LS Lê Công Định
Gửi tới BBC từ Sài Gòn
Cập nhật: 15:43 GMT - thứ sáu, 11 tháng 4,
2014
Mặc
dù 'Xã hội dân sự' đang là cụm từ thời thượng tại Việt Nam, khái niệm này
thường không được hiểu chính xác.
Việc chuyển ngữ trực tiếp từ tiếng Anh 'civil
society' thành xã hội dân sự' tuy có vẻ chuẩn xác về mặt ngôn ngữ, nhưng lại là
nguyên nhân cơ bản đầu tiên gây nhầm lẫn, ngộ nhận, thậm chí đánh đồng các tổ
chức và hội đoàn mang đặc trưng của những quan hệ dân sự - vốn chỉ là những
thành tố trong một xã hội - với một xã hội dân sự.
Về ngữ nghĩa, danh từ 'society', như 'civil society'
trong tiếng Anh hay 'société' trong tiếng Pháp ngoài nghĩa thông thường là 'xã
hội', còn có nghĩa là 'hội' hay 'hiệp hội', thậm chí là công ty, như 'société
anonyme' (công ty cổ phần) hay 'société à responsabilité limitée' (công ty
trách nhiệm hữu hạn).
Dưới góc độ xã hội học và chính trị học, khi nói đến
xã hội dân sự, không phải trong ý nghĩa của khái niệm 'civil society', tức là
nói đến định hướng phát triển tất yếu của một xã hội có đặc trưng luôn dân sự
hóa và dân chủ hóa.
Dân
chủ đại diện
Nói cách khác, xã hội dân sự là một bước phát triển
mới tiếp theo của nền Dân chủ Đại diện.
Trong quá trình phát triển như vậy, các tổ chức và
hội đoàn dân sự ngày càng mất đi tính đối trọng và đối lập với các cơ quan thực
thi quyền lực nhà nước, để có thể đảm nhiệm các nhiệm vụ vốn dĩ của nhà nước,
trực tiếp tham gia vào quá trình hình thành các quyết định về chính sách, và
cùng với cơ quan công quyền sử dụng quyền lực nhà nước một cách hiệu quả nhất.
Từ năm 1989 về trước, xã hội dân sự đặc biệt được
nói đến nhiều tại những quốc gia theo chính thể độc tài ở Mỹ-La tinh và Đông Âu
như một hình mẫu xã hội, một khái niệm về lý luận, một đòi hỏi đối lập với xã
hội Xã hội chủ nghĩa và chế độ chuyên chính vô sản.
Trong ý nghĩa đó, xã hội dân sự được đặt ngang với
các hình thái xã hội theo lý luận của Karl Marx, bao gồm: xã hội Nguyên thủy,
xã hội Quân chủ, Phong kiến, xã hội Tư bản và xã hội Cộng sản mà giai đoạn tiền
thân là xã hội Xã hội chủ nghĩa.
Trong cùng thời gian đó, ở các quốc gia pháp trị dân
chủ Tây phương, người ta cũng bàn nhiều về xã hội dân sự, nhưng chú trọng vào
những đòi hỏi dân chủ nhiều hơn nữa nhằm xây dựng thành công một xã hội dân sự
hoàn hảo.
Song, tiêu chí nào cần hội đủ để có thể xác định xã
hội dân sự đã hiện hữu ở một quốc gia vẫn tiếp tục là đề tài tranh luận trên
các diễn đàn chính trị.
Hiện nay, xã hội tại các nước công nghiệp phát triển
Âu-Mỹ chính là những xã hội dân sự thực thụ, dù ở nhiều cấp độ “dân sự hóa”
khác nhau. Xã hội dân sự được xem như thành công với mức độ dân sự hóa cao nhất
hiện nay là xã hội của Thụy Sĩ.
Lịch sử xuất hiện và sử dụng cụm từ 'civil society',
trái lại, đã gây ra ngộ nhận tai hại.
Cụm từ này hình thành từ khái niệm “Societas
civilis” trong tiếng La Tinh, vốn có nguồn gốc từ 'politike - koinonia' của Hy
Lạp, là thuật ngữ chỉ một cộng đồng mở, và đôi khi cũng dùng để chỉ những cộng
đồng có chung ý chí chính trị.
Triết gia Aristotle từng dùng nó để diễn tả một cộng
đồng của những công dân muốn thực hiện những điều tốt lành về đạo lý.
Người đầu tiên sử dụng danh từ 'civil society' có
nguồn gốc như thế cho một cộng đồng mở là Adam Ferguson, nhà xã hội học người
Anh.
'Civil society' theo ý nghĩa xã hội học và chính trị
học hiện đại được hiểu là Cộng đồng dân sự thuần túy.
Trong ý nghĩa tổng quát, Cộng đồng dân sự là một khu
vực, một bộ phận của xã hội, không nằm trong khu vực nhà nước, lĩnh vực kinh tế
hay đời sống cá nhân.
Cộng đồng dân sự là một khu vực mở, trong đó có các
tác nhân hoạt động với mức độ tổ chức khác nhau từ cá nhân, nhóm, hội đoàn, tổ
chức phi chính phủ, tổ chức phi lợi nhuận, phong trào xã hội, đến các tổ chức
phụ thuộc ở mức độ khác nhau vào nhà nước.
Các nước ASEM đều có khối cộng đồng dân sự ở mức độ khác nhau
Trong ý nghĩa ấy, chuyển ngữ cụm từ 'civil society'
thành 'xã hội dân sự' vừa không chính xác, vừa khiến chính quyền hiện tại phải
lo ngại và đề phòng không cần thiết.
Hội
đoàn dân sự
Những tác nhân hoạt động trong Cộng đồng dân sự, để
tránh hiểu lầm và lo ngại, không nên gọi là tổ chức xã hội dân sự, mà chỉ giản
dị là tổ chức hay hội đoàn dân sự (trong bài này xin gọi tắt là hội dân sự).
Hội
dân sự có những đặc trưng cơ bản giống nhau như sau:
1) hình thành không cần thông qua hoạt động quản lý
trực tiếp nào của nhà nước, mà do đòi hỏi của thực tiễn, qua liên kết, hợp tác
tự nguyện giữa các cá nhân, các nhóm;
2) mục đích không nhằm đối lập, cạnh tranh hay thách
thức quyền lực nhà nước, mà tự mình chủ động bày tỏ những mối quan tâm, bảo vệ
lợi ích và đáp ứng nhu cầu của các thành viên;
3) phản hồi hay tham gia theo dõi, kiểm tra hoạt
động của cơ quan công quyền không phải là mục đích tự thân, lý do thành lập hay
mục tiêu hoạt động, mà chỉ giản dị là hệ quả phải có để có thể tự bảo vệ lợi
ích và đáp ứng nhu cầu của các thành viên, và
4) với tất cả những đặc trưng đó, chúng độc lập với
nhà nước.
Các hội dân sự tự động thành hình trong những thể
chế dân chủ pháp trị nơi mà quyền và lợi ích của các cá nhân không ngừng được
nâng cao và cần thỏa mãn kịp thời.
Một hoạt động bảo vệ động vật tại Việt Nam: các hội dân sự
tự hình thành
Ngay cả trong những chế độ độc tài và chuyên chính
vô sản, các hội dân sự cũng hiện hữu rộng khắp, hoặc do nhà nước hỗ trợ thành
lập, hoặc như một nhu cầu tự nhiên vì lợi ích của cá nhân trong xã hội không
được quan tâm và bảo vệ.
Tại Việt Nam, trước tiên, những tổ chức có tính chất
xã hội được nhà nước trực tiếp thành lập và chi phối trong phạm vi Mặt trận Tổ
quốc.
Sau đó, khi bầu không khí chính trị-xã hội dần thông
thoáng, các nhóm dân sự nhỏ hình thành để bảo vệ lợi ích chung và giúp đỡ lẫn
nhau giữa các thành viên trong những vấn đề mà họ không được chính quyền giúp
đỡ; kế đến là sự hình thành các tổ chức dân sự có tính chất từ thiện, giúp đỡ
những người có cuộc sống kém may mắn; tất nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế
đã xuất hiện các nhóm dân sự cùng chia sẻ sở thích, chia sẻ quan tâm giống nhau
về nhân sinh quan, thế giới quan, nghề nghiệp, hay giúp người khác rèn luyện kỹ
năng sống...
Đó là hiện tượng tự nhiên đã hiện hữu trên thực tế,
dù chính quyền muốn hay không và cho phép hay không, mà chắc chắn vẫn đang và
sẽ diễn ra ngày càng mạnh và rộng hơn.
Các hội dân sự như vậy không đối trọng với quyền lực
nhà nước, do vậy không nên sử dụng hoặc nhìn chúng như những công cụ đối kháng
với nhà nước.
Ngược lại, chúng chính là những 'van' xả áp lực,
giúp xoa dịu sự bất bình của người dân đối với nhà nước và chế độ.
Thực tế đã chỉ rõ, các nước XHCN Đông Âu trước đây
không sụp đổ vì hoạt động của các tổ chức và hội đoàn dân sự, mà trái lại là do
không có phương tiện giúp giảm bớt sự bức bối và phẫn nộ của người dân đối với
các chính sách bất công và bất hợp lý của chính quyền.
Như mọi tập hợp và tổ chức hình thành một cách tự
nguyện và có tính ngẫu nhiên theo tình hình thực tiễn khác nhau, các hội dân sự
rất dễ bị tấn công, phá hủy hoặc bị lợi dụng. Để tránh điều đó, nhà nước nên
nhanh chóng ban hành luật về hoạt động của hội dân sự.
Bởi lẽ bảo vệ sự tồn tại và bảo đảm hoạt động minh
bạch của hội dân sự bằng một hành lang pháp lý cụ thể trước hết chính là vì lợi
ích của nhà nước trong việc điều hành xã hội và tạo dựng lòng tin của người dân
vào chế độ.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của luật sư
Lê Công Định, một nhà hoạt động, cựu tù nhân chính trị ở Việt Nam.
No comments:
Post a Comment