Saturday, 12 April 2014

NATO TRỞ LẠI (Justin Vogt và Anders Fogh Rasmussen - Foreign Affairs)




Justin Vogt và Anders Fogh Rasmussen
Foreign Affairs

11/04/2014

Sau 8 năm làm thủ tướng Đan Mạch, Anders Fogh Rasmussen được bổ nhiệm làm tổng thư ký NATO (North Atlantic Treaty Organization – Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) vào năm 2009. Trong nhiệm kỳ của mình, ông đã phải xử lý ba vấn đề chính: giảm dần cuộc chiến do Mỹ đứng đầu và NATO thực hiện ở Afghanistan; đợt can thiệp quân sự của NATO năm 2011 để bảo vệ thường dân ở Libya, góp phần làm sụp đổ chế độ Qaddafi; và gần đây nhất là cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn ở Ukraine.

Sau đây là cuộc trao đổi giữa Justin Vogt, phó tổng thư ký tòa soạn tạp chí Foreign Affairs, với ông tại Washington, D.C. hôm 19/3/2014.

-----------------

NATO trở lại

Rasmussen tại trụ sở Liên Hiệp Quốc năm 2011. (Eric Thayer / Reuters)


Ông nghĩ tại sao Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định chiếm đóng và sáp nhập Crimea?

- Khó mà đoán được các động cơ, nhưng để tôi thử. Putin đã nói rằng sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa lớn nhất của thế kỷ. Điều đó phản ánh suy nghĩ căn bản của ông ta. Theo tôi, ông ta mong muốn khôi phục sự vĩ đại của nước Nga và thiết lập, hay tái thiết lập, tầm ảnh hưởng ở khu vực lân cận Nga. Nói cụ thể hơn, tôi nghĩ có thể có những động cơ phụ. Thông qua một số “cuộc xung đột bị đóng băng” (frozen conflicts, tức xung đột đã chấm dứt nhưng chưa có hiệp ước hòa bình hay giải pháp chính trị được các bên chấp nhận, N.D.) trong khu vực này – ở Transnistria, ở Abkhazia, ở South Ossetia, và nhìn từ một góc độ nào đó cũng ở Nagorno-Karabakh – Nga cố gắng ngăn chặn các quốc gia hội nhập Châu Âu-Đại Tây Dương.


Ông có ấn tượng gì về Putin và khả năng lãnh đạo của ông ta?

- Tôi đã đương đầu với Putin trước đây khi tôi làm thủ tướng Đan Mạch, và trong thời gian Đan Mạch nắm chức chủ tịch Liên hiệp Châu Âu vào sáu tháng cuối năm 2002. Ngoài nhiều chuyện khác, thay mặt cho Liên hiệp Châu Âu, chúng tôi phải đàm phán tuyến vận tải qua Lithuania đến Kaliningrad. Đó là một cuộc đàm phán rất gay go giữa Liên hiệp Châu Âu và Nga. Và tôi cũng tham gia các vấn đề khác. Ý tôi là ta không nên đánh giá thấp sự quyết đoán của Putin. Ông ta có mục tiêu rõ ràng, chiến lược rõ ràng, và chiến thuật rõ ràng. Muốn sánh được, ta cần có thái độ vững vàng và ý chí quyết đoán mạnh mẽ.


Mỗi bên can dự vào cuộc xung đột này có luận điệu riêng của mình về nguyên cớ làm sao ra đến nông nỗi này. Ông nhận định thế nào về những sự kiện ở Ukraine đã đẩy nhanh diễn biến tình hình đến nước này?

- Tôi cho rằng đó là một cuộc nổi dậy quần chúng rộng khắp dựa trên hai điều. Bước cụ thể đã gây nên cuộc nổi dậy này là việc [Tổng thống Ukraine Victor] Yanukovych quyết định cắt đứt quan hệ, hay ít nhất là không ký hiệp định liên kết với Liên hiệp Châu Âu, mà lại mưu cầu sự hỗ trợ kinh tế của Nga. Dân chúng Ukraine rõ ràng nhận ra rằng điều đó sẽ khiến Ukraine chịu ảnh hưởng của Nga. Và tôi nghĩ đại đa số người dân Ukraine muốn hội nhập Châu Âu-Đại Tây Dương và hợp tác nhiều hơn với Liên hiệp Châu Âu. Nhưng ngoài chuyện đó ra, tôi cũng nghĩ rằng cảm nhận chung về nạn tham nhũng và sự kém hiệu quả trong chính quyền đã góp phần dẫn đến cuộc nổi dậy.


