Monday, 21 April 2014

PHÁP QUYỀN hay PHÁP TRỊ ? (Trương Nhân Tuấn)




dimanche 20 avril 2014

Thuật ngữ « Etat de droit » trong tiếng Pháp nguyên thủy bắt nguồn từ khái niệm  « Rechtsstaat », xuất hiện vào khoảng đầu thế kỷ 20 ở Đức, có ý nghĩa là một « hệ thống định chế (thiết lập quốc gia) mà trong đó mọi quyền lực đều phải tuân theo pháp luật ». Ta có một khái niệm tương đương (xuất hiện từ thế kỷ 17) « Rule of law » trong xã hội Anh-Mỹ.

Việt Nam trước sau có đến hai cụm từ « pháp quyền » và « pháp trị », là từ Hán-Việt, « nhà nước pháp quyền » hay « nhà nước pháp trị », để dịch thuật ngữ này.

Tại miền Nam trước 1975, cả hai thuật ngữ « pháp quyền » và « nhà nước pháp trị » đã được sử dụng với hai ý nghĩa luật học rất khác nhau. Các sách Luật, do các giáo sư thuộc Đại học Luật phiên dịch ra tiếng Việt, đều dịch « Etat de droit » là « nhà nước pháp trị ». Còn « juridiction » các tự điển Pháp-Việt dịch « pháp quyền », tức quyền xét xử. (Các tự điển Pháp-Hoa trong cùng thời kỳ cũng đều dịch như vậy : juridiction - pháp quyền).

(Trường Luật ở miền Nam trước 75 nguyên thủy là trường « Cao đẳng Luật học » ở Hà Nội (do Pháp lập vào đầu thế kỷ 20). Trường này phụ thuộc vào trường Luật Paris. Sau 1954, Việt Nam chia đôi đất nước, trường « di cư » vào nam, độc lập với Paris, trở thành « Luật khoa đại học đường » trực thuộc Viện Đại Học Sài Gòn, với ba phân khoa chính là tư pháp, công pháp và kinh tế.)

Các tự điển Pháp Việt xuất bản sau này thì dịch « juridiction » là « quyền tài phán ».

Điều ghi nhận : chữ « quyền » ở các trường hợp trên là « droit, right », như « nhân quyền », « phụ nữ quyền »… chứ không phải là « quyền » của « quyền lực » (pouvoir, power). Cũng không phải là « luật » (loi, law) trong « hệ thống luật » (ở các định nghĩa về « pháp quyền » của các tự điển Việt Nam sau năm 1992).

Thuật ngữ « pháp trị » đã trở thành quen thuộc với giới luật gia và học giả miền Nam cho tới năm 1975. Một số tác giả hậu duệ, (kế thừa), hay xuất thân từ VNCH cũ vẫn còn thói quen sử dụng từ « nhà nước pháp trị » cho đến hôm nay.

Trong cùng thời gian, ở miền Bắc, phân khoa Luật bị « khai tử » trong danh sách các phân khoa đại học. Trường « Cao đẳng Luật học » đổi tên thành trường Chính trị xã hội. Nhưng một thời gian sau thì trường này cũng bị xóa sổ.

Không có một tài liệu nào cho thấy miền Bắc sử dụng từ « pháp quyền » hay một từ tương đương để dịch khái niệm về nhà nước gọi là « Etat de droit » hay « Rule of law ». Khái niệm này không hề có ở miền bắc Việt Nam. Điều này cũng đúng cho tất cả các nước thuộc khối cộng sản cũ.

Chỉ đến thập niên 90 từ ngữ « nhà nước pháp quyền » mới xuất hiện trong các bài viết chính trị. Nó chính thức được đưa vào bản Hiến pháp (sữa đổi) năm 2001.  

Câu hỏi đặt ra, dịch cách nào là đúng, nhà nước « pháp trị » hay nhà nước « pháp quyền » ?

Nhắc lại một số trường hợp khác biệt về nhận thức và diễn đạt của hai bên Nam và Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh : khi miền Nam gọi là lính « thủy quân lục chiến » thì miền Bắc gọi là « lính thủy đánh bộ », miền Nam gọi máy bay « trực thăng » thì miền Bắc « máy bay lên thẳng », miền Nam viết « phản ảnh » thì miền Bắc viết « phản ánh », miền Nam gọi là « nhà hộ sinh » thì miền Bắc gọi là « xưởng đẻ » v.v…

Ta thấy cách nói nào cũng đúng.

Nhưng ở trường hợp « pháp quyền » và « pháp trị » vấn đề hoàn toàn khác. Có hai lãnh vực cần xem xét.

