Thụy My - RFI
Thứ tư 02 Tháng Tư 2014
Khúc nhạc mở đầu chương trình là bài hát «Tiếng Sóng Vân Đồn »,
trước đây được hạm trưởng Vũ Hữu San của khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) chọn
làm nhạc hiệu cho tàu. Sau trận hải chiến Hoàng Sa, sáng 20/01/1974 tàu HQ-4 về
đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, bài hát ca ngợi danh tướng Trần Khánh Dư trong trận
hải chiến với quân Nguyên, đã đập tan đội thủy quân của Ô Mã Nhi, cũng được
phát trên loa khi cập cảng.
Sau đó vài tiếng đồng hồ đến lượt tuần dương hạm
Trần Bình Trọng (HQ-5), rồi tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16) bị thương
tích nặng cũng về đến nơi. Chiến hạm này bị nghiêng hẳn về bên phải, bên hông
tàu bị lủng một lỗ thật lớn ở hầm máy. Chỉ có hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10)
không bao giờ trở về.
Chiếc tàu nhỏ bé và cũ kỹ nhất trong bốn chiến hạm
của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trận hải chiến bi hùng đã chìm xuống lòng biển
quê mẹ cùng với hạm trưởng, trung tá Ngụy Văn Thà và các đồng đội. Trong một
bài báo đăng trên tờ Thanh Niên gần đây, cựu binh Trần Văn Hà, nguyên là thợ
máy trên HQ-10 kể lại, khi tàu đã bị hư hại cả động cơ lẫn hệ thống điện đàm,
phải dùng bè để rời tàu thì hai chiến hạm chi viện của Trung Quốc xuất hiện.
Nhưng các đồng đội bị thương nặng còn ở lại trên tàu đã tiếp tục nhả đạn vào
tàu địch, mãi cho đến khi HQ-10 chìm hẳn.
Có rất nhiều câu chuyện hào hùng như thế, mà lớp hậu
sinh bây giờ mới được biết đến. Trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/01/1974 đã
đi vào lịch sử, là bản hùng ca bi tráng với 74 quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hy
sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Sau trận đánh này, tại miền Nam
đã diễn ra những cuộc mít-tinh của sinh viên học sinh và đồng bào các giới phản
đối hành động thô bạo bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc. Báo chí thời
ấy tràn ngập những bức tâm thư, những bài thơ của thanh niên miền Nam thề sẽ
lấy lại Hoàng Sa.
Nhưng
miền Bắc thì hoàn toàn im lặng. Im lặng cho đến
tận bốn mươi năm sau, hải chiến Hoàng Sa mới được đường hoàng xuất hiện trên
báo chí chính thức. Thật ra trước đó, rải rác cũng đã có một số bài viết dè dặt
nói đến sự kiện này. Năm 2011, lần đầu tiên các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã
hy sinh để bảo vệ Hoàng Sa mới được vinh danh nhân buổi lễ kỷ niệm ngày thương
binh liệt sĩ 27/7 tổ chức tại Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình, từ sáng kiến
của các nhân sĩ trí thức Saigon.
Bốn mươi năm, những người vợ góa con côi của những
tử sĩ năm xưa trôi dạt về đâu, mưu sinh như thế nào, không ai biết rõ. Họ chẳng
những không được hưởng bất cứ chế độ gì mà thường là còn bị phân biệt đối xử vì
là « thành phần ngụy quân, ngụy quyền ». Nhiều người có cuộc sống hết sức cơ
cực.