Người Nga, và một số ở Ukraine, xem chuyện đã xảy ra là một cuộc đảo chính, và cho rằng chính quyền hiện tại ở Kiev là giới lãnh đạo không được dân cử. Ông trả lời ra sao về nhận định đó?

- Trước tiên, tôi xin nhắc lại là Tổng thống Yanukovych  bỏ trốn khỏi đất nước. Sau đó quốc hội tiếp quản (chính quyền). Và cũng có thực tế là nhiều hay phần lớn đảng viên thuộc đảng của Tổng thống Yanukovych bỏ đảng và gia nhập phe đối lập trong quốc hội. Và một giới lãnh đạo mới được bầu lên với tỉ lệ đại đa số trong quốc hội. Các nghị sĩ quốc hội đã được bầu trong các cuộc bầu cử quốc hội được xem là tự do, công bằng, và minh bạch. Nên tôi nghĩ quốc hội Ukraine có tính chính danh. Tất cả các quyết định liên quan đến chính quyền mới được đưa ra với tỉ lệ đa số rất, rất lớn. Và đây là chính quyền tạm thời, sẽ chuẩn bị cuộc bầu cử vào tháng 5. Nên theo tôi, xét về tất cả các mặt, các thể chế dân chủ Ukraine đảm nhận trách nhiệm theo một cách có tính chính danh.

Trong 20 năm qua, khi ngày càng có nhiều nước ở Đông Âu gia nhập NATO, giới phê bình sự mở rộng này đã lo ngại rằng điều này sẽ khiêu khích Nga tiến hành các hành động xâm lấn để phòng vệ. Liệu sự mở rộng của NATO có góp phần dẫn đến cuộc khủng hoảng này?

- Không. Tôi xin nhấn mạnh rằng chưa khi nào NATO là mối đe dọa đối với Nga. Chúng tôi xưa nay rất minh bạch. Chúng tôi thậm chí còn đưa Nga vào các mối quan hệ hợp tác của chúng tôi. Năm 1997 chúng tôi đã tuyên bố rằng chúng tôi không xem nhau là thù địch. Chúng tôi đã tuyên bố rằng chúng tôi sẽ không sử dụng vũ lực đối với nhau. Sự mở rộng của NATO không phải là mối đe dọa đối với Nga. Ngược lại, thông qua việc mở rộng NATO – và cả sự mở rộng Liên hiệp Châu Âu – chúng tôi đã thiết lập một khu vực an ninh, ổn định, và thịnh vượng ở Đông và Trung Âu. Và Nga được lợi rất nhiều từ điều đó. Khi xét đến thương mại và đầu tư, ta sẽ thấy Nga hưởng nhiều lợi ích từ tăng trưởng kinh tế ở khu vực đó của Châu Âu, nhờ khuôn khổ mà chúng tôi đã tạo nên bên trong NATO, bên trong Liên hiệp Châu Âu. Trong nhiều thế kỷ, Nga đã mong muốn có ổn định dọc biên giới phía Tây của mình. Và đó chính là điều chúng tôi đã cung cấp. Ngoài ra, Nga không có quyền quyết định liệu một quốc gia riêng lẻ muốn gia nhập NATO, hay hợp tác với NATO, hay có chính sách không liên minh. Điều đó do từng quốc gia cụ thể quyết định.


Ví dụ như Georgia.

- Chẳng có gì bí mật là Georgia muốn trong tương lai gia nhập NATO. Quả thực, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO năm 2008, chúng tôi đã quyết định rằng Georgia sẽ gia nhập NATO, dĩ nhiên nếu họ đáp ứng các tiêu chí cần thiết. Chúng tôi đang gắng giải quyết chuyện này. Hiện tại họ chưa đáp ứng đủ mọi tiêu chí, nhưng họ có ước vọng rõ ràng. Chúng tôi sẵn sàng giúp họ đáp ứng các tiêu chí cần thiết. Và điều đó sẽ không bị thay đổi bất chấp những gì chúng ta đã chứng kiến ở Ukraine.


Nhưng sẽ kế hoạch ra sao để Georgia giải quyết những vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia mà hiện đang bị Nga chiếm đóng?

- Chuyệnđó phức tạp. Và chúng tôi vẫn chưa đến cột mốc đó. Chúng tôi đều hiểu rõ các vấn đề. Nhưng tôi cũng nghĩ Georgia nhận ra rằng việc gia nhập NATO sẽ không diễn ra trong tương lai rất gần. Vì thế chúng tôi sẽ quan sát xem về sau các vấn đề Abkhazia và Nam Ossetia có thể và sẽ được giải quyết ra sao.