1/ Vấn đề ngôn từ :

1.1 Cách dịch tương đương :

Nền văn minh Trung Hoa, (mà Việt Nam ảnh hưởng một cách sâu sắc), không hề có khái niệm về quyền lực quốc gia như là « hệ thống định chế mà trong đó mọi quyền lực quốc gia đều phải tuân theo pháp luật », theo như định nghĩa của « Rule of law  – Etat de droit ». Các dân tộc Trung Hoa và Việt Nam chưa từng có kinh nghiệm sống trong một xã hội dân chủ tự do (démocratie libérale) mà chỉ trong thể chế chính trị này « Etat de droit - Rule of law » mới có thể xây dựng.

Như vậy, ngôn ngữ Trung Hoa (Hán) và Việt không có từ ngữ nào tương đương để dịch « Rule of law  – Etat de droit ».

(Ta có trong ngôn ngữ Việt Nam những từ ngữ tương đương để dịch một số từ đặc biệt tiếng Pháp. Thí dụ « L’Académie française » thì dịch là « Pháp quốc Hàn lâm viện », còn gọi là « viện Hàn lâm Pháp ». « Hàn lâm » nghĩa nguyên tiếng Hán là « rừng bút », là tên một định chế học thuật VN thời xưa. Tương ứng với một định chế học thuật Pháp, có tên là (khu vườn Akadêmos ). « Académie » là một danh từ riêng, làm sao dịch nghĩa được ? TQ dịch là « Pháp quốc Học thuật viện »).

1.2 Cách dịch theo ngữ nghĩa :

Về thuật ngữ « Rule of law - Etat de droit », tự điển tiếng Hoa dịch là “pháp quy 法規” và “pháp trị 法治”.
Việt Nam hiện nay dịch « Rule of law - Etat de droit » là “pháp quyền”. Cả hai từ “pháp” và “quyền” đều có gốc Hán.

Mạnh Tử có nói: “Nam nữ thụ thụ bất thân, lễ dã, tẩu nịch viên chi dĩ thủ, quyền dã 男女授受不親, 禮也; 嫂溺援之以手,權也 ». Nam nữ trao và nhận không được trực tiếp gần gũi với nhau, đó là lễ; chị dâu bị đắm chìm đưa tay ra vớt, đó là “quyền”.

Chữ  “quyền” bắt nguồn từ “lễ” của Khổng giáo.

Chữ « quyền » trong tiếng Hán chỉ có một cách viết duy nhất, vừa chỉ cho quyền (droit, right) trong quyền lợi, hay quyền (pouvoir, power) trong quyền lực, hay luật (loi, law) trong « hệ thống luật ». Các chữ “quyền” trong quyền lực, chính quyền, nhân quyền, tam quyền phân lập… đều có cùng một cách viết.

Như thế dùng chữ “quyền”, với đặc tính “lễ” (nhân trị), để dịch một thuật ngữ liên quan đến “pháp lý” (pháp trị), « Rule of law - Etat de droit », là không chính xác.

Chủ trương của Khổng giáo là “nhân trị” và “đức trị” chứ không là pháp trị.

Như thế, dịch chính xác theo ngữ nghĩa thì « Rule of law - Etat de droit » phải dịch là nhà nước “pháp trị” chứ không thể là nhà nước “pháp quyền”.

Cũng có giải thích cho rằng dùng từ “pháp quyền” vì Trung Hoa thời thuợng cổ đã có quan niệm về “pháp trị”. Thật vậy, phái “Pháp gia” phản biện chủ trương “nhân trị” của Khổng, đưa ra thuyết “pháp trị”, lấy luật pháp để cai trị. Nhưng “pháp trị” ở đây là pháp luật để cho ông vua sử dụng để cai trị người dân. Tức pháp luật là công cụ của người lãnh đạo. Người lãnh đạo là luật, còn không thì ở trên luật. Đây là chế độ “dụng pháp trị” “rule by law”. Trong khi đặc điểm của một nhà nước pháp trị là luật pháp phải độc lập với chính quyền và tất cả mọi người, kể cả người lãnh đạo, đều ở dưới và chịu sự chi phối của pháp luật.

2/ Vấn đề áp dụng “pháp quyền” hay “pháp trị” trong nhà nước.

Nếu ta xét đến hiến pháp của các nước dân chủ tiêu biểu như Mỹ, Pháp, Đức… ta không hề thấy qui định nhà nước phải theo một thể chế chính trị nào cả mà chỉ ghi là phải tôn trọng ý nguyện của người dân. Cũng không thấy ghi là “nhà nước pháp trị” hay “nhà nước pháp quyền”, mà chỉ qui định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Các điều này không hề thấy ở các chế độ độc tài.

Như đã viết trên, các quốc gia xây dựng nhà nước trên nền tảng lý thuyết Mác-Lê không hề có khái niệm về một nhà nước pháp trị. Chỉ sau khi khối XHCN sụp đổ, các nước như Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu bàn về một « Rule of law - Etat de droit ». Điều này cần thiết vì lãnh đạo tại đây thấy cần thiết phải gia nhập “sân chơi” WTO để phát triển đất nước. Mà điều kiện tiên quyết để gia nhập WTO là quốc gia phải có một hệ thống pháp lý minh bạch, tức phải có một “nhà nước pháp trị”.

