Dương
Hoài Linh
Tác giả gửi tới Dân Luận
Thứ Sáu, 04/04/2014
Thầy giáo, tù nhân lương tâm Đinh Đăng Định đã trút
hơi thở cuối cùng vào lúc 21 giờ 30 phút, tối ngày 3/4/2014 tại nhà riêng thuộc
tỉnh Đăk Nông. Đây là cái kết nghiệt ngã của một trong những nhà bất đồng chính
kiến với chế độ xã hội đương thời. Điều cay đắng không nằm ở cái kết quả đã
được dự báo trước đó, mà lại đến chính từ thái độ, cách hành xử của đất nước
hôm nay.
Trong tiến trình vận động đi lên của một dân tộc, có
những người luôn suy nghĩ vượt ra ngoài những giới hạn bình thường. Họ lấy nỗi
đau của đất nước làm nỗi đau của mình. Họ đấu tranh không phải cho chính họ mà
cho tương lai một vùng đất, một lãnh thổ, một đất nước... Nhưng mấy ai hiểu họ?
Có chăng chỉ là gia đình, bạn bè, những người cùng chung lý tưởng?
Trước sự ra đi của một con người,ai trong số 90
triệu người bỏ công tìm hiểu nguyên nhân nào, lý do nào dẫn đến cái chết vì ung
thư của một sinh mạng mà vài năm trước vẫn còn tràn đầy sức sống? Có bao nhiêu
người tìm hiểu tác hại của việc ô nhiễm môi trường do khai thác bauxit, nguy cơ
của việc xây nhà máy điện hạt nhân?... Mặc dù đây chính là thảm họa ảnh hưởng
đến sự diệt vong của các thế hệ mai sau của chính họ?
Thực tế thật chua chát khi một tấm hình của một ca
sĩ nổi tiếng, hàng ngày vẫn nhận đến hàng chục ngàn cái like, một poster cởi đồ
của một diễn viên, người mẫu nhảm nhí vẫn được share bởi hàng ngàn người. Và
trong hàng trăm ngàn cuộc nhậu... diễn ra hàng ngày trên mọi miền đất nước, có
bao nhiêu người nhắc đến một tù nhân lương tâm lâu nhất thế kỷ (37 năm) như
Nguyễn Hữu Cầu, những người chết trong tù như các tù nhân lương tâm Trương Văn
Sương, Nguyễn Văn Trại và mới đây là Bùi Đăng Thủy. Và còn biết bao người tù
khác vì sự kiên định trong lý tưởng của mình đã không thỏa hiệp, không chấp
nhận sự "khoan hồng" của Đảng như: Điếu Cày Nguyễn Văn Hải,Trần Huỳnh
Duy Thức, Lê Quốc Quân, Trương Duy Nhất...
Không một người "đau chân" nào quên đi cái
"chân đau" của mình để nghĩ đến cái chân của kẻ khác (Nam Cao). Nhưng
cũng chỉ đến khi "đau chân", họ mới nhận ra rằng vô cảm trước cái
"chân đau"của kẻ khác lắm lúc cũng là một tội ác. Và cũng chỉ đến khi
thảm họa thiên nhiên, sinh thái, thảm họa mất nước, thảm họa dân tộc... thực sự
trút xuống, họ mới nhận ra giá trị những cái chết như thầy giáo Đinh Đăng Định
của ngày hôm nay.
Cùng với đại tướng Võ Nguyên Giáp, thầy Định cũng là
trung úy Quân đội nhân dân Việt Nam và cũng đều cùng bất đồng về dự án khai
thác bauxit Tây Nguyên. Nhưng Cụ lại thọ đến 102 tuổi và ra đi trong trống
giong cờ mở, còn thầy ngậm cười với mối nghi ngờ có phải các đồng chí một thời
của mình có hạ độc ở nước uống để dẫn tới căn bệnh ung thư trong những năm
tháng lao tù khắc nghiệt? Thầy đòi đa nguyên, đa đảng. Cụ thì không. Chắc có
lẻ Cụ biết điều hơn.
Một nén tâm nhang vĩnh biệt thầy Định. Hậu thế sẽ tạ
ơn Thầy!
No comments:
Post a Comment