Mỹ và NATO đang cố gắng trấn an các nước thành viên liên minh ở Đông Âu, những nước mà lâu nay đã quan sát các hành động của Nga với tâm lý ngày càng lo lắng, e ngại về chủ trương bành trướng rành rành của Putin. NATO đã phái thêm máy bay F-16 sang Ba Lan, thêm máy bay F-15 sang các nước vùng Baltic, tăng số chuyến bay kiểm soát và cảnh báo không phận (AWAC) trên vùng trời Ba Lan và Romania, và bắt đầu tiến hành thêm các cuộc tập trận tàu chiến ở Hắc Hải. Nhưng một số người, trong đó có Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, đang kêu gọi có phản ứng mạnh mẽ hơn, gồm các biện pháp như tăng các đợt triển khai quân sang Đông và Trung Âu và đẩy nhanh tốc độ mở rộng NATO.

- Đừng nên nghi ngờ sự quyết tâm của chúng tôi trong việc bảo vệ các đồng minh của mình. Và dĩ nhiên, sau những gì chúng ta đã chứng kiến, chúng tôi có nghĩa vụ xem xét cách chúng tôi có thể củng cố hoạt động ngăn ngừa và củng cố hoạt động phòng thủ hợp lực của chúng tôi.
Tôi nghĩ những gì chúng ta đã chứng kiến là hồi chuông thức tỉnh. Và điều đó liên quan đến cốt lõi của mục đích tồn tại của chúng tôi. Do vậy chúng tôi có quyết tâm mạnh mẽ để thực hiện các bước cần thiết.


Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tuyên bố rằng các nước thành viên NATO sẽ xem cuộc tấn công vào một thành viên là cuộc tấn công vào tất cả các thành viên. Nhưng Điều 5 còn hơi mơ hồ: điều này yêu cầu mỗi đồng minh chỉ có “hành động như vậy nếu cảm thấy cần thiết” trong trường hợp một đồng minh bị tấn công. Vì vậy NATO cần phải đạt đồng thuận trước khi có hành động. Vậy chính phủ ví dụ của nước Estonia nên cảm thấy tin tưởng ra sao về việc NATO sẽ phản ứng bằng vũ lực nếu Putin quyết định đưa quân Nga vào vào Estonia với cái cớ bảo vệ cộng đồng người Nga đông đảo ở nước này?

-  Tôi chắc chắn 100% là trong trường hợp đó Điều 5 sẽ được vận dụng, và tôi không hề nghi ngờ là toàn khối liên minh sẽ có hành động để bảo đảm bảo vệ và phòng thủ hữu hiệu cho một đồng minh bị tấn công. … Và quả thực, một phần trong cách ngăn ngừa của chúng tôi là anh không bao giờ biết chúng tôi sẽ có quyết định gì. Kẻ thù tiềm năng của chúng tôi không biết chính xác NATO sẽ phản ứng ra sao.


Ông tin là sự mơ hồ đó củng cố sự ngăn ngừa?

- Đúng vậy. Sự mơ hồ đó củng cố sự ngăn ngừa, vì một kẻ thù tiềm năng rất muốn biết chính xác NATO sẽ phản ứng ra sao. Vì khi đó họ có thể dò thử NATO. Hiện nay, họ không biết – và đó là một phần của cách ngăn ngừa.


Hồi đầu tuần này, tờ The New York Times tường thuật rằng mãi đến năm 2009 NATO mới lập kế hoạch dự phòng khẩn cấp cho vùng Baltic. Kế hoạch này hiện nay đã chắc chắn chưa?

- Về nguyêntắc, chúng tôi không bao giờ bình luận về các kế hoạch dự phòng khẩn cấp. Nhưng tôi có thể bảo đảm với ông rằng chúng tôi có sẵn mọi kế hoạch để bảo vệ và phòng thủ hữu hiệu cho các đồng minh của chúng tôi. Nhưng hiển nhiên, trong bối cảnh những gì chúng ta đã chứng kiến, cũng cần xem xét lại một số kế hoạch của chúng tôi.


Ông gọi cuộc khủng hoảng Ukraine là hồi chuông thức tỉnh cho toàn khối liên minh này. Đối với các thành viên Châu Âu của liên minh, liệu thông điệp dành cho họ có phải là tái cân nhắc những khoản cắt giảm ngân sách quốc phòng mà họ đã thực hiện?

