Tác giả gửi đến Dân Luận
Chủ Nhật, 13/04/2014
Khi sự thật-công lý-bình đẳng không được tôn trọng,
khi những kẻ tiểu nhân đắc chí, ba đời bần cố nông, ngu si, tham lam như nhân
vật Dậm trong "Dạ Tiệc Qủy" nắm quyền uy tuyệt đối, chiếm chỗ
đứng cao trong xã hội, cũng là lúc những giá trị tinh thần bị đánh đổ. Niềm tin
yêu hy vọng bị triệt tiêu, người dân Việt Nam gục ngã trong vũng lầy tăm tối,
thống khổ chứng kiến đêm dài một đời lúc sự sống và sự chết làm "đám
cưới" với nhau, mời gọi vũ trụ tham gia bữa tiệc ma quái kinh hoàng.
Bắt đầu bằng cái chết oan khuất của ông Cử:
"…Tiễn đưa ông, là một chiếc cọc. Ba sợi thừng
chuyên trói chó để cắt tiết và buộc lợn vào thang mà thiến của nhà ông Dậm. Một
loạt đạn trong nòng súng kíp tự chế. Rộn ràng hơn, thêm ba nhát cuốc mẻ và mười
bảy nhát vồ đập đất. Để cho vỡ nát đôi mắt thảng thốt. Cho vỡ nát cả cái uất
hận đang đọng lại dưới tròng mắt mở chong chong. Bộ óc mẫn tiệp từng dạy học,
từng làm thơ, từng cho thuốc cải tử hoàn sinh cả ngàn mạng người trong xứ, đã
bị loạt đạn tự chế của con ông cu Cáy nhồi vào nòng súng làm nổ tung. Ông cu
Cáy trước đây đã được ông Cử cứu mạng trận đau bụng bão. Đau đến mức cắn đất
cắn sỏi, bò lê bò càng trên mặt đất, sắp chết. Nay thì viên đạn của con ông cu
Cáy đã làm tinh óc ông Cử trắng hồng phọt ra ruộng mạ. Óc ông Cử làm bữa tiệc
cho lũ giun đất và sâu bọ…" [Chương 1]
Tiếp theo là cái chết tức tưởi của "mẹ trẻ
Phượng, trong dãy chuồng lợn ám khói ba mươi gian." [Chương1]. Để rồi
sau đó "Đứa Con Xanh là đứa trẻ sinh ra từ những tử thi chết trận, và
Đứa Con Vàng Nghệ là con ruột của lão Dậm đã bị chính lão giết chết, rồi vùi
xác dưới gầm bàn thờ trong ngôi nhà chiếm đoạt của ông Cử…," [Chương
2] đã mở đầu một cảnh ma quái khi khẳng định ông Dậm là "ma cà rồng."
Chỉ khác là ma cà rồng thì hút máu ban đêm, còn ông ấy đi hút máu ban ngày… Một
xã hội nhung nhúc những con ma cà rồng đội lốt người ở giữa thế kỷ 20. Những
con ma cà rồng đó…
…Là Lão Dậm - kẻ đã giết chết ông Cử, cưỡng hiếp bà
Cử và tiểu thư Phương cả khi họ chỉ còn là một thây ma.
-…Là ông Thạc, là cậu cả và cậu út - những kẻ sâu
dân mọt nước, lạm dụng chức quyền, chỉ biết vơ vét cho đầy túi tham và hưởng
lạc, không cần biết đất nước còn hay mất, dân chúng sống đói khổ như thế nào.
-…Là một trưởng công an huyện mắc bệnh bạo dâm, là
một giám đốc sở văn hóa, là một chánh văn phòng tỉnh ủy, đã hãm hiếp cô bé Hiền
cho đến chết.
Hình bìa sách “Dạ Tiệc Quỷ”
"Dạ Tiệc Qủy" gồm hai mươi chương là tiểu thuyết xã hội hiện thực siêu hình, mô tả một
giai đoạn "quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa. Cả một thời đểu
cáng đã lên ngôi" [1] của nhà nước cộng sản, bởi vì có những kẻ lãnh
đạo như lão Dậm gốc bần cố nông, ngu si, thất học, tham ô, dâm đãng, nhưng lại
khéo léo che đậy bằng cái vỏ chuyên chính vô sản.