Được biết, trong số con cái của các quân nhân Việt
Nam Cộng Hòa bỏ mình vì nước tại Hoàng Sa, có hai người được đặt tên là Hoàng
Sa. Nhưng đối với người con trai của hạm phó tàu HQ-10 Nguyễn Thành Trí, thì
Hoàng Sa là biệt danh, dù có ghi trong khai sanh. Còn con trai của trung sĩ
Nguyễn Thành Trọng, phụ trách trọng pháo trên tàu HQ-10, sinh năm 1974, một
tháng sau khi người cha hy sinh, có tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Sa. Được
hỏi bạn bè hay những người xung quanh có bao giờ thắc mắc về cái tên độc đáo
này không, anh Nguyễn Hoàng Sa cho biết :
Cũng có người hỏi thăm vì cái tên của mình. Mình
cũng giải thích cho người ta, hồi đó vì cha mất ở Hoàng Sa, rồi mẹ đặt tên
Hoàng Sa luôn. Cha mất rồi, mẹ và ông nội đặt tên như vậy để làm kỷ niệm. Mình
cũng hãnh diện với cái tên kỷ niệm này. Hồi đó nghe nói là lính ngụy nên cũng
sợ, đâu dám phô trương ra. Hồi nhỏ bạn bè cũng chỉ biết tên mình thôi, chứ
không biết tiểu sử cha mình mất tại Hoàng Sa ngày xưa.
Anh Nguyễn Hoàng Sa học đến lớp 9 rồi đi học nghề
làm nhôm, làm kiếng và hiện giờ thất nghiệp, cuộc sống hết sức khó khăn. Mẹ
anh, bà Nguyễn Thị Lựa, hiện ở xã Tân Thạnh huyện Thới Lai thành phố Cần Thơ
cho biết khi chồng hy sinh bà chỉ mới 23 tuổi, đang mang thai tám tháng. Bà
ở vậy nuôi con đến nay, và vẫn giữ nguyên được những giấy tờ, hình ảnh của
chồng, được chôn giấu từ nhiều năm qua, chỉ mới đào lên lúc gần đây.
Hồi đó bác trai hy sinh thì cô đang mang bầu được
tám tháng, sau cô mới sanh, vất vả dữ lắm con ơi. Sanh được đứa con, cô đặt tên
Hoàng Sa đặng lấy cái kỷ niệm của đảo Hoàng Sa. Mẹ con cũng sống lây lất tới
giờ. Con của cô có vợ, được hai cháu, mần ăn thì cũng mẹ con đùm bọc với nhau.
Hồi đó cô mới 23 tuổi hà. Chánh quyền hồi đó cũng
cho cô lãnh lương, một quý lãnh một lần vậy đó. Lãnh được mới mấy lần, giải
phóng rồi thì mất luôn hổng có được cái gì hết trơn, tới giờ bốn chục năm rồi.
Hồi trước mấy ổng báo dìa cái ngày chiếc HQ-10 mất tích là ngay ngày
26/01/1974, cô thờ, cúng quải gì cũng lấy ngày đó, hổng biết trúng hông nhưng
mà cũng cúng đại.
Cô lấy chồng lúc đó mới hơn một năm. Ổng cưới cô về thì ổng bỏ ở nhà, ổng đi chiến tranh, đi tuần ở ngoài biển, ngoài đảo. Bốn, năm tháng thì ổng về phép một lần, được ít ngày, một tuần lễ rồi ổng đi nữa bỏ cô ở nhà, cô làm dâu. Cưới về một năm mấy là ổng mất tích luôn. Ông biết có bầu thôi, chứ đâu có biết con trai hay con gái.
Cô lấy chồng lúc đó mới hơn một năm. Ổng cưới cô về thì ổng bỏ ở nhà, ổng đi chiến tranh, đi tuần ở ngoài biển, ngoài đảo. Bốn, năm tháng thì ổng về phép một lần, được ít ngày, một tuần lễ rồi ổng đi nữa bỏ cô ở nhà, cô làm dâu. Cưới về một năm mấy là ổng mất tích luôn. Ông biết có bầu thôi, chứ đâu có biết con trai hay con gái.
Hôm đó có nhà báo Lao Động xuống, rồi đài truyền
hình TV3, báo Tuổi Trẻ, xuống coi giấy tờ cô còn đủ hông. Giấy tờ cô còn đủ hết
trơn hà. Cô bây giờ hình của ổng cũng còn luôn, hôn thú này kia đều còn đủ. Tại
cô đem về cô chôn giấu, sau mới đào lên, bây giờ còn mới tinh hà.
