Tiến sĩ
Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Cập nhật: 05:33 GMT - chủ nhật, 20 tháng
4, 2014
Vô tình hay hữu ý, chính thể Việt Nam đã lùi sâu một
độ trễ nhân quyền so với Miến Điện. Phải gần ba năm sau khi Tổng thống dân sự
Then Sein phóng thích nữ lãnh tụ đảng đối lập Aung San Suu Kyi và bắt đầu lộ
trình thả tù chính trị, Nhà nước Việt Nam mới bắt đầu nhận ra các tù nhân lương
tâm ở đất nước này có giá đến thế nào trước cái giá không hề rẻ của Hiệp định
TPP.
Lần đầu tiên từ mốc thời điểm 1975, số lượng tù nhân
chính trị ở Việt Nam lại được “khoan hồng” nhiều và “chất lượng” đến thế. Chỉ
trong vỏn vẹn 5 tuần lễ, 4 người bất đồng chính kiến và một người thuộc quân
đội chế độ cũ đã được thả ra.
Thậm chí giới quan sát còn không khỏi bị bất ngờ khi
những cái tên luôn bị chính quyền xem là “nguy hiểm” như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn
Tiến Trung cũng được “ân xá”.
Một dấu son nhỏ có nét tương đồng với kịch bản Miến
Điện đang nổi lên trên gương mặt chính thể cầm quyền ở Việt Nam. Một sự thật
hoành tráng nhưng đầy cay đắng mà một cây bình luận trong giới dân chủ đã phải
thốt lên về trường hợp Cù Huy Hà Vũ: “Không phải Tổ quốc và nhân dân xóa tội,
mà Chính phủ Hoa Kỳ đã “đặc xá” cho ông!”.
“Bản
luận văn Thein Sein”
Hiện tại bắt nguồn từ dĩ vãng, một dĩ vãng mà khi nó
xảy ra đã không mấy người tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Đơn giản là nếu
không có cuộc gặp tại Phòng bầu dục vào tháng 7/2013 giữa hai người tương nhiệm
Trương Tấn Sang và Barak Obama, làm thế nào để Việt Nam có thể tiến tới điểm
chạm TPP sát như ngày hôm nay cùng một ít “tài nguyên nhân quyền” được song
trùng phát mãi?
Và nếu không có những chuyến thăm “đòi nợ” của Ngoại
trưởng John Kerry và nữ Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại Hà Nội lần
lượt vào tháng 12/2013 và tháng 3/2014, làm sao “người tù thế kỷ” Nguyễn Hữu
Cầu được sum họp với gia đình ông sau 37 năm nằm giữa bốn bức tường tăm tối của
chế độ?
“Nơi nào có lợi ích chung Mỹ - Việt, nơi đó có thể
đối thoại” - John Kerry đã nêu ra một định đề như vậy. Và xét cho cùng, đó là
một quy luật mà tính chân lý của nó vẫn chưa bị phủ nhận cho đến giờ, đặc biệt
trong thế cầu cạnh khắc khoải của Hà Nội đối với Washington. Và đó cũng là lý
do vì sao Nhà nước Việt Nam lại vội vã thả nhà giáo Đinh Đăng Định cùng một
lệnh đặc xá dành riêng cho ông, tránh thoát trách nhiệm dành cho một cái chết
cực kỳ phản cảm về đối ngoại trong chốn lao tù.
Miến Điện cuối năm 2011 và sang năm 2012… Cũng có cơ
cảnh của hàng chục tù nhân chính trị “sắp chết” như Đinh Đăng Định. Nhưng điều
trớ trêu là vào khoảng thời gian trên, trong lúc Thein Sein đã hào phóng thả
vài ba đợt tù nhân với số lượng lên đến hàng trăm người, trong đó có cả vài
người tù bị kết án chính trị lên đến hàng trăm năm, Nhà nước Việt Nam lại đạt
đến cao trào bắt bớ các nhân vật bất đồng chính kiến.
Chỉ riêng năm 2012 đã có gần 50 người bị bắt và sau
đó bị kết các loại án khác nhau, liên quan đến các điều luật “chính trị hóa”
của Bộ luật hình sự, trong đó phổ biến nhất là điều 88 (tuyên truyền chống nhà
nước), điều 79 (âm mưu lật đổ chính quyền), và sau đó là điều 258 (lợi dụng
quyền tự do dân chủ).
Cuối năm 2012, lần đầu tiên sau nửa thế kỷ chìm
trong ngột ngạt của một chế độ đóng kín và sau đó là chủ nghĩa quân phiệt,
Chính phủ Miến Điện đã bắt đầu nhận được món quà xóa nợ của Phương Tây.
6 tỷ USD từ Câu lạc bộ Paris, và nhiều món nợ lẻ
được hủy bỏ bởi các quốc gia như Na Uy, Pháp, Nhật Bản, Đức mà tổng cộng lên
đến hàng chục tỷ USD, đã khiến cho đất nước nghèo đói này thoát khỏi một gánh
nặng kiệt quệ để từ đó có thể vươn đầu lên. Con sóng đầu tư nước ngoài cũng bất
chợt tăng cao độ gấp ba lần vào năm 2013.
