14-4-2014
Ngôn ngữ của quan chức có khi … lắt léo. Đạo văn thì
không viết là “đạo văn”, mà viết là “không thực hiện việc trích dẫn theo đúng
qui định”. Với cách đánh giá như thế người đạo văn chẳng bị phạt gì cả. Một nền
học thuật mà như thế thì còn thể thống gì nữa.
Cần nhắc lại rằng đầu năm nay, một giảng viên thuộc
trường Đại học Bách khoa Hà Nội tố cáo rằng luận án tiến sĩ (Phó tiến sĩ?) của
ông Nguyễn Cảnh Lương năm 1996 “đã chép lại gần 100% nhiều nội dung” trong luận
án Phó tiến sĩ của ông Đặng Văn Khải năm 1986. Vụ việc này tốn khá nhiều giấy
mực, vì có lẽ nó liên quan đến ông Lương nay là phó hiệu trưởng trường Đại học
Bách khoa Hà Nội. Những chứng minh của ông Nguyễn Ngọc Thành (người tố cáo) rất
thuyết phục vì ông chụp lại những chỗ trùng hợp giữa 2 luận án (1).
Thế nhưng sau một thời gian thẩm tra thì vụ việc đã
đi đến hồi kết … có hậu. Theo báo chí, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đi đến kết
luận rằng “Luận án của ông Nguyễn Cảnh Lương có nhiều đoạn sao chép lập luận
trong luận án của PGS-TS Đặng Văn Khải (mặc dù nghiên cứu trên một đối tượng
khác) nhưng không thực hiện việc trích dẫn theo đúng quy định. Hành vi của ông
Lương vi phạm quy định về trích dẫn tài liệu”. Không có vấn đề gì cả. Bằng cấp
của ông Lương không bị thu hồi.
Tôi không biết qui định trích dẫn của Bộ GDĐT là gì,
nhưng qui định chung về trích dẫn thì quá rõ ràng trong học thuật. Đạo văn được
định nghĩa là sử dụng ý tưởng hay câu văn của người khác một cách không thích
hợp (tức không ghi rõ nguồn gốc), đặc biệt là việc trình bày những ý tưởng và
từ ngữ của người khác trước các diễn đàn khoa học và công cộng như là ý tưởng
và từ ngữ của chính mình. Ở đây, “Ý tưởng và từ ngữ của người khác” có nghĩa
là: sử dụng công trình hay tác phẩm của người khác, lấy ý tưởng của người khác,
sao chép nguyên bản từ ngữ của người khác mà không ghi nguồn, sử dụng cấu trúc
và cách lí giải của người khác mà không ghi nhận họ, và lấy những thông tin
chuyên ngành mà không đề rõ nguồn gốc. Chiếu theo định nghĩa này thì rõ ràng
luận án của đương sự là có đạo văn. Đạo văn nhiều hay ít thì là việc của hội
đồng thẩm tra, nhưng không thể nói chung chung rằng “vi phạm quy định về trích
dẫn tài liệu”.
Đây không phải là lần đầu có loại ngôn ngữ lắt léo
này. Còn nhớ trước đây Gs Nguyễn Văn Nam cáo buộc rằng một phần luận án tiến sĩ
của ông Hoàng Xuân Quế (nay là phó giáo sư) là cóp từ luận án của ông Mai Thanh
Quế (bảo vệ trước ông Hoàng Xuân Quế 1 năm). Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo
kết luận rằng quả thật có đạo văn, và Bộ ra quyết định tước bằng tiến sĩ của
ông Hoàng Xuân Quế. Vậy mà có luật sư ở Hà Nội nói rằng “Kết luận của Bộ Giáo
dục vi phạm nghiêm trọng pháp luật”! Đạo văn là vấn đề đạo đức khoa học, chứ có
liên quan gì đến pháp luật?
Hai trường hợp đạo văn nhưng kết cục thì khác nhau.
Ông Hoàng Xuân Quế thì bị rút lại bằng, còn ông Nguyễn Cảnh Lương thì “an
toàn”. Có lẽ mức độ đạo văn khác nhau chăng? Ở nước ngoài, đạo văn cấp độ nặng
thì bị rút lại bằng, còn loại nhẹ thì phải viết lại luận án và bảo vệ lần nữa,
chứ không chỉ đơn giản như cách làm ở VN. Đã có 2 bộ trưởng Đức bị rút lại văn
bằng tiến sĩ vì tội đạo văn.
Có một trường hợp văn bằng bị rút lại dù đương sự
chẳng đạo văn của ai. Đó là trường hợp Nhã Thuyên (Đỗ Thị Thoan). Luận án thạc
sĩ của chị được cho điểm tối đa (10/10), nhưng đùng một cái, 4 năm sau một hội
đồng khác họp kín và hệ quả là trường đại học rút lại văn bằng của chị. Không
một lời giải thích. Nhã Thuyên và người hướng dẫn là PGS Nguyễn Thị Bình cũng
không được cho cơ hội phản biện. Báo chí thì "đánh" Nhã Thuyên, mà
chị thì không có cơ hội trả lời. Đúng là một quyết định thiếu minh bạch. Và,
một cách hành xử kém văn minh, bất công. Ở đây còn có vấn đề tự do học thuật,
hay nói đúng hơn là THIẾU tự do học thuật.
Đạo văn là vấn đề rất nghiêm trọng vì nó đe doạ đến
sự liêm chính trong khoa học và học thuật. Tự do học thuật là nền tảng của giáo
dục đại học và nghiên cứu khoa học. Không có tự do học thuật thì khó mà nói đến
sáng tạo. Cả hai lĩnh vực này vẫn còn đang chịu sự chi phối của chính trị và
các mối quan hệ chồng chéo. Với sự chi phối như thế thì VN sẽ rất khó mà có một
nền học thuật tử tế.
===
No comments:
Post a Comment