Sunday 6 April 2014

JAKARTA BÁC BỎ "ĐƯỜNG 9 ĐOẠN" CỦA TRUNG QUỐC (Ann Marie Murphy - Asia Times)




Ann Marie Murphy
Asia Times   3-4-2014

Người dịch: Huỳnh Phan
Posted by Admin on April 6th, 2014

Trong một thay đổi chính sách quan trọng, vào ngày 12/3 các quan chức Indonesia thông báo rằng bản đồ đường chín đoạn Trung Quốc phác hoạ yêu sách của họ ở biển Đông chồng lấn với tỉnh Riau của Indonesia, tỉnh này bao gồm chuỗi đảo Natuna.

Trong hơn hai thập niên qua, Indonesia đã tự đứng ở vị thế như một trung gian hòa giải độc lập trong tranh chấp biển Đông giữa một số thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc. Indonesia và Trung Quốc không có yêu sách trùng lặp đối với các đảo. Do đó, theo quan điểm của Jakarta thì Indonesia và Trung Quốc sẽ không có tranh chấp đối với vùng biển vì theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), các quyền đối với vùng biển bắt nguồn từ các quyền đối với đất đai.

Indonesia từ lâu đã thúc giục Bắc Kinh cam đoan về điểm này, nhưng họ không hợp tác. Việc Indonesia tuyên bố rằng họ thực sự là một bên có xung đột với Trung Quốc ở biển Đông kết thúc sự lập lờ chiến lược đã ngự trị nhiều năm và có khả năng làm tăng thêm căng thẳng cho một vấn đề vốn đã đầy ấp căng thẳng.

Tranh chấp biển Đông đã trở thành một vấn đề chiến lược quan trọng giữa Trung Quốc và ASEAN vào giữa thập niên 1990. Đặc biệt quan trọng là việc vào năm 1994 Trung Quốc chiếm đóng đảo Vành Khăn, cách bờ biển đảo Palawan khoảng 130 hải lý (210 km) và do đó cũng nằm ngay bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines (EEZ). Bất chấp phản đối của Philippines, Trung Quốc đã xây dựng các kiến trúc bê tông trên rạn san hô này và đến nay họ có một kiến trúc nhiều tầng trang bị đầy đủ với bến cảng, sân bay trực thăng, và radar.

Indonesia xem các tranh chấp lãnh thổ như là một mối đe dọa cho lợi ích then chốt của Indonesia trong sự ổn định khu vực Đông Nam Á, khu vực tự trị đối với bá quyền bên ngoài, và các chuẩn mực của ASEAN về giải quyết hòa bình các tranh chấp và quyền tự chủ đối với các cường quốc bên ngoài. Kết quả là, trong thập niên 1990 Indonesia bắt đầu tổ chức các cuộc hội thảo để giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin giữa các bên đối đầu nhau.

Cuối cùng, các thành viên ASEAN và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 (DOC), trong đó các bên ký cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực, và thực hiện tự kiềm chế. Quan trọng hơn, nó kêu gọi tất cả các bên ngừng việc chiếm các đảo, các rạn san hô và bãi cát ngầm không có người ở trong biển Đông.

Tuy nhiên Tuyên bố năm 2002 thiếu một cơ chế thực thi để bảo đảm việc tuân theo các nguyên tắc của nó. Để khắc phục vấn đề này, Indonesia giữ vai trò đầu tàu trong đàm phán một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc pháp lý xây dựng trên DOC và bao gồm các biện pháp phòng tránh leo thang quân sự trên biển.

Những nỗ lực hòa giải của Indonesia luôn luôn được thực hiện trong bối cảnh có mối quan ngại chiến lược đối với ý định của Trung Quốc. Indonesia đã từng xem Trung Quốc như là mối đe dọa chủ chốt bên ngoài trong phần lớn thời kỳ Chiến tranh Lạnh và “đóng băng” quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh từ năm 1967 đến năm 1990. Các quan chức ở Jakarta từ lâu đã lo ngại các mục tiêu mà phe ôm mộng lấy lại lãnh thổ xa xưa (irredentist) của Trung Quốc nhắm tới ở Biển Đông, đặc biệt đối với chuỗi đảo Natuna của họ, nơi có các mõ khí đốt có thể khai thác, thuộc loại lớn nhất thế giới. Mối quan ngại của Indonesia tăng lên song song với việc TQ tăng cường quân sự và sử dụng vũ lực một cách ngày càng quyết đoán để khẳng định lợi ích ở biển Đông.

Điều quan ngại đối với Indonesia không chỉ là quần đảo Natuna và vùng biển xung quanh – dù chúng rất quan trọng – mà còn là tính thiêng liêng của UNCLOS. Indonesia là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới và thiếu năng lực hải quân để bảo vệ quần đảo trãi rộng của mình, kéo dài từ đông sang tây 3.000 hải lý (4.800 km). Do đó Indonesia đã luôn luôn là nước ủng hộ mạnh mẽ UNCLOS.