Ngay sau bước chân hứa hẹn và nụ cười tươi rói của
Obama tại phi trường Rangoon , thế giới tư bản bỗng nhiên nhận ra những tiềm
năng phi mã mà trước đó họ chưa bao giờ thừa nhận ở Miến Điện. Tiềm năng này
còn trở nên nhiều ý nghĩa hơn nữa khi một tiềm năng khác - dự án thủy điện
Myitsone với giá trị lên đến 7 tỷ USD của giới đầu tư Trung Quốc - đã bị Tổng
thống Thein Sein thẳng tay hủy bỏ.
Đến lúc này, hẳn chính giới và các nhà tư bản phương
Tây đã xác nhận về sự xác quyết và chọn lựa của chế độ hậu quân sự độc tài ở
Miến Điện. Không ít người còn dự đoán về một tương lai không xa, đất nước này
có thể được gia nhập Hiệp định TPP với tư cách một thành viên “đặc cách”. Tất
nhiên, đề dẫn của “bản luận văn Thein Sein” là khá rõ ràng khi vào cuối năm
2012, chính quyền Miến Điện chính thức hủy bỏ đạo luật cấm biểu tình, và vào
tháng 4/2013 Thein Sein đã chính thức cho phép báo chí tư nhân hoạt động.
Còn đến cuối năm 2013, vị cựu tướng lĩnh quân đội có
gương mặt trí thức này đã giữ trọn vẹn lời thề với Nghị viện chung châu Âu khi
phóng thích toàn bộ tù nhân chính trị tại đất nước mình.
Kết quả là tất cả những nơi trên châu Âu mà Thein
Sein đặt chân đến, ông đều được đón tiếp không chỉ bằng nghi thức dành cho
nguyên thủ quốc gia, mà bởi điều mà báo chí nước ngoài đã mô tả như “một tình
cảm tương xứng”.
Những
chính khách ngược dòng
Nhưng trong những năm tháng mà Miến Điện đang tiến
vọt trên con đường dân chủ hóa và thu nạp nhiều tình cảm về kinh tế, ngoại giao
của phương Tây, Nhà nước Việt Nam vẫn vật lộn trong cơn đau không thành tiếng
giữa ý thức hệ lỗi thời về chủ nghĩa xã hội và chiến dịch “thanh toán” dân
chúng cùng cuộc thanh toán lẫn nhau giữa các nhóm lợi ích nứt đố đổ vách. Nửa
năm sau cuộc gặp Sang - Obama, mọi chuyện vẫn gần như giậm chân tại chỗ từ hệ
quy chiếu chính quyền Việt Nam.
Quẫn bách hơn thế, hình như không ai trong giới lãnh
đạo cao cấp ở đất nước này còn đủ sáng suốt, ý chí “đoàn kết” và đặc biệt là
thiên bẩm quyết đoán để nhận ra đâu là lợi ích chung dân tộc và đâu là lối
thoát riêng cho mình.
Tình thế nan giải đó đang phát triển đến mức mà ngay
sau đợt thả tù chính trị chưa có tiền lệ vừa qua, đã không có bất cứ tổ chức
hay cá nhân lãnh đạo nào “lên tiếng chịu trách nhiệm”, cho dù dư luận về việc
ai đó sẵn lòng lên tiếng tranh công ghi điểm với Mỹ và phương Tây chỉ còn là
vấn đề thời gian.
Cũng theo cố tật không mấy minh bạch có truyền thống
ăn sâu từ trước tới nay, hầu hết các báo đảng đều không thốt nên lời về những
trường hợp phóng thích tù chính trị, hoàn toàn ngược chiều với lúc bắt họ. Phải
chăng người ta cảm thấy việc tuyên truyền vào thời điểm này là “không có lợi”
cho chế độ khi phải thừa nhận một sự nhượng bộ đáng kể đối với Hoa Kỳ? Hay còn
lý do quá tế nhị nào khác?
Nhưng nói gì thì nói, việc không một cá nhân lãnh
đạo nào lên tiếng đã cho thấy một khả năng quan trọng rất có thể xảy ra: không
phải bất cứ cá nhân nào, mà “chiến dịch” thả tù chính trị là do “tập thể Bộ
chính trị” quyết định.
Nếu không mang bất kỳ dấu ấn cá nhân nào cho chiến
dịch thả tù, cơ chế tập thể lại minh họa cho một khả năng khác: thế tương quan
lực lượng trong đảng vẫn còn nguyên trạng thái giằng co. Vẫn chưa chính khách
nào rút được chân từ mớ bùng nhùng mà họ đã phải “quyết liệt” chịu đựng bất lâu
nay.
Và nếu hai khả năng trên là hiện thực, điều đó lại
dẫn đến một kết luận quan trọng không kém: tình thế kinh tế - chính trị học ở
Việt Nam đã có thể chạm vào giới hạn “sự tồn vong của chế độ”, khiến cho ngay
cả những người “kiên định” nhất cũng phải dần ngả sang kế sách “Đông hòa Tôn Quyền,
Bắc cự Tào Tháo”.
