Thursday, 10 April 2014

NHỮNG NGƯỜI NGA KỲ CỤC (Vương Trí Nhàn)




09-04-2014

Đầu thiên niên kỷ này, một nhà xuất bản ở Anh vừa cho in một xê-ri có tính cách đi vào tìm hiểu đặc tính các dân tộc, mà trước tiên là miêu tả những khuôn mẫu đã định hình trong lịch sử về dân tộc đó.

Tủ sách mang cái tên khá khiêu khích Xenophobe`s  Guide  to... tạm dịch là Sách hướng dẫn cho những kẻ bài bác người nước ngoài   ( Anh, Pháp, Đức...).

 Để  các trang sách có thể được viết bằng giọng khách quan, pha chút hài hước mang cái nhìn tự chỉ trích từ bên trong, NXB đặt ra yêu cầu người nước nào tự viết về người nước ấy

Mùa hè 2001, cuốn Sách hướng dẫn cho những kẻ bài bác người Nga đã được in ra ở London và một nxb ở Moskva đã lập tức cho dịch cuốn sách này ra tiếng Nga.

 Dưới đây là mấy đoạn trích dịch ngắn từ báo Nga  Vremya


Sầu muộn,bi quan và nồng nhiệt bẩm sinh

 Tính cách dân tộc thường khi là một cái gì mâu thuẫn và người Nga cũng vậy, người Nga trung bình mang hình ảnh một kẻ sầu muộn, trong khi chờ đợi những gì tốt đẹp thì đồng thời biết là tai vạ có thể đổ xuống đầu mình bất cứ lúc nào.

Thật là chó cắn áo rách, anh ta lầu bầu khi gặp hoàn cảnh rủi ro, lặng lẽ thu dọn những gì còn  còn sót từ đống đổ nát và lại tính cho mình ván bài mới.

 Đấy cũng là dịp để người ta than thở rằng người Nga là  một dân tộc bất hạnh nhất trên đời, rằng ngày xưa họ sống không đến nỗi nào và chẳng hiểu làm sao cứ ngày càng khốn khó hơn. Trong khi đó, vào những lúc mọi chuỵện vui vẻ, họ sẽ nói với bạn rằng họ biết mình là một trong những dân tộc tốt bụng mến khách nhất trên thế giới và điều này chính ra là rất  gần với sự thực.

   Tuy nhiên nếu  “đập vỡ “ một người Nga ra, luôn luôn ta sẽ bắt gặp một người mơ mộng. Chủ nghĩa lãng mạn Nga là một cái gì bền chắc lạ thường, để lâu không hỏng, thả xuống nước không chìm, chôn xuống đất không chết. Và cuộc sống càng nặng nề  thì trái tim lãng mạn ấy ở người ta càng đập mạnh. Họ rất thích tin ở những ai nói rằng có thể  có được thiên đường ngay trên mặt đất.


Chen vai thích cánh

   Khía cạnh tiêu biểu trong tính cách Nga là cảm giác có người có ta. Họ thích tụ  lại thành những đám đông: một chiếc xe buýt  ken chặt những người đối với họ luôn  có sức hấp dẫn, nhất định là họ phải chen lên bằng được, cốt có người đã đi là ta cứ thế mà đi theo, đông mấy cũng không ngại.

Trong  hoạt động hàng ngày việc gì  họ chỉ cần có người khác cùng làm, còn  kết quả làm đến đâu không cần biết.

Thật khó tưởng tượng một người Thuỵ Điển bệ vệ kiểu cách lại có thể nhập ngay vào một một dàn đồng ca gồm toàn những người anh ta không quen trên một toa xe hoả chật  ních người.

Còn người Nga nào cũng sẵn lòng làm vậy, chẳng cần có vôt-ca họ cũng tìm thấy hào hứng trong việc tạo ra một bầu không khí gắn bó; lời bài hát chẳng có ý nghĩa gì, thậm chí hát sai nhịp cũng được, điều quan trọng là cái dàn dồng ca ca này vang lên càng to càng sôi nổi càng tốt, ca rằng chúng ta đang ở bên nhau  và chẳng còn gì là đáng sợ nữa.


  Ba khái niệm cơ bản 

   Để hiểu cái nhìn người Nga đối với đời sống, cần lưu ý tới ba  khái niệm cơ bản là tâm hồn, nỗi buồn, số phận.

Tâm hồn ở đây gắn với chính thống giáo.

