Monday 28 April 2014

NGÀY 3/5 & CÁCH MẠNG SỐ (Bùi Tín)




28.04.2014

Trong cuộc đời tôi đã thử chọn nhiều nghề. Dạy học, cầm súng, viết văn, làm thơ, rồi làm báo. Cuối đời ngẫm nghĩ lại, khoái nhất, hài lòng nhất, phải nói là hạnh phúc nhất vẫn là viết báo. Viết báo, không phải là làm các việc khác trong xuất bản báo chí.

Tôi trở thành nhà báo chuyên nghiệp từ năm 1964, khi đã gần 40 tuổi, từ đó tự nhủ không thể chuyển sang nghề nào khác. Tuy nhiên hồi đó tôi chưa phải nhà báo tự do, còn bị điều khiển, lãnh đạo, chăn dắt, nhưng vẫn hiểu ra những điều chung nhất về cái ‘’vinh” lẫn cái ‘’nhục’’ của cái nghề này. Vinh, vì mỗi bài viết của mình là sản phẩm riêng, mang dấu ấn cá nhân, từ ý tưởng, hành văn, đến cấu trúc, văn phong, hình ảnh… đều do mình tạo nên, sáng tạo ra. Cho nên mỗi bài đều ‘’được‘’ và ‘’phải‘’ ghi rõ tên hay bút danh của mình ở dưới. Nó là tài sản riêng của mình được xã hội ghi nhận, một cống hiến cá nhân cho xã hội được tồn tại lâu bền.

Từ năm 1990 tôi là nhà báo hoàn toàn tự do, thoát khỏi sự trói buộc, kìm hãm và điều khiển của đảng CS, tôi nhận ra niềm vui nghề báo khác hẳn trước. Tôi bắt đầu phủ định những đứa con tinh thần của mình trước đây, lấy làm tiếc đã sinh ra chúng nó để tuyên truyền cho đảng CS ‘’cướp chính quyền‘’ theo lệnh của đệ Tam Quốc tế CS, rồi biến dân ta nước ta thành một quân tốt đen trên bàn cờ chiến tranh lạnh đối lập 2 phe ‘’Cộng sản với Dân chủ‘’, ‘’Vô sản với Đế quốc‘’, để rồi đảng CS tước đoạt các quyền tự do, trong đó có quyền tự do báo chí của xã hội cho đến tận ngày hôm nay.

Tôi rất vui mừng vì ngày càng hiểu ra ‘’Tự do báo chí là hòn đá tảng của Nhân quyền‘’(The press freedom is the cornerstone of the Human Rights ). Từ năm 1993, Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 3 tháng 5 mỗi năm làm ‘’Ngày Tự do Báo chí toàn thế giới‘’.

Năm nay ngày 3/5 mang lại cho làng báo dân chủ VN nhiều niềm vui sâu lắng chưa từng có. Chúng ta có dịp nhớ lại cuộc cách mạng ở Tunisia 3 năm trước đã chứng kiến tác dụng kỳ diệu của truyền thông nhanh nhậy bằng internet và điện thoại di động khi sinh viên và thanh niên xuống đường. Các bạn ấy truyền đi tin, hình ảnh và bình luận sự kiện ngày 17/12/2010 anh Mohamed Bouazizi bị công an nhà nước hành hung, tự thiêu trước trụ sở chính quyền, thành bó đuốc đòi tự do của cả một dân tộc. Tình hình bùng nổ, 2 vạn công dân - chủ yếu là tầng lớp công nhân cùng trung lưu-tiểu thương tiểu chủ xuống đường phẫn nộ, buộc vợ chồng Tổng thống Ben Ali phải bỏ chạy sang Saudi Arabia, mở ra kỷ nguyên dân chủ.

Vài tháng sau ở Ai Cập, anh thanh niên-chuyên viên truyền thông Wael Ghonim làm cho hãng Google đưa lên Facebook hình ảnh cô Khaleid Said ngay sau khi cô bị công an nhà nước đánh chết cùng khẩu hiệu ‘’Mỗi chúng tôi đều là Khaleid Said‘’. Lập tức số người phẫn nộ đổ ra đường vọt lên 12 vạn, Tổng thống Mubarak run sợ phải trao quyền cho quân đội. Viên tổng thống từng hét ra lửa này đang chờ ngày ra hầu tòa để lãnh án về tội đàn áp nhân dân và tham nhũng.

