Tú Anh - RFI
Thứ hai 07 Tháng Tư 2014
Căng thẳng bất chợt gia tăng tại miền đông của
Ukraina. Phe thân Nga đồng loạt tấn công chiếm trụ sở chính quyền tại Donetsk,
Kharkiv và cơ quan an ninh ở Lougansk vào đêm ngày 06/04/2014. Trụ sở chính
quyền tỉnh Kharkiv đã được giải tỏa nhưng ở Donetsk, phe thân Nga tự tuyên bố
thành lập « Cộng hòa nhân dân Donetsk". Thủ tướng Arseni Iatsenouk
tố cáo Matxcơva tiến hành kế hoạch « chia cắt lãnh thổ Ukraina » tạo cớ để đưa
quân xâm lấn.
Từ Kharkiv, Ukraina, thông tín viên Sébastien
Gobert tường thuật :
Nhiều cơ quan chính quyền ở Donetsk và Kharkiv ở
miền Đông rơi vào tay phe thân Nga mà chính quyền Kiev gọi là những kẻ muốn
chia cắt đất nước. Tại Lougansk, một thành phố cực đông của Ukraina, những
người theo Nga đã chiếm trụ sở cơ quan an ninh. Nhiều vụ xô xát xảy ra đó
đây nhưng cảnh sát Ukraina, trong mọi trường hợp cố tránh đối đầu mãnh liệt.
Đây không phải là lần đầu tiên miền Đông Ukraina bị
căng thẳng nhưng lần này các vụ tấn công cơ quan Nhà nước dường như được điều
hợp chặt chẽ. Ở Donetsk, phe thân Nga đòi hỏi tổ chức trưng cầu dân ý. Họ ra
tối hậu thư buộc Kiev phải chấp thuận vào trưa nay nếu không phe này sẽ tự lập
chính phủ thay thế.
Không loại trừ khả năng phe thân Nga sẽ tấn công
chiếm đóng các cơ quan hành chánh và phi trường.Thủ tướng Arseni Iatseniouk
quyết định xử lý tình hình miền Đông Ukraina một cách dứt khoát. Ông đích thân
đến tận nơi trong ngày hôm nay để tìm một giải pháp đối đầu với phe thân Nga
đòi ly khai. Phản ứng của thủ tướng Ukraina cho thấy là từ trước đến nay Kiev
không ứng phó đủ mạnh và có nguy cơ bị mất vùng lãnh thổ này.
Phe thân Nga đòi tuyên bố Donetsk độc lập, quân Nga
rục rịch động binh
Trưa nay, nhóm hoạt động
thân Nga đã tuyên bố thành lập nước « Cộng hòa nhân dân » tại Donetsk, một tỉnh
có 1 triệu dân. Theo phóng viên AFP tại chỗ, cơ quan chính quyền Donetsk bị
phong tỏa bằng rào cản. Cờ Ukraine bị ném xuống đất và họ cấm lá cờ Nga lên
thay. Một đại diện của nhóm này bước ra tuyên bố với phóng viên thông báo quyết
định « thành lập nhà nước độc lập cộng hòa nhân dân Donetsk » nhưng
không cho nhà báo vào tòa nhà.
Lập tức, hãng thông tấn
Nga Interfax cho biết phe thân Nga tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 11/05 tới.
Còn bản tin mạng địa phương Ostros khẳng định họ đã quyết định « gia nhập
liên bang Nga ».
Bình luận về những biến
chuyển mới này, AFP cho biết Kiev lo ngại lực lượng 40.000 quân Nga đang áp sát
biên giới sẽ tràn qua miền Đông Ukraina như lời đe dọa của Putin «sẵn sàng
bảo vệ người Nga bằng mọi phương tiện».
Vào lúc phe thân Nga biểu
tình tấn công các cơ quan chính quyền tại phía đông Ukraina, Bộ trưởng nội vụ
Ukraina Arsen Avakov tố cáo đích danh tổng thống Nga Putin và tổng thống
Ukraina bỏ chạy Ianoukovitch « chỉ đạo và trả tiền » cho các vụ bạo loạn
tại miền Đông Ukraina.
Tổng thống lâm thời
Ukraina Olexander Tourtchinov thông báo hủy bỏ chuyến viếng thăm Litva
(Lithuania) và đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp Hội đồng An ninh Quốc
gia. Tổng thống Cộng hòa Sec (Tiệp) Milos Zeman cảnh báo là « vở kịch
đã sắp hạ màn ». Ông kêu gọi Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Nato phải đưa quân
sang Ukraian nếu quân Nga tràn sang xâm lấn.
---------------------------
BBC
Cập nhật: 13:39
GMT - thứ hai, 7 tháng 4, 2014
Tin tức nói người biểu tình thân Nga chiếm giữ tòa
nhà chính quyền ở Donetsk, Ukraine đã tuyên bố thành lập “cộng hòa nhân dân”.
Video tại hiện trường cho
thấy một người nói tiếng Nga tại hội đồng thành phố: “Tôi tuyên bố thành lập
nhà nước độc lập của Cộng hòa Nhân dân Donetsk.”