Nỗi buồn thì là sự hoà trộn của lãnh đạm, dày vò, sầu thảm và chán chường. Nó cũng có chút ý vị “ nỗi đau thế giới” của người Đức, song mang màu sắc cá nhân rõ hơn. Người Nga chấp nhận nỗi buồn này một cách tự nhiên,trong thâm tâm họ luôn luôn kêu lên như nhân vật Oneguin  trong vở opéra của Tchaikovski “Thật là nhục nhã ! Ôi nỗi buồn ! Ôi số phận thảm thương của ta !”

 Còn chữ số phận ở đây có đủ các nghĩa của thiên mệnh, điềm dữ điềm lành, tiền kiếp tiền định, chạy trời không khỏi nắng, trời đã phạt mi bằng cách suốt đời buộc mi khóc than cho số phận của mình…
Thành thử không ai ngạc nhiên khi thấy nhiều người Nga chuyển vai nhanh chóng, từ nhân vật trung tâm của một  lễ tiệc đèn sáng rực rỡ với những câu bông đùa hóm hỉnh, sang anh chàng chán đời ngồi nức nở trước cốc ruợu cạn và tự làm khổ mình bằng cách đập tay lên trán tự hỏi  ý nghĩa cuộc sống là gì mà không bao giờ trả lời được.


Dễ dãi thế nào cũng được. Thích ăn sẵn và thụ động chờ đợi

   Người Nga thích ngồi ước ao tự nhiên mình trở nên giàu có.
 Một trong những truyện cổ tích  phổ biến nhất ở Nga là câu chuyện  Êmélia và con cá măng thần kỳ, đại khái kể về một  anh chàng không thích động tay vào bất cứ việc gì mà lại có được tất cả mọi thứ.
Rút lại  số phận  của ngừơi ta đi đằng nào, sự tốt xấu … tất cả chẳng có nghĩa lý gì hết, đạo lý cuối cùng là vậy.

 Tiếng Nga có một từ là khaliav có nghĩa là của trời cho, người ta dùng nó để gọi  một cái vé xem một vở hát mang tính chất chiêu đãi, một tập quảng cáo mỏng chả ai buồn xem, cho tới giấy mời tới dự bữa ăn tối với một thương gia có thể là cần cho bạn trong một việc gì đấy.

 Người Nga cho rằng cứ được mời là thích rồi,  ngoài ra mời cái gì mà chẳng được.

  Một biểu hiện khác của thụ động là sự chịu đựng, nghiến răng chấp nhận đau khổ, ngóng đợi một cuộc sống khá hơn dù không biết bao giờ nó tới.

 Khả năng chịu đựng của người Nga thật mênh mông không có giới hạn, người có quyền  muốn quát mắng họ, chửi bới họ thế nào cũng được. Cuối cùng nhà cầm quyền đành ra lệnh treo đầu cả bọn ngoài chợ :
 --  Ngày mai cho tất cả  lên đoạn đầu đài hết. Tám giờ có mặt ở đây. Có hỏi thêm gì không ?
-- Dạ có. Xin hỏi dây thừng đã có sẵn hay chúng tôi phải mang theo ?
     Họ dám chờ đợi và hy vọng ngay trong những điều kiện mà không một dân tộc nào chịu đựng nổi.


Giới trí thức

    Đây  không phải là khái niệm chỉ lớp người có học mà dân tộc nào cũng có.
 Ở Nga, là một trí thứccó nghĩa là  phải hiểu được những người đang sống quanh, cùng đau khổ với họ, cùng  mơ mộng và khi cần lên tiếng chống lại bất công cùng với họ. Cố nhiên trước đó anh phải là người đọc nhiều biết rộng được dạy dỗ dến nơi đến chốn, song luôn luôn tự hiểu chưa phải  là đủ.

Một nhà văn, một  nhạc sĩ, một giáo sư hay một viện sĩ không thể tự nhiên liệt mình vào hạng trí thức, làm thế chẳng khác gì tự anh  phong thánh cho mình mà ông ta thừa biết rằng danh hiệu này phải do nhân dân phong tặng. Các nhà trí thức thực thụ thường không  giấu nổi sung sướng khoe với hàng xóm về vai trò của mình  nhưng không quên nói thêm “mình là thứ đã bị sâu ăn”, tức chưa phải đã xứng đáng với danh hiệu cao quý ấy.



No comments:

Post a Comment

View My Stats