Gần đây, chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa do các nhà
báo Huy Đức, Thế Thanh, Kim Hạnh…khởi xướng, nhằm giúp các cựu binh và thân
nhân các quân nhân đã hy sinh tại Hoàng Sa và Trường Sa đã được nhanh chóng
hưởng ứng. Trước mắt, chương trình đang xúc tiến mua nhà cho bà Huỳnh Thị Sinh,
quả phụ của trung tá Ngụy Văn Thà, nhưng hiện đang có một số trở ngại về thủ
tục hành chính.
Kỹ
sư hàng hải Đỗ Thái Bình, người mà suốt mười lăm năm qua miệt mài thu thập tài
liệu về Hoàng Sa, cho biết :
Chương trình Hoàng Sa cho đến ngày hôm nay đã được
446 cá nhân và các nhóm gởi đến tổng số tiền là 1 tỉ 471 triệu đồng. Nhịp cầu
Hoàng Sa do mấy anh em khởi xướng, đứng đầu là anh Huy Đức. Chúng tôi mong muốn
cổ vũ cho những người đã bảo vệ biển, thuộc cả lực lượng Việt Nam Cộng Hòa
trước đây, cũng như các anh em quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay - những
người đã hy sinh để giữ biển đảo của đất nước, qua đó thể hiện tinh thần hòa
hợp dân tộc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau.
Mục đích chung là giúp đỡ những người bảo vệ biển
nói chung thuộc cả hai phía. Khởi đầu là nhịp cầu Hoàng Sa, và rồi tiến tới
giúp đỡ cả những anh em hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đảo vào những năm sau
này. Dự kiến nếu được ủng hộ thì còn kéo được dài, nhưng trước mắt là đề ra mấy
mục tiêu : giúp đỡ được cho hai bà quả phụ có nhà ở tử tế. Và giúp được căn nhà
cho anh em cựu binh Gạc Ma : lần này xây một căn nhà cho anh Lê Hữu Thảo (Gạc
Ma).
Ngoài ra tùy tình hình còn giúp những trường hợp khó
khăn khác. Thí dụ trong Tết vừa rồi, chúng tôi đã thăm hỏi được năm gia đình
Hoàng Sa và năm gia đình Gạc Ma. Bà con cũng cảm động. Còn bất ngờ thì không
đến nỗi bất ngờ lắm, vì trước chương trình này, về phía Nhà nước cũng đã bắt
đầu rục rịch có một vài chương trình. Thí dụ báo Đại Đoàn Kết cũng đã có tri ân
một vài người, nhưng công việc ấy làm hơi vội vàng.
Còn lần này được phổ biến rộng rãi trên tất cả các
phương tiện, các mạng xã hội. Nhờ đó chúng tôi cũng liên lạc được với các gia
đình Hoàng Sa mà trước đây chưa được thể hiện ; chúng tôi đang tìm cách liên hệ
hết. Vừa qua chúng tôi đã thu thập được ảnh và các thông tin chính xác của một
số người hy sinh ở Hoàng Sa. Anh Lê Hữu Thảo cùng với Huy Đức cũng đã đi thăm
một loạt các gia đình Gạc Ma trước ngày 14/3 vừa rồi.
Kỹ
sư Đỗ Thái Bình nói thêm :
Trong số những người đóng góp, chúng tôi thấy có rất
nhiều trường hợp cảm động. Thí dụ ở Hà Nội có cụ bà 92 tuổi đóng góp 50 nghìn.
Phía nước ngoài thì tôi thấy có một sự cố gắng rất cao. Một số vị không muốn
nêu tên, đã từng có chức trách hay có những cương vị lớn trong thời gian trước
1975 cũng có đóng góp.
Hay anh em hội Đại Tín ở Grand Rapids bên Hoa Kỳ đã
góp hai lần một số tiền lớn khoảng năm ngàn đô. Một số anh em người Việt đang
làm việc tại các tổ chức quốc tế như IMF, IMC, WB cũng đã gởi tiền. Những trang
mạng như blog Hiệu Minh, blog Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập cũng cổ
động cho các chương trình. Một số văn nghệ sĩ bằng các hành động bán tác phẩm,
bán tranh cũng đã đóng góp được khá nhiều tiền.
