Bài "Sau
Cộng Sản, sẽ có tự do dân chủ" của tôi đã được đăng trên nhiều
websites và blogs, trong nước cũng như ngoài nước, và đã khiến một số đông đảo
độc giả phản ứng, tham luận. Tôi thấy có bổn phận phải trả lời chung và làm
sáng tỏ vài điểm:
1. Bài báo đưa ra những khó khăn có thể sẽ xẩy ra sau khi chế độ Cộng Sản
sụp đổ. Sự sụp đổ của một chế độ là một biến chuyển. Xây dựng dân chủ là một
tiến trình lâu dài, phải chuẩn bị và tổ chức. Nếu không chuẩn bị, giai đoạn hậu
CS sẽ là một giai đoạn cực kỳ xáo trộn.
2. Nói như vậy, không có nghĩa là nên buông tay, chấp nhận chế độ kỳ quái
hiện tại. Cái lập luận cho rằng dân chủ, nhân quyền là một khái niệm Tây
Phương, người Á Đông không có những nhu cầu đó, là một lý luận ngây ngô, ngày
nay không thuyết phục được ai nữa. Nhân quyền là khát vọng của bất cứ người nào
muốn còn là người. Da vàng hay da xanh.
3. Bài báo đề cập đến kinh nghiệm Nga. Xã hội VN có nhiều điểm khác với
Nga: tất cả dân Nga bị nhồi sọ, tẩy não dưới thời Cộng Sản, trong khi VN, trước
75, có miền Nam và miền Bắc. Những người đã sống ở miền Nam tuyệt đại đa số
chống Cộng, một thiểu số mơ tưởng CS ngày nay đã vỡ mộng, thức tỉnh. Với dân
chúng miền Nam, càng tuyên truyền láo khoét người ta càng chán ghét. Năm 75,
dân miền Nam đã biểu quyết bằng chân. Sau 40 năm Xếp Hàng Cả Ngày, nếu có bầu
cử thật, sự chối bỏ CS sẽ mãnh liệt hơn nữa
4. Phong trào tranh đấu cho dân chủ ở VN những năm gần đây có những tiến
triển đáng kể, với những hội đoàn dân sự, những tổ chức bloggers, cựu tù nhân
chính trị, với những khuôn mặt trẻ, đặc biệt là phụ nữ. Giới trẻ và phụ nhữ đã
đóng một vai trò quyết định trong cách mạng Ả Rập. Ở Tunisie, nhờ thái độ quyết
liệt của họ, những nhóm Hồi giáo đã phải bỏ ý định ban hành một hiến pháp sặc
mùi Hồi giáo quá khích. VN có cả một đội ngũ phụ nữ tranh đấu khả ái, khả kính
phải được tích cực ủng hộ.
5. Như đã viết trong bài báo, VN, nhờ Internet, nhờ du lịch và du học, đã
có một tầng lớp trung lưu đông đảo có thể làm nền móng cho việc xây dựng dân
chủ. Với điều kiện những nhà tranh đấu nghĩ tới việc truyền thông, giáo dục để
họ có một hành lý vững chắc về dân chủ. Truyền thông tân tiến không phải là lải
nhải nhắc lại những khẩu hiệu. Thay vì lặp đi, nhắc lại những ý niệm trừu tượng
về dân chủ, phải cho thấy những lợi ích cụ thể của dân chủ. Thí dụ không có dân
chủ không thể nào chống tham nhũng, vì không thể chống tham nhũng nếu những
người có nhiệm vụ kiểm soát lại được bổ nhiệm bởi những thủ phạm tham nhũng.
Dưới chế độ dân chủ, toà án, các tổ chức kiểm soát cũng như quốc hội hoàn toàn
độc lập với chính quyền. Tóm lại, thay vì nói với nhau, phải nói với dân, về
những cái cụ thể, bằng ngôn ngữ của dân. Một cuốn cẩm nang nhỏ, giải thích dân
chủ là gì, tại sao phải dân chủ, những yêu điểm và khuyềt điểm của một xã hội
dân chủ, không phải là chuyện vô ích.
6. Một độc giả viết: "Sau CS là cái gì chưa biết, nhưng ít nhất
không còn CS nữa, như vậy là tốt rồi". Điều đó hoàn toàn đúng, vì thực
tế đã chứng tỏ không gì tệ hại hơn chủ nghĩa CS, nhưng nếu chúng ta chịu khó
rút tỉa kinh nghiệm của những nước khác, đã đi trước, đã trả với giá đắt, chúng
ta có thể tránh được nhiều tai hoạ, đổ vỡ. VN hiện nay là một con bệnh đang
ngấp ngoái, nếu tiết kiệm được vài năm, vài chục năm xáo trộn hậu CS là điều
những người có trách nhiệm nên làm. Phải làm.
7. Muốn có dân chủ, phải có người dân chủ. Điều đó có nghĩa là phải vận
động để hàng ngũ dân chủ càng ngày càng đông đảo. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi
người trong chúng ta phải tập sống như một người dân chủ. Nghĩa là tôn trọng
người khác, tôn trọng những ý kiến khác với ý kiến của mình. Tự do không có
nghĩa là hỗn loạn. Trong một xứ độc tài, tất cả những gì luật lệ không cho phép
đều bị cấm; trong một xứ dân chủ, người ta có quyền làm bất cứ điều gì luật lệ
không cấm. Nhưng tự do của tôi ngưng lại khi đụng chạm đến tự do của người khác
8. Dân nào cũng có tính tốt, thói xấu. Nhưng dân Việt Nam có một thói xấu
kinh hoàng và kinh niên là cái thói chia rẽ. Đó là cái trở ngại lớn nhất cho
việc xây dựng dân chủ ở VN. Khi nào người VN, nhất là những người đã hy sinh và
anh dũng tranh đấu cho dân chủ, hiểu rằng kẻ thù của mình là độc tài, không
phải là những người cũng là nạn nhân như mình nhưng thuộc một nhóm khác, một tổ
chức khác, không phải là ngưòi trong nước hay hải ngoại, lúc đó phong trào dân
chủ sẽ tiến như đi hia bẩy dặm, không có lực lượng nào cản nổi.
9. Chủ nghĩa Cộng Sản đã chết. Không ai bảo vệ chủ nghĩa nữa. Bằng chứng
là ở VN không còn ai đi tù vì chỉ trích chủ nghĩa. Đảng đã biến thành một
MAFIA, bênh vực quyền lợi của một nhóm Mafia, với những thủ đoạn, đòn phép
Mafia. Muốn chống lại Mafia, phải tìm hiểu phương pháp sinh hoạt của Mafia.
Poutine chưa làm dữ ở Ukraine, mặc dù thái độ thụ động của Tây Phương, bởi vì
mafia Nga rất sợ Tây phương sẽ tịch thu tất cả tài sản và ngân khoản của Mafia
đỏ ở hải ngoại, cấm ngoại thương khiến kinh tế Nga suy sụp. Một trong những lý
do mà ít ngươi noí tới, khiến giới tướng lãnh cầm quyền ở Miến Điện nhượng bộ,
bên cạnh những lý do khác, là các tướng lãnh rất sợ đe dọa của Hoa kỳ sẽ cấm
nhập cảnh và cấm con cháu các lãnh tụ quân phiệt được du học ở Mỹ.
No comments:
Post a Comment