- Cuộc khủng hoảng này phải đưa đến mức đầu tư quốc phòng cao hơn ở Châu Âu. Chúng ta đã chứng kiến ngân sách quốc phòng giảm xuống trong thời buổi áp dụng chính sách kinh tế thắt lưng buộc bụng, và tôi hiểu tại sao. Chính phủ các nước đánh vật với ngân sách của mình và, nếu nợ nần quá nhiều, một quốc gia cũng dễ bị tổn hại. Bởi vậy áp dụng chính sách tài khóa đúng đắn cũng là chính sách an ninh đúng đắn. Nhưng đã có những khoản cắt giảm thiếu cân đối về chi tiêu quốc phòng. Một số quốc gia cắt giảm đến 40%. Điều này không thể tiếp tục nếu chúng ta muốn bảo đảm phòng thủ hữu hiệu. Bất cứ khi nào tôi gặp các chính khách Mỹ, họ hỏi tôi: “Châu Âu không thể đóng góp thêm chút đỉnh hay sao?” Tôi nghĩ đã đến luc Châu Âu nhận thấy là chúng ta phải đảo ngược chiều hướng đó.

Kể từ khi NATO ra đời, có một quy tắc bất thành văn là lãnh tụ dân sự của tổ chức này, tổng thư ký, sẽ là người Châu Âu, còn lãnh tụ quân sự, tư lệnh tối cao của lực lượng đồng minh, sẽ là người Mỹ. Phải chăng đã đến lúc có tư lệnh tối cao của lực lượng đồng minh là người Châu Âu?

- Tôi nghĩ cách dàn xếp hiện tại phục vụ lợi ích của tất cả các đồng minh. Chúng ta đều biết rằng phần lớn đóng góp quân sự cho liên minh này là của Mỹ. Nên tôi nghĩ cũng hợp lý khi tư lệnh tối cao của lực lượng đồng minh là người Mỹ. Và với tổng thư ký NATO là người Châu Âu, theo tôi, quy tắc bất thành văn này tạo được thế cân đối hợp lý.


Một số bình luận viên nhận định rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine cho thấy rằng trật tự phương Tây do Mỹ dẫn đầu đang thoái trào, và cho rằng do không hành động cứng rắn hơn ở Syria và những nơi khác, Tổng thống MỹBarack Obama đã khiến các lãnh tụ như Putin bạo dạn hơn. Một số khác lại cho rằng tình hình ở Ukraine cho thấy sức mạnh của phương Tây: Putin có thể lấy được Crimea, nhưng Châu Âu và Mỹ sẽ có phần còn lại của Ukraine và có lẽ sẽ lập được các mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước khác trước đây thuộc Liên Xô. Ông nghĩ sao?

- Rõ ràng chúng tôi đang thu phục nhân tâm. Ta có thể thấy điều đó qua thực tế là các quốc gia đang xếp hàng xin gia nhập Liên hiệp Châu Âu và NATO, hoặc củng cố mối quan hệ hữu nghị với Liên hiệp Châu Âu và NATO. Vì thế, có thể Tổng thống Putin hành xử liều lĩnh, có thể ông ta sáp nhập Crimea, nhưng ông để lại nhiều mối quan ngại cho các nước lân cận của Nga. Chúng tôi biết rằng họ đang mong muốn có mối quan hệ mật thiết hơn với Liên hiệp Châu Âu và NATO vì chúng tôi hấp dẫn nhờ các tư tưởng, giá trị, nguyên tắc và cơ hội kinh tế của chúng tôi. Nga chỉ có thể dùng vũ lực để mở rộng tầm ảnh hưởng của họ. Tôi tin rằng các giá trị và nguyên tắc của chúng tôi là những giá trị và nguyên tắc mạnh nhất, và sẽ thắng thế.


Dường như khá chắc chắn là Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai sẽ không ký hiệp định an ninh song phương với Mỹ để cho phép một số quân Mỹ lưu lại ở Afghanistan qua hết năm nay. Theo phỏng đoán hợp lý nhất của ông, liệu Mỹ có triệt thoái toàn bộ quân số trong năm nay?

