông dịch, kể cả một số đồng bào lánh nạn ở Thái Lan giúp lập hồ sơ tù nhân lương tâm. 

Tôi vô cùng tri ân những đóng góp thiết yếu và tấm lòng tận tuỵ của những người trong ban tổ chức. Tôi cũng vô cùng cảm kích đối với toàn thể 800 đồng hương từ 18 đến 82 tuổi đã hy sinh thời gian, công việc và tiền bạc để tham gia cuộc tổng vận động năm nay. Tôi cũng không quên phần đóng góp quý báu của các cơ quan truyền thông với các phóng viên làm việc quần quật từ sáng sớm đến chiều tối mỗi ngày để đưa tin nhanh chóng đến những người ở xa nóng lòng theo dõi cuộc tổng vận động cho dân tộc và đất nước. 

Vài ngày tới đây, chúng tôi sẽ có những thông báo về các bước nối tiếp.

Một số thiện nguyện viên thuộc ban tổ chức, văn phòng trung ương của BPSOS ở Bắc Virginia, ngày 25 tháng 3, 2014 http://www.machsong.org/spaw/images/Volunteers%20at%20BPSOS%20HQ_3.JPG


No comments:

Post a Comment

View My Stats