Những người nổi loạn được
cho là đã kêu gọi trưng cầu dân ý để thành lập nền cộng hòa mới.
Tuy kịch bản này rất
giống với những gì xảy ra ở Crimea, phóng viên BBC Daniel Sandford
cho hay vấn đề hai nơi rất khác nhau:
"Vì là một nước cộng hòa tự trị thuộc
Ukraine, Crimea khi ấy có quốc hội riêng và họ bỏ phiếu để độc lập
có sự tổ chức của chính quyền,"
"Còn tại Donetsk chỉ có chừng 100 người
đàn ông xâm nhập vào tòa nhà và cũng không hề là những người được
bầu chọn từ cử tri."
Tuy thế, phóng viên BBC
cho hay điều này không hề làm tình hình ít nguy hiểm hơn ở Crimea
thời gian trước và có thể phía người biểu tình thân Nga sẽ tìm cách
"mời quân gìn giữ hòa bình" đến từ Nga.
Tổng thống lâm thời
Oleksandr Turchynov cáo buộc Nga đứng đằng sau các vụ bạo động để chia rẽ
Ukraine.
Ông Turchynov nói rằng đó
là “làn sóng thứ hai” của chiến dịch gây bất ổn Ukraine từ Kremlin. Moscow sát
nhập bán đảo Crimea của Ukraine trong tháng 3 sau khi có cuộc trưng cầu dân ý nhiều tranh cãi.
Miền Đông bất ổn
Vào thứ Hai, người biểu
tình chiếm giữ các tòa nhà chính quyền tại cả Donetsk và Luhansk.
Cảnh sát nói rằng kho vũ
khí của chính quyền tại Luhansk bị tấn công.
Người biểu tình đột nhập
vào tòa nhà chính quyền ở Donetsk và Kharkiv vào Chủ nhật. Chính quyền Ukraine
cho biết số người trên đã rút lui ở các tòa nhà tại Kharkiv.
Nguồn tin chưa kiểm chứng
từ hãng tin Ukraine Unian nói rằng các tay súng đã tấn công trụ sở một hãng
truyền hình ở Donetsk vào thứ Hai, nhưng đã bị cảnh sát đẩy lui.
Tại cuộc họp khẩn với nội
các, thủ tướng lâm thời Arseniy Yatsenyuk cáo buộc Nga đứng đằng sau các vụ
việc.
“Kế hoạch của họ là làm
bất ổn tình hình, nhằm tạo cớ đem quân sang và chiếm lãnh thổ Ukraine. Đó là
điều chúng ta không thể cho phép,” ông Yatsenyuk nói, cho biết thêm là những
người gây bất ổn nói bằng thứ tiếng Nga đến từ Nga rất đặc trưng.
Bạo lực ở đông Ukraine
Tổng thống tạm quyền
Ukraine đã triệu tập một phiên họp an ninh khẩn cấp để xem xét tình
hình.
Ông Olexander Turchynov
đã hủy chuyến công du theo kế hoạch đến Lithuania và triệu tập các
quan chức an ninh hàng đầu đất nước để bàn cách đối phó.
Các nhà lãnh đạo
Ukraine đã bác bỏ rằng người nói tiếng Nga thiểu số ở nước này đang
bị đe dọa và cho biết họ sẽ chống lại bất kỳ hành động can thiệp
nào vào quốc gia của họ.
‘Không đông nhưng hung hăng’
Ở Donetsk, nơi được cho
là căng thẳng nhất trong ngày, đông đảo người biểu tình đã tách khỏi
đám đông đang tập hợp ở quảng trường trung tâm để tấn công và chiếm
giữ trụ sở chính quyền địa phương.
Sau khi xung đột với
cảnh sát chống bạo động và phá vỡ được hàng rào cảnh sát để
chiếm giữ tòa nhà, họ đã giương cờ Nga và treo biểu ngữ trong khi
những người đứng bên ngoài cổ vũ và hô to ‘Nước Nga, Nước Nga!’.
Ihor Dyomin, người phát
ngôn cho cảnh sát ở Donetsk, cho biết khoảng 1.000 người đã tham gia
vào cuộc bạo động này.
“Khoảng 100
người hiện giờ đang ở trong tòa nhà và đang phong tỏa nơi này,” ông cho biết thêm.
Còn ở Luhansk, cảnh
sát đã bắn hơi cay vào hàng chục người biểu tình đột nhập vào cơ quan
an ninh địa phương để tìm cách giải thoát cho 15 nhà hoạt động thân
Nga. Những người này bị bắt hồi đầu tuần và bị cáo buộc âm mưu bạo
loạn.
Báo chí địa phương cho
biết ít nhất hai người đã bị thương và hình ảnh trên truyền hình cho
thấy một cảnh sát chống bạo động được chuyển đi trên cáng.
Ở Kharkiv, hàng chục
người cũng đã vào được trụ sở chính quyền sau khi phá vỡ hàng rào
cảnh sát.
Cảnh sát ở đây được
cho là đã quyết định không dùng vũ lực với người biểu tình và lùi
xa sau khi họ chiếm được trụ sở chính quyền.
Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cáo
buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Viktor Yanukovych, tổng thống
bị lật đổ của Ukraine, là đã ‘ra lệnh và tài trợ cho làn sóng
bạo loạn ly khai mới ở miền đông đất nước’.
Bridget Kendall, phóng
viên ngoại giao của BBC, nhận định rằng mặc dù những cuộc biểu tình
kiểu này ở đông Ukraine không lớn nhưng nó một lần nữa diễn ra với
sự quyết tâm và phối hợp cao.
Trong một thông điệp
đăng trải trên trang cá nhân trên Facebook, ông Avakov viết: “Những
người tập hợp không đông nhưng rất hung hăng. Chính quyền sẽ kiểm soát
tình hình mà không phải đổ máu nhưng đồng thời sẽ áp dụng biện
pháp cứng rắn đối với những ai tấn công vào trụ sở chính quyền,
vào những người thực thi pháp luật và các công dân khác.”
Cái bẫy của Moscow?
“Moscow sẽ cho rằng đây là bằng chứng cho tình
cảm quyết liệt của người nói tiếng Nga ở Ukraine và càng củng cố
hơn lời kêu gọi của họ về việc phải nhanh chóng cải cách Hiến pháp
để cho phép người gốc Nga thiểu số có nhiều tiếng nói hơn về tương
lai của họ,” bà nói.
Tuy nhiên, theo phóng
viên của chúng tôi, chính quyền Kiev đang nghi ngờ đây là một chiến
dịch có sự điều khiển để làm cho Kiev mắc bẫy: hoặc là phải chấp
nhận yêu sách cho các tỉnh miền đông tự trị thậm chí cho tách ra và
sáp nhập vào Nga hoặc là đối diện với nguy cơ bạo loạn dâng cao và
khả năng Moscow can thiệp.
“Nếu Tổng thống Ukraine không thể giữ cho tình
hình không leo thang và trở nên trầm trọng, ông lo ngại rằng Tổng
thống Putin sẽ cho rằng Kiev đã mất quyền kiểm soát đông Ukraine và
rằng nước Nga không có lựa chọn nào khác mà phải can thiệp ‘vì lý
do nhân đạo’,” bà nói.
-------------------------
Bridget Kendall
Phóng viên chuyên về
ngoại giao, BBC News
Cập nhật: 12:56
GMT - thứ hai, 7 tháng 4, 2014
Đây không phải lần đầu miền Đông Ukraine có biểu
tình. Cũng không hẳn là có đông người tham gia: chỉ khoảng trên dưới 1000 hoặc
2000 người xuất hiện ở mỗi thành phố.
Nhưng các cuộc biểu tình
lần này nổi lên với nhiều quyết tâm và có vẻ được tổ chức tốt.
Tại sao biểu tình tái
diễn vào thời điểm này? Và mục đích của nó là gì?
Sau khi các cuộc biểu
tình thân Nga ở Crimea dẫn đến việc Nga chiếm Crimea, Kiev rõ ràng là có lý do
để lo lắng, đặc biệt là khi một số người biểu tình kêu gọi trưng cầu dân ý để
quyết định số phận của Đông Ukraine.
Moscow sẽ biện luận rằng
biểu tình thể hiện mong mỏi của quần chúng, từ đó kêu gọi cải cách hiến pháp để
khu vực nói tiếng Nga của Ukraine này có nhiều quyền tự quyết hơn.
Đã hàng tuần qua, Kremlin
đưa quan điểm này trở thành yêu cầu đối thoại chủ chốt. Và chính quyền Putin
muốn nó phải được thực hiện trước ngày tổng tuyển cử ở Ukraine vào 25/5.
Nhưng chính phủ lâm thời
tại Kiev nghi ngờ đó không phải là hoạt động “quần chúng” mà thực chất là kế
hoạch có chủ đích từ bên kia biên giới.
Mục đích của nó là gây
sức ép buộc Kiev phải chấp thuận yêu cầu nới lỏng kiểm soát khu phía Đông, thậm
chí đến mức cho phép vùng này li khai và sát nhập vào Nga. Nếu không, Kiev sẽ
tiếp tục đối diện với bất ổn gia tăng và viễn cảnh ông Vladimir Putin sẽ can
thiệp quân sự để giải cứu “thiểu số người Nga” như đã làm ở Crimea.
Mặc dù Moscow liên tục
trấn an phương Tây rằng họ không có ý định đem quân qua biên giới, ông Putin vẫn bảo lưu quyền sử dụng vũ lực như là “giải pháp cuối cùng.”
Vậy nên không có gì lạ
khi tổng thống lâm thời Olexander Turchynov đã phải hủy chuyến công du nước
ngoài để họp khẩn với các lãnh đạo cấp cao an ninh tại Kiev về tình hình miền
Đông.
Điều quan trọng với ông
Turchynov là không cho các cuộc tuần hành lan rộng đồng thời ngăn chặn các hành
vi bạo lực.
Điều này sẽ khiến ông
Putin không có lý do gì cáo buộc Kiev mất kiểm soát phía Đông Ukraine. Nếu
không, đó sẽ là tiền đề để Kremlin có cớ can thiệp vì lý do “nhân đạo.”
No comments:
Post a Comment