- Không. Tôi nghĩ rốt cuộc chúng tôi sẽ có được chữ ký. Tôi đồng ý là Karzai có lẽ sẽ không ký. Nhưng tôi hy vọng một tổng thống mới sẽ ký, vì Afghanistan có nhiều quyền lợi liên quan. Hiệp định an ninh song phương đó và một hiệp định sau đó về tình trạng các lực lượng NATO là các điều kiện tiên quyết cho việc triển khai sứ mệnh huấn luyện do NATO đứng đầu để cố vấn và hỗ trợ các lực lượng an ninh Afghanistan sau năm 2014.
Nếu không có quân quốc tế hiện diện ở Afghanistan sau năm 2014, có thể khó mà huy động được nguồn lực tài chính để duy trì các lực lượng an ning Afghanistan. Các lực lượng này đạt đạt tới mức 350.000 binh lính và cảnh sát, và rõ ràng chính phủ Afghanistan sẽ không trả lương nổi cho họ. Họ sẽ cần sự hỗ trợ tài chính quốc tế. Và người Afghanistan hiểu điều đó; họ biết rõ các mặt thiệt hơn. Chính vì vậy tôi tin rằng một tổng thống mới sẽ ký và chúng tôi sẽ có thể triển khai quân sau năm 2014.


Ông đánh giá thế nào về Karzai?

- Khen có chê có. Trước tiên, tôi xin nhấn mạnh là tôi có mối quan hệ cá nhân rất tốt với Tổng thống Karzai từ thời tôi còn làm thủ tướng Đan Mạch. Tôi cũng xem ông là một đại diện ưu tú cho đất nước ông. Ông ăn nói hùng biện và có khả năng diễn đạt quan điểm rõ ràng.
Tuy nhiên, tôi cũng phải nói rằng trong những tháng gần đây, ông đã có những phát biểu ảnh hưởng xấu đến lòng tin của các nước đóng góp quân. Nhiều phát biểu của ông đã bị xem là vô ơn đối với sự hy sinh của chúng tôi về người và của. Và một số phát biểu của ông đã góp phần gây tác hại đối với sự ủng hộ của công chúng và ủng hộ chính trị cho việc chúng tôi tiếp tục hiện diện ở Afghanistan. Cũng có thể các phát biểu của ông nên được xem xét trong bối cảnh chính trị nội địa, nhưng tôi nghĩ ông đã đánh giá thấp những tác hại gây ra ở các nước đóng góp quân.


Ông và những người khác đã cổ xúy chiến dịch NATO năm 2011 ở Libya là mô hình cho việc can thiệp quốc tế. Nhưng đất nước này hiện đang tan rã. Liệu NATO có thể đã làm gì khác hơn để tránh kết cục này?

- Trước hết, tôi xin nhấn mạnh rằng NATO không can dự đến tình hình hậu xung đột. Chúng tôi có ủy quyền rõ ràng từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để bảo vệ thường dân ở Libya. Một phần của sự ủy nhiệm đó quy định chúng tôi không được đưa quân vào. Nên đó chỉ là một chiến dịch không kích. Và một khi chúng tôi đã thực hiện xong các nhiệm vụ của mình trong khuôn khổ của sự ủy nhiệm đó, chúng tôi kết thúc sứ mệnh vào ngày 31/10/2011. Như vậy đó là một chiến dịch bảy tháng. Trách nhiệm của chúng tôi đã không, và hiện nay không vượt ra khỏi khuôn khổ đó.
Ông nhắc tới một số vấn đề hậu xung đột. Nhưng tôi nghĩ chúng là thách thức không chỉ đối với NATO mà cả đối với toàn thể cộng đồng quốc tế. Nay xét lại có thể nói là toàn thể cộng đồng quốc tế lẽ ra có thể đã làm nhiều hơn để giúp chính quyền mới ở Libya xây dựng năng lực và gìn giữ an ninh. Tuy nhiên, sự hỗ trợ như vậy cần bắt đầu từ thỉnh cầu của chính quyền [sở tại]. Chúng tôi đâu có thể muốn vào thì vào. Hồi tháng 5 năm ngoái, NATO nhận được một lời thỉnh cầu của chính quyền Libya yêu cầu giúp họ hiện đại hóa ngành quốc phòng và xây dựng cấu trúc an ninh. Và chúng tôi đã có phúc đáp tích cực. Nhưng mãi đến năm ngoái chúng tôi mới nhận được thỉnh cầu đó.

Trong tương lai, liệu NATO có nên can dự vào những tình huống mà NATO được ủy nhiệm can thiệp nhưng không có trách nhiệm hậu xung đột hay không? Nói “Bất cứ chuyện gì xảy ra sau đó, chúng tôi không can dự” thì có ổn không?

- Hỏi rất hay. Nhưng theo tôi câu hỏi này liên quan hơn về cách ra các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Nguồn: NATO Is Back, Foreign Affairs, 21/3/2014

Bản tiếng Việt © 2014 Phạm Vũ Lửa Hạ

(Bài tóm lược của bản dịch này, ký tên Khương An, đã đăng trên Thời Mới Canada, ngày 26/3/2014.)



No comments:

Post a Comment

View My Stats