Đại hội đảng CSTQ năm 1997 quyết định xây dựng một “nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa” do Giang Trạch Dân chủ xướng. Ông này chủ trương “dĩ pháp trị quốc 以法治国 », “kiến thiết xã hội chủ nghĩa pháp trị quốc gia 设社会主义法治国家 » (hiểu theo tiếng Việt là xây dựng nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa).  Ta cũng thấy các thuật ngữ khác như “pháp trị văn học”, “pháp trị hóa”… Đến thời Hồ Cẩm Đào, ông này chủ trương “Xã hội hài hòa”, nhưng không đi ra ngoài tư tưởng “nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa” :  “hài hòa xã hội tựu thị pháp trị xã hội  社会就是社会法治 », tức là “xã hội hài hòa tức là xã hội pháp trị”.

Điều 5 Hiến pháp TQ (tháng 3-1999) qui định “nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cố gắng lèo lái đất nước phù hợp với pháp luật đồng thời xây dựng một nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa”.

Từ những hứa hẹn này Trung Quốc được chấp thuận gia nhập vào WTO 11-12-2001.

Còn VN, từ lâu lãnh đạo CSVN nhất cử nhất động đều “nhái” theo đàn anh TQ. Khi TQ ra khái niệm “kinh tế xã hội chủ nghĩa thị trường” hoặc chủ trương “xã hội chủ nghĩa theo màu sắc TQ” thì VN cũng bắt chước y như vậy. Có điều VN đổi chữ một chút để trở thành “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”. Vần đề là nội hàm hai khái niệm này giống nhau như đúc.

Vì thế, khi TQ đưa ra khái niệm “nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa“ thì VN không thể không nhái theo.

Thay đổi một chút, Việt Nam chính thức sử dụng cụm từ “pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, theo điều 2 Hiến pháp (sửa chữa) 2001.

Dầu vậy việc này vẫn không giúp VN sớm gia nhập WTO. Có lẽ là do “nhập nhằng” ngôn từ hơn là thực chất trọng pháp theo đòi hỏi của tổ chức này. Bởi vì, thực chất, cái gọi là “nhà nước pháp trị xã hội chủ nghĩa“ ở TQ và “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa“ ở VN đều có chung một bản chất : dụng pháp trị (rule by law). Tức là giai cấp lãnh đạo đứng trên, hay đứng ngoài pháp luật, đồng thời pháp luật chỉ là công cụ để bảo vệ chế độ.


3/ Kết luận:

Thực ra dịch thế nào không quan hệ, cái bình nếu có tròn hay méo thế nào thì đâu đáng quan tâm? Điều quan trọng là rượu đựng trong đó ngon hay dở ? “Lính thủy đánh bộ” thì có khác gì “thủy quân lục chiến” ?

Cách dịch của các học giả XHCN về “nhà nước pháp quyền” thay vì “nhà nước pháp trị” cũng chỉ là thói quen bắt chước, nhưng cố làm làm cho khác người. Tiếc là việc “làm khác người” kỳ này không dễ dàng như cái “xưởng đẻ”.

Các từ ngữ “xưởng đẻ”, “lính thủy đánh bộ” v.v… lần hồi được thay thế bằng những từ hoa mỹ hơn. Thì mình cũng hy vọng nay mai “pháp quyền” cũng sẽ đổi thành “pháp trị”. Vấn đề là các học giả VN có nhận thức được hay không ?

( Người ta nói « nhà nước công an trị », « nhà nước độc tài đảng trị », « nhà nước độc tài gia đình trị »…. Chứ không ai gọi « nhà nước công an quyền », « nhà nước độc tài đảng quyền », « nhà nước độc tài gia đình quyền » … Vì vậy, khi một nhà nước xây dựng lên bằng một hệ thống định chế pháp lý, mọi quyền lực trong quốc gia đều chịu kiểm soát của luật pháp, thì nhà nước đó phải gọi là « nhà nước pháp trị » chứ không thể gọi khác.)

Trong khi chờ đợi một sự thống nhất về cách dùng từ, thiển nghĩ nên thêm “dân chủ” ở phía trước “pháp trị”, thí dụ: “ở các nước dân chủ pháp trị…” để tránh những ngộ nhận có thể.

Ghi chú: Các từ Hán Việt trong bài được kiểm chứng, riêng chữ "quyền" thì lấy nguồn, từ đây: http://hanviet.org/

--------------------------------

Trần Thanh Hiệp, LS
April 19, 2014 | Bình Luận



No comments:

Post a Comment

View My Stats