Tác phẩm còn gợi lại nỗi buồn chiến tranh, vì cuộc
chiến nồi da xáo thịt cốt nhục tương tàn, giữa Miền Bắc và Miền Nam. Thành Cổ
hay Cổ Thành Quảng Trị - nơi "những bộ xương buồn thiu, các khớp xương
đụng vào nhau kêu lốc khốc trong gió mùa đông bắc…Có những cẳng tay khẳng khiu,
giơ lên cao, vặt lấy nhúm da còn sót lại đang bọc lấy xương, thều thào trước
khi tắt thở 'đói!'." [Chương 9] Phượng, hay chính là tác giả, thì
thầm: "Ăn đi, vì đây là dạ tiệc. Mỗi người là một món ngon trên bàn
tiệc của qủy." [Chương 9]
Võ Thị Hảo
Nhà văn Võ Thị Hảo sinh ngày 13 tháng 4 năm 1954,
tốt nghiệp Đại Học Tổng Hợp năm 1977, từng tham gia sinh hoạt báo chí với các
chức danh biên tập viên, phóng viên, trưởng văn phòng đại diện, trưởng ban thư
ký biên tập...
Ngoài tác phẩm đầu tay "Biển Cứu Rỗi"
in năm 1992, tính đến nay nhà văn Võ Thị Hảo đã xuất bản gần 20 tác phẩm, hầu
hết là truyện ngắn, ba kịch bản phim truyện, và tiểu thuyết dã sử "Dàn
Thiêu." Năm 2006 nhà văn Võ Thị Hảo viết xong "Dạ Tiệc
Qủy," nhưng tiểu thuyết này bị cấm xuất bản tại Việt Nam. Tháng 4 năm
2013 tủ sách Tiếng Quê Hương phát hành "Dạ Tiệc Qủy," để khẳng
định:"Khi thế lực ác quá mạnh, bao trùm khắp nơi và điều khiển cả xã
hội, thì toàn cõi Việt Nam dần dần biến thành "mảnh đất lắm ma nhiều
qủy." [2]
Hình ảnh siêu thực về "mẹ trẻ Phượng, Đứa
Con Xanh, Đứa Con Vàng Nghệ" Thành Cổ và những linh hồn đắm chìm trong
âm khí ngột ngạt nặng nề, khiến người đọc dễ liên tưởng "Dạ Tiệc
Qủy" là tiểu thuyết hư cấu, có thể quên mất đây là tác phẩm xã hội
hiện thực, phê phán sự cai trị tàn bạo của những kẻ cầm quyền bất tài, ngu dốt
trong chế độ cộng sản Việt Nam xưa và nay.
Bỏ đi tính chất ma quái và bản tánh "dị
thường" của nhân vật Phượng, nhân vật Miên, nhân vật Long, "Dạ
Tiệc Qủy" là câu chuyện thương tâm, khiến độc giả phải trăn trở thao
thức khi nghĩ đến số phận của người dân Việt, và tương lai của nước non nhà.
Gấp những trang sách lại rồi, người đọc vẫn nghe âm
vang câu hỏi: "Chúng ta là qủy thì chúng ta ăn gì ?" [Chương
9] Phải chăng đây không phải là câu hỏi chỉ dành cho những linh hồn, mà còn là
vấn nạn mà nhà văn Võ Thị Hảo muốn hỏi chính bản thân bà và độc giả.
Hoàng
Nhất Phương
8:06am Chủ Nhật ngày 9 tháng 3 năm 2014
[Chương1], [Chương 2], [Chương 9]: Trích trong "Dạ
Tiệc Qủy."
[1]. Thơ Bùi Minh Quốc
[2]. Tủ Sách Tiếng Quê Hương giới thiệu "Dạ
Tiệc Qủy."
----------------------
No comments:
Post a Comment