Anh Vũ
- RFI
Thứ tư 16 Tháng Tư 2014
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20140416-phuong-an-thuong-luong-nao-tai-geneve-ve-khung-hoang-ukraina
Ngày
mai 17/04/2014, đại diện Ukraina, Nga, Mỹ và Liên hiệp châu Âu sẽ gặp nhau tại
Genève để đàm phán tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraina. Câu hỏi được
quan tâm nhất là các bên sẽ chọn phương án thương lượng nào trước cuộc khủng
hoảng trầm trọng đang có nguy cơ làm chia đất nước Ukraina theo hai ngả, phía
đông thân Nga và phía tây hướng về châu Âu.
Theo bà Maria Lipman, nhà phân tích của Trung tâm
Carnegie tại Matxcơva, nước Nga đang tìm cách để « có được bảo đảm Ukraina sẽ
không gia nhập vào vòng ảnh hưởng của phương Tây, trong khi mà Ukraina đang nằm
ngay trong vùng đệm giữa phương Tây và Nga ».
Còn ông John Lough, chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu
quan hệ quốc tế của Anh Chatham House, nhận định Matxcơva đang « thử dồn chính
quyền Ukraina đến nước cùng phải sử dụng đến vũ lực. Người Nga thường xuyên
muốn tạo được cảm giác là Kiev không còn có khả năng quyền hành và chính phủ
trung ương bất tài nên mới gây thêm căng thẳng ».
Nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu chính trị
Paris, bà Anne de Tanguy cũng đồng quan điểm trên cho rằng : « Điều mà người
Nga muốn đó là một nước Ukraina có chủ quyền hạn chế ». Theo chuyên gia này,
ông Vladimir Putin, với dự án liên bang, muốn « một nước Ukraina dễ bảo ».
Theo chuyên gia Anh ông John Lough, người Nga cố
gắng thuyết phục Hoa Kỳ và châu Âu rằng Nga là nước duy nhất có được « giải
pháp thực tế cho vấn đề ». Người Nga nhấn mạnh đến việc các cường quốc phương
Tây đã không chuẩn bị để có thể trợ giúp tài chính cho Ukraina, còn bản thân
Nga thì sẵn sàng đóng một vai trò xây dựng và họ có thể tìm cách giảm giá khí
đốt, hoãn nợ tiền khi đốt cho Ukraina khi mà được bảo đảm chính phủ Kiev sẽ
quan tâm đến lợi ích của tất cả người dân Ukraina ».
Như để tăng thêm sức ép, Ngoại trưởng Nga Sergei
Lavrov hôm qua đã cảnh báo rằng mọi mệnh lệnh mang tính « tội phạm » của chính
quyền Ukraina bằng cách sử dụng vũ lực chống lại người nổi dậy thân Nga ở miền
đông sẽ làm hỏng các cuộc thương lượng tại Genève.
Khả
năng hành động của phương Tây
Washington và Liên hiệp châu Âu đều có chung mối
quan ngại trước các cuộc tấn công của các lực lượng vũ trang thân Nga ở miền
đông, đã kêu gọi các bên kiềm chế và đều có quan điểm phải tôn trọng chủ quyền
của Ukraina.
Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc đồng sự Nga dùng
ảnh hưởng để các « lực lượng bất thường » kia hạ vũ khí. Đáp lại cuộc đối thoại
chẳng ai nghe ai này, tổng thống Vladimir Putin khẳng định những tố cáo Nga can
thiệp chỉ là phỏng đoán dựa trên những thông tin không có cơ sở.
Sau vụ Nga sáp nhập Crimée, các cường quốc phương
Tây đã quyết định ra đòn trừng phạt, đặc biệt là về tài chính, nhằm vào một số
lượng hạn chế các quan chức Nga hay Ukraina thân Nga. Trên phương diện ngoại
giao phương Tây tẩy chay hội nghị thượng đỉnh G8 tại Sotchi dự kiến vào tháng
Sáu tới.
Những biện pháp này dường như không mấy có hiệu quả.
Theo nhà nghiên cứu Anne de Tanguy, đề ngăn chặn Nga thực hiện các ý đồ của
mình thì bản thân Liên hiệp châu Âu phải định hướng lại việc nhập khẩu khí đốt
để chứng tỏ không bị lệ thuộc vào Nga.
Trong khi đó, ông Andy Hunder, lãnh đạo Viện Ukraina
tại Luân Đôn, cho rằng các nước phương Tây có thể đẩy mạnh trừng phạt bằng việc
cấm nhập cảnh, phong toả tài sản hay áp dụng các biện pháp tương tự như đối với
Iran và nhằm vào mục tiêu cụ thể hơn.
Ồng Hunder đánh giá : « Vladimir Putin lo ngại ngân
hàng phương Tây nhiều hơn là các chiến xa của họ. Có rất nhiều tiền Nga đặt tại
các trung tâm tài chính như Luân Đôn và nếu nhưng những người thân cận của
Putin bị đụng tới thì họ sẽ phải thúc ông ta làm cái gì đó ».
Bên cạnh những hành động nhằm vào Nga, chính quyền
non nớt của Ukraina đang cần sự trợ giúp của phương Tây, đặc biệt trong lĩnh
vực vay nợ và hỗ trợ kỹ thuật cho quân đội.
Theo chuyên gia John Lough, phạm vi hành động của
các nước phương Tây không được rộng cho lắm. Ông lý giải : « Liên hiệp châu Âu
có thể mở rộng danh sách trừng phạt nhưng lại phải làm sao cho phù hợp với luật
pháp, điều này có nghĩa là châu Âu phải chứng minh được những nhân vật chủ chốt
đã gây ra rối loạn ở Ukraina và việc sáp nhập Crimée ».
Bà Maria Lipman thì cảnh báo : « Ukraina chỉ có rất
ít quyền hành , nhưng họ lại có đủ quyền để có thể gây đổ máu. Phải luôn nghĩ
tới nguy cơ một cuộc chiến tranh quy mô lớn có thể xảy ra ».
Vì Ukraina không là thành viên của NATO cho nên Liên
minh không thể cam kết can thiệp quân sự ngay cả khi bạo lực trở nên nghiêm
trọng ở miền đông. NATO chỉ có thể lên kế hoạch bí mật nhằm tăng cường các biện
pháp an ninh nếu mức độ khủng hoảng nghiêm trọng.
------------------------
Nga tìm mọi cách
thúc ép thành lập liên bang Ukraina
- RFI 16/04/2014
Đông Ukraina: Một
nhóm người vũ trang chiếm tòa thị chính Donetsk - RFI
16/04/2014
Putin cảnh báo
Ukraina đứng bên bờ vực nội chiến - RFI 16/04/2014
Quân đội thân Nga
chiếm xe quân sự của Ukraine
- VOA 16/04/2014
Lực lượng vũ trang
thân Nga tiến vào các thành phố Ukraine -
VOA 16/04/2014
No comments:
Post a Comment