Có lẽ không cần giải thích, tất cả độc giả yêu
thích kiệt tác “Tam quốc diễn nghĩa” đều hiểu Tôn Quyền và Tào Tháo là ai.
Đàn
áp hay đối thoại?
Động thái thả tù chính trị cũng có vẻ bị dồn ép bởi
một động tác đến từ bên kia bán cầu: vào cuối tháng 3/2013, lần đầu tiên Dự
luật chế tài nhân quyền Việt Nam, mang số hiệu HR. 4254 đã được dân biểu Ed
Royce, chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ nghị viện Mỹ, trình ra Quốc hội quốc gia
này. Nếu được thông qua và thành hình, văn bản luật này sẽ mang ý nghĩa xã hội
ghê gớm khi khống chế đường xuất cảnh và phong tỏa luôn tài sản ở nước ngoài
của những chính khách vi phạm nhân quyền trầm trọng trong chính thể Việt Nam.
Người ta cũng biết rằng vào năm 2011 đã từng có động
tác “chế tài” tương tự đối với chính thể Miến Điện. Nghe nói một danh sách lên
đến 5.000 nhân vật ở quốc gia này đã được ưu tiên trình cho tổng thống Mỹ.
“Kịch bản Miến Điện” cũng bởi thế đang hứa hẹn vài
điểm xuyết cho bức tranh nhân quyền và nội chính ở Việt Nam.
Cũng đã đến lúc cần dẫn ra một quan niệm mới: Nơi
nào có chung quyền lợi của giới quan chức và dân chúng, nơi đó có thể đối thoại
được. Vì xét cho cùng, đó là phương án hoàn toàn có cơ sở đắt giá, khi kể từ
sau cuộc nổi dậy của người dân Thái Bình vào năm 1997, cho đến nay mới diễn ra
tình trạng hầu hết quan chức xã Bắc Sơn ở Hà Tĩnh phải đưa gia đình đi “lánh
nạn”. Một cơn sóng dữ và rất có thể là con sóng “hồi tố” của nông dân phản
kháng thu hồi đất vô lối sẽ diễn ra trên diện rộng ở đồng bằng sông Hồng và
ngay tại Hà Nội.
Chế độ suy vong, chức quan hữu trách - không một
quan chức đủ khôn ngoan và tính toán nào lại không cảm nhận được rằng cứ với
cái đà này, dù mối đe dọa chế độ không đến từ giới bất đồng chính kiến, song
tiếng kêu thán oán phẫn uất tràn ngập trong dân chúng mới chính là một lực
lượng tự phát và ghê gớm có thể hất đổ chân ghế rệu mục của thể chế vào bất kỳ
lúc nào.
Để khi đó, những lãnh đạo bị coi là vi phạm nhân
quyền và đàn áp dân nhiều nhất sẽ phải đối mặt với vài lựa chọn cực kỳ khó
khăn: hoặc bị đấu tố theo kiểu “cách mạng văn hóa” ở Trung Quốc vào những năm
60 của thế kỷ trước và có thể không tránh khỏi một kết cục xấu nhất, hoặc phải
tìm đường lánh thoát khỏi khu vực Đông Dương trong tình thế rủi ro tài sản quan
chức luôn tương xứng với mọi giá trị hạnh phúc mà tài sản đó đã từng mang lại
cho họ.
Nhận thức được sinh ra từ trải nghiệm, còn trải
nghiệm đang gặm dần vào hành vi. Vào những ngày này, một chuyện lạ đã xảy ra ở
An Giang - thánh địa của giới Phật giáo Hòa hỏa và cũng là “căn cứ địa” của
thế giới “công an trị”.
Một cuộc sinh hoạt về tuyên ngôn nhân quyền Liên
hiệp quốc vừa được các giáo hữu Phật giáo Hòa hảo thuần túy tổ chức. Tuy
nhiên khác hẳn với những năm trước và nhiều lần trước, không khí lần này trở
nên “ôn hòa” một cách bất thường. Thậm chí, buổi sinh hoạt còn có mặt của một
đương kim phó công an xã với tư cách “khách mời” cùng thái độ “lắng nghe”.
Phải chăng đó là dấu chỉ cho một sự hòa quyện bắt
buộc giữa xã hội dân sự độc lập với “xã hội dân sự định hướng xã hội chủ
nghĩa”?
Nhưng dù gì, tương lai cũng đang nhận được hy vọng
nảy nở từ quá khứ hoang tàn. Quá cám cảnh với tình thế không khác mấy “thù
trong giặc ngoài” như hiện thời, sẽ là khả dĩ chấp nhận cho nhà cầm quyền nếu
họ chịu thỏa hiệp với quốc tế và trên hết với dân chúng bị trị.
Bài học hiện tồn của chính thể Thein Sein vẫn còn
nguyên đó: chính quyền quân đội và cảnh sát chưa hề mất mát gì, ngoài một ít
tâm niệm chia sẻ quyền được sống cho người dân của họ.
Bài
phản ánh quan điểm riêng và văn phong của tác giả, nhà báo tự do
sống tại TP HCM.
No comments:
Post a Comment