Quan niệm về lãnh thổ quốc gia của Indonesia không chỉ bao gồm 17.000 hòn đảo của họ, mà còn là vùng biển mà nối kết các đảo này lại với nhau: trong tiếng Indonesia từ dùng để chỉ đất nước là tanah air, nghĩa đen là đất và nước. UNCLOS có hiệu lực vào năm 1994 gồm cả nguyên tắc quần đảo, nguyên tắc này trao cho các đảo quốc chủ quyền đối với nội thuỷ của mình. Do đó, việc bảo đảm sao cho các cường quốc lớn tuân theo UNCLOS là một lợi ích an ninh cốt lõi của Indonesia.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các hành động mà Indonesia thấy như là phá hoại UNCLOS và đe dọa ổn định khu vực. Thứ nhất là việc Trung Quốc công bố bản đồ đường chín đoạn năm 2009, gồm cả một phần vùng đặc quyền kinh tế đảo Natuna trong khu vực cực nam của nó. Indonesia phản đối yêu sách của Trung Quốc với LHQ trong năm 2010, và cũng yêu cầu Trung Quốc làm rõ yêu sách của họ – được vẽ tay vào năm 1947 – bằng cách cung cấp tọa độ chính xác.
TQ biện minh cho yêu sách của họ lâp lờ và theo quan điểm của Indonesia là không phù hợp với UNCLOS. Việc Trung Quốc không sẵn lòng đáp ứng tích cực yêu cầu của Indonesia đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến Jakarta rằng Trung Quốc đã không đánh giá cao những gì mà các quan chức Indonesia xem như là phản ứng kềm chế trước các khiêu khích của Trung Quốc và những nỗ lực của Jakarta thuyết phục các đối tác ASEAN theo sự dẫn dắt của nó.

Thứ hai, Trung Quốc gần đây đã trở nên quyết đoán hơn trong việc theo đuổi yêu sách của họ và ngày càng sử dụng vũ lực để làm điều đó. Nghiêm trọng nhất, theo quan điểm của Indonesia, Trung Quốc đã mở rộng tập trận hải quân và sự hiện diện vũ trang từ khu vực họ đòi chủ quyền ở phía Bắc gần với Trung Quốc đại lục xuống tới khu vực phía nam, nơi mà họ đã sử dụng vũ lực trong các cuộc đối đầu với các tàu thuyền của Indonesia.

Chẳng hạn trong năm 2010, sau khi một tàu tuần tra Indonesia bắt giữ một tàu Trung Quốc đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, Trung Quốc đã cử tàu Ngư chính 311, có trang bị súng máy, pháo nhẹ và cảm biến điện tử. Theo cáo buộc, tàu Ngư chính 311 đã chĩa súng máy vào tàu tuần tra Indonesia, buộc họ phải thả tàu Trung Quốc. Tương tự như vậy, tháng 3 năm 2013, các quan chức Indonesia lên một tàu Trung Quốc đánh bắt cá bất hợp pháp tại quần đảo Natuna và chuyển toàn bộ người trên tàu Trung Quốc sang tàu của họ để đưa vào bờ làm thủ tục pháp lý. Trước khi đến bờ, tàu vũ trang Trung Quốc chặn đầu tàu Indonesia, và yêu cầu thả các ngư dân Trung Quốc. Bị thua kém về vũ khí và quan ngại đến sự an toàn của nhân viên trên tàu, các quan chức Indonesia đành phải tuân theo.

Indonesia đã giữ im lặng các sự cố như vậy một phần là do họ thích làm công tác ngoại giao thầm lặng và một phần để giữ vị trí của mình như là trung gian hòa giải. Indonesia cũng hy vọng rằng Trung Quốc giá cao vai trò lãnh đạo của Jakarta trong khu vực và sẽ chú ý tới quan tâm của Indonesia trong vấn đề đảo Natuna để không làm xấu đi mối quan hệ giữa hai nước.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây Trung Quốc đã thực hiện một loạt các hành động quyết đoán đã đẩy Indonesia tới việc phải đưa thông báo công khai. Trung Quốc áp đặt vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông và tuyên bố sẽ áp đặt một vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông sau khi thực hiện các chuẩn bị thích hợp. Bắc Kinh tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương xung quanh đảo Hải Nam bao phủ gần như 57% Biển Đông. Họ phái tàu sân bay Liêu Ninh làm nhiệm vụ trong khu vực biển Đông, ở đó họ đã xông lên đá Vành Khăn (Mischief Reef) và tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi đối với bãi ngầm James (TQ gọi là Tăng Mẫu), chỉ cách bờ biển Malaysia 50 dặm, hay 80 km. Hiện nay, Trung Quốc đang cản trở việc Philippines cố tiếp tế cho binh lính của họ ở bãi Cỏ Mây (Thomas Shoal II).

Tuyên bố công khai xung đột với Trung Quốc của Indonesia được đi kèm bằng phát biểu về ý định củng cố khả năng quân sự của họ tại quần đảo Natuna. Tướng Moeldoko, người đứng đầu quân đội Indonesia, nói rằng Indonesia sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực, bổ sung một tiểu đoàn bộ binh và nhiều máy bay chiến đấu đồng thời cũng tăng cường sự hiện diện hải quân. Nỗ lực của Indonesia tăng cường sự hiện diện ở quần đảo Natunas xảy đến khi Jakarta tăng ngân sách quốc phòng hai con số trong những năm gần đây, nhắm phần lớn tăng chi tiêu cho an ninh hàng hải.
Tuyên bố công khai của Indonesia rằng họ có xung đột trên biển với Trung Quốc có khả năng sẽ là việc sắp lại thế trận mới cho cuộc đấu đang dang dở ở biển Đông. Với việc Indonesia chính thức phản đối yêu sách của Trung Quốc, sự mơ hồ chiến lược đã cho phép Indonesia giữ vị thế mình như một trung gian giữa Trung Quốc và các đối tác ASEAN đã bị mất đi. Các sự kiện sẽ diễn ra chính xác như thế nào không thể tiên đoán được. Căng thẳng ở biển Đông có khả năng sẽ tăng cao thêm nữa.


No comments:

Post a Comment

View My Stats