Năm nay số các blogger tự do dấn thân cho dân chủ nhân quyền trong nước ta tăng lên đáng kể, đạt đến gần một trăm người, đoàn kết trong Hôị blogger VN, Hội Bầu Bí tương thân ra mắt, Hiệp hội dân oan tòan quốc hoạt động, với chân rết đang tỏa xuống một số tỉnh thành, quận huyện, rồi Hội ái hữu các tù chính trị và tù lương tâm - tôn giáo mở rộng hoạt động, Hội nạn nhân bị công an hành hung chuẩn bị xuất hiện, vẽ nên toàn cảnh các chiến sỹ dân chủ đa dạng đang giang tay kết đoàn, thương yêu, đùm bọc, bảo vệ lẫn nhau, thăm hỏi, động viên nhau trong đấu tranh.

Càng thêm vui khi mấy tháng gần đây anh chị em ta rất quan tâm ghi lại tài liệu sưu tầm hình ảnh những công an hung hãn mất hết tính người, đánh đập hành hung nhân dân, lập nên hồ sơ bọn tội phạm đội lốt ‘’bạn dân‘’ để thành tai họa cho dân lành. Rất cần trưng lên hình ảnh, danh tính, chức vụ, tội phạm của hung ác ‘’côn an’’ này.

Năm nay ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5 càng thêm niềm vui khi hoạt động đối ngoại của phong trào dân chủ rộ lên khác hẳn những năm trước. Anh chị em trẻ gõ cửa các sứ quán bè bạn, mở ra các cuộc gặp gỡ, uống trà, cà phê Dân chủ - Nhân quyền, trao đổi về quyền tự do cư trú, xuất nhập cảnh. Anh chị em ta còn cử đại diện ra nước ngoài, sang Hoa Kỳ, Canađa, châu Âu, Pháp, Bỉ, Thụy Sỹ, thông báo tình hình sống động, hình ảnh chuẩn xác, mở ra một nền ngoại giao dân chủ nhân dân phong phú sinh động, có hiệu quả. Một nhóm từ trong nước đã sang Hoa Kỳ dự kỷ niệm 3/5 ngay tại Liên Hiệp Quốc.

Nhân ngày 3/5 năm nay, xin ngả mũ chào mừng đội ngũ các nhà báo trẻ, thông minh tháo vát, đang sử dụng ngày càng thành thạo những thành tựu kỹ thuật truyền thông hiện đại, các máy tính gọn nhẹ, các máy điện thoại cầm tay thông minh, tận dụng kỹ thuật số điêu luyện. Chính vì vậy mà có nhà bình luận gọi các cuộc cách mạng của thế kỷ XXI này là cuộc ‘’Cách mạng Số’’, tất cả do truyền tin truyền ảnh bằng bảng số. Cái lợi hại của kỹ thuật số là nó thu hẹp không gian đến độ gần bằng ‘’không‘’, nó thu hẹp thời gian đến độ cũng gần bằng ‘’không‘’. Ngày xưa tin hoàng đế ở Bắc Kinh hay Nam Kinh băng hà, truyền đi qua các mã trạm, đến biên giới có khi phải mất 3 tháng, 100 ngày đêm. Nay mọi sự kiện ở xa vạn dặm, có thể truyền tin truyền hình truyền lời đối thoại tức thời, qua một thiết bị cầm tay chỉ vài trăm gam, bằng một quả cam. Thật là kỳ diệu.

Chính vì vậy mà vài năm nay đội ngũ của các nhà bình luận viên chính thống, chỉ biết nương theo bờ phải, ăn lương của đảng, được đảng dạy dỗ, chỉ bảo, đe nẹt, thỉnh thoảng được đảng xoa đầu khen thưởng, có khi được trả tiền rộng rãi, ngày càng thưa thớt, khó làm ăn. Con số họ là hàng vài ngàn, nhưng hiệu quả rất thấp, tay nghề sa sút, lý sự bế tắc, trước bạn đọc sành sõi. Một số người cuối cùng thức tỉnh tham gia đội ngũ những chiến sỹ thông tin của nhân dân, ghé sang bên trái, dần dần gia nhập hàng ngũ của cuộc Cách mạng số ngày càng đông đảo, được toàn xã hội quý mến và tin cậy. Rồi họ sẽ thoát cái cảnh ngộ tù túng tủi hổ mà tôi đã vĩnh biệt được hơn 24 năm nay.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.



No comments:

Post a Comment

View My Stats