Tôi cho đó là những trường hợp cảm động trong thời
gian qua. Có người đóng góp ít, người đóng góp nhiều, nhưng đã thể hiện tình
tương thân tương ái, rất quan tâm đến những người đã hy sinh vì biển đảo, bất
kỳ từ phía nào.
Theo trang web nhipcauhoangsa.com , nhiều văn nghệ sĩ
và trí thức nổi tiếng cũng như nhiều người Việt trong và ngoài nước đã ủng hộ
bằng các bán sách, tranh ảnh, các kỷ vật quý…Một trong những trường hợp « góp
gió thành bão » như vậy là doanh nhân Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch hội đồng
quản trị công ty Lửa Việt đóng góp bằng cách bán sách. Ông cho biết thêm một số
thông tin :
Một nhóm anh em thân hữu trong đó có chị Kim Hạnh,
chị Thế Thanh, anh Huy Đức… lập quỹ Nhịp cầu Hoàng Sa để chăm sóc giúp đỡ các
gia đình tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong hải chiến Hoàng Sa ngày
19/01/1974. Gần đây Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có phát động chính thức
chương trình Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa.
Chương trình này có hai phần. Phần thứ nhất là xây
một đài tưởng niệm liệt sĩ ở Trường Sa, và chăm sóc cho thân nhân những người
hy sinh ở Hoàng Sa và Trường Sa. Có một điều lấn cấn là tại sao không làm đền
thờ chung mà chỉ làm ở Trường Sa ? Hiện nay dư luận cũng đang có nhiều ý kiến
lắm.
Máu nào cũng là máu người Việt Nam cả. Họ đã hy sinh
để bảo vệ Tổ quốc mà ? Tại sao những người đó lâu nay bị quên lãng, không có
một chính sách chế độ gì cả ? Nhưng Tổng liên đoàn Lao động là một tổ chức của
Nhà nước, của đảng Cộng sản, mà họ thừa nhận chuyện đó thì ít nhất mình cũng
ghi nhận sự tiến bộ. Và không thể một lúc mà thay đổi ngay được, vì có rất
nhiều lý do, rất nhiều áp lực.
Vừa rồi trong dịp kỷ niệm 15 năm thành lập Lửa Việt,
chúng tôi có tổ chức một đoàn farm trip cho báo chí đi ra ngoài Phú Yên, gồm có
45 nhà báo, nhà văn, các doanh nghiệp. Cũng nhân dịp này, nhà xuất bản Văn hóa
Văn nghệ có in cho tôi hai tập sách, mang tên chung là « Ngày đàng sàng khôn ».
Tập 1 « Dọc đường đất nước » viết về trong nước, tập 2 « Thế giới lạ mà quen »
viết chuyện thế giới.
Nhuận bút mỗi tập sách được 10 triệu, tôi bèn dùng
tiền nhuận bút mua sách lại, bán với giá ủng hộ trong đoàn nhà báo được 35
cuốn. Các nhà báo đóng góp thêm được tất cả 5.480.000 đồng, số tiền này tôi đã
chuyển vào chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa. Hôm nay đại diện của Lửa Việt cũng
đã tới tòa soạn báo Lao Động để gửi tiếp 5.565.000 đồng, là tiền nhân viên công
ty góp vào quỹ Nghĩa tình Hoàng Sa. Và sẽ tiếp tục đóng góp, mỗi cuốn sách bán
được sẽ trích lại 10 ngàn đồng cho quỹ Nghĩa tình Hoàng Sa.
Số tiền không lớn, nhưng chúng tôi muốn mở rộng
chương trình này để biểu thị lòng biết ơn đối với những người đã hy sinh vì Tổ
quốc mà lâu nay đang chịu nhiều thiệt thòi vì chưa được Nhà nước thừa nhận,
sống rất là vất vả, khó khăn. Sắp tới, cuốn sách sẽ được các em hướng dẫn viên
đưa bán trên tour, thông qua đó giới thiệu về chương trình Nối vòng tay lớn, để
mọi người cảm thông chia sẻ, giúp đỡ và ghi nhận xương máu, công lao của của
các chiến sĩ. Dù đứng bên này hay bên kia, nhưng mà bảo vệ Tổ quốc là Tổ quốc Việt
Nam chung.
