Anh Vũ
- RFI
Thứ tư 09 Tháng Tư 2014
Trong
cuộc trưng cầu dân ý ngày 11/3 vừa qua, đại đa số người dân trên bán đảo Crimée
đã bỏ phiếu để được sáp nhập vào nước Nga. Bảy ngày sau đó, Crimée chính thức
trở thành vùng đất tự trị thuộc Nga. Kịch bản được Tổng thống Nga Vladimir
Putin chuẩn bị rất kỹ lưỡng đang có cơ tái diễn ở các vùng miền đông Ukraina.
RFI phỏng vấn bà Marie Mandras, nhà nghiên cứu chính trị học tại Trung tâm
khoa học Quốc gia Pháp (CNRS).
Donetsk,
Kharkiv, Louhansk. Từ nhiều ngày qua, tại các thành phố lớn nói trên ở phía
đông Ukraina, những nhóm ly khai rất tích cực. Họ tấn công các trụ sở chính
quyền. Những việc như vậy đã từng diễn ra ở Simféropol hồi đầu tháng Ba. Giờ
đây, tại Donetsk các nhóm thân Nga tuyên bố lập ‘nước cộng hoà tự trị » đồng
thời quyết định tổ chức trưng cầu dân ý. Kịch bản Crimée có thể lặp lại chăng?
Marie
Mandras : Những sự kiện đang do những nhóm ly khai Ukraina
tiến hành đều có bàn tay của Nga giống như ở Crimée, có điều là tại Crimée quân
đội Nga đã hiện diện tại chỗ, vì bán đảo Crimée có căn cứ quân sự của Nga từ
trước đó rất lâu rồi. Không phải toàn bộ người dân Donetsk chống lại Kiev mà ở
đây chỉ có một vài chục người mà rất có thể những người thuộc đội quân tinh
nhuệ đến từ Nga đã chiếm đóng một cách bất hợp pháp các trụ sở chính quyền.
RFI
: Vậy theo bà, đây có phải là diễn biến tiếp theo của kịch bản mà ông Vladimir
Putin đã dự trù cho Ukraina ?
Marie
Mandras : Kịch bản của Vladimir Putin đơn giản là làm cho
Ukraina trở nên không lãnh đạo được. Tức là gieo rắc xung đột bên trong nước,
lật đổ chính quyền bằng cách sử dụng các nhóm người có vũ trang, thường là
những người bịt mặt để người ta không nhận biết được họ là dân quân hay lính
tinh nhuệ Nga. Song song với đó là lật đổ về mặt kinh tế, ngăn cản để Ukraina
không còn vận hành về kinh tế một cách bình thường, vì giá hơi đốt đã được tăng
lên 80% và như vậy Ukraina không có khả năng thanh toán tiền khí đốt.
Điều cần phải hiểu rõ đó là Putin không phát động
một cuộc chiến tranh cổ điển ở Ukraina, bởi vì ông ta biết là làm như vậy thì
ngay lập tức sẽ vấp phải sự đáp trả vừa từ phía quân đội Ukraina, đồng thời cả
từ phía Nato. Như vậy ông Putin sẽ vi phạm luật pháp quốc tế và cả một số văn
kiện mà Nga đã ký với châu Âu trong những năm 1990 về bảo đảm an ninh cho
Ukraina. Vì thế, mối nguy đối với Ukraina không phải là một cuộc xâm lược do
quân đội thông thường của Nga tiến hành, nhưng nguy hiểm nằm ở chỗ gây hỗn loạn
dẫn đến lật đổ và làm cho cuộc bầu cử tổng thống ngày 25/5 tới ở Ukraina diễn
ra trong điều kiện bất ổn nhất để cho tính chính đáng của tổng thống được bầu
lên từ cuộc bầu cử này bị suy giảm.
RFI
: Việc Ngoại trưởng Nga, Serguei Lavrov kêu gọi đối thoại với tất cả các tác
nhân liên quan, theo bà, có thể gọi là một tuyên bố có ý nhằm làm dịu tình hình
?
Marie
Mandras : Không nên chấp nhận điều mà ông Serguei Lavrov đề
nghị. Ông này cũng cứng rắn không kém gì Vladimir Putin. Bởi vì, ông ta cũng
không muốn thương lượng riêng với chính phủ Kiev, mà chỉ muốn thương lượng với
chính quyền Ukraina cùng với những người gọi là đại diện các tình miền Đông. Như
thế thì có nghĩa là đã chấp nhận Ukraina không còn là một nước có chủ quyền và
các tỉnh đang bị phá vỡ. Như vậy, hiển nhiên đề nghị của Lavrov là không thể
chấp nhận được. Còn theo lập trường của châu Âu, của Nato, tất nhiên là Kiev
vẫn luôn là thủ đô của toàn bộ đất nước Ukraina.
RFI
: Nato kêu gọi Nga lui quân đang tập trung sát biên giới với Ukraina. Ở đây một
lần nữa đây vẫn là diễn văn người ta đã được nghe từ cộng đồng quốc tế, nhưng
rồi cuối cùng vẫn cứ bất lực ?
Marie
Mandras : Bất lực hay không, tôi không rõ. Hiện giờ, chúng
ta đã có khả năng bày tỏ rất rõ ràng với nước Nga rằng chúng ta không chấp nhận
việc sáp nhập Crimée. Cộng đồng quốc tế không công nhận việc sáp nhập Crimée,
vậy thì chúng ta có thể buộc quân đội Nga phải lùi xa với biên giới.
RFI
: Bằng cách nào ?
Marie
Mandras : Tôi cho rằng, cách duy nhất đó là ủng hộ tích cực
Ukraina và chống lại sự tuyên truyền của Nga.
RFI
: Và cả về mặt kinh tế nữa chứ ?
Marie
Mandras : Tất nhiên là cả về mặt kinh tế. Bởi vì người Nga
đang cố nhấn chìm nền kinh tế Ukraina. Vì thế không có gì hoài nghi là lúc này
chúng ta phải mang lại cho Ukraina sự hợp tác kinh tế tối đa và chống lại sự
tuyên truyền của Nga. Cần phải nói là những gì đang diễn ra ở Donetsk, Kharkov
và nhiều thành phố miền Đông Ukraina, chính là những hành động do Matxcơva xúi
bẩy chứ không phải ý nguyện tự do của dân chúng.
No comments:
Post a Comment