Bà
quả phụ Ngụy Văn Thà, người đầu tiên được chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa
giúp đỡ tâm sự, bà rất vui khi sau bốn mươi năm tên tuổi của người chồng anh
hùng được nhắc tới. Tuy nhiên bà vẫn đang chờ đợi có được căn nhà mới, để có
nơi hương khói cho người hạm trưởng tàu HQ-10 đã gởi thân nơi đáy biển :
Nhịp cầu Hoàng Sa ủng hộ mua nhà cho cô, số tiền
cũng đã có, nhưng bây giờ mấy anh ấy muốn làm cái đơn xin miễn trả lại tiền hỗ
trợ, với lại xin được miễn giảm tiền nhà. Ở quận thì họp đồng ý hết rồi, nhưng
bây giờ gởi lên thành phố, nếu mà chấp nhận thì có lẽ mấy ảnh làm thủ tục mua
nhà. Mấy anh muốn xin như vậy để còn dư ra một số tiền, giúp đỡ cho những cựu
binh của Gạc Ma, Trường Sa.
Người ta nói như vầy nè. Hồi trước cô ở nhà chung cư
mà bị giải tỏa chờ tái định cư, bây giờ nếu muốn có nhà lẹ, xin mua một căn ở
cao ốc B Nguyễn Kim, thì căn nhà này bán theo giá thương lượng. Nếu mình đồng ý
mua, thì số tiền hỗ trợ cho mình đi thuê nhà gần 5 năm nay mình phải hoàn trả
lại. Cái nhà mới cũng là một chung cư vậy thôi, ở gần chỗ mình bị giải tỏa.
Gia đình cô bây giờ có cô với lại ba đứa con gái đã
có chồng rồi. Tạm thời cô ở đây, là nhà của mấy đứa em, ở với hai đứa cháu
ngoại. Cô mong ở trên giải quyết cho mau mau.
Từ ngày đưa ra vấn đề Hoàng Sa 40 năm, người ta mới
bắt đầu biết tới cô nhiều, chứ còn hồi xưa hổng có ai biết hết. Đã 40 năm không
ai nhớ đến, bây giờ người ta nhắc lại mình cũng cảm thấy vui. Mình cũng tự hào
là có người chồng anh hùng đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc ở đảo Hoàng Sa. Cô thấy hãnh
diện lắm.
Bây giờ cô ước mong mình có căn nhà, chớ cứ tạm hoài
vầy cũng oải quá. Hơn nữa, có nhà mình mới có được một cái bàn thờ cho ông Thà,
rồi thí dụ bạn bè người ta tới thắp nhang, người ta tưởng nhớ tới mình cũng
được niềm an ủi. Còn ở nhờ thì gia đình người ta đâu có cho mình để bàn thờ
được đâu.
«
Hoàng Sa mang chiến sử vàng
Chờ con trở lại cùng vinh quang này »
Chờ con trở lại cùng vinh quang này »
Đó là hai câu thơ lục bát tuy lạc vần nhưng sôi sục
lòng yêu nước, của một thanh niên miền Nam vô danh nào đó, trong số vô số bài
thơ đăng trên một tờ báo Saigon ngay sau trận hải chiến Hoàng Sa. Đến bốn mươi
năm sau khi Việt Nam Cộng Hòa không còn nữa, các báo nhà nước mới cho đăng một
loạt bài về Hoàng Sa, đặc biệt là loạt bài trên tờ Thanh Niên, gây xúc động cho
nhiều bạn đọc. Có người bình luận mỗi một câu : « Đã lâu rồi tôi mới khóc ».
Nhịp cầu Hoàng Sa, chỉ mới là một đốm lửa vừa được
thắp. Có lẽ sẽ còn nhiều nhịp cầu nữa, nhiều đốm lửa khác được thắp lên, để
Hoàng Sa mãi mãi được khắc ghi trong tâm khảm người Việt.